Tuesday, March 17, 2020

'THỜI . . . ĐẠI DỊCH!' (Huy Phương)




Huy Phương
Mar 15, 2020

Tổ Chức Y Tế Thế Giới chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu. Tổng Thống Trump cũng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì COVID-19. Phải chăng chúng ta đang ở trong tình trạng “thậm cấp, chí nguy!”

“Thời Đại Dịch,” làm cho chúng tôi nhớ lại câu mắng “Đồ Mắc Dịch” mà người Việt vẫn thường dùng. Câu mắng này thật ra, không phải để nguyền rủa ai, chính thức từ xưa câu nói này không hề mang tính độc ác, trái lại là một câu mắng yêu trong nhân gian. Có khi là mẹ mắng con, có khi là bạn bè nói với nhau: “Đồ Mắc Dịch, làm người ta giật cả mình!” Nó cũng như câu mắng “Đồ Yêu! Đồ Quỷ” vậy mà! “Nhất quỷ, nhì ma… thứ ba học trò!” cũng là một câu mắng yêu!

Đây không phải là chuyện đùa, chuyện mắc dịch đã làm cho loài người sợ khiếp đảm!

Từ năm 1848 cho đến nay, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người trên thế giới; đại dịch sởi, dịch tả, cúm Tây Ban Nha, cúm Châu Á, HIV/AIDS… Và bây giờ đến cúm Vũ Hán đang tiến triển chưa có dấu hiệu dừng lại!

Thời “mắc… dịch” này, dân Việt mới thấy mình bị kỳ thị hơn lúc nào hết. Ra phố Tây thiên hạ tưởng mình là Tàu, chưa nghe ho hay xì mũi đã ngoe nguẩy tránh xa ba bước. Thấy chuyện một anh Mỹ Châu Phi xịt thuốc sát trùng vào một người Châu Á gặp trên xe bus, rồi chuyện hai cô học sinh gốc Việt ở thành phố Westminster đang mặc áo dài trình diễn văn hóa Việt Nam và bị la hét “Coronavirus,” mà ngán ngẩm chuyện đời. Chỉ hơi giống nhau ở chỗ da vàng, mũi tẹt, mắt hí mà đã vậy, huống chi là “Tàu… rặt”!

Thời “mắc… dịch” này, ai mà vào chơi phố Tàu, đi massage chân, massage tay trong tiệm massage Tàu, ngại đi ăn cơm Tàu. Biết ở đây có ai mới… “về quê ăn Tết, vừa trở lại không?”

Chưa bao giờ hình ảnh của nước Trung Quốc bị bôi bác như hôm nay. Ngày 11 Tháng Ba, Facebook và Instagram chính thức của trường Sint-Paulus Campus College Waregem (Bỉ) đăng hình ảnh 19 học sinh mặc y phục người Hoa, (bỗng dưng nón lá Việt Nam bị oan lây), đang giơ tấm biển ghi “Corona time” (Thời của corona). Trong ảnh, có hai học sinh hóa trang thành gấu trúc. Một nữ sinh ở hàng giữa thậm chí dùng tay kéo hai khóe mắt, cử chỉ được cho là chế giễu, xúc phạm người gốc Châu Á mắt hí.

Tin mới nhất cho biết, trên thị trường, loại áo T-Shirt có in dòng chữ “I AM NOT CHINA” đang được tung ra, và chắc chắn sẽ bán rất chạy! Người Việt mình, mỗi người cũng nên mua một cái chăng?

Hiện tượng kỳ thị, xa lánh người Đông Á vì “virus corona” đã xảy ra ở Anh, Đức, ở Pháp,… Một số người Pháp gốc Châu Á cũng nói họ bị kỳ thị trên tàu xe, và một tờ báo Pháp đã bị phản đối vì tựa đề “Dịch bệnh da vàng,” “Cảnh báo vàng,” ám chỉ màu da vàng của chúng ta.

Không những bị kỳ thị chủng tộc, mà bây giờ, những người cao niên lại bị kỳ thị tuổi tác nữa. Theo USA Today, Hiệp Hội Du Thuyền hàng đầu thế giới hôm 10 Tháng Ba, đã nộp đơn lên chính phủ Mỹ, đề nghị cấm bất kỳ người nào trên 70 tuổi trừ khi họ trình giấy bác sĩ xác nhận họ đủ sức khỏe đi tàu.

Trong lúc con người hoạn nạn, đáng lẽ người ta xích lại gần nhau hơn thì bây giờ lại phải đứng cách nhau ba thước (theo khuyến cáo của cơ quan chống dịch.) Đại dịch Corona không chỉ gây ra cái chết thể xác, điều đáng sợ hơn là đại dịch ấy còn gây ra những cái chết trong tâm hồn: đó là sự ích kỷ, mất bình an, mất niềm tin vào nhau và phía Thiên Chúa Giáo nói thêm, mất niềm tin vào Thiên Chúa!

Ông Nguyễn Trãi đã “gia huấn:” “thấy người hoạn nạn thì thương,” nhưng từ ngày có đại dịch đến nay, con người kỳ thị, ghét bỏ, xa lánh, kể cả ghê sợ nhau. Trong lịch sử, nước Trung Hoa đã gây ân oán với nhân loại khá nhiều, nên đây là lúc Trung Quốc bị nguyền rủa không tiếc lời, nhất là vì thái độ vô văn hóa, thiếu giáo dục của dân Trung Quốc, lớp người có tiền mà không có học, như trường hợp bất mãn vì chờ xuống máy bay quá lâu, một khách người Hoa đã ho vào mặt tiếp viên hàng không.

Sau tai họa 9-11 của nước Mỹ, người ta xích lại gần nhau, thương yêu nhau hơn, vì thấy cái chết quá gần và cuộc đời này vô thường, chẳng có chi. Chưa yêu thì yêu vội đi, vì cuộc đời quá ngắn! Yêu rồi thì cưới nhau đi cuộc sống chẳng còn bao nhiêu! Cưới rồi thì sinh con đi, ta chết rồi, đời này tẻ lạnh có còn ai!

Nhưng sao với “Corona Vũ Hán,” người ta lại có quan niệm khác hẳn. Những cuộc đi chơi xa bị đình chỉ, những cuộc gặp gỡ đông người bị hủy bỏ, và trong hôn nhân, thế giới trở lại cái thời “ba khoan” của Việt Cộng ngày trước “chưa yêu thì khoan yêu; lỡ yêu thì khoan cưới; lỡ cưới thì khoan đẻ.”

Khoan yêu là phải, yêu thời Corona thì phải tránh chuyện hôn hít, cầm tay cầm chân, điều tra xem cô nàng đã đi đâu, gặp ai, thì hết tình hết nghĩa. Khoan cưới, thì rõ ràng là hiện nay, nhiều đám cưới được hoãn lại, không phải vì lý do bận bịu mà vì lý do sợ tiệc cưới mời không ai đi! (thì coi như lỗ!) Khoan đẻ! Corona rất dễ xâm nhập vào cơ thể người già và con trẻ!

Có “ba khoan” thì có “ba sẵn sàng.” Một là sẵn sàng… bị đo thân nhiệt, kiểm tra triệu chứng, nghi bị Corona! Hai là sẵn sàng khăn gói vào chỗ cách ly 15 ngày. Ba là sẵn sàng… tới số, theo quan niệm an nhiên, tự tại là “Trời kêu ai nấy dạ!” “Chạy Trời không khỏi số!”

Quan niệm được như vậy thì cứ vui mà sống, cũng không cần đi vét gạo, mì gói, nước sát trùng và giấy vệ sinh làm gì. Có điều tôi vẫn thắc mắc là vào thời đại dịch này, gom gạo, mì gói thì còn hiểu được, vì sao người ta lại phải đi thu gom giấy vệ sinh. Tôi nghĩ ở Hoa Kỳ, dù có biến cố gì đi nữa, thì hệ thống cung cấp điện, nước cho mọi nhà vẫn đầy đủ.

Xin nhớ lại, vào cái thời mới “giải phóng,” dân miền Bắc mới vào Nam, ăn xong không cần giấy lau, không cần nước, chỉ cần dùng đôi đũa để dọc, quẹt một cái, từ mép miệng này sang mép miệng bên kia là xong. Sống giản dị như thế, may ra mới cần, kiệm, liêm, chính như lời dặn của “Bác” được!

Nói đến thời “mắc… dịch” lại nhớ đến “dịch… thơ” thời cách mạng! Nhưng nói đến thơ “cách mạng” thì cũng đừng quên thơ thời “mắc… dịch.”

Đó là câu thơ tôi cho là hay nhất vào thời đại dịch này: “Dịch heo, nối tiếp dịch gà/Bao giờ dịch Đảng, cho bà con vui!”

Đúng là một câu thơ… rủa hay nhất thế kỷ! Ở Việt Nam đã xẩy ra dịch gia cầm rồi, Trung Quốc có dịch heo, chúng ta chỉ còn chờ trận dịch tiếp theo!

Mở đầu bài, đã nói đến chuyện… dịch, kết luận bài này, chúng tôi cũng không quên… dịch. Rõ ràng, là tác giả bài này chưa đi… lạc đề! (Huy Phương)

-------------------------------------

Nguyễn Đạt Thịnh
Mar 15, 2020

Thế hệ của tôi, của những người trong tuổi 80, 90, là thế hệ học văn hóa Pháp, nhưng lại biết về người Pháp ít hơn là biết về người Hoa và người Mỹ. Văn hóa Pháp dạy chúng tôi vị nữ anh hùng, tổ tiên của chúng tôi là bà Jeanne d’Arc, và người đang cứu thế hệ chúng tôi sống còn, trong khoảng 1930, 1940- là Marechal Petain.

Đến ngày hôm nay, sau gần 70 năm thoát ách thuộc địa của người Pháp, tôi vẫn còn hát được bài hát tuyên truyền của người Pháp ca tụng ông thống chế Pháp đầu hàng quân xâm lược Đức.

Lớn lên trong thời chiến tranh, tôi nhập ngũ, vào học trường Võ Bị để ra trường với cấp bậc thiếu úy, hầu thay thế lớp sĩ quan Pháp đang chỉ huy Quân Đội quốc gia Việt Nam. Người Pháp gọi chúng tôi là “le peril jaune” (hiểm họa da vàng). Họ nhìn chúng tôi bằng cái nhìn không thiện cảm tí nào.

Tôi biết người Hoa trước khi biết người Pháp, mỗi ngày cuối tuần, bố tôi nghỉ việc, chúng tôi nghỉ học, theo bố ra quán “cà phê Tầu” ăn sáng. Hai hình ảnh của cái quán cà phê đó theo tôi suốt đời.

Hình ảnh thứ nhất là anh bồi bàn. Anh này nghêu ngao hát khi thấy chúng tôi bước vào tiệm: “Người đàn ông dắt 2 thằng nhóc vừa bước vào tiệm, thường ngày, ông ta chỉ uống cà phê; Chủ Nhật nào cũng dắt con ra đây ăn; để coi họ ăn gì.”

Anh ta hát bằng tiếng Hoa nên chúng tôi chẳng hiểu anh ta hát bài gì; sau này, nhờ đọc một chuyện ngắn của anh Bình Nguyên Lộc mới biết nghêu ngao như vậy là lối hành nghề của ảnh.

Hình ảnh thứ nhì liên quan đến tiệm “cà phê Tầu” là cái ống nhổ bằng thau đặt dưới mỗi gầm bàn ăn; thỉnh thoảng khách người Hoa lại dùng chân khều cái ống nhổ ra để khạc đàm và nhổ vào đó. Khạc, nhổ là một cố tật của người Hoa; thói quen đó khiến nhiều tiệm phở Việt Nam sau này phải dán bảng “CẤM KHẠC NHỔ” để chấm dứt cái âm thanh khó thương đó trong lúc thực khách đang ngon miệng ăn, uống.

Hình ảnh kỷ niệm trên 80 năm trước đang làm tôi ngạc nhiên trước cái tin về bệnh dịch COVID-19; bản tin ngày 13 Tháng Ba, 2020 viết là 3 nước nhỏ đang thành công trong việc kiểm soát không để dịch Corona tự do tung hoành là Singapore, Đài Loan, và Hồng Kông.

Ba nước đó có hai yếu tố chung, một là diện tích quốc gia họ rất nhỏ, và hai là dân bản xứ là người gốc Hoa. Riêng đối với tôi thì hình ảnh của người Hoa đầy những nét đối nghịch với hình ảnh của người Mỹ, mà tôi kính phục vì đức can đảm trong kỷ luật tác chiến của họ trên chiến trường Việt Nam, và thái độ nhân hậu, kính trọng, họ đối với người Việt thất trận, mất nước gần 50 năm trước.

Nói rõ hơn, tôi vốn coi thường người Hoa, với câu hát trẻ con “khách trú, ba Tầu, Tầu nào cũng như Tầu nấy” để rồi đáng kinh ngạc vì họ trị được con virus Corona, mang cái tên mới là Covid-19.

