Saturday, March 21, 2020

THẾ GIỚI TRƯỚC CORONA VÀ SAU CORONA   (Nguyen Dat An)





Hôm 17/3/2020, nhà báo Thomas L. Friedman đã có một bài viết khá thú vị trên tờ The New York Times. Ông suy tư, so sánh và tiên báo sẽ có một sự khác biệt khá lớn diễn biến lịch sử thời hiện đại, gần như tương tự với hai khái niệm từng phân chia thời gian trong nền văn minh loài người: Trước Công Nguyên (BC - Before Christ) và Sau Công Nguyên (AC - Anno Domini, After Christ was born). Giờ đây, chúng ta cũng có BC và AC, nhưng là Trước Đại dịch Corona (Before Corona) và Sau Đại dịch Corona (After Corona).

Vâng, tôi cũng đã dự báo đến điều này trong status:

khi mà phương Tây và Mỹ đã không thể cắt đứt được mối quan hệ với Trung Quốc trước một cơn đại dịch - vì sự gắn bó khắng khít và cơn nghiện lợi nhuận tư bản. Giờ đây, thế giới có lẽ đang phân cực,

giữa một bên là các quốc gia đã bị và đang hồi phục, nhưng vẫn phải đề phòng tái nhiễm, đóng cửa biên giới,

và bên kia là các quốc gia mới dính bệnh, bùng phát dịch bệnh, khủng hoảng và cố gắng chống chọi với dịch bệnh.

Người ta nhìn thấy sự kiêu ngạo của Trung Quốc - nhưng cũng nhận ra rằng, phương pháp cách li và tạo khoảng cách xã hội là hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng rối loạn và đổ vỡ hệ thống y tế vì quá tải số ca nhập viện.

Còn nhớ, năm 2004, khi Friedman xuất bản cuốn sách "Thế giới Phẳng" (The World Is Flat) - trong đó nhận định mọi cơ hội kinh doanh thương mại và tương tác xã hội (văn hóa, giáo dục, giải trí...) sẽ liên thông và chia đồng đều từ Tây sang Đông và từ Bắc Bán Cầu xuống Nam Bán Cầu nhờ cuộc cách mạng công nghệ 3.0 - tôi đã không đồng ý như thế, bằng việc chia sẻ quan điểm rằng "thế giới 3.0 không phẳng" trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số ra ngày 15/11/2007.

Dựa trên tầm nhìn của cuộc khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu, loài người sẽ không bao giờ san bằng được khoảng cách và những hố sâu bóc lột con người cũng như thiên nhiên, để có thể thoải mái kinh doanh, buôn bán, làm giàu cũng như thu lợi nhuận tối đa. Cùng lúc với các đại công ty và siêu tập đoàn trị giá hàng nghìn tỷ USD xuất hiện trên toàn cầu, thì cũng là lúc thế giới đứng bên bờ vực của sự sụp đổ hệ sinh thái và cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.

Năm 2004, khi nhận định tình hình toàn cầu, có lẽ Friedman đang đứng ở góc nhìn của sức mạnh kinh tế và công nghệ Mỹ, và nghĩ rằng đó là các yếu tố có thể giúp làm cho thế giới không còn ngăn cách với nhau. Thế nhưng ông đã lầm to.

Giờ đây, trong bài viết mới nhất trên New York Times, Friedman đã phải phân chia hai khoảng thời gian BC và AC, như hai khoảng cách không thể hàn gắn và trở lại như xưa, trước và sau khi một trận đại dịch xảy ra, do một con virus bé tí chuỗi đơn ARN gây ra, là hậu quả của biến đổi khí hậu và lòng tham xâm lấn thiên nhiên của loài người. Các nền kinh tế bị rung lắc. Gần như tất cả các chuyến bay trên toàn cầu đều bị cắt. Mọi quốc gia đã hoặc đang lên kế hoạch đóng cửa biên giới. 7,5 tỷ người đang được kêu gọi phải ở trong nhà, đừng ra ngoài đường. Nhưng ngược lại, thiên nhiên lại phục hồi, trở nên xanh và sạch hơn, ít ô nhiễm hơn trước rất nhiều. Tôi nghĩ đó là nghịch lý mà loài người sẽ không bao giờ nhận ra, rằng giải pháp để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng khí hậu chính là, con người không nên ủng hộ nền kinh tế tư bản hiện đại, không nên bị cuốn vào guồng máy tăng trưởng kinh tế nữa, không nên tìm kiếm lợi nhuận và tìm cách làm giàu, cắt giảm tuyệt đối lượng xả thải khí nhà kính, và chấp nhận sống giản dị hài hòa cùng với thiên nhiên. Đừng chụp mũ tôi là theo Chủ Nghĩa Xã Hội. Đó không phải là một thứ chủ nghĩa chủ quan của con người, nhưng là sự thay đổi bắt buộc và là một nếp sống tôn trọng thiên nhiên đã từng xuất hiện từ nghìn xưa, nơi các bộ tộc thổ dân Bắc Mỹ, các nền văn minh Phật Giáo ở Tây Tạng, Nepal, Bhuttan, các cộng đoàn đầu tiên của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo, và ngay cả văn hóa người Chăm ở Nam Trung Bộ Việt Nam.

Điều quan trọng nổi bật trong bài viết của Thomas L. Friedman chính là ông đã nhận ra sự khủng khiếp của nguyên tắc tăng cấp hàm số mũ (exponentials) trong một trận đại dịch là như thế nào. Ông giải thích cho giới chủ tư bản, những người chỉ có đầu óc đầu cơ và tận dụng cơ hội kinh doanh - như Donald Trump, về "sự phức tạp" của hàm số mũ lây lan bệnh dịch như sau: "Con virus giống như một kẻ cho vay cắt cổ - đòi phải trả 25% lãi/ngày. Giả như chúng ta phải mượn nó USD1 (mà chẳng còn cách nào tránh thoát được). USD1 được ví như ca dính bệnh đầu tiên. Sau 40 ngày phí phạm số tiền đó, chúng ta sẽ nợ USD7,500 (tức 7.500 case nhiễm bệnh). Nếu cứ trù trừ không giải quyết món nợ và đợi sau 3 tuần lễ nữa, chúng ta sẽ phải trả gần như 1 triệu USD. Đó là lý do vì sao cần phải hành động cách li xã hội, tiến hành xét nghiệm bệnh, và kiểm soát tình hình. Nếu bạn thua trong từng trận đánh, bạn sẽ thua cả cuộc chiến. Đó là lý do vì sao tôi không quan tâm nhiều đến việc FED cắt lãi suất, nhưng tập trung chú ý vào con số bệnh viện và số giường bệnh ICU của nước Mỹ." Vâng, đó chính xác là điều mà tôi muốn nói và nhắc đi nhắc lại để cảnh báo cộng đồng từ nhiều ngày qua.

Ngoài ra, qua một nghiên cứu của Gs. Michele Gelfand thuộc Đại học Maryland, Friedman cũng nhận xét rằng nền chính trị và văn hóa của Mỹ sẽ phải thay đổi sau cơn đại dịch. Dựa trên một nghiên cứu khoa học về hai khuynh hướng văn hóa kiềm chế (tight) và thả lỏng (loose), Gs. Gelfand nhận định: "Các xã hội chặt chẽ, như Trung Quốc, Singapore và Áo (Austria) đề ra nhiều luật lệ và sự trừng phạt để chi phối hành vi xã hội. Công dân sống trong các quốc gia này thường quen với một mức độ kiểm soát cao để củng cố hành vi tốt cho xã hội hay nền chính trị. Các nền văn hóa dễ dãi hơn, tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Italy và Brazil, lại có luật lệ yếu kém hơn và dễ dãi hơn. Các nước có nền pháp chế mạnh và chế tài trừng phạt nghiêm khắc nhất cũng chính là những nơi có lịch sử đói kém, chiến tranh, thảm họa tự nhiên và dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng. Những quốc gia hay phải đối phó với thảm họa này đã học được cách sống khắc khổ qua nhiều thế kỷ: là siết chặt luật lệ và kỷ luật để cứu mạng sống người dân. Trong khi đó, những nền văn hóa ít đối mặt với mối đe dọa — ví dụ như nước Mỹ chẳng hạn — vẫn còn nhiều kẽ hở và dễ dãi. Vì thế mà các xã hội chặt chẽ như Singapore và Hong Kong... đã chứng tỏ được phản ứng hiệu quả khi đối phó với dịch Covid-19.”

Chưa biết nhận định của ông giáo sư mà Friedman trích dẫn có đúng hay không, nhưng rõ ràng là cuộc say mồi kinh tế và lợi nhuận đã khiến Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia và Châu Âu phải dính bệnh. Trung Quốc có thể chiến thắng nhờ quyền lực độc tài áp chế người dân. Còn Singapore và Hong Kong chỉ là những nơi có dân số nhỏ bé, diện tich lãnh thổ không nhiều, nên dễ kiểm soát dịch là chuyện đương nhiên.

Cuối bài báo, tư duy của Thomas Friedman vẫn còn nằm trong chiếc hộp (in the box), khi hy vọng về việc bơm tiền và cắt lãi suất nhằm giảm tải cho nền kinh tế sẽ cứu vớt nước Mỹ, cũng như khiến quốc gia này mạnh mẽ và vững vàng hơn trong thời AC - After Coronavirus, nhờ siết chặt văn hóa, luật lệ, cũng như "thả lỏng ví tiền" - nghĩa là chi tiền cho mọi người để họ có thể trang trải chi phí trong suốt thời gian đối phó với trận đại dịch. Có lẽ ông này chưa tưởng tượng ra nổi tình huống khi mà, mọi nền kinh tế bị đổ vỡ, không còn nhiều nơi kết nối được với nhau để cung ứng và chia sẻ sản phẩm, không còn nhiều chuỗi sản xuất hàng hóa cho nền kinh tế tiêu dùng, thì cho dù có tiền trong tay cũng chẳng thể mua được gì cả.

Một lần nữa - sau 16 năm - Thomas Friedman, người từng đoạt ba giải thưởng Pulitzer, vẫn không thể nhìn ra vấn đề và viễn cảnh của thế giới sau chỉ 10 năm nữa, với sự sụp đổ nền văn minh tư bản hiện đại do khủng hoảng khí hậu. Đây có thể là đại diện cho tầm nhìn của giới tinh hoa và trí thức nước Mỹ. Và điều đó cho thấy, thế giới sẽ không thể thay đổi cho đến giây cuối cùng của sự sụp đổ. Nếu Mỹ không thay đổi, thì ai sẽ thay đổi đây?


Với chỉ 46.500 VND (2 USD) hàng tháng - tương đương giá trị của 1 bát phở, bạn có thể giúp chúng tôi đem tin tức mới nhất về cuộc khủng hoảng Biến đổi Khí hậu và sụp đổ Hệ Sinh Thái đến cho cộng đồng Việt Nam. Chúng tôi thậm chí còn đang tìm ra những cách để tư vấn và thông tin cho người dân Việt Nam về các phương thức giúp dân tộc chúng ta thay đổi và sống sót trong kỷ nguyên Biến đổi Khí hậu.







No comments: