Tuesday, December 31, 2024

NHÂN CHUYỆN 'TINH GỌN BỘ MÁY' : NHÌN LẠI SỐ PHẬN CÔNG CHỨC VIỆT NAM (Luật Khoa Tạp Chí)

 



Nhân chuyện 'Tinh gọn bộ máy': Nhìn lại số phận công chức Việt Nam

Luật Khoa tạp chí
December 27 20242:04 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/12/nhan-chuyen-tinh-gon-bo-may-nhin-lai-so-phan-cong-chuc-viet-nam-2/

 

Để có cái nhìn sâu hơn về 'tinh giản bộ máy', video này sẽ cho bạn biết số phận của cán bộ, viên chức qua dưới các thời kỳ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Họ là ai, vì sao họ lại đông đúc đến mức cần liên tục cắt giảm?

 

VIDEO :

Từ "Tinh gọn bộ máy": Nhìn lại số phận công chức Việt Nam

 https://www.youtube.com/watch?v=p9U7Yi0WHs8&t=33s

 

 

Lời thoại

 

Vào tháng 7 năm 2024, công chức, viên chức Việt Nam vui mừng vì chính thức được tăng lương.

 

Đến cuối năm, họ lại đứng trước sự lo lắng, bị thuyên chuyển, cho thôi việc, dưới sáng kiến “tinh giản bộ máy” của Tổng bí thư Tô Lâm.

 

“Tinh giản bộ máy” không phải là sáng kiến mới và cũng không phải là sáng kiến dễ thực hiện.

 

Để có cái nhìn sâu hơn về “tinh giản bộ máy”, video này sẽ cho bạn biết số phận của cán bộ, viên chức qua dưới các thời kỳ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Họ là ai, vì sao họ lại đông đúc đến mức cần liên tục cắt giảm?

 

 

Bộ máy đầu tiên

 

Sau năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai đất nước, miền Bắc nhanh chóng xây dựng bộ máy nhà nước của riêng mình.

 

Dù ban hành nhiều quy chế về việc xây dựng đội ngũ công chức hiệu quả, chuyên nghiệp, nhưng phần lớn việc tuyển dụng lại được thực hiện theo một cách khác.

 

Bài báo của tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, cho biết trong giai đoạn này, việc tuyển dụng cán bộ, công chức không qua quy trình tuyển chọn và thi cử như quy định. Phần lớn cán bộ, công chức được tuyển thẳng từ lực lượng vũ trang chuyển ngành, từ các tổ chức quần chúng, và một số từ việc đào tạo trong và ngoài nước.

 

Dưới sự viện trợ dồi dào của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa, miền Bắc đã bao cấp cho tất cả công chức, nhân viên xí nghiệp có một đời sống ổn định, số lượng công chức vì vậy mà tăng rất nhanh.

 

Trong vòng 10 năm, số lượng cán bộ, công chức của miền Bắc đã tăng gấp bốn lần từ hơn 44.000 người năm 1954 lên 160.000 người vào năm 1963.

 

Đến năm 1973, số lượng cán bộ công chức là 474.000 người, Hội đồng Chính phủ phải ra quyết định số 245 về tinh giản biên chế. Sau năm 1975, số lượng công chức vẫn tiếp tục gia tăng.

 

 

Tuyển dụng dựa vào lý lịch

 

Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, đến tháng 12 năm 1976, Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 4 đã quyết định thống nhất kinh tế hai miền theo mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết, tiến hành càng nhanh càng tốt.

 

Nhà nước đã thực thi chính sách sở hữu toàn bộ nền công nghiệp, tập thể hóa nông nghiệp và thủ công nghiệp, độc quyền thương mại, lên kế hoạch sản xuất cho toàn bộ nền kinh tế, phân bổ đầu vào, đầu ra, ấn định giá.

 

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho rằng trong 10 năm sau khi tiếp quản miền Nam, lãnh đạo đảng đã gây hàng loạt các sai lầm nghiêm trọng cho đất nước.

 

Trong đó, công chức trong bộ máy hành chính của Việt nam Cộng hòa đa phần bị loại bỏ. Thay thế họ là những cán bộ được tuyển dụng, chủ yếu dựa vào lý lịch cách mạng, quá trình công tác. Việc tuyển dụng vẫn tùy tiện, không chú trọng đến chuyên môn, không qua thi tuyển.

 

Một số lượng lớn công chức đã gia tăng nhờ vào chính sách bao cấp. Người công chức có thể có đời sống dù không đáp ứng toàn bộ nhu cầu nhưng cũng ổn định cuộc sống với nhiều trợ cấp, ưu đãi từ nhà nước. So với người thường, cán bộ sẽ ưu đãi mua hàng hóa theo giá của nhà nước, như lương thực, thịt, đường, vải, dầu lửa, v.v. 