Việc người Hoa Singapore, Đài Loan và Hồng Kông trị được chứng dịch COVID-19, được 2 chuyên viên về bệnh dịch, ông epidemiologist Benjamin J. Cowling và cô Wey Wen Lim sinh viên hậu đại học về khoa Epidemiology, xác nhận.

Họ viết trên tờ The New York Time: “The epidemic in China appears to be slowing down after an explosion in cases followed by weeks of draconian control measures. And other locations have managed to avert any major outbreak by adopting far less drastic measures: for instance, Hong Kong, Singapore and Taiwan.
All have made some degree of progress, and yet each has adopted different sets of measures. So what, precisely, works to contain the spread of this coronavirus, and can that be implemented elsewhere now?”

Dịch sang tiếng Việt: “Dịch ở Trung Quốc dường như đang chậm lại sau một loạt bùng nổ đột ngột của nhiều bệnh nhân, và sau các biện pháp kiểm soát hà khắc trong nhiều tuần. Nhiều địa phương khác đã tự tìm cách ngăn chặn bất kỳ sự bùng phát lớn nào bằng cách áp dụng các biện pháp ít quyết liệt hơn: ví dụ, Hồng Kông, Singapore và Đài Loan.
Tất cả những biện pháp áp dụng đều đã đạt được một số kết quả, và mỗi nơi áp dụng các biện pháp khác nhau. Do đó khó mà chính xác khẳng định, những hoạt động nào đã ngăn chặn sự lây lan của virus Corona và có thể đem những biện pháp đó thực hiện ở nơi khác không?”

Cuối Tháng Giêng vừa rồi, dịch Corona đột ngột xuất hiện tại thành phố Vũ Hán và lan rộng rất mau; chính phủ Trung Quốc nhanh chóng và kịp thời phản ứng; khả năng thử nghiệm trong lúc đầu rất thiếu sót, nhưng sau một thời gian ngắn mức sản xuất những dụng cụ thử nghiệm đã bắt kịp nhu cầu.

Trong giai đoạn đầu toàn thể cư dân Vũ Hán đều phải thi hành biện pháp ly cách; gần 60 triệu người bị cấm không ra khỏi nhà; mọi cơ sở kỹ nghệ, trường học, tiệm buôn,… đều không hoạt động trở lại sau ba ngày nghỉ tết.

Biện pháp ly cách đó có thể quá đáng, nhưng nhờ đó mà chính quyền kiểm soát được tình hình, giới hạn được mức độ lây lan; dĩ nhiên người dân và nước Trung Quốc đã phải trả giá đắt.

Ngay sau Trung Quốc, dịch Corona chiếu cố đến 3 nước Singapore, Đài Loan và Hồng Kông, vì dù nhiều hay ít, người Hoa tại 3 quốc gia đó vẫn còn liên hệ văn hóa với mẫu quốc Trung Hoa, nhất là về những cổ tục thường thấy trong ngày Tết.

Hậu quả của cái Tết với những lây lan khó tránh là Singapore có 187 trường hợp vướng bệnh COVID-19, nhưng toàn bộ những người bệnh đều được bình phục, không ai thiệt mạng. Dân số Singapore là 5.7 triệu người; Đài Loan có 50 trường hợp lây lan, 1 người thiệt mạng, trong tổng số 23.6 triệu cư dân trên đảo; Hồng Kông có 131 người bệnh, 4 người chết; tổng số cư dân trên bán đảo Hồng Kông là 7.5 triệu.

Tính đến ngày Thứ Sáu, 13, Tháng Ba 2020, Hoa Kỳ ghi nhận 1,629 trường hợp nhuốm bệnh, 138 trường hợp có liên quan đến du lịch, 129 trường hợp do gần cận người bệnh.

Dĩ nhiên người Trung Quốc gánh vác phần tổn thất nặng nhất trong trận đại dịch COVID-19 này; yếu tố khiến tôi không khẳng định được việc họ đã dẹp cái ống nhổ để dưới bàn ăn hay chưa là virus Corona phát sinh từ chợ cá Vũ Hán, một nơi nhơ nhơ nhớp, ẩm ướt, và vô cùng thiếu vệ sinh.

Có thể cái tật không thích vệ sinh là bẩm tật trời sinh của họ. Nên thông cảm với họ hay không? (Nguyễn Đạt Thịnh)







No comments: