Trần Văn Chánh
29/12/2024
https://baotiengdan.com/2024/12/29/nghi-tu-vu-an-ho-duy-hai/
Vụ
án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự giết người ở Việt Nam xảy ra vào tối
13-1-2008 tại Bưu Điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long
An. Ngày 21-3-2008, nghi phạm Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, bị bắt, rồi sau mấy lần
xét xử (sơ thẩm năm 2008, phúc thẩm năm 2009) đương sự bị kết án tử hình về tội
giết người.
Do
trong quá trình điều tra xét xử còn nhiều vấn đề tranh luận từ rất nhiều giới
khác nhau, có hoặc không liên quan đến luật pháp, đến nay tính ra chỉ còn vài
ngày nữa là đã tròn 17 năm, người thanh niên họ Hồ 39 tuổi này vẫn còn bị giam
giữ mà vẫn chưa được trả tự do hay thi hành án tử.
Đây
là một vụ án quá nổi tiếng, kéo dài đến nỗi ai ai trong nước, ngoài nước, kể cả
thường dân ở tận những xứ khỉ ho cò gáy cũng đều biết, thiết nghĩ không cần nhắc
lại các tình tiết xảy ra vụ án cũng như quá trình xét xử dông dài. Chỉ cần đặt
câu hỏi: Hồ Duy Hải thật sự có tội hay không? Nếu không có tội thì tại sao
không thả? Nếu có tội thì tại sao không đưa ra hành quyết theo kết luận của hai
phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm? Ai chịu trách nhiệm quyết định cuối cùng về
tình trạng lấp lửng rất kỳ quặc này? (Thời xưa thì có vua, bây giờ là ai?)
Kẻ
viết bài này chỉ là thường dân bên ngoài, không quen biết gì với gia đình Hồ
Duy Hải và cũng không có điều kiện/ khả năng truy cứu sự thật, vốn thuộc trách
nhiệm của các ngành chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án. Ngoài ba
ngành này, còn có người đứng đầu về mặt chính phủ, trên chính phủ còn có Đảng Cộng
sản quang vinh, vì nước vì dân lãnh đạo, tụ lại trong khoảng 200 ông bà ủy viên
trung ương, hơn nữa, còn có khoảng 500 đại biểu Quốc hội, chưa kể thêm Mặt trận
Tổ quốc, Đoàn Thanh niên…, với bốn nhân vật “đứng đầu của đứng đầu” thuộc hàng
tứ trụ chỉ huy/ quyết định tất cả. Thế mà tại sao cả cái hệ thống chính trị vốn
luôn tự hào là tinh hoa đất nước này trong suốt gần 17 năm trời lại không muốn,
không dám, không có khả năng và tỏ ra bất lực trong việc giải quyết dứt điểm một
vụ án cỏn con?
Việc nhỏ
như vậy làm không xong thì việc lớn thế nào? Ai tin đươc? Thật là hèn kém và nhục
nhã!
Điều này
càng khẳng định thêm lề lối lãnh đạo tập thể tất yếu dẫn đến tình trạng vô
trách nhiệm tập thể, và cả cái hệ thống chính trị vừa kể trên là bất lực, không
còn xài được nữa!
Càng
tập thể bao nhiêu thì lại càng cá nhân chủ nghĩa bấy nhiêu. Trong giới lãnh đạo
cấp cao, hầu hết đều là một đám gian tham giả đạo đức, chỉ bo bo chia quyền
tham nhũng, mà việc có cả chục ông bao gồm trong tứ trụ và hàng thứ trưởng/ bộ
trưởng vừa rồi bị kỷ luật, hoặc “vào lò” là một sự minh chứng rất hùng hồn. Rằng
các ông chủ yếu chỉ lo giữ ghế, kiếm tiền, không ai dám công khai nói lời trung
thực, bênh vực công lý, vì sợ đồng chí dòm ngó bắt bẻ, ảnh hưởng đến tiền đồ;
cũng không còn lòng dạ đâu để tỏ chút lòng xót thương đối với số phận nhỏ nhoi
của một dân hèn như Hồ Duy Hải và như biết bao người khác nữa…
Bầu
chọn, quyết định cho các ông lên theo đúng quy định và quy trình, lại còn trình
diễn bỏ phiếu tín nhiệm nữa, nhưng ông nào được phiếu tín nhiệm cao giữ chức lớn
cũng đều tào lao hết! Cho thấy tổng thể bao gồm Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành
Trung ương, Quốc hội…, tức cả cái hệ thống chính trị cũng chẳng ra gì!
Hy
vọng một số ông lớn chưa bị “cho xin từ chức” sẽ đỡ hơn mấy ông bà lớn vừa bị kỷ
luật, thấy được mấu chốt của vấn đề đang xét mà tìm cách sửa đổi sự trục trặc của
cả hệ thống một cách căn bản hơn, thay vì chỉ vá víu, lấy cái sai này để chữa
cho cái sai khác.
Tạm
không truy xét kỹ quá khứ của mấy nhân vật tứ trụ đang còn đương nhiệm, mà chỉ
cần quan tâm xem xét trong hiện tại họ đang có chủ trương gì tốt có thể mang lại
lợi ích lâu dài cho đất nước hay không. Trong chiều hướng suy nghĩ này, tôi cho
rằng lời nói gần đây của ông TBT đương nhiệm “thể chế là điểm nghẽn của điểm
nghẽn” là một nhận định nghiêm túc, trung thực và đúng đắn, đáng coi là lý luận
tiền đề quan trọng về mặt nhận thức để khởi động những công cuộc cải cách chính
trị tiếp theo, nhằm thực hiện kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Có
lẽ sớm nhận ra hai chữ “thể chế” dường như quá căng, dễ bị các đồng chí bảo thủ
và bảo hoàng hơn vua tập trung ném đá, nên ông đã đổi sang một cách diễn đạt uyển
chuyển dễ nghe hơn, gọi là tinh giản bộ máy – tiết kiệm ngân sách để tập trung
cho vốn đầu tư phát triển, đồng thời với việc đột phá phát triển khoa học –
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thực chất, những nội
dung này cũng gần như đồng nghĩa với cải cách thể chế. Đây là một tư tưởng lớn
mang tính đột phá và cách mạng, nhưng nếu đặt trong điều kiện thực tế của nền
chính trị Việt Nam XHCN vốn đã cổ hủ, thối nát toàn tập, thì việc thực hiện sẽ
đầy khó khăn phức tạp, với rất nhiều thách thức không dễ vượt qua, và kế hoạch
lớn tuy xuất phát từ thành ý cải cách của người chủ trương nhưng rất dễ bị rơi
vào “thiểu số”.
Cần
nhận ra rằng, so với người đồng chức tiền nhiệm, nhân vật đang nắm đại quyền hiện
nay hơn hẳn về mặt kiến thức, viễn kiến, có đầu óc thực tế và hiểu rõ hiện tình
đất nước hơn, đặc biệt không còn cứ chăm bẵm mãi vào giáo điều chủ nghĩa Mác –
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong khi trên thực tế chẳng còn ai thật sự tin
vào chủ nghĩa Mác – Lênin hoặc thực hành theo lời dạy của Bác cả, kể cả bộ sậu
mấy chục ông lớn năm nào cũng trình diễn vào thăm lăng Bác đến bốn năm lần!
Tuy
nhiên, muốn giải quyết rốt ráo điểm nghẽn thì cần bổ sung nhận rõ thêm một điểm
nghẽn mấu chốt nữa, đó gọi là “điểm nghẽn” của điểm nghẽn của điểm nghẽn…
Vậy
thì, để vượt điểm nghẽn mấu chốt, phải dựa theo ý kiến cải cách của các nhà trí
thức có tài năng và thiện chí, và nhất là chiều theo nguyện vọng của toàn dân.
Điều này có nghĩa phải dám mạnh dạn sử dụng con người không theo chủ nghĩa lý lịch,
tất cả vì quyền lợi đất nước.
Trong
vấn đề chống tham nhũng, việc gì đang điều tra xét xử thì cần làm sớm cho xong,
nhưng có thể tạm giảm bớt nhiệt độ đốt lò để không gây thêm một số hiệu ứng
phụ cũng như tình trạng mất đoàn kết chống phá nhau từ trong nội bộ, ngăn cản
công cuộc cải cách. Sau đó có thể ra một nghị quyết, đại khái, “kể từ ngày…,
tháng…, năm…, nếu ai còn ăn một đồng nào của dân sẽ bị bắn bỏ…”, theo kiểu nhà
độc tài Phác Chính Hy (Park Chung-hee) đã từng áp dụng cho xứ sở Hàn Quốc trước
đây.
Một
đảng độc tài toàn trị mà đảng viên mất đoàn kết chống phá nhau vì quyền lợi cá
nhân thì có khác gì đa đảng, nhưng lại là một thứ đa đảng dị hợm, tật nguyền,
chỉ gây hại cho dân.
Điều
quan trọng đối với người có chí lớn cải cách chính trị, làm nên trang sử mới là
phải dựa vào toàn dân, làm sao cho mọi người tâm phục khẩu phục, có thể áp đảo
và lôi cuốn dần dần cả các thành phần bảo thủ.
Cần
giải quyết dứt điểm những việc gây dư luận xấu kéo dài, từ những việc nhỏ như vụ
án Hồ Duy Hải, để thu phục nhân tâm. Nên thực hiện phương châm minh triết và
nhân bản về cách áp dụng luật pháp của người xưa: “Nếu tội mà còn nghi thì nên
tha, để mở rộng về việc hình”.
Cải
cách mạnh mẽ, quyết liệt bộ máy hành chánh và tư pháp, xử án độc lập (không có
những vụ “bỏ túi” hoặc xử kín), nâng cao vai trò của luật sư. Đơn giản hóa mọi
thủ tục hành chánh, đặc biệt các thủ tục về nhà đất đã làm khổ dân từ mấy chục
năm nay. Coi cải cách hành chánh cũng là một cuộc cách mạng, nếu làm thành công
sẽ có tác dụng và giá trị tương đương một cuộc cải cách thể chế chính trị mà
ĐCS vẫn không bị mất quyền lãnh đạo.
Mở
rộng dân chủ trong dân. Thực hiện trên thực chất và đúng theo Điều 25 của Hiến
pháp 2013 về các quyền tự do. Nên phóng thích ngay những người bất đồng chính
kiến ít nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Cùng lắm là “thay đổi biện pháp ngăn chặn”
đối với họ bằng nhiều hình thức uyển chuyển thích hợp khác nhau. Việc làm này
hoàn toàn không tốn đồng xu nào mà còn có thể thu hút sự hỗ trợ mạnh hơn về nhiều
mặt của các nước đã nâng tầm ngoại giao chiến lược toàn diện với Việt Nam.
No comments:
Post a Comment