 

Năm 1982, nhà nước tiếp tục ra quyết định tinh giản biên chế. Tuy nhiên, vào lúc này, Bộ Nội vụ không có toàn quyền quản lý công chức mà phân về cho đảng quản lý nhân sự lãnh đạo, còn địa phương thì tự tuyển dụng công chức theo nhu cầu.

 

Năm 1984, cả nước có hơn 1,9 triệu cán bộ, công chức. Chưa kể cả cán bộ trong nhà máy, xí nghiệp, nông trường.

 

Ngoài ra, Việt Nam còn duy trì lực lượng quân đội lớn thứ tư trên thế giới với hơn 1 triệu quân nhân, chỉ đứng sau Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ. Vào lúc này, quân đội Việt Nam vẫn còn chiếm đóng Campuchia.

 

 

Không thể bao cấp

 

Năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng cho biết chính quyền đang trả lương cho 6 triệu người, tính luôn số người mà những người này đang nuôi dưỡng thì có gần 12 triệu người, tức 1/5 dân số cả nước.

 

Báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng cũng giải thích nhờ vào viện trợ nước ngoài nên giá cả, tiền lương, tiền tệ đã giữ được ổn định trong giai đoạn chiến tranh, nhưng giờ đây viện trợ không hoàn lại đã không còn nữa. 

 

Trong khi đó, thu nhập từ kinh tế quốc doanh thì chỉ đủ trả lương ở mức rất thấp cho công nhân, viên chức. Lạm phát liên tục gia tăng, nhưng lương không được điều chỉnh. Việc phân phối các mặt hàng thiết yếu đến cán bộ, nhằm bù đắp vào mức lương thấp, đã không còn đủ và kịp thời.

 

Nhiều địa phương đã tự tìm cách sinh tồn bằng cách tự tăng tiền thưởng và phụ cấp cho cán bộ, tiền thưởng và phụ cấp lúc này có khi gấp 5,7 lần tiền lương cơ bản.

 

Năm 1985, Việt Nam quyết định bãi bỏ chế độ trả lương bằng trợ cấp hiện vật, chuyển sang chỉ trả lương bằng tiền.

 

Cũng trong năm này, nhà nước tiến hành đổi tiền, thu vào đồng tiền có mệnh giá lớn thay thế bằng mệnh giá nhỏ. Lạm phát sau đó đã tăng lên 774% vào năm 1986. Tiền lương một tháng của một cán bộ thông thường chỉ đủ để mua hai kg thịt. Ba lãnh đạo cấp cao nhất là Tổng bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ phải từ chức.

 

 

“Đổi Mới": Cải cách hệ thống hành chính

 

Cuối năm 1987, Việt Nam thông báo với thế giới về việc từ bỏ nền kinh tế tập trung, thực hiện chính sách kinh tế mới, sau này được gọi tắt là thời kỳ “Đổi Mới".

Nguyễn Văn Linh, người từng bị loại bỏ khỏi Bộ chính trị vào năm 1982 vì không tán thành việc cải tạo nhanh chóng miền Nam theo hướng xã hội chủ nghĩa, nay trở thành Tân Tổng bí thư, lãnh đạo thời kỳ “Đổi Mới” cùng với Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt.

 

Việc cải cách hành chính công, sắp xếp lại công chức được xem là một phần quan trọng trong công cuộc “Đổi Mới”.

 

Số lượng công chức đã giảm xuống còn 1,2 triệu người vào năm 1987 và xuống còn 1 triệu người vào năm 1993. Đồng thời, nhà nước dừng bao cấp các dịch vụ công. Tiền lương bắt đầu được tính toán lại để cán bộ lúc này cũng có thể trả một phần chi phí cho các dịch vụ công như y tế, giáo dục.

 

Năm 1993, chính quyền thực hiện “Cải cách tiền lương”, ấn định lương cơ bản cho công chức là 120.000 đồng. 

 

Một nghiên cứu năm 2005 cho biết trong việc từ bỏ hệ thống trả lương theo kiểu bao cấp, sang trả lương bằng tiền mặt, đồng nghĩa với việc trả lương cho công chức sẽ lấy từ ngân sách mà nhà nước thu được từ tiền thuế.

 

Tuy nhiên, hệ thống thuế của Việt Nam vào trong thập niên 1990 vẫn còn rất mới mẻ, tiền lương do ngân sách trung ương cấp cho địa phương không đủ để trang trải chi phí.

 

Quyền lực trong quản lý cán bộ được phân tán cho địa phương, các lãnh đạo địa phương, cơ quan tự tìm cách xoay sở, tạo ra các khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ công để bù đắp tiền lương thiếu hụt cho cán bộ. Sau này, được gọi là cơ chế tự chủ.

 

Vào tháng 10 năm 1995, nhằm giải quyết vấn đề trì trệ trong bộ máy gây cản trở việc phát kinh tế, Quốc hội Việt Nam phê duyệt việc sáp nhập 8 cơ quan trung ương vào trong ba bộ, cho phép chính phủ cải tổ nội các. Đến cuối năm, có báo cáo nói rằng Việt Nam sẽ thay thế 10% công chức mỗi năm cho đến năm 2000 bằng những công chức có học vấn, đảm nhiệm công việc tốt hơn.

 

Năm 1997, mức lương cho cán bộ, viên chức đã được tăng lên 144.000 đồng và 210.000 đồng vào năm 2001. Tuy nhiên, tiền lương mà nhà nước chi trả vẫn rất thấp, nhiều người phải làm thêm các công việc khác.

 

Số lượng công chức vẫn tiếp tục gia tăng, vào năm 2000 Việt Nam có hơn 1,29 triệu công chức.

 

Bên cạnh đó, các báo cáo đánh giá hệ thống hành chính cho thấy chế độ bao cấp đã tạo ra một số lượng cán bộ thiếu kỹ năng, tính chuyên nghiệp, chuẩn mực đạo đức, tham nhũng cao, quấy rối để nhận hối lộ.

 

Năm 2001, để có thể tiếp tục tăng lương theo tình trạng lạm phát, chính phủ quyết định tinh giản 15% biên chế vào cuối năm 2002.

 

Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình Cải cách hành chính công tổng thể đến năm 2010, nhằm thiết kế lại bộ máy hành chính nặng nề, cồng kềnh, ra quyết định chồng chéo, không nhất quán.

 

 

Cải cách ì ạch

 

Năm 2003, tiền lương của cán bộ, viên chức đã được tăng thành 290.000 đồng/tháng. Và 380.000 đồng vào năm 2004. Đối với mức tăng lương này, một nửa do ngân sách nhà nước đảm bảo, một nửa còn lại do ngân sách thu được tại địa phương. 

 

Tiền lương vào lúc này được cấp cho các cơ quan một lần, nhằm thúc đẩy tính tự chủ trong việc trả lương của các cơ quan, ví dụ như có thể tự điều chỉnh lương, tăng lương cho cán bộ bằng cách giảm bớt biên chế, hoặc tạo ra doanh thu nhiều hơn. Ý tưởng này được quy định trong Nghị định số 10 năm 2002 của chính phủ.

 

Ngoài việc trả lương cho cán bộ hành chính, đơn vị sự nghiệp, ngân sách Việt Nam còn gánh nhiều khoản trả lương khác.

 

Vào năm 2006, lực lượng quân đội của Việt Nam tuy đã giảm từ một triệu người đã giảm xuống còn 455,000 người, nhưng vẫn là lực lượng quân đội lớn nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nhà nước còn duy trì một lực lượng công an hùng hậu được giữ bí mật tuyệt đối về số lượng. Tiền lương của lực lượng này không chỉ đến từ ngân sách nhà nước mà còn đến từ các hoạt động kinh tế mà nhà nước ưu tiên cho quân đội và công an tham gia.

 

Mặt khác, nhà nước còn phải dành ngân sách trợ cấp cho người có công với cách mạng. Số lượng những người này lên đến hơn 9 triệu người vào năm 2021, trong đó 1,4 triệu người được nhận tiền hàng tháng, một năm tiêu tốn hơn 30.000 tỷ đồng.

 

Dù thực hiện chính sách tinh giản biên chế, nhưng số lượng công chức, viên chức vẫn tăng. Bộ Nội vụ cho biết nguyên nhân là do người đứng đầu cơ quan không dám cắt giảm biên chế vì nể nang, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức.

 

Đến năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có 2,8 triệu người là cán bộ, viên chức. Dù chính quyền đặt ra nhiều mục tiêu hào nhoáng về tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ nhưng việc thực hiện lại không đạt được yêu cầu.

 

Cán bộ đông, chất lượng kém, tiền lương thấp, tuyển dụng tùy tiện, tham nhũng nhiều vẫn là vấn đề được nêu trong báo cáo cải cách hành chính công năm 2021.

Báo cáo này cũng nói rằng việc tổ chức cơ quan cấp bộ vẫn còn rất cồng kềnh, không có sự thay đổi từ năm 2007, trong khi có thể tinh giản, giảm số lượng biên chế.

 

Đây có thể là lý do sau khi nhậm chức Tổng bí thư, Đại tướng Tô Lâm đã yêu cầu tinh giản biên chế ở cấp trung ương, bao gồm việc sáp nhập, đóng cửa các cơ quan, giảm biên chế ở các cơ quan trung ương, và dự kiến sẽ sớm tiến hành tương tự ở 63 tỉnh, thành.

 

Trên thực tế, việc cải cách bộ máy hành chính là công việc rất phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của cả nước, việc cải cách trong lịch sử được tính bằng thập kỷ. Trong khi đó, Tổng bí thư Tô Lâm muốn cải cách bộ máy nhà nước trong một thời gian rất ngắn, liệu sáng kiến này có thành công, số phận của cán bộ, công chức Việt Nam sẽ ra sao?

 

 





No comments: