Tuesday, December 31, 2024

NẮNG NÓNG KỶ LỤC CÓ THỂ TIẾP TỤC TRONG NĂM 2025, ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (Lisa Schlein  -  VOA Tiếng Việt)

 



Nắng nóng kỷ lục có thể tiếp tục trong năm 2025, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu

Lisa Schlein  -  VOA Tiếng Việt

31/12/2024

https://www.voatiengviet.com/a/nang-nong-ky-luc-co-the-tiep-tuc-nam-2025-day-nhanh-qua-trinh-bien-doi-khi-hau/7918741.html

 

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo rằng mức nhiệt cao kỷ lục của năm nay có khả năng tiếp tục xảy ra vào năm 2025, đẩy nhanh hơn nữa quá trình biến đổi khí hậu và dẫn đến hậu quả thảm khốc nếu không có hành động khẩn cấp để ngăn chặn "hoạt động của con người" đằng sau thảm họa sắp xảy ra này.

 

https://gdb.voanews.com/7e5bcdad-c6d0-4441-bc37-ca45cba46b96_cx0_cy10_cw0_w1023_r1_s.jpg

Những hình cắt các nhà lãnh đạo thế giới, như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được trưng bày trên vùng biển Vịnh Botafogo trong cuộc biểu tình yêu cầu hành động về biến đổi khí hậu trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro ngày 16/11/2024.

 

Theo cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc, năm 2024 được coi là năm ấm nhất trong lịch sử, "kết thúc một thập kỷ có mức nhiệt chưa từng có do hoạt động của con người gây ra".

 

“Khí nhà kính tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục, làm nhiệt độ tăng cao hơn nữa trong tương lai," WMO cho biết.

 

Cơ quan này nhấn mạnh nhu cầu hợp tác quốc tế lớn hơn để giải quyết các rủi ro về mức nhiệt cực đoan "khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên và các hiện tượng nhiệt độ cực đoan trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn".

 

Celeste Saulo, người được bổ nhiệm làm tổng thư ký WMO vào tháng 6/2023 và bắt đầu nhiệm kỳ bốn năm của mình vào tháng 1/2024, cho biết trong năm đầu tiên tại nhiệm, bà đã "ban hành nhiều Cảnh báo đỏ về tình trạng khí hậu", trong đó cảnh báo rằng "mỗi phần nhỏ của một độ ấm lên đều quan trọng và làm tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan, tác động và rủi ro".

 

Báo cáo Tình hình khí hậu năm 2024 của WMO cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9 ấm hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp 1,54 độ C và cao hơn mức quy định trong Thỏa thuận Paris năm 2016 về biến đổi khí hậu.

 

Báo cáo Khoảng cách phát thải của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm nay cảnh báo rằng nhiệt độ có khả năng tăng lên 3,1 độ C vào cuối thế kỷ nếu không có hành động phòng ngừa để giảm lượng khí thải nhà kính vào khí quyển.

 

"Biến đổi khí hậu diễn ra trước mắt chúng ta hầu như hàng ngày dưới hình thức gia tăng tần suất và tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan," bà Saulo cho biết. "Năm nay, chúng ta đã chứng kiến lượng mưa và lũ lụt phá kỷ lục cùng với sự mất mát khủng khiếp về sinh mạng ở rất nhiều quốc gia, gây đau thương cho các cộng đồng trên mọi châu lục.”

 

Bão nhiệt đới Chido, vốn đổ bộ vào vùng lãnh thổ Mayotte của Pháp ở Ấn Độ Dương vào giữa tháng 12 và sau đó di chuyển đến Mozambique, đã gây ra tác động tàn phá đến cuộc sống và sinh kế của các cộng đồng trên đường đi của nó. Tuy nhiên, cơn bão này chỉ là cơn bão mới nhất trong số hàng chục sự kiện thời tiết cực đoan đã tàn phá khắp thế giới trong năm nay.

 

Theo một báo cáo mới từ các tổ chức nghiên cứu thời tiết và khí hậu, gồm World Weather Attribution và Climate Central, biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm 26 trong số 29 sự kiện thời tiết cực đoan được nghiên cứu, trong đó "đã khiến ít nhất 3.700 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời".

 

"Biến đổi khí hậu đã làm tăng thêm 41 ngày nắng nóng nguy hiểm vào năm 2024, gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái", báo cáo cho biết.

 

Các sự kiện thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến mọi khu vực trên thế giới. Những sự kiện nổi bật bao gồm Bão Helene, từng đổ bộ vào tiểu bang Florida của Hoa Kỳ, gây ra lũ lụt và thiệt hại do gió trên diện rộng.

 

Mưa lớn đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng và lở đất ở Nam Mỹ. Mưa lớn cũng dẫn đến lũ quét chết người ở châu Âu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, và gây ra lũ lụt lịch sử trên khắp Tây và Trung Phi, giết chết hơn 1.500 người.

 

Những khu vực này và các khu vực khác cũng bị ảnh hưởng bởi cháy rừng dữ dội và hạn hán nghiêm trọng gây ra nạn đói, thống khổ và tổn hại không thể khắc phục, cũng như thiệt hại kinh tế to lớn cho hàng triệu người.

 

"Đây là sự cố khí hậu – theo thời gian thực", Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã cảnh báo trong thông điệp năm mới của mình. "Chúng ta phải thoát khỏi con đường hủy diệt này, và chúng ta không còn thời gian nữa.

 

"Vào năm 2024, các quốc gia phải đưa thế giới vào con đường an toàn hơn bằng cách cắt giảm mạnh khí thải và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang tương lai tái tạo", ông nói.

 

Để đáp lại lời kêu gọi hành động của tổng thư ký LHQ về tình trạng mức nhiệt cực đoan, một nhóm chuyên gia từ 15 tổ chức quốc tế, 12 quốc gia và một số đối tác học thuật và phi chính phủ hàng đầu đã họp tại trụ sở WMO vào đầu tháng này để thúc đẩy một khuôn khổ phối hợp nhằm giải quyết mối đe dọa ngày càng gia tăng này.

 

Kế hoạch này là một trong nhiều sáng kiến của WMO nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua các dịch vụ khí hậu được cải thiện và cảnh báo sớm.

 

Khi cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập vào năm 2025, các quan chức của WMO cho biết họ sẽ tiếp tục phối hợp các nỗ lực trên toàn thế giới để quan sát và theo dõi tình trạng khí hậu cũng như hỗ trợ các nỗ lực quốc tế "nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu".

 

"Thông điệp của chúng tôi là nếu chúng ta muốn một hành tinh an toàn hơn, chúng ta phải hành động ngay bây giờ", tổng thư ký WMO, bà Saulo, cho biết. "Đó là trách nhiệm của chúng ta. Đó là trách nhiệm chung, trách nhiệm toàn cầu".

 

 

 

 

 



No comments: