Thursday, March 26, 2020

SỰ LÚNG TÚNG CỦA CHÍNH PHỦ THỂ HIỆN ĐIỀU GÌ? (J.B Nguyễn Hữu Vinh)




Thứ Năm, 03/26/2020 - 04:02 — nguyenhuuvinh

hỉ trong vòng 3 ngày, từ 23 đến 25/3/2020 đã có liên tục 3 công văn hỏa tốc từ Văn phòng Thủ tướng chính phủ, Bộ Công thương cho đến Tổng Cục Hải Quan liên quan đến việc ngừng xuất khẩu gạo theo ý kiến của Thủ tướng là để “bảo đảm an ninh lương thực”.

Công văn hỏa tốc ngày 23/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ cuộc họp sáng 23/3/2020 do Thủ tướng chủ trì có thêm 4 phó thủ tướng khác, cùng với các bộ liên quan như Nông nghiệp, Công thương, các Tổng Công ty lương thực Miền Bắc, Miền Nam… nghĩa là đầy đủ mọi thành phần quan trọng nắm giữ sinh mệnh đất nước về lương thực.
Công văn nêu rõ theo đề nghị của Bộ Công thương, dừng xuất khẩu gạo hết tháng 5/2020 để “bảo đảm an ninh lương thực”.

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, Bộ Công thương có công văn hỏa tốc số 2101 kiến nghị Thủ tướng tạm dừng thực hiện công văn của Thủ tướng.

Lại cũng ngày hôm sau, một công văn hỏa tốc khác từ văn phòng Chính phủ gửi đi, điều chỉnh lại nội dung của công văn Thủ tướng gửi đi trước đó…

Những công văn hỏa tốc dồn dập trên đã tạo một làn sóng bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Một số người thì cho rằng: Ừ, thì cũng đã đến lúc chính phủ nghĩ đến cái bụng của dân, để biết lo cho cái đói có thể đến nếu dịch virus Vũ Hán kéo dài, trong khi Trung Quốc đang gia tăng việc mua gạo từ Việt Nam. Chỉ thời gian ngắn vừa qua, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu lượng gạo từ Việt Nam lên 600% so với trước đó. Nếu Trung Quốc mua hết gạo thì dân Việt Nam chết đói…

Và họ hoan hỉ, họ cho rằng như vậy là hợp tình, hợp lý và hiểu lòng dân.

Nhưng, cũng có nhiều ý kiến ngược lại, rằng thì là việc này cứ tưởng vậy là đúng nhưng không phải vậy. Bởi Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, dịp này nông dân đang cần bán lúa để lấy vốn làm vụ mới, nếu dừng xuất khẩu, thì nguy hại nhất là lúa bị rớt giá, bị ép giá và người thiệt hại vẫn là nông dân.

Nhiều điều bàn tán sôi nổi, nhưng chung quy lại vẫn là câu hỏi: Vậy thì chính phủ điều hành những công việc như thế nào mà có chuyện câu sau đá câu trước trong điều hành công việc, mà công việc đó ảnh hưởng đến hàng chục triệu người chứ không chỉ một số ít người?

Công văn hỏa tốc ngày 25/3/2020 của Văn Phòng Chính phủ còn yêu cầu “Bộ Công thương và các Bộ, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu vừa qua”.  

Thì ra, chính phủ làm việc, ra quyết định dựa vào sự tham mưu của các Bộ, ngành. Còn các bộ, ngành thì dựa vào các doanh nghiệp báo cáo, còn các doanh nghiệp dựa vào đâu thì chưa rõ. Nhưng, cuối cùng thì chẳng ai chịu trách nhiệm, ngoài việc người dân chịu thiệt hại như bấy lâu nay.

Một đất nước nông nghiệp là chủ yếu

Nông nghiệp Việt Nam vẫn là một ngành chiếm phần lớn lực lượng lao động của Việt Nam. Với một đất nước lao động nông thôn chiếm đến 70% tổng số lao động xã hội thì việc phụ thuộc vào nông nghiệp là điều rất rõ ràng.

Thế nhưng, nền nông nghiệp Việt Nam kể từ khi từ bỏ chính sách bao cấp, mô hình Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp – một mô hình tai hại thời cộng sản mê muội – đến nay vẫn không có mấy thay đổi.

Đất đai canh tác ngày càng bị thu hẹp. Sự thu hẹp nhanh chóng đất đai canh tác bởi việc đô thị hóa ngày càng nhanh, trong đó góp phần rất lớn là các dự án vơ vét đất đai của các quan chức, các đại gia sân sau quan chức nhà nước biến đất nông nghiệp thành sân golf, thành chốn ăn chơi, thành đất định cư, phân lô bán nền và các nhà máy, dự án cứ nhằm bờ xôi, ruộng mật của nông dân mà triển khai.

Năng suất lao động nông nghiệp không được cải thiện, các nông cụ sản xuất không được cải tiến, người nông dân quanh năm vẫn con trâu đi trước, cái cày theo sau là chủ yếu. Do vậy, hiệu quả lao động nông nghiệp hết sức thấp.

Nhiều nơi, nhiều vùng nông thôn như Thái Bình, đã có hiện tượng người nông dân bỏ ruộng đất đi lên thành phố làm thuê để sống. Chỉ bởi ngày công lao động nông nghiệp tính ra chỉ được hơn 1.000 VNĐ/ngày công một nắng hai sương.

Đồng bằng Sông Hồng vốn không rộng rãi, đã dần dần bị thu hẹp bởi các tỉnh, các thành phố đua nhau “mời chào đầu tư”. Các công ty nước ngoài vào Việt Nam được mời chào, được dọn sẵn các dự án tại những vùng bằng phẳng, ít phải đầu tư nhiều… để nhanh chóng có lãi và địa phương có nguồn thu. Có nguồn thu là quan chức có xà xẻo và thả sức tiêu tiền chùa.

Tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long, nạn hạn hán, nhiễm mặn ngày càng trầm trọng và nguy hiểm, vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long đứng trước đe dọa vì nguồn nước từ sông MeKong đã bị các đập thủy điện Trung Quốc chặn lại, nước biển xâm nhập vào ngày càng sâu, phù sa không còn bồi đắp tạo độ màu mỡ cho đất đai sinh sôi như trước.
Ở vùng cao nguyên, miền núi, người dân hết lật đật chạy theo các giống cây trồng khác nhau từ tiêu, cafe rồi hạt điều…

Nhưng, mất vài ba năm trồng cafe đến khi cho thu hoạch thì lại điệp khúc “được mùa, rớt giá” lặp đi lặp lại. Người nông dân lại phải chặt café để trồng tiêu. Và rồi khi tiêu có thu hoạch lại rớt giá, lại chặt tiêu để trồng cây khác… Cứ vậy, vòng luẩn quẩn chạy theo giá và năng suất làm cho nền sản xuất nông nghiệp không ổn định.

Những khi được mùa, tư thương ép giá người nông dân đến tận đáy, khi mất mùa hoặc năng suất thấp, giá cao lên thì người nông dân lại không còn sản phẩm nông nghiệp.
Những năm gần đây, nền nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, Nhưng bài học mà bất cứ người xuất khẩu nào sang thị trường Trung Quốc đều phải học là: Đây là một thị trường không chắc chắn và thiếu tin cậy.

Cũng như bài học các tư thương, những thương lái Trung Quốc nhập khẩu hoa quả, nông sản từ Việt Nam cũng sẵn sàng bất thình lình ngừng nhập khẩu dăm bữa, nửa tháng nắn gân nhau chơi.

Và nông sản, thực phẩm từ Việt Nam thay nhau tìm chỗ đổ trên biên giới. Đã từng có thời, các loại nông sản, với hàng đoàn xe container ùn ùn chở lên để đổ đầy đường biên hoặc từng đàn lợn bị tìm nơi đổ xuống vì Trung Quốc dừng nhập khẩu.

Trên mạng xã hội, thỉnh thoảng người ta lại thấy hô hào nhau “giải cứu dưa hấu” hoặc giải cứu một sản phẩm nông nghiệp nào đó như một sự trợ giúp bởi lòng thương của cộng đồng. Nhưng, tất cả chẳng giải quyết được bất cứ điều gì trong một nền nông nghiệp muốn có sự bền vững.

Chỉ có một điều chắc chắn người nông dân được hưởng, đó là sự xà xẻo, bớt xén và tham nhũng, lạm thu lạm bổ đối với người nông dân ngày càng nặng nề bởi bộ máy quản lý cồng kềnh của Việt Nam từ địa phương đến Trung ương.

Do vậy, người dân làm nông nghiệp luôn đứng trước sự túng thiếu, sự quẫn bách và luôn bất an kể cả khi mất mùa lẫn được mùa.

Một chính phủ vô trách nhiệm

trò của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương và của Chính phủ hầu như bằng con số không. Nếu có, chỉ có ở các bản báo cáo thành tích cuối năm đầy những ngôn từ xủng xoảng. Còn lại, mọi khó khăn và thiệt hại nhường cho người nông dân được hưởng.

Những công ty, Tổng công ty được lập ra không hề có được tác dụng giúp người nông dân an tâm đầu tư sản xuất, không hề có những bảo hiểm nông nghiệp để người dân giảm bớt khó khăn khi bị thiên tai, địch họa…

Giống má không được đầu tư đúng nhu cầu, phân bón giả, kém phẩm chất, rồi lạm dụng thuốc trừ sâu, diệt rầy, sâu bệnh… Đặc biệt là nguồn đầu ra của sản phẩm luôn là một thách đố với người nông dân Việt Nam.

Hàng năm, mỗi khi lúa rớt giá thê thảm, chính phủ chỉ bằng những mệnh lệnh thay cho hành động để giúp người nông dân. Con số vài ba trăm ngàn tấn lương thực chính phủ mua vào, chỉ là con muỗi trên lưng con voi 7 triệu tấn lúa xuất khẩu mỗi năm.

Do vậy việc chính phủ hô hào “làm phép” chẳng có tác dụng gì đối với đời sống, sản xuất của người nông dân.

Trong khi đó, đủ loại thuế, phí đều đổ lên đầu các sản phẩm nông nghiệp và người nông dân. Người ta đã tính ra mỗi quả trứng gà chịu đến 14 khoản thuế và phí. Riêng lĩnh vực này thì chính phủ thực hiện một cách xuất sắc.

Xưa nay vẫn thế, bất cứ cái gì muốn ăn đều phải chăm bẵm, phải gieo trồng. Một chính phủ muốn khai thác nguồn lực từ nông dân, cũng phải biết chăm lo cho họ thì mới có cơ hội bền vững. Nhưng, điều này hình như chưa được chính phủ Việt Nam thấm nhuần.

Một chính phủ quản lý đất nước, điều hành mọi mặt đời sống nhân dân. Trong khi đó, chỉ một con số báo cáo số lượng gạo đã sản xuất, đã xuất khẩu, đang còn bao nhiêu và tình trạng thế nào mà đã làm cho cả bộ máy lúng túng như gà mắc tóc để rồi hết công văn này đến công văn khác đều hỏa tốc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược nói lên điều gì?

Điều này, chỉ chứng tỏ một điều là cả bộ máy quản lý đã hoàn toàn không nắm được thực tế của những gì thuộc trách nhiệm mình quản lý.

Đó là một chính phủ vô trách nhiệm với người dân không thể chối cãi.

Ngày 25/3/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh





No comments: