Tuesday, March 17, 2020

VIRUS CORONA - COVID-19 : LIÊN HIỆP CHÂU ÂU ĐÓNG CỬA BIÊN GIỚI & KHÔNG GIAN SCHENGEN (RFI)




NỘI DUNG :
Minh Anh  -  RFI
.
Thanh Hà  -  RFI
.
Trọng Nghĩa  -  RFI
.
====================================
.
Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày: 17/03/2020 - 15:28

Trong bài phát biểu hôm 16/3/2020, tổng thống Pháp thông báo, biên giới của Liên Hiệp Châu Âu và không gian tự do đi lại Schengen sẽ bị tạm đóng trong vòng 30 ngày, kể từ 12 giờ ngày thứ Ba, 17/3.

Nguyên thủ Pháp giải thích rõ : « Việc đi lại giữa Liên Hiệp Châu Âu với các nước ngoài khối và giữa các nước thành viên trong khối sẽ bị tạm ngưng trong vòng 30 ngày (…) Những công dân Pháp nào hiện vẫn còn ở nước ngoài và muốn trở về vẫn có thể đi về nước » và phải liên hệ với các cơ quan đại diện như tòa đại sứ hay lãnh sự Pháp ở nước ngoài.

Tuyên bố của tổng thống Pháp được đưa ra với sự thống nhất của 27 nước thành viên sau cuộc họp qua video ngày hôm qua. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày hôm qua tại Bruxelles, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula Von Der Leyen, cho biết thêm một số trường hợp sau đây không bị ảnh hưởng của lệnh cấm : Công dân Anh Quốc, các kiều dân nước ngoài định cư dài hạn, thành viên gia đình của các công dân châu Âu, các nhà ngoại giao hay các « nhân vật chủ chốt như bác sĩ, nhà nghiên cứu và chuyên gia có tham gia vào việc ngăn chận dịch Covid-19 ». Và nhất là lưu thông hàng hóa giữa các nước thành viên vẫn được bảo đảm.

Lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu nhân dịp này nhấn mạnh, sự phối hợp hành động giữa 27 nước là thiết yếu. Lời nhắc nhở này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước thành viên đã đóng cửa một phần biên giới như Đức, hay toàn bộ cửa khẩu ở Tây Ban Nha chẳng hạn.

Cuối cùng, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu cho biết sẽ thiết lập các « hành lang ưu tiên » cho vận chuyển hàng hóa, nhằm « tránh hiện tượng kẹt xe và bảo đảm cho việc lưu thông hàng hóa được vận hành tốt ».

----------------------------------
.
Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày: 17/03/2020 - 13:33

Sau Ý, Tây Ban Nha, kể từ trưa hôm nay, 17/03/2020, đến lượt Pháp tiến hành phong tỏa toàn quốc, hạn chế tối đa các di chuyển và người dân được khẩn thiết kêu gọi "ở nhà".

Trong bài phát biểu trước toàn dân tối qua,16/03/2020, tổng thống Emmanuel Macron sáu lần nhấn mạnh, nước Pháp trong "tình trạng chiến tranh" chống virus corona. Trong cuộc chiến về phương diện y tế, lần này, chính phủ đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ và triệt để.

Theo thống kê của bộ Y Tế Pháp, tính đến cuối ngày 16/03/2020 từ đầu mùa dịch, trên toàn quốc có 6.632 người nhiễm virus corona, 148 người thiệt mạng.

Trong bài diễn văn khoảng 20 phút, từ điện Elysée, tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi toàn dân "Hãy ở trong nhà", tránh các cuộc tụ tập, để tự vệ và bảo vệ những người chung quanh trước một "kẻ thù vô hình" là virus corona.

"Kể từ 12 giờ trưa ngàyThứ Ba, 17/03/2020 và ít nhất là trong hai tuần lễ, tất cả mọi di chuyển sẽ bị giới hạn đáng kể. Ngoại trừ trường hợp cần thiết, như đi chợ, đi bác sĩ ..."

Với những ai bắt buộc phải ra khỏi nhà thì phải có giấy tự chứng nhận là phải đi làm, hoặc tự khai báo (theo thủ tục trên mạng) là phải đi chợ, hoặc chỉ đi gần nhà và tuyệt đối tránh mọi cuộc tập hợp vì đó có thể là nguồn lây nhiễm dịch. Người vi phạm sẽ bị phạt. Khoảng 100 ngàn cảnh sát được huy động để giám sát, kiểm tra.

Thông báo quan trọng thứ nhì được đưa ra tối qua, là chính phủ hoãn vòng hai bầu cử cấp địa phương đến ngày 21/06/2020 và quyết định này được đưa ra sau khi đã được thảo luận cùng với tất cả các đảng phái chính trị khác tại Pháp.

Ngoài ra nguyên thủ Pháp đã nhấn mạnh là vào thời điểm này, chính quyền huy động toàn bộ nỗ lực vào việc chống Covid-19, cho nên tất cả các dự án cải tổ đều bị dời lại. Trong số này, quan trọng nhất là dự án cải tổ chế độ hưu bổng tại Pháp, vốn đang gây rất nhiều tranh cải. Giới công đoàn hoan nghênh quyết định của tổng thống Macron. Đây là thông báo thứ ba của nguyên thủ Pháp được mọi người chú ý.

Về đối ngoại, Emmanuel Macron cho biết đã tham khảo ý kiến các đối tác châu Âu và cùng quyết định đóng cửa biên giới Liên Hiệp Châu Âu cũng như không gian tự do đi lại Schengen trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 17/03/2020. Biện pháp này không áp dụng đối với công dân các nước thành viên Liên Âu và Anh Quốc.

-------------------------------
.
Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày: 17/03/2020 - 13:51

Chính quyền Thụy Sĩ, ngày hôm qua 16/03/2020, đã ban hành tình trạng khẩn cấp để chống dịch virus corona (Covid-19). Tương tự như ở Pháp, tất cả các cơ sở thương mại đều phải đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng thiết yếu như siêu thị và hiệu thuốc. Thụy Sĩ cũng tự cô lập và đóng cửa toàn bộ biên giới.

Tính đến 10 giờ sáng nay (giờ Paris), quốc gia chỉ có khoảng 8 tiệu dân này ghi nhận tổng cộng 2.330 ca nhiễm Covid-19, với 19 trường hợp tử vong (theo trung tâm dữ liệu Mỹ Johns Hopkins Coronavirus Resource Center).

Từ Genève, thông tín viên RFI Jérémie Lanche cho biết thêm thông tin:
“Các biện pháp đặc biệt bắt đầu được áp dụng kể từ 12 giờ khuya hôm nay (17/03) và có hiệu lực đến ngày 19 tháng Tư. Viện bảo tàng, công viên, nhà hàng..., tất cả đều bị đóng cửa.
Một số bang (canton) đã thực hiện các biện pháp tương tự, nhưng lần này là cả một chiến lược quốc gia. Quân đội Thụy Sĩ sẽ được triển khai trên toàn quốc: 8000 binh sĩ sẽ hỗ trợ nhân viên y tế, ngành hậu cần và ngành an ninh cho đến cuối tháng 6. Đây là một sự huy động lực lượng chưa từng thấy kể từ Thế Chiến Thứ Hai.
Quyết định đóng cửa biên giới với Pháp, Áo và Đức cũng là một điều chưa từng có. Giống như trong trường hợp với Ý, chỉ có các công dân Thụy Sĩ, những người có giấy phép cư trú hoặc những người làm việc ở Thụy Sĩ mới có thể qua lại biên giới.
Việc mở cửa biên giới cho những người nước ngoài làm việc ở Thuy Sĩ như nói trên là điều tối cần thiết vì lẽ ở một số bang, một phần đáng kể nhân viên y tế là những người sống ở bên kia biên giới.
Tại các bệnh viện-đại học ở Genève chẳng hạn, gần 50% nhân viên là người sống ở Pháp. Còn tại Bang Jura, giáp giới với tỉnh Doubs của Pháp, các bệnh viện công thậm chí còn kêu gọi nhân viên người Pháp cư trú hẳn tại Thụy Sĩ trong thời gian diễn ra dịch bệnh.”


----------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.
.
.
.
.
.
.





No comments: