Friday, July 4, 2025

INTERNET : MỘT THỜI ĐÃ XA (Trịnh Hữu Long   |   Luật Khoa tạp chí)

 



Internet: Một thời đã xa

Trịnh Hữu Long   |   Luật Khoa tạp chí

 02/07/2025

https://luatkhoa.com/2025/07/internet-mot-thoi-da-xa/

 

HÌNH :

https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/07/Cong-an-Internet.jpg

Từ năm 2017 đến nay, số lượng nội dung của người dùng Việt Nam trên Facebook bị xóa theo yêu cầu của chính quyền ngày càng nhiều. Chuyện tương tự cũng xảy ra với Google, mà cụ thể là nền tảng YouTube của họ. Nguồn ảnh: AP. Đồ hoạ: Thiên Tân/Luật Khoa tạp chí.

 

 Chúng ta vừa trải qua những tháng ngày biến động chính trị long trời lở đất mà không có bất kỳ một phong trào thảo luận đáng kể nào diễn ra trên không gian mạng.

 

Giải thể, sáp nhập hàng loạt các cơ quan trung ương và địa phương: không.

 

Sửa Hiến pháp để bỏ cấp huyện: không.

 

Sáp nhập tỉnh thành, cắt một nửa số tỉnh: không. 

 

Giới quan sát chính trị Việt Nam dường như đồng thuận với nhau rằng năm 2016 đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược kiểm soát xã hội của Đảng Cộng sản. Internet là một trong những đối tượng chính của chiến lược mới này. [1] [2] [3] [4]

Bottom of Form

 

Những ai từng sống hay quan sát xã hội Việt Nam trước năm 2016 có thể nhận thấy một đất nước rất khác. Đó là thời kỳ bùng nổ kinh tế và cởi mở hơn về chính trị. Khi đó, Internet gần như nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền, các nền tảng nước ngoài như Yahoo, Google, Facebook đua nhau tới Việt Nam và làm mưa làm gió. Lần đầu tiên dân thường có được những công cụ tối tân và miễn phí để phát biểu. Xã hội dân sự dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng cũng bắt đầu nở rộ cả trên mạng lẫn ngoài đời. Nhiều phong trào biểu tình đã bình thường hóa khái niệm biểu tình đến mức người ta rục rịch trình dự luật biểu tình ra Quốc hội. [5] [6]

 

Mọi thứ dường như có một sức sống nào đó và gieo được một niềm hy vọng nào đó, dù chưa thực sự rõ ràng. 

 

Nhưng mọi thứ đã lao dốc không phanh kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 12, diễn ra vào tháng 1/2016. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau một nhiệm kỳ, đã được bầu lại và củng cố được quyền lực theo một cách hết sức ngoạn mục: loại bỏ được đối thủ chính trị lớn nhất của ông là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Kể từ đây, vị trưởng đảng luôn miệng hô hào bảo vệ sự lãnh đạo của đảng chống lại mọi kẻ thù cả trong và ngoài đảng. Xu hướng bảo thủ chiếm thế thượng phong. Dường như đã có một sự đồng thuận mới trong đội ngũ lãnh đạo rằng họ cần phải giành lấy quyền kiểm soát môi trường Internet bằng bất cứ giá nào. [7]

 

Và họ đã thành công. 

 

Trong một nghiên cứu được công bố năm ngoái, có tên “How foreign tech companies have failed to uphold human rights in Vietnam”, tôi có trình bày chi tiết quá trình chính quyền Việt Nam hạ gục các gã khổng lồ công nghệ nước ngoài và buộc họ phải tuân theo “sự lãnh đạo của Đảng” như thế nào. [8]

 

Lấy Facebook làm ví dụ.

 

Mạng xã hội này bành trướng vào Việt Nam năm 2009 sau khi nền tảng blogging Yahoo! 360 rút lui. Chỉ hai năm sau, Facebook đã là trung tâm thông tin của một phong trào biểu tình vô tiền khoáng hậu ở nước ta sau năm 1975, diễn ra suốt 11 tuần vào mùa hè năm 2011. Người ta gọi những phong trào như vậy là “Revolution 2.0” hay “Thế hệ F”. 

 

Những năm sau đó, các phong trào xã hội rầm rộ nhất đều diễn ra chủ yếu trên Facebook: từ phong trào lập hiến năm 2013, tới phong trào biểu tình chống Trung Quốc năm 2014, hay phong trào biểu tình phản đối chặt cây xanh ở Hà Nội năm 2015.

 

Facebook trở thành một nhà bảo trợ truyền thông đắc lực cho mọi phong trào xã hội ở nước ta, nếu không muốn nói là đồng minh quan trọng bậc nhất. 

 

Tới tận năm 2018, Facebook vẫn là chỗ dựa đáng tin cậy cho các phong trào này, với hai cuộc biểu tình lớn phản đối Công ty Formosa năm 2016 và phản đối dự luật đặc khu năm 2018. 

 

Nhưng rồi chuyện gì đã xảy ra?

 

Từ năm 2017 đến nay, số lượng nội dung của người dùng Việt Nam trên Facebook bị xóa theo yêu cầu của chính quyền ngày càng nhiều. Không rõ tỷ lệ thực tế các yêu cầu được Facebook thực thi là bao nhiêu, nhưng chính phủ Việt Nam luôn tuyên bố tỷ lệ 90-95%. 

 

Chuyện tương tự cũng xảy ra với Google, mà cụ thể là nền tảng YouTube của họ. Dữ liệu từ các Báo cáo Minh bạch của Google thậm chí còn cho thấy trong số các yêu cầu kiểm duyệt được chấp thuận, có tới 90% là nội dung chỉ trích chính quyền. 

 

Chính quyền Việt Nam đã làm được việc này như thế nào?

 

Đầu tiên, họ dùng thị trường Việt Nam làm đòn bẩy để gây sức ép với các công ty nước ngoài. Với quy mô doanh thu từ Việt Nam lên tới hàng tỷ đô mỗi năm, không có lý gì Facebook và Google lại chịu từ bỏ. Muốn được ở lại thị trường Việt Nam, họ phải chơi theo luật Việt Nam. Từng có thời gian Bộ Thông tin – Truyền thông liên tục gây áp lực buộc các doanh nghiệp Việt Nam không được quảng cáo trên các nền tảng nước ngoài, một kiểu bắt cóc tống tiền. 

 

Thứ hai, họ ban hành một loạt quy định mới nhắm tới các công ty nước ngoài. Luật An ninh mạng 2018 là một ví dụ điển hình khi buộc các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người dùng ở Việt Nam và mở chi nhánh, văn phòng ở Việt Nam. Vốn dĩ Việt Nam không cần Luật An ninh mạng để “trị” các công ty trong nước, cái họ cần là một cái búa gõ đầu các công ty nước ngoài. Sau Luật An ninh mạng là Nghị định 147/2024 yêu cầu các mạng xã hội xác thực thông tin người dùng. Và rất nhiều quy định khác. 

 

Đưa ra những quy định trên trời này không hẳn là để thực thi, mà là để mặc cả với Facebook và Google. Đó là lý do Nghị định 53/2022 sửa cả Luật An ninh mạng, không yêu cầu các công ty này lưu dữ liệu ở Việt Nam cũng như không cần mở cơ sở ở Việt Nam, chỉ cần tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ là được. 

 

Khi các hãng này không tuân thủ, biện pháp mạnh sẽ được triển khai. Đó là vào đầu năm 2020, sau biến cố Đồng Tâm, chính phủ đã bóp băng thông của Facebook suốt vài tháng trời, đến mức người dùng gần như không truy cập được. Lệnh cởi trói chỉ được ban ra sau khi Facebook đồng ý kiểm duyệt nội dung chính trị nhiều hơn. 

 

Thứ ba, họ dùng các lực lượng dư luận viên để thao túng nội dung trên các nền tảng nước ngoài. Xóa bài không đủ, họ phải làm chủ được sân chơi Facebook, YouTube và các không gian khác. Không những sử dụng các lực lượng dư luận viên và Lực lượng 47 như trước đây, họ còn lập ra Ban chỉ đạo 35 với mạng lưới rộng khắp trên cả nước, huy động cán bộ, công chức, các đoàn thể, trường học tham gia đấu tranh với thông tin mà họ cho là “xấu, độc”. 

Kết hợp với việc bắt bớ, bỏ tù người dùng trong nước, chiến lược của họ đã thành công vang dội. Các công ty nước ngoài đã quỳ gối tuân phục. 

 

Kể từ thời đại dịch COVID-19 trở đi, không gian mạng Việt Nam đã “ngoan hiền” hơn hẳn. Không còn phong trào xã hội nào khởi sinh từ đây hay dùng không gian mạng để huy động lực lượng một cách hiệu quả nữa. Facebook và Google giờ đây thậm chí còn bị cáo buộc là đồng lõa với chính phủ Việt Nam để kiểm soát ngôn luận.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm là kiến trúc sư trưởng của chiến lược kiểm soát này từ thời làm bộ trưởng Bộ Công an. Nay, trên đỉnh cao quyền lực, ít có lý do gì để ông cởi trói cho Internet.

 

------------

Chú thích

[1] Năm 2016 là năm diễn ra hàng loạt các cuộc bắt bớ những nhà hoạt động tích cực lên tiếng phản đối các vấn đề bất cập, nhiễu nhương trong xã hội Việt Nam. Xem: Báo cáo xuất bản năm 2018 về tình hình đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do biểu đạt ở Việt Nam của tổ chức Pen America. URL: 

https://pen.org/freedom-of-speech-in-vietnam/ 

 

[2] Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 20 trên 100 quốc gia về tự do con người, và được nhận xét là một xã hội không  tự do (not free) theo đánh giá của tổ chức Freedom House. Báo cáo này cũng cho biết đây là một năm biến động với hàng loạt cuộc đấu tranh, biểu tình, và hàng loạt vụ bắt bớ, sách nhiễu giới hoạt động dân chủ xã hội. Xem báo cáo này tại: 

https://freedomhouse.org/country/vietnam/freedom-world/2017 

 

[3] Báo cáo của tổ chức Nhân quyền Liên Hợp Quốc chỉ rõ những nỗ lực truy quét, đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2017, thể hiện một nỗ lực kiểm soát mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn của chính quyền đối với không gian dân sự. Xem báo cáo: 

https://www.hrw.org/report/2017/06/19/no-country-human-rights-activists/assaults-bloggers-and-democracy-campaigners 

 

[4] Tháng 11/2016, Freedom House phát hành một báo cáo dài 44 trang đánh giá về tình hình tự do trên Internet tại Việt Nam kể từ cuối năm 2015. Trong đó phản ánh rõ tình hình Internet đang được kiểm soát ngày càng gắt gao từ phía chính quyền, đặc biệt là sau giai đoạn người dân tổ chức biểu tình phản đối nhà máy Formosa. Xem báo cáo:

 https://freedomhouse.org/sites/default/files/2020-02/FOTN_2016_BOOKLET_FINAL.pdf 

 

[5] Một nghiên cứu của Bui Hai Thiem xuất bản trên tạp chí Sage (Sage Journals) vào tháng 8/2016 đã mô tả và phân tích rõ quá trình du nhập, lớn mạnh và phổ cập hoá đến người dùng của các dịch vụ máy tìm kiếm,  mãng xã hội và nền tảng đa phương tiện như Google, Facebook hay YouTube. Các dịch vụ này đặc biệt tiếp cận sâu rộng giới tinh hoa và tạo nên những luận đàn sôi nổi thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội, trở thành kênh thảo luận các vấn đề chính trị mà đông đảo quần chúng quan tâm. Xem nghiên cứu tại: 

https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/186810341603500204

 

[6] Nghiên cứu của hai học giả người Úc là Anita Chan và Kaxton Siu đã cho thấy có sự gia tăng đột biến số lượng các phong trào biểu tình tại Việt Nam từ năm 2006 trở đi, gắn với những bước phát triển kinh tế, khoa học – công nghệ, và sự bùng nổ của Internet cùng các kênh mạng xã hội. Xem bản tóm tắt nghiên cứu: 

https://studylib.net/doc/5612764/strikes-and-declining-living-standard-in-vietnam

 

[7] Bài báo của Michael Sainsbury ngày 28/7/2018 chỉ rõ chính quyền Việt Nam đã nỗ lực thắt chặt kiểm soát và kiểm duyệt môi trường Internet trong nước, đặc biệt là thông qua việc ban hành Luật An ninh mạng và tổ chức các lực lượng an ninh đặc biệt tích cực hoạt động trực tuyến. Theo bài báo, động thái này đã gây tác động nghiêm trọng đến quyền tự do của người dân ở nhiều lĩnh vực, trong đó có sinh hoạt tôn giáo.

 

Xem: https://web.archive.org/web/20220120130954/https://international.la-croix.com/news/world/vietnams-communists-intensify-control-of-internet/8161 

 

[8] Trịnh Hữu Long. (2024). Foreign tech companies in Vietnam: Challenges and failures in upholding human rights. Legal Initiatives for Vietnam. 

https://liv.ngo/publications/2024/07/new-report-new-seminar-how-foreign-tech-companies-have-failed-to-uphold-human-rights-in-vietnam/ 

 

 




No comments: