Trúc Phương/Người Việt
December
22, 2024 : 6:13 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/moscow-mua-giang-sinh-buon/
Không
khí Giáng Sinh và đón năm mới ở Nga, thoạt nhìn, vẫn như lệ thường. Đèn chùm
trang trí vẫn nhấp nháy. Tuy nhiên, lòng người không vui. Sự lạnh lẽo không chỉ
đến từ thời tiết cuối năm mà còn từ nền kinh tế ảm đạm…
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/12/Binh-Luan-Giang-Sinh-Moscow-1536x939.jpg
Một
tụ điểm trang trí đón Giáng Sinh và năm mới 2025 tại thủ đô Moscow. (Hình:
Alexander Nemenov/AFP via Getty Images)
Tạm
biệt “Novogodniy stol”!
Tờ
The Moscow Times bình luận: Cuộc đếm ngược đón năm mới chẳng khác nào sự thấp
thỏm đón chờ thời điểm mọi thứ chuẩn bị rơi xuống vực; và đèn Giáng Sinh chẳng
khác nào đèn đỏ cảnh báo, nhắc mọi người phải thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh
lạm phát phi mã và đồng rúp lao dốc. Kremlin cho biết họ có thể phải phát thẻ
thực phẩm cứu đói cho người nghèo. Trong khi đó, Ngân Hàng Trung Ương Nga cố ổn
định nền kinh tế thông qua việc tăng lãi suất và can thiệp tỉ giá hối đoái.
Thị
Trưởng Moscow Sergei Sobyanin vừa thông báo chương trình đốt pháo hoa năm nay sẽ
lại bị hủy. Rusprodsoyuz, liên đoàn thực phẩm Nga, ước tính chi phí cơ bản của
“Novogodniy stol” (bàn tiệc năm mới) tăng 11.4% trong năm nay, lên 12,000 rúp
(khoảng $115.94).
Bữa
tiệc “xa hoa” cuối năm thường có trứng cá muối đỏ, cá hồi hun khói, xúc xích
khô, xúc xích hun khói và kholodets (thịt đông); kèm phô mai, táo, chuối, cam,
champagne và cognac. Các món salad cũng là trung tâm của bất kỳ bữa tiệc lễ nào
ở Nga, đặc biệt món truyền thống “cá trích nằm dưới áo khoác lông thú” (món
salad nhiều lớp đầy màu sắc trộn với cá trích ngâm) và cá đóng hộp Mimosa.
Ngoài ra, còn có “Olivier Salad” – gồm khoai tây luộc, trứng, dưa chua, cà rốt,
đậu Hòa Lan và xúc xích hoặc thịt gà (tất cả được phủ lớp sốt mayonnaise).
Tuy
nhiên, năm nay, khi lạm phát tăng phi mã, “Olivier Salad” đang biến mất. Những
thành phần chính cho món này, chẳng hạn thịt gà và mayonnaise, đã tăng 30%;
trong khi khoai tây tăng 65%. Cuối năm 2023, Nga từng thiếu trứng lẫn gà do các
lệnh trừng phạt kinh tế khiến gián đoạn chuỗi cung ứng và làm chi phí thức ăn
chăn nuôi tăng cao. Bơ, mặt hàng thực phẩm bình thường, giờ đây trở thành thứ
xa xỉ khi giá tăng vọt gần 30% trong năm 2024.
Nhiều
nơi đang xảy ra tình trạng ăn cắp bơ trong siêu thị để bán lại trên thị trường
chợ đen. Người dân Moscow rất sốc khi thấy bơ Brest-Litovsk có giá 250 rúp
($2.47), gần bằng giá bơ Kerrygold cao cấp ở Ireland. Làn sóng trộm cắp tại các
siêu thị đang tăng nhanh.
The
Moscow Times thậm chí cho biết, chuyện cướp có vũ trang trong siêu thị đang xảy
ra. Một đoạn camera ghi ngày 29 Tháng Mười, từ siêu thị Pyaterochka trên đường
cao tốc Leningradskoye, đã quay lại cảnh hai gã ăn cắp 25 gói bơ. Khi chúng tẩu
thoát, một cuộc ẩu đả loạn cào cào đã nổ ra ở lối ra siêu thị. Một kẻ trong bọn
chúng thụi liên tiếp vào cô nhân viên bán hàng trong khi tên kia dùng dao đe dọa
nạn nhân.
Những
tiếng kêu gào lọt vào thinh không
Đời
sống càng khó khăn hơn nếu từ giờ đến cuối năm, Ngân Hàng Trung Ương Nga một lần
nữa tăng lãi suất, hiện ở mức cao nhất trong hai thập niên. Với lãi suất có thể
tăng 200 điểm cơ bản, tức vọt lên 23%, chi phí đi vay sẽ tăng vọt, ảnh hưởng đến
mọi thứ, từ các khoản vay tiêu dùng đến thẻ tín dụng và thế chấp. Theo cơ quan
thống kê Rosstat của Nga, sự sụt giảm của đồng rúp sẽ đẩy lạm phát lên mạnh.
Bằng
cách tăng lãi suất, người đứng đầu Ngân Hàng Trung Ương Nga, bà Elvira
Nabiullina, đặt mục tiêu hạn chế tiêu dùng và cuối cùng là giúp giá cả hạ. Tuy
nhiên, chiến lược của bà đang vấp phải sự chỉ trích. Andrei Kostin, tổng giám đốc
điều hành Ngân Hàng VTB, nói rằng lãi suất cao sẽ không hiệu quả trong việc chống
lạm phát, do gánh nặng của các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế và màn đốt
tiền như đốt vàng mã khi Kremlin tiếp tục vét ngân sách cho chi tiêu quân sự.
Ralf
Ringer, nhà sản xuất giày lớn nhất Nga, đã tuyên bố phá sản ngày 7 Tháng Mười
Hai, khi nợ nần chồng chất và bị ngân hàng phạt 1.5 tỷ rúp (hơn $14.4 triệu).
Nhà phát triển bất động sản Samolet hiện cắt giảm việc làm trong bối cảnh doanh
số bán căn hộ mới sụt nghiêm trọng. Ngay cả những người trung thành với Kremlin
như tổng giám đốc điều hành Sberbank, Herman Gref (cựu bộ trưởng kinh tế), cũng
công khai lên tiếng rằng tình hình kinh tế đang nguy cấp.
Với
chi phí tăng và doanh thu giảm, Nga công bố thâm hụt tài chính hàng năm gần 2%
GDP. Thậm chí đáng lo ngại hơn, Nga đã rút Quỹ phúc lợi quốc gia xuống còn khoảng
một nửa so với trước chiến tranh.
Đây
không chỉ là cuộc khủng hoảng ngân sách. Đây là biểu tượng rõ ràng của một nền
kinh tế đang oằn mình dưới sức nặng của cơn sốt chi tiêu cho chiến tranh của
Putin.
Giải
pháp của Điện Kremlin? Nhập cảng các mặt hàng thiết yếu đắt đỏ từ Iran, Ấn Độ
và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, lạm phát không phải do động lực thị trường mà do
chi tiêu không ngừng nghỉ trong thời chiến khiến đẩy nền kinh tế đến bờ vực thẳm.
Hơn 200 trung tâm mua sắm ở Nga có nguy cơ phá sản do nợ tăng cao sau đợt tăng
lãi suất gần đây – theo Kommersant trong bản tin ngày 1 Tháng Mười Một. Liên
minh các trung tâm mua sắm hiện kêu gọi Bộ Trưởng Kinh Tế Maxim Reshetnikov hỗ
trợ cho vay ưu đãi.
Chọn
súng hơn là bơ
Tổng
Thống Vladimir Putin thường xuyên bốc phét về khả năng phục hồi nền kinh tế quốc
gia. Ông nói rằng Nga có cả “bơ và súng.” Tuy nhiên, trong thực tế, súng được
ưu tiên hơn bơ. Nền kinh tế Nga trị giá $2 ngàn tỷ chưa thật sự sụp đổ nhưng
khó khăn tiếp tục chồng chất, các vết nứt ngày càng sâu, sự rối loạn đang tăng;
trong khi Putin tiếp tục bế tắc.
Cuối
năm 2024, các lệnh trừng phạt nhắm vào ngành dầu khí bắt đầu có hiệu lực sau gần
ba năm không thành công.
Ngày
28 Tháng Mười, Bloomberg News cho biết nhà sản xuất khí đốt Novatek đã dừng sản
xuất tại dự án LNG-2 ở Bắc Cực. Tình hình cũng trở nên tồi tệ hơn đối với gã khổng
lồ Gazprom, nơi cho biết họ lỗ đến $6.8 tỷ vào năm 2023 – lần đầu tiên kể từ
năm 1999.
Các
lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào 50 ngân hàng Nga, trong đó có Gazprombank,
đã làm tăng thêm chi phí giao dịch cho các nhà xuất nhập cảng của Nga và khiến
đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất so với đôla Mỹ kể từ Kremlin thực hiện cuộc
xâm lược Ukraine.
Bất
luận tình hình đen tối và người dân đang chết đói, Tổng Thống Putin vẫn thích
súng hơn bơ. Theo các tài liệu dự thảo ngân sách, năm 2025, Nga sẽ tăng chi
tiêu quân sự thêm 27%, lên mức kỷ lục 13.5 nghìn tỷ rúp (hơn $133.3 triệu) so với
năm 2024. Kremlin có kế hoạch phân bổ 40% ngân sách 2025 cho quốc phòng và an
ninh nội bộ, vượt qua tổng chi tiêu cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã
hội và nền kinh tế. Gần 30% sẽ được chuyển trực tiếp cho quân đội – một mức
chưa từng thấy kể từ thời Liên Xô.
Tiếng
kêu gào đang vang khắp nơi, đặc biệt từ giới tinh hoa. The Washington Post cho
biết, Boris Kovalchuk, người đứng đầu cơ quan giám sát tài chính Nga và là con
trai của một trong những đồng minh thân cận nhất của Putin, chủ ngân hàng Yury
Kovalchuk ở St. Petersburg, cảnh báo vào ngày 27 Tháng Mười Một, rằng việc tăng
lãi suất đang “hạn chế khả năng đầu tư của doanh nghiệp và dẫn đến tăng chi
tiêu ngân sách liên bang.”
Igor
Sechin, một đồng minh thân cận khác của Putin, người đứng đầu tập đoàn dầu mỏ
khổng lồ Rosneft, đã chỉ trích Ngân Hàng Trung Ương Nga, nói rằng việc tăng lãi
suất đang “tác động tiêu cực đến chi phí” của công ty lẫn các nhà thầu và nhà
cung cấp của công ty.
Sergei
Chemezov, đồng minh thân cận của Putin, người đứng đầu tập đoàn vũ khí nhà nước
RosTec, cũng lên tiếng vào cuối Tháng Mười, rằng nếu lãi suất vẫn ở mức hiện tại,
“thực tế là phần lớn doanh nghiệp của chúng ta sẽ phá sản.” Sergei Chemezov nhấn
mạnh thêm rằng Nga buộc phải cắt giảm xuất cảng vũ khí.
Những
nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại chính là các nhà thầu trong ngành công
nghiệp quốc phòng, theo Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn Ngân Hàng Trung Ương
Nga và hiện là thành viên Trung Tâm Carnegie Russia Eurasia. Phát biểu vào đầu
Tháng Mười Một tại một diễn đàn kinh tế, Andrey Gartung, giám đốc nhà máy
Chelyabinsk, nói rằng các ngành chính của kỹ thuật cơ khí có thể “sụp đổ” bất kỳ
lúc nào.
Trong
bối cảnh chiến tranh kéo dài đến năm thứ ba và tổn thất về thiết bị quân sự
tăng vọt, lực lượng lao động đã đạt đến công suất tối đa trong khi nguồn cung
vũ khí dần cạn kiệt. Theo Jack Watling và Nick Reynolds thuộc Royal United
Services Institute ở London, 80% xe tăng và các loại xe chiến đấu bọc thép được
sử dụng trong chiến tranh không phải là xe mới mà được tân trang từ kho hiện
có.
Bất
luận thế nào, Kremlin vẫn tỉnh bơ. Nhiều nhà quan sát nhận thấy, theo quan điểm
của những kẻ ngồi trong Kremlin, mọi thứ vẫn ổn, chẳng có gì phải rối. Sự hỗn
loạn ở các nước tư bản phương Tây, từ Pháp đến Đức, đặc biệt sự rối ren ở Mỹ,
khiến Putin càng tin rằng phương Tây chắc chắn sẽ bỏ Ukraine, hay ít ra là giảm
mạnh việc hỗ trợ cho Kyiv.
Moscow
tin rằng thời gian đang đứng về phía họ. Cần kiên nhẫn chờ. Donald Trump có thể
giúp Putin kết thúc cuộc chiến Ukraine “trong vòng 24 giờ.” Và giải pháp khả dĩ
nhất là Trump yêu cầu Kyiv “đổi đất lấy hòa bình.” [kn]
No comments:
Post a Comment