Wednesday, March 18, 2020

VIRUS CORONA : WHO CẢNH BÁO CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á & ĐÔNG Á (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
18/03/2020

Nhiều quốc gia châu Á đang đương đầu với trận chiến ngày một khó khăn với virus corona, trong lúc Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo các nước cần thực hiện "những biện pháp nghiêm ngặt hơn".

Dòng người xếp hàng từ Malaysia vào Singapore trước khi lệnh cấm đi lại có hiệu lực. EPA

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ trước đây đã có thành công trong việc kiểm soát virus hay làm chậm tốc độ lây lan như Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan, thì nay lại có số ca nhiễm mới tăng nhanh. Có lo ngại rằng nhiều người từ nước ngoài trở về đang mang virus vào.

Malaysia, Sri Lanka và Phillippines là một trong số những quốc gia áp dụng kiểm soát biên giới chặt hơn.

Số ca nhiễm ở khu vực Nam Á là chưa tới 500 nhưng có lo ngại nếu số ca tăng vọt sẽ làm quá tải hệ thống y tế ở vùng này.

Hiện tại có hơn 185.000 ca nhiễm trên toàn cầu, và hơn 7500 ca tử vong.

Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm khi lo lắng về đại dịch lấn át hy vọng những kế hoạch hỗ trợ kinh tế lớn có thể làm giảm tác động của dịch bệnh.

Cảnh báo của WHO là gì?

WHO ra cảnh báo cho khu vực Đông và Nam Á, cho 11 quốc gia trong đó có Indonesia, Sri Lanka, Thái Lan, Bangladesh và Bắc Hàn.
Bà Poonam Khetrapal Singh, giám đốc khu vực của WHO Đông Nam Á, cho biết hôm thứ Ba 17/3 rằng "thêm nhiều ổ dịch được xác nhận".

"Chúng ta cần ngay lập tức tăng cường nỗ lực để ngăn không cho virus này ảnh hưởng tới thêm nhiều người nữa," TS Khetrapal Singh nói. "Chúng ta cần làm nhiều hơn, và làm khẩn cấp."

WHO cho biết các số liệu ở khu vực Đông Nam Á cho thấy "một số nước rõ ràng đang có hướng có lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng."

TS Khetrapal Singh nói "thực hiện giãn cách xã hội" là hết sức quan trọng, và "chỉ riêng điều này có khả năng làm giảm lây nhiễm một cách đáng kể."
"Chúng ta cần hành động ngay bây giờ," bà nói.

Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á theo định nghĩa của WHO đã có phản ứng chậm với bệnh dịch, và chỉ ra các biện pháp mạnh tay trong vài tuần qua, thậm chí vài ngày qua trong khi số ca nhiễm tiếp tục tăng lên.

Số ca nhiễm đang tăng ở nước nào?

Hầu như tất cả các quốc gia trong khu vực đều có nhiều ca nhiễm hơn, mặc dù ở mức độ khác nhau.
Trung Quốc hiện vẫn có số ca được xác nhận cao nhất, với hơn 80.000 ca, nhưng những ca nhiễm mới hầu hết đều là do người ở nước ngoài mang về và hiện còn rất thấp.
Hàn Quốc cũng được khen ngợi về nỗ lực kiểm soát virus, và với số ca nhiễm là 8.413, nước này hiện xếp dưới Đức và ở vị trí số sáu, theo danh sách của Đại học Johns Hopkins.
Hàn Quốc đi trước các nước khác nhờ xét nghiệm hàng ngàn người và cho tới gần đây, số ca nhiễm mới có xu hướng giảm.
Nhưng hiện giờ đang có các ổ dịch nhỏ bùng phát trên toàn quốc, với 93 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hàng chục bệnh nhân cao tuổi trong một bệnh viện ở Daegu bị lây nhiễm.
Đài Loan thông báo số ca mới tăng nhiều nhất trong một ngày, 23 cả, nâng tổng số lên 100.
Xu hướng này cũng tương tự ở Hong Kong - 14 ca mới trong một ngày, con số cao nhất. Tất cả trừ một ca đều là từ bên ngoài mang vào.
Hôm thứ Tư Indonesia cũng ghi nhận số ca mới cao nhất trong một ngày - 55 ca, nâng tổng số lên 227, với 19 ca tử vong.
Số ca ở Pakistan lên 245, với tổng số ca ở tiểu lục địa Nam Á lên tới 482.
Thái Lan ghi nhận 35 ca mới hôm thứ Tư, đưa tổng số ca nhiễm lên 212, giới chức cho biết. Bốn ca có liên quan tới một địa điểm giải trí và 13 ca liên quan một sân quyền anh, cả hai đều ở Bangkok.
Malaysia cảnh báo một đợt tăng ca mới, và cho biết chỉ có 'cơ hội mỏng manh' để phá chuỗi lây nhiễm.
Myanmar và Lào hiện chưa công bố ca nào - nhưng các chuyên gia rất nghi ngờ về tính khả tín của điều này.
Một người phát ngôn của chính phủ Myanmar nói "lối sống và chế độ ăn" của người dân bảo vệ họ khỏi nhiễm virus.

VIDEO :
Nhật ký virus corona từ Vũ Hán: câu chuyện một đôi vợ chồng trẻ

Các quốc gia đang làm gì?

Từ thứ Tư, Malaysia cấm công dân ra nước ngoài và người nước ngoài vào Malaysia cho đến ít nhất là 31/3.
Nhiều người Malaysia hàng ngày vào Singapore làm việc phải xếp hàng ở cửa khẩu để vào Singapore trước nửa đêm, và phải ở lại đó.
Thái Lan đã có lệnh đống cửa trường học, quán bar, rạp chiếu phim và các địa điểm giải trí khác.
Philippines, nơi có 202 ca nhiễm và 17 ca tử vong, đã có lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt nhất, bắt khoảng một nửa dân số ở trong nhà. (Dân số Phillipines khoảng 107 triệu). Nhưng chính phủ chưa quyết định cấm toàn bộ các chuyến bay quốc tế, và người nước ngoài vẫn có thể bay ra khỏi Philippines. Những ai nhập cảnh sẽ được kiểm dịch nghiêm ngặt.
Từ thứ Năm, Đài Loan sẽ cấm người nước ngoài vào, trừ một số trường hợp đặc biệt. Tất cả người vào Đài Loan sẽ đi cách ly 14 ngày.
Truyền thông Nhật đưa tin visa nước này cấp cho công dân châu Âu sẽ không còn hiệu lực và người đến từ 38 quốc gia sẽ phải tự cách ly.

*
Tin liên quan

·        

·        

·        








No comments: