Monday, March 23, 2020

SỨC MẠNH CỦA THỂ THAO : QUYỀN LỰC MỀM MỚI CỦA CÁC QUỐC GIA (Anh Vũ - RFI)




Anh Vũ  -  RFI
Đăng ngày: 22/03/2020 - 15:24

iờ đây nói đến các sự kiện thể thao người ta không còn nghĩ đơn thuần các cuộc so tài thi thố sức mạnh hay giải trí, mà thể thao còn là làm kinh doanh, là trình diễn và còn cả là địa chính trị chiến lược. (Tạp chí phát lần đầu ngày 25/02/2018).

Kể từ khi bá tước người Pháp, Pierre de Coubertin, sáng lập ra phong trào Olympic hiện đại năm 1894, với hy vọng các cuộc thi đấu thể thao sẽ giúp các dân tộc hiểu biết nhau, xích lại gần nhau hơn nhằm dung hòa hợp các mối quan hệ quốc tế, đến nay thể thao ngày càng được trao thêm các chức năng và sứ mệnh mới. Trong lịch sử, người ta đã chứng kiến không ít lần thể thao được sử dụng như là công cụ phục vụ lợi ích của một chế độ, là cơ hội thể hiện sự nghiệp đấu tranh chính trị, xã hội của các tầng lớp khác nhau.

Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, đã diễn ra thành công trong một bầu không khí hòa hoãn hiếm có và mang lại cơ hội tìm kiếm hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Nhân sự kiện này, tạp chí Thể thao RFI cùng chuyên gia Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp (IRIS) nhìn lại vai trò và sức mạnh ngày càng lớn của thể thao trong thế giới ngày nay.

Trước tiên cần phải hiểu điều gì đã tạo nên quyền lực của các cuộc thi đấu thể thao trên phương diện địa chính trị, chuyên gia Pascal Boniface giải thích :
Nếu như ngày nay thể thao đóng vai trò lớn là bởi thể thao đã được truyền thông hoá mạnh mẽ hơn nhiều và khái niệm sức mạnh cường quốc đã thay đổi ý nghĩa, hình ảnh. Điều mà giờ đây được người ta gọi là quyền lực mềm đã trở thành một nhân tố quan trọng hơn trước kia nhiều trong sức mạnh một quốc gia.

Cúp bóng đá thế giới đầu tiên diễn ra năm 1930. Một hành trình dài 15 ngày của các đội bóng châu Âu ở tận Uruguay, nơi diễn ra giải đấu chỉ được tờ Loto, một tờ báo thể thao tiền thân của tờ l’Equipe đưa tin có 18 dòng. Đó là sau ngày ra quân của đội tuyển Pháp để thông báo chiến thắng của đội nhà.

Ngày nay, ở Cúp thế giới 2014 tại Brazil, tất cả các báo, các phương tiện truyền thông, kể cả các báo không phải thể thao cũng đều quan tâm đến sự kiện lớn này. Chúng ta có thể thấy trên khắp các trang báo, hàng giờ truyền hình phát thanh. Như thế cho thấy thể thao đang chiếm một vị trí truyền thông rất mạnh.

Truyền hình ngày nay có thể tạo thành một sân vận động ảo với số lượng chỗ cho khán giả không hạn chế. Hàng tỷ khán giả đều có thể có chỗ cùng lúc xem trận đấu. Không phân biệt tuổi tác, nơi ở, chính kiến, họ đều có thể xem một trận chung kết Cúp bóng đá hay cuộc thi chạy 100m ở Thế vận hội.

Thể thao giờ còn có được ví như chất gắn kết xã hội, vượt qua được mọi chia rẽ dân tộc, tôn giáo và chính trị ?
Giờ đây thể thao là một nhân tố quan trọng của sức mạnh cường quốc. Trước kia, khi nói đến cường quốc thường để chỉ sức mạnh cường quốc quân sự, địa lý hay kinh tế.
Về phương diện hình ảnh, ngày nay, hào quang của các vận động viên giờ trở nên một điều kỳ diệu. Tất cả ai cũng biết cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo là ai. Trong khi đó, kể cả những người hay theo dõi thời sự cũng không mấy ai biết tên của thủ tướng Bồ Đào Nha. Rồi hay như Usain Bolt nổi tiếng khắp thế giới, trong khi tiếng tăm của thủ tướng Jamaica chắc chắn không bằng ngôi sao điền kinh này.

Những thần tượng thể thao lớn trở thành những công dân của toàn cầu mà mọi người đều biết và ngưỡng mộ. Điều này vượt qua không chỉ các biên giới mà vượt lên trên sự chia rẽ chính trị, chủng tộc, tôn giáo và xã hội. Giờ thể thao là đại sứ, hiện thân, đại diện cho một đất nước. Tất cả những chia rẽ trong một đất nước được vượt qua mỗi khi đội bóng đá của họ thi đấu, khi một nhà vô địch của họ giành huy chương. Khi đó cả đất nước có thể đoàn kết với nhau. Danh tiếng của họ trở nên vô cùng lớn và phục vụ cho toàn dân chúng. Một đứa trẻ, một người lớn sẽ ngưỡng mộ một vận động viên thể thao ngay cả khi họ không cùng quốc tịch với người đó.

Trong cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới ngày nay, người ta hay nói đến quyền lực mềm, một chức năng mới của thể thao ?
Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, hình ảnh, danh tiếng, quyền lực mềm là những thành tố cốt lõi cho một quốc gia tỏa sáng. Vận động viên thể thao của một nước là để phục vụ màu cờ tổ quốc. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô cạnh tranh nhau vũ khí hạt nhân, đua nhau ai có nhiều đầu đạn, máy bay hơn ai. Họ cạnh tranh nhau về mức độ ảnh hưởng đối với thế giới thứ ba… Nhưng họ còn cạnh tranh nhau trên phương diên số lượng huy chương Olympic. Sau những kỳ Thế vận hội người ta lại tính xem nước nào có nhiều huy chương hơn như một thước đó chế độ nào ưu việt hơn. Giành được nhiều huy chương thể thao hơn cũng là cách để thể hiện ai hơn ai giữa chế độ tư bản với chế độ cộng sản.

Khái niệm Nhà nước theo như luật pháp quốc tế thì gồm có chính phủ, lãnh thổ có chủ quyền và dân cư. Giờ đây có lẽ phải thêm vào khái niệm này cả đoàn vận động viên Olympic hay đội tuyển bóng đá quốc gia.

Một Nhà nước độc lập từng đấu tranh để có được vị trí của mình ở LHQ giờ phải phấn đấu để có chân trong FIFA hay Ủy Ban Thế Vận Quốc. Một đội tuyển Olympic, đội tuyển bóng đá luôn được mọi người dân trong cả nước biết đến có tầm quan trọng và hiệu quả hơn, thực tế hơn so với một trụ sở đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. Các cơ quan đại diện đó không nói được gì nhiều với đại đa số dân chúng, đặc biệt ở các vùng thôn quê hẻo lánh.

Giờ đây các quốc gia đều nhận thấy vai trò sức mạnh của thể thao và tùy theo cách riêng của mình, mỗi nước dù lớn hay nhỏ đều muốn gây dựng một nền ngoại giao thể thao ?
Chúng ta đã biết đến trường hợp của Qatar, một đất nước rất nhỏ bé và giàu có đã nhằm rất nhiều vào thể thao để nổi lên trên bản đồ thế giới. Hãy xem, trước khi đầu tư hàng tỷ đô la vào thể thao ở Pháp từ đầu những năm 2000, chỉ có các chuyên gia về địa chính trị mới nghe nói đến đất nước này mà thôi. Năm 2011, với 70 triệu euro, người Qatar mua được câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain. Từ đó trở đi, số lượng các bài báo, phim tài liệu, khen chê có đủ về Qatar bỗng trở nên không thể đo đếm được. Vậy là nhờ thể thao mà Qatar được biết đến nhiều trên trường quốc tế. Điều mà tiền bạc, và nhất là diện tích và số dân thì lại càng không mang lại được cho xứ này.

Hoa Kỳ thì trông cậy vào thể thao bằng việc cử các nhà vô địch đến các nước, đặc biệt là ở châu Phi để truyền bá hình ảnh. Rồi đến người Trung Quốc cũng dùng Thế vận hội mùa hè 2008 làm cách để chứng tỏ họ là trung tâm thế giới. Trong quá trình hội nhập toàn cầu đến khi đó Trung Quốc vẫn bị coi là một đất nước đứng ngoài lề thậm chí hơi bị coi thường. Ta cũng đã thấy Putin dùng sự kiện Thế vận hội mùa đông Sotchi 2014 như thế nào để lấy lại hào quang và để rửa nỗi hận Thế vận hội Matxcơva 1980 dưới thời Liên Xô bị tẩy chay. Luân Đôn trở thành điểm đến du lịch hàng đầu thế giới năm 2013, tức là ngay sau năm tổ chức thành công Thế vận hội Luân Đôn 2012. Và cả nước Anh cũng được hưởng lợi.

Thể thao không chỉ là sân chơi của các vận động viên mà đã trở thành đấu trường của các quốc gia cho các cuộc cạnh tranh gay gắt từ việc giành giật quyền tổ chức các sự kiện thể thao cho đến cạnh tranh huy chương để được tỏa sáng trên bầu trời thế giới. Thể thao có đưa thế giới đến cạnh tranh, đối kháng?
Thể thao giờ là một thành tố của cường quốc, nhưng có khác ở chỗ là sức mạnh này kích thích sự ngưỡng mộ chứ không phải là dẫn đến sự bài bác. Trong thể thao, vị thế thống trị tạo nên thái độ ngưỡng mộ. Đội tuyển quốc gia bóng đá Brazil, ở vào một thời điểm nhất định đã có thể đánh bại bất kỳ đội tuyển nào khác, thế nhưng không vì thế mà họ bị ghét bỏ, mà trái lại họ lại được ngưỡng mộ mọi người muốn tìm kiếm sự ngưỡng mộ như vậy.

Một nhà vô địch đè bẹp vị trí và thành tích của người khác thì không sao. Thế nhưng một quốc gia thống trị quá nước khác về mặt kinh tế về mặt chiến lược thì ngay lập tức sẽ gây ra phản ứng ghen tị. Như vậy thể thao mang sức mạnh thiện cảm, tất nhiên là với điều kiện các vận động viên không quá ngạo mạn, biết chấp nhận đôi lúc bị thất bại. Bởi trong thể thao, thất bại không phải là mãi mãi. Người ta có thể chơi lại ở trận khác và người ta có thể mơ ước được phục thù. Đó cũng là cách giải tỏa đối đầu một cách hòa bình. Một số người nói thể thao gây sự đối kháng giữa các quốc gia. Không, thể thao giúp để làm quen với các dân tộc khác. Một đứa trẻ làm quen với một nước trước hết là bởi nó biết đến vận động viên của nước đó mà nó ngưỡng mộ.

Thể thao là thi đấu, nhưng đó là cuộc thi đấu có điều chỉnh, có tổ chức có trọng tài. Thể thao không thể là chiến tranh mà trái lại nó làm chuyển hóa chiến tranh. Tóm lại thể thao là một kiểu đối kháng tượng trưng không nặng nề, nhưng cũng cho phép một quốc gia tồn tại, tranh đua một cách hòa bình.

(Tạp chí có sử dụng tư liệu vidéo "Địa chính trị Thể thao ?" của chuyên gia Pascal Boniface)







No comments: