Thế
giới năm 2024 đầy biến động, với thất bại của toàn trị
Thụy My - RFI
Đăng
ngày: 29/12/2024 - 00:27
Libération cuối tuần chạy tít
trang nhất « 2024 : Một thế giới hỗn loạn ». The Economist dành
chủ đề cho « 2024, một năm đầy biến động ». Tuần báo Anh cũng cho rằng
Kiev đang giành chiến thắng về kinh tế trước Nga.
HÌNH
:
Khói
lửa bốc lên tại ngoại ô phía nam Beyrouth, sau khi Israel oanh tạc vào
Hezbollah ở Liban, ngày 06/10/2024. REUTERS - Amr Abdallah Dalsh
Các
tuần báo Pháp đều đã ra số đúp và nghỉ cuối năm từ tuần trước. Mục điểm tuần
báo kỳ này tập trung cho The Economist, đồng thời lướt qua một
số bài viết đáng chú ý trên các số báo cuối tuần và tuần san nhân dịp năm 2024
sắp kết thúc.
Năm
2024 : Một thế giới hỗn loạn
Libération cuối tuần chạy tít
trang nhất « 2024 : Một thế giới hỗn loạn ». Từ cuộc bầu cử quốc
hội bất ngờ ở Pháp, sự quay lại của ông Trump cho đến một Thế vận hội trong mơ,
một Syria không Assad… « Đừng bao giờ nói là không bao giờ » có
lẽ là câu châm ngôn cho 12 tháng qua, khi thời sự đảo lộn tất cả những gì tưởng
chừng đã xác tín trước đó.
Cách
đây một năm, người ta tin chắc rằng bầu cử tổng thống Mỹ là cuộc đấu giữa hai ứng
cử viên da trắng ở độ tuổi 80. Nga chiếm đóng một phần Ukraina, Syria mãi mãi
trong bàn tay đẫm máu của nhà độc tài, Thế vận hội Paris là cơn ác mộng…Thế rồi
Kamala Harris xuất hiện, Ukraina chiếm một phần tỉnh Kursk của Nga, Bachar Al
Assad bị lật đổ chỉ trong 12 ngày.
Thế
giới tiếp tục náo loạn, cuộc xâm lăng Ukraina bị lu mờ bởi vụ khủng bố người Do
Thái ngày 07/10, đẩy Israel vào chinh chiến suốt năm 2024 trên toàn vùng Cận
Đông. Sau Gaza, Liban trở thành chiến trường, với vụ tấn công máy nhắn tin
không thể tưởng tượng nổi. Iran chứng kiến lãnh đạo Hamas, Ismaïl Haniyeh, bị hạ
sát ngay trên đất mình và người kế nhiệm là Yahya Sinwar bị tiêu diệt ở Gaza,
còn lãnh tụ Hezbollah trốn sâu dưới lòng đất Beyrouth cũng không thoát. Bên kia
bờ Đại Tây Dương, tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump cũng là ông chủ thứ 47 của
Nhà Trắng.
Pháp :
Thế vận hội Paris thành công giúp giảm sốc chính trị
Đáng
ngạc nhiên nhất ở Pháp là sự kiện tổng thống Emmanuel Macron cho giải tán Quốc
Hội, nước Pháp chấn động vì vụ án cưỡng hiếp tập thể ở Mazan. May thay, Thế vận
hội mùa hè Paris 2024 thành công vang dội kể cả Paralympics : cuộc diễu
hành đầy màu sắc trên sông Seine, vạc lửa trên bầu trời Tuileries…mang lại sự lạc
quan cho người dân, và được thế giới ngưỡng mộ.
Trên
lãnh vực văn hóa xã hội, nhân dịp cuối năm, Le Point vinh danh
những khuôn mặt kiệt xuất đã ra đi trong năm 2024. Đó là Alain Delon qua đời ở
tuổi 88, tài tử đại diện cho vẻ đẹp nam giới của mọi thời đại, « người khổng
lồ cuối cùng » của điện ảnh Pháp. Françoise Hardy (80 tuổi), nữ ca sĩ có
đôi mắt nai nổi tiếng rất sớm với nhạc phẩm « Tous les garçons et les
filles » (Tất cả những chàng trai và cô gái), thành công trên toàn thế
giới, « Le Temps de l'amour » (Thời của ái tình) …
Trong
số các tên tuổi, không thể quên Robert Badinter (95 tuổi), cựu bộ trưởng tư
pháp, nhà văn, nhờ ông mà án tử hình bị hủy bỏ vĩnh viễn tại Pháp. Hoặc bà
Madeleine Riffaud (thọ 100 tuổi), nữ chiến sĩ trong cuộc chiến đấu giải phóng
Paris sau trở thành phóng viên chiến trường, từng là người tình của nhà văn Việt
Nam Nguyễn Đình Thi…
Một
năm đầy biến động, khẳng định sức đề kháng của dân chủ
The
Economist dành
chủ đề cho « 2024, một năm đầy biến động ». Những trang báo
trong năm qua tràn ngập đau thương. Chiến tranh hoành hành trên ba châu lục, thế
giới chỉ chú ý đến Gaza, Liban và Ukraina, nhưng những trận đánh ở Sudan mới đẫm
máu nhất. Bão lụt, hỏa hoạn mang đi nhiều mạng sống, khiến nhiều người sạt nghiệp.
Thoạt
nhìn thì năm 2024 mang lại cảm giác trật tự đa phương sau Đệ nhị Thế chiến đang
tan vỡ. Các chính phủ ngày càng thích dùng luật của kẻ mạnh, những nhà độc tài
phớt lờ các quy luật, cáo buộc phương Tây dùng tiêu chuẩn kép. Nhưng nếu nhìn rộng
hơn, năm 2024 mang lại thông điệp đầy hy vọng : khẳng định sức kháng cự của
các nền dân chủ tư bản, đồng thời lột trần những khuyết điểm của các chế độ
toàn trị như Trung Quốc.
Một
trong những thước đo cho khả năng phục hồi của dân chủ, là các cuộc bầu cử
trong năm đã dẫn đến sự thay đổi chính trị một cách ôn hòa. Năm 2024 có đến 76
quốc gia chiếm hơn phân nửa dân số thế giới đã tổ chức bầu cử, cao hơn bao giờ
hết. Một số nước như Nga và Venezuela thì chỉ là trò hề bầu cử, nhưng Anh quốc
đã hạ bệ đảng bảo thủ sau 14 năm lãnh đạo và 5 đời thủ tướng. Tại Ấn Độ, trước
chính phủ Narendra Modi ngày càng phi tự do, cử tri đã buộc ông phải liên minh,
để bớt tập trung cho dân tộc chủ nghĩa Ấn giáo, lo cho đời sống người dân. Ở
Nam Phi, đảng Đại hội Dân tộc Phi mất đa số.
Tại
Hoa Kỳ, chiến thắng của Donald Trump khiến nước Mỹ tránh được nguy cơ bạo động.
Việc nhiều người da đen và Mỹ la-tinh bỏ phiếu cho Cộng Hòa cho thấy đảng Dân
Chủ đã mất đi bản sắc. Sức mạnh Mỹ còn thấy rõ nơi kinh tế. Từ 2020, Hoa Kỳ
tăng trưởng gấp ba lần các nước G7. Thành công này một phần do chi tiêu công từ
đại dịch, nhưng chủ yếu nhờ sự năng động của lãnh vực tư nhân, thu hút được vốn
và nhân tài, đặc biệt là những tiến bộ về trí thông minh nhân tạo.
Thất
bại nơi các chế độ toàn trị
Sự
tương phản với Trung Quốc hết sức rõ rệt. Mô hình quản lý kinh tế độc đoán của
Bắc Kinh khiến người ta thấy rằng tăng trưởng chậm lại chính là hậu quả của hệ
thống chính trị. Thay vì thúc đẩy tiêu dùng, Tập Cận Bình đòi hỏi giới trẻ « chấp
nhận đắng cay », che giấu những con số thống kê u ám, dù việc tự bịt mắt có thể
dẫn đến những quyết định tồi tệ.
Thất
bại của độc tài toàn trị rõ rệt nhất ở Nga. Tuy có lợi thế trên chiến trường,
nhưng quân Nga tiến rất chậm và mất vô số mạng lính. Lạm phát tăng cao, nguồn lực
dành cho tương lai bị lãng phí trong cuộc chiến. Trong một đất nước tự do,
Vladimir Putin sẽ phải trả giá cho cuộc xâm lăng thảm hại làm kiệt quệ đất nước.
Toan
tính thay đổi thế giới bằng vũ lực là khó thể duy trì, như đã chứng minh với
Iran. Cùng với Matxcơva, Teheran đã chi ra nhiều tỉ đô la để giữ chiếc ghế cho
Bachar Al Assad ở Syria khi phong trào nổi dậy năm 2011 sắp lật đổ được ông ta.
Nay kinh tế đang chao đảo, các giáo sĩ ở Teheran không thể giúp nhà độc tài trụ
lại, nhất là hai lực lượng ủy nhiệm Hamas và Hezbollah đã bị Israel làm tê liệt.
Bangladesh :
Quốc gia của năm 2024
Các
nền dân chủ cũng dễ tổn thương, đặc biệt tại châu Âu, nơi các chính phủ vất vả
đối phó với cuộc xâm lăng của Nga, bên cạnh đó là những yếu kém trong các nền kỹ
nghệ của tương lai. Nếu châu Âu yếu đi, nước Mỹ sẽ bị ảnh hưởng dù Donald Trump
không có cùng cách nhìn nhận này. Và nhiều câu hỏi còn đặt ra về ông Trump,
trong hồ sơ Trung Đông và Ukraina.
Giả
sử tân chủ nhân Nhà Trắng không có những hành động làm hại cho nước Mỹ và đồng
minh, trong năm 2025 và xa hơn nữa, những thay đổi về công nghệ và chính trị sẽ
tiếp tục tạo ra những cơ hội lớn lao cho tiến bộ của nhân loại. Năm 2024, các nền
dân chủ đã chứng tỏ biết loại ra những nhà lãnh đạo tệ hại, từ bỏ những ý tưởng
lỗi thời và chọn lựa những ưu tiên mới. Tiến trình này tuy phức tạp nhưng là một
nguồn sức mạnh dài lâu.
Trên
tinh thần này, tuần báo Anh đã bình chọn Bangladesh là « quốc gia của năm
2024 ». Sau khi đã cân nhắc giữa Ba Lan, Nam Phi, Achentina, một
« người đến sau » bỗng chiếm vị trí thứ nhì : Syria. Assad trở
thành bạo chúa tồi tệ nhất bị tống cổ vào năm 2024, nhưng phe lên thay thế là
Hayat Tahrir Al-Cham (HTC) tuy đã tỏ những dấu hiệu cởi mở nhưng vẫn còn những
hoài nghi.
Thế
nên người chiến thắng rốt cuộc là nhân dân Bangladesh, cũng đã lật đổ một nhà độc
tài. Những cuộc biểu tình của sinh viên đã đuổi được thủ tướng Sheikh Hasina,
trị vì đất nước 175 triệu dân trong 15 năm qua với nạn tham nhũng tràn lan.
Chính phủ lâm thời được lãnh đạo bởi giải Nobel hòa bình Muhammad Yunus.
Ukraina
đang chiến thắng về kinh tế trước Nga
Về
cuộc chiến ở Ukraina, The Economist cho rằng Kiev đang giành
chiến thắng về kinh tế trước Nga. Việc duy trì kháng chiến tùy thuộc vào khả
năng vượt qua những thiếu hụt trầm trọng về năng lượng, nhân sự và tiền bạc.
Tuần
báo lấy một ví dụ : Mykhailo Travetsky, một nhà nông ở Prylouky. Trong sáu
tuần đầu của cuộc xâm lăng, khi đoàn xe tăng Nga dừng lại trên xa lộ gần đó,
nông trại của ông trở thành vùng oanh kích tự do. Người dân cầm súng để buộc
quân Nga không tiến vào, những quả đạn pháo rít trên đầu, ông Travetsky vắt sữa
bò với áo giáp, súng trường đeo bên hông. Khi Nga bắt đầu oanh tạc hệ thống
năng lượng Ukraina khiến tủ lạnh và máy vắt sữa không thể hoạt động, ông chuyển
sang sản xuất các loại phô mai để lâu được.
Cũng
như người nông dân này, kinh tế Ukraina biết cách sáng tạo, linh hoạt để tồn tại
trong thời chiến, tăng trưởng năm 2024 là 4 % và dự kiến sẽ lên 4,3 % trong năm
2025, đồng tiền ổn định, lãi suất ở mức thấp nhất kể từ 30 tháng qua. Ngược lại,
đồng rúp của Nga mất giá thảm hại, lãi suất lên đến 23 %, GDP chỉ có thể tăng
0,5 đến 1,5 % năm 2025. Nhưng trước những luồng gió ngược : chiến tranh
gia tăng cường độ, nguồn lợi giảm xuống và ông Donald Trump, kinh tế Ukraina sẽ
còn trụ lại được bao lâu ?
Kiev
thích ứng để vượt qua ba giai đoạn bão giông
Lịch
sử kinh tế của Ukraina từ 2022 trải qua ba giai đoạn. Thời kỳ đầu tiên, khi những
trận đánh đang ác liệt nhất, lệnh thiết quân luật được đưa ra, 14 triệu dân di
tản, Nga phong tỏa Hắc Hải, bóp nghẹt xuất khẩu của Ukraina, Ngân hàng Trung
ương kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư và không để thiếu tiền mặt. Giai đoạn thứ
hai bắt đầu khi Ukraina đẩy lùi được quân Nga ở miền nam từ giữa năm 2022. Liên
Hiệp Quốc giúp Kiev xuất khẩu trở lại ngũ cốc, một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ
Quốc tế (IMF) và viện trợ giúp ngoại hối dồi dào trở lại, nguồn vốn được nới lỏng
kiểm soát.
Một
trong những ưu tiên của chính phủ là bảo vệ các cơ sở sản xuất trước hỏa tiễn
Nga, những khu kỹ nghệ được xây dựng tại các vùng an ninh nhất. Bên cạnh đó là
phân bổ nguồn lực hợp lý trong một cuộc chiến lâu dài, và cuối cùng là duy trì
luồng tiền mạnh. Nhờ chiến dịch tấn công ngoạn mục bằng drone hải chiến và hỏa
tiễn, Ukraina phá được sự phong tỏa ở Hắc Hải, xuất khẩu không chỉ ngũ cốc mà cả
kim loại và quặng mỏ.
Giai
đoạn thứ ba bắt đầu với những mối đe dọa lớn nhất : thiếu cả năng lượng lẫn
người và tiền bạc. Kiev đã chuẩn bị giảm nhẹ cú sốc : tăng nhập khẩu điện
từ Liên Hiệp Châu Âu, sản xuất khí sinh học, trang bị máy phát điện, năng lượng
tái tạo…Gai góc nhất là thiếu lao động vì chiến tranh và di tản. Về tài chánh,
Ukraina vẫn có thể tồn tại dù không còn viện trợ Mỹ trong năm 2025, với sự trợ
giúp của Liên Hiệp Châu Âu và các thành viên G7, nhưng sẽ thiếu tiền kể từ
2026.
Trong
bối cảnh đó, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan một cách thận trọng. Chẳng hạn
ông Travetsky khẳng định năm vừa qua đã có được lợi nhuận, và định mở một dây
chuyền mới sản xuất parmesan. Tuy nhiên những trở ngại vẫn rất đáng kể. Ông
nói : « Cứ thử sản xuất khi bạn không có điện 12 tiếng đồng hồ
một ngày xem sao ».
Điệp
viên Nga len lỏi vào tận Élysée
Các
tuần báo đều cho rằng châu Âu không tự vệ đầy đủ, và thiếu ý thức trước mối đe
dọa từ Nga. Riêng với Pháp, L’Express tiết lộ về « Các
điệp viên Nga đã lọt vào đến tận điện Élysée », từ thời tướng De
Gaulle cho tới Macron, với sự giúp đỡ của những tay trong thường là có vị trí
quan trọng. Tuần báo nêu ra một số tên tuổi cụ thể, từ các cố vấn bộ trưởng,
người thân cận với Élysée, đến một nhà báo kỳ cựu của Le Monde, hoặc
trưởng ban chính trị của hãng thông tấn AFP, kể cả một nhân vật trong ban lãnh
đạo một tập đoàn lớn hàng tháng nhận 10.000 euro để trao những thông tin nhạy cảm
cho Nga, bị cơ quan phản gián bắt quả tang…
Những
hoạt động gián điệp Matxcơva nhắm vào Pháp luôn quy mô và thiên hình vạn trạng,
chỉ lắng lại đôi chút lúc Liên Xô vừa sụp đổ. Đáng chú ý là khi Pháp rút khỏi
NATO, điện Kremlin đã khen ngợi thành tích của cơ quan tình báo Nga. Một nhà
ngoại giao châu Âu cho biết đã có soạn thảo những quy định ngăn chặn nhưng
không thể áp dụng trước cuối 2025 và như vậy Kremlin còn tha hồ tung hoành.
Nhà
báo Thierry Wolton, tác giả cuốn « KGB tại Pháp », người đầu tiên đưa
ra ánh sáng các vụ gián điệp Nga và theo dõi hồ sơ này suốt 40 năm qua, nhấn mạnh
tình báo Nga sử dụng các biện pháp y như của KGB trước đây để tuyển mộ người phục
vụ cho chế độ Matxcơva. Trong số đó có việc kích thích tâm lý chống Mỹ, tuy có
ít hơn những năm sau Đệ nhị Thế chiến. Vào thời đó, Washington muốn phi thực
dân hóa, việc đế quốc Pháp mất thuộc địa ở châu Á và châu Phi một phần là hậu
quả của chính sách Mỹ.
Chiến
tranh Việt Nam thập niên 60-70 là mảnh đất màu mỡ cho ảnh hưởng xô-viết, với một
bên là Việt Minh, một bên là « Yankee xấu xí ». Ngày nay lợi ích châu
Âu mà Paris bảo vệ có thể vấp phải « Make America Great Again » của
ông Trump, trong bối cảnh Washington một lần nữa đang hướng về châu Á. Những kẻ
thù của dân chủ phương Tây sẽ tìm cách khai thác, trước hết là nước Nga của
Vladimir Putin và Trung Quốc của Tập Cận Bình.
No comments:
Post a Comment