Bài toán khó cho
ASEAN khi Myanmar phản đối kết nạp Timor-Leste
Thiên Ngân - Luật
Khoa tạp chí
https://luatkhoa.com/2025/07/timor-leste-muon-gia-nhap-asean-myanmar-phan-doi/
HÌNH
:
https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/07/Timor-Leste-ASEAN-2048x1152.jpg
Nguồn
ảnh: Unteroffizier, ANTARA/Shofi Ayudiana.
Căng
thẳng dai dẳng giữa Timor-Leste và chính quyền quân sự Myanmar có thể khép lại
cánh cửa gia nhập ASEAN của Dili.
Tại
Đông Nam Á, Timor-Leste là một quốc gia khá non trẻ. Liên Hợp Quốc chỉ mới
chính thức công nhận quốc gia này vào năm 2002, đưa đảo quốc này trở thành nền
dân chủ trẻ nhất châu Á. Trước khi giành được độc lập vào ngày 20/5/2002,
Timor-Leste là một tỉnh của Indonesia, với tên gọi Đông Timor (East Timor).
Timor-Leste
nỗ lực gia nhập ASEAN
Ngay
trong năm 2002, sau khi vừa giành được độc lập, Timor-Leste đã được công nhận
tư cách quan sát viên (observer) của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ba năm sau, quốc gia này gia nhập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), một cơ chế đối
thoại an ninh và chính trị quan trọng trong khu vực.
Để
tăng cường hội nhập, mở thêm cơ hội, và không bị lạc lõng giữa các quốc gia
trong khu vực, quốc gia chỉ với 1,4 triệu dân này đã chính thức
nộp đơn xin gia nhập ASEAN vào năm 2011. [1]
Tuy
nhiên, con đường trở thành thành viên chính thức của ASEAN không hề dễ dàng. Từ
lâu, các quốc gia thành viên ASEAN đã lo ngại về việc liệu Timor-Leste có đủ
năng lực để đáp ứng các cam kết nghiêm ngặt của ASEAN hay không, chẳng hạn như đảm nhận tổ chức
các cuộc họp cấp cao và thực hiện các trách nhiệm về điều phối. [2]
Nhằm thể hiện thiện chí của mình, những người đứng đầu của
Timor-Leste đã tăng cường các chuyến thăm đến các quốc gia ASEAN và chia sẻ với
các nhà lãnh đạo trong khu vực về chính sách đối ngoại cũng như quan điểm hợp
tác của mình. Động thái có tính bước ngoặt ngoại giao diễn ra trong giai đoạn
2016-2017, khi Timor-Leste hoàn tất mục tiêu thành lập đại sứ quán tại thủ đô của
tất cả các nước ASEAN. [3]
Những
nỗ lực này mở ra triển vọng để Dili trở thành một phần của tổ chức lớn nhất khu
vực này. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Campuchia năm 2022, các nhà
lãnh đạo của tổ chức đã nhất trí “về mặt nguyên
tắc” (in principle) trong việc chấp nhận Timor-Leste như là thành viên thứ 11 của
Hiệp hội. Cũng trong dịp này, Timor-Leste đã được cấp tư cách quan sát viên
(observer status) của ASEAN. [4]
Tại
một cuộc họp báo vào ngày 27/5, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim – người giữ chức
chủ tịch ASEAN năm 2025 – cho biết Timor-Leste sẽ
được trao tư cách thành viên đầy đủ của Hiệp hội trong cuộc họp ASEAN sắp tới,
dự kiến diễn ra vào tháng
10/2025 ở Kuala Lumpur. Thủ tướng Anwar cũng lý giải thêm, sau nhiều vòng đàm
phán, Timor-Leste đã nhận được sự đồng thuận từ đa số, đủ điều kiện để trở
thành một thành viên của tổ chức này. [5]
Ngày
26/5, một ngày trước thông báo chính thức của Malaysia, tổng thống Timor-Leste
là José Ramos-Horta đã bày tỏ sự cảm kích khi đơn xin gia nhập của nước ông cuối
cùng đã được ASEAN chấp nhận. Ông chia sẻ trong niềm xúc
động: “Năm 2011, trong nhiệm kỳ tổng thống trước, chính tôi đã ký lá thư chính
thức bày tỏ ý định gia nhập ASEAN. Không nhiều người ở Timor-Leste hiểu và tán
thành quyết định này. Và cũng không nhiều người ở ASEAN đồng ý.” [2]
Myanmar
“nói không”
Tuy
nhiên, ngày 2/7, tờ Thai PBS cho hay Myanmar đã
chính thức thông báo với Malaysia, nước chủ tịch ASEAN hiện tại, rằng họ không ủng
hộ việc Timor-Leste gia nhập tổ chức này. [7] Phía Myanmar đưa ra lý do là
Timor-Leste đã không tuân thủ nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ
của ASEAN”, được ghi nhận trong Hiến chương của tổ chức (ASEAN Charter). [8]
Han
Win Aung, vụ trưởng Vụ ASEAN kiêm trưởng phái đoàn SOM ASEAN của Myanmar, giải thích cụ thể rằng chính phủ
Timor-Leste đã liên tục vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ
của Myanmar, do đó “[ASEAN] phải kiên quyết từ chối mọi cân nhắc về việc cấp tư
cách thành viên ASEAN cho Timor-Leste”, ông Han nhấn mạnh. [9]
Động
thái bất ngờ này không chỉ dội một gáo nước lạnh vào sự kỳ vọng của Timor-Leste
mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín của ASEAN, nhất là khi chính nước chủ tịch
Malaysia đã tuyên bố như đinh đóng cột về việc Timor-Leste sẽ chính thức gia nhập
khối này vào tháng Mười tới.
Vì
sao Myanmar lại “nói không” với nguyện vọng của Timor-Leste?
Căng
thẳng giữa Timor-Leste và chính quyền quân sự Myanmar không phải mới đây. Các
chính trị gia Timor-Leste đã nhiều lần chỉ trích chính quyền
quân sự Myanmar về các vấn đề khủng hoảng dân chủ và nhân quyền nghiêm trọng tại
quốc gia thuộc bán đảo Trung Ấn.
Tổng
thống José Ramos-Horta thậm chí đã trực tiếp gặp gỡ một đại diện cấp cao của
Chính phủ Đoàn kết dân tộc Myanmar (NUG) là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Zin Mar
Aung tại thủ đô Dili. [10]
NUG
là tổ chức phản đối kịch liệt chính quyền quân sự Myanmar. Chính quyền quân sự
đang cầm quyền luôn coi NUG là cái gai trong mắt và gọi họ là lực lượng “khủng bố”. [11]
Tháng
8/2023, chính quyền quân sự Myanmar đã yêu cầu các nhà ngoại
giao hàng đầu của Timor-Leste phải rời khỏi quốc gia này. [12] Lý do là bởi
Timor-Leste thường xuyên có những động thái thể hiện sự chống đối chính quyền
quân sự tại Burma, như liên hệ giúp đỡ và đón tiếp các nhà hoạt động của NUG,
liên tục chỉ trích mạnh mẽ các lãnh đạo của
chính quyền quân sự, và đưa ra cam kết ủng hộ vững chắc đối với những nỗ lực của
nhân dân Myanmar nhằm khôi phục nền dân chủ. [13]
Tháng
5/2024, Tổng thống José Ramos-Horta thêm một lần nữa đề cập đến cuộc xung đột
ở Myanmar và cho rằng nguyên nhân chủ yếu của bất ổn bắt nguồn từ việc quốc gia
này đã không có hành động nào rõ ràng để ngăn chặn tình trạng thoái trào dân chủ.
Ông José Ramos-Horta cũng đồng thời nhấn mạnh rằng việc giải quyết cuộc khủng
hoảng chỉ có thể dựa trên nỗ lực đối thoại. [14]
Tuy
nhiên, quan điểm của Timor-Leste về vấn đề Myanmar cũng thể hiện sự bất nhất,
khi xét đến những hành động khác của quốc gia này. Năm 2021, Dili đã đứng về
phía Phnom Penh khi bỏ phiếu trắng (abstention)
cho một nghị quyết không ràng buộc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án chính
quyền quân sự Myanmar. [15] Đây là một bước đi có tính toán của Timor-Leste nhằm
tìm kiếm sự ủng hộ của Myanmar khi nước này muốn trở thành thành viên thứ 11 của
ASEAN.
Bài
toán khó cho Timor-Leste và ASEAN
Dù
thế nào đi nữa, thái độ kiên quyết của Myanmar cho thấy Timor-Leste phải lựa chọn
giữa việc, hoặc là cam kết ủng hộ dân chủ và giúp đỡ lực lượng phản đối chính
quyền quân sự Myanmar; hoặc giữ im lặng để được chấp nhận là thành viên của
ASEAN.
Như
vậy, con đường để Timor-Leste gia nhập ASEAN vào tháng Mười năm nay như tuyên bố
của Malaysia vẫn chưa hề chắc chắn. Nguyên tắc của ASEAN về cơ chế “đồng thuận”
quy định nếu một thành viên của khối phản đối bất kỳ đề xuất nào thì đề xuất ấy
không thể thông qua. Việc này có
thể ngăn cản Timor-Leste gia nhập tổ chức. Trên thực tế, Myanmar vẫn đang tận dụng
tốt nguyên tắc chung này để ngăn chặn tiếng nói dân chủ từ phía
Timor-Leste.
Sự
kiện lần này cho thấy một thực tế đang diễn ra trong các chương trình nghị sự
quốc tế. Đó là thế nan giải của nỗ lực dung hoà những giá trị phổ quát như dân
chủ và nhân quyền (như đề xuất của Timor-Leste) với hiện thực của đường lối độc
tài quân sự (như chủ trương của Myanmar) vẫn cầm quyền tại nhiều quốc
gia.
Bài
toán đặt ra với ASEAN và cả Malaysia là, liệu họ nên thuyết phục Timor-Leste từ
bỏ các tuyên bố và hành động đối đầu với Myanmar, hay nên khuyên nhủ chính quyền
quân sự Myanmar cần có lập trường bao dung hơn với đảo quốc non trẻ? Và rằng,
liệu uy tín của ASEAN có chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi sự chia rẽ trong lập
trường của khối này đang biểu hiện rõ ràng hơn bao giờ hết?
Sự
phản đối của Myanmar diễn ra trong bối cảnh ASEAN vẫn đang cố gắng vượt qua các
khó khăn đến từ xung đột nội khối, như sự kiện đối đầu giữa Campuchia và Thái
Lan, những căng thẳng ở Biển Đông giữa Việt Nam và Philippines với Trung Quốc,
hay tình hình bất ổn kéo dài ở Myanmar. Tình thế đó đã khiến con đường gia nhập
ASEAN của Timor-Leste đang ngày càng thu hẹp hơn.
Chính
những điều này đang gây nên nghi ngại về tính hiệu quả và ổn định trong công
tác vận hành của tổ chức này, đồng thời cũng trở thành một thách thức trực tiếp
đối với yêu cầu gìn giữ thế trận đoàn kết, hữu nghị của toàn Hiệp hội.
-------------
Chú
thích
- Worldometer.
(2025, July 2). Timor-Leste Population. https://www.worldometers.info/world-population/timor-leste-population/
- Hoong, L. W.
(2025, July 2). Timor-Leste to be granted full Asean membership in
October, says Malaysia PM Anwar. The Strait Times. https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/timor-leste-to-be-granted-full-asean-membership-in-oct-2025-pm-anwar
- Ministry of
Foreign Affairs and Cooperation of Timor-Leste (2025, July 2).
Progress. https://mnec.gov.tl/node/64
- Stanhope, G.
(2025, January 27). ASEAN’s new developmental divide. The Interpreter. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/asean-s-new-developmental-divide
- Xem [2].
- Xem [2]
- Thai PBS (2025,
July 2). Myanmar opposes Timor Leste’s ASEAN membership. https://world.thaipbs.or.th/detail/myanmar-opposes-timor-lestes-asean-membership/58065
- ASEAN (2008,
January). The ASEAN Charter. ASEAN Secretariat. https://asean.org/wp-content/uploads/images/archive/publications/ASEAN-Charter.pdf
- Xem [7]
- Reuters (2023,
August 27). East Timor condemns Myanmar’s expulsion of top diplomat. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/east-timor-condemns-myanmars-expulsion-top-diplomat-2023-08-27/
- Đức, H. (2021, May
9). Myanmar: ‘Chính phủ đoàn kết dân tộc’ bị coi là ‘khủng bố’. PLO. https://plo.vn/myanmar-chinh-phu-doan-ket-dan-toc-bi-coi-la-khung-bo-post625179.html
- The Straits Times
(2023, August 28). Myanmar expels top Timor-Leste diplomat. https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/myanmar-expels-top-timor-leste-diplomat
- Aung, S. K. (2023,
May 10). Timor-Leste’s Firm Stance on Myanmar Driven by Values. Democratic Erosion Consortium. https://democratic-erosion.org/2023/10/05/28945/
- President Holds
Dialogue with Future ASEAN Leaders in Singapore. (2024, May 31). President of the Republic of Timor-Leste. https://presidenciarepublica.tl/president-holds-dialogue-with-future-asean-leaders-in-singapore/
- Hunt, L. (2025,
June 29). Timor-Leste’s Bid for ASEAN Membership Tarnished by Myanmar
Vote. The Diplomat. https://thediplomat.com/2021/06/timor-lestes-bid-for-asean-membership-tarnished-by-myanmar-vote/
No comments:
Post a Comment