Thursday, March 5, 2020

PHÍA SAU MỘT BẢN TIN (Mai Quốc Ấn)





Tôi tóm tắt ngắn gọn bản tin trên Thanh Niên như sau: Bốn người Trung Quốc đi từ Quảng Ninh dự kiến vào Đà Nẵng để trốn dịch. Khi vào Thừa Thiên – Huế, họ xuống Phú Vang tìm quán ăn thì bị bắt giữ. Trong số 4 người, chỉ có một người có hộ chiếu, không có hồ sơ đóng dấu nhập cảnh.

Các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đang đề nghị Cục Xuất nhập cảnh phương án trục xuất những người này về nước. Theo đó, có 2 phương án có thể cách ly 14 ngày sau đó trục xuất hoặc xét nghiệm nếu âm tính với Covid-19 thì sẽ trục xuất ngay.

Nhìn sâu vào bản tin này có thể thấy việc người Tàu “tung tăng” tại Việt Nam bất chấp quy định xuất nhập cảnh. Họ vào đất nước mình trái phép và hiểu đơn giản là từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên- Huế đã là nửa đường đi dọc quốc gia.

Lý do trốn dịch là một lý do, niềm tin nội tâm của tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng không thể không nghĩ về cảnh báo của cựu tướng an ninh Trương Giang Long về việc tình báo Tàu đã cắm rễ, leo cao, luồn sâu ở quốc gia này. Bao gồm cả chui vào hệ thống chính trị chứ không chỉ các mặt kinh tế, đời sống.

Trong bản tin có nhắc đến Đà Nẵng. Nên càng không thể quên rằng có công trình vốn Tàu xây cao và rất gần sân bay quân sự Nước Mặn. Hãy nghĩ thử với không chỉ các công trình khác, tình báo Hoa Nam đã tiềm phục ra sao, khi ngay tại công trình quân sự cũng vào sát được.

Các chính trị gia luôn nói về yêu nước. Nói bằng miệng luôn dễ hơn là phá vỡ những thực tế phi lý như cách 4 người Trung Quốc xâm nhập “tung tăng” trên quốc gia này trái luật nhập cảnh. Và càng dễ hơn so với xử lý những công trình vốn Tàu (kể cả vốn Tàu đội lốt Malaysia, HongKong, Indo, Sing,…).

Các chính trị gia luôn nhắc về phát triển kinh tế. Nhưng sẽ chẳng chút vui vẻ nào nếu nhận ra dòng vốn FDI được thu hút lại thiếu đi một tâm thế tôn nghiêm dân tộc, đất nước. Số lao động làm thuê tại Tàu, Hàn và các quốc gia có dịch corona phải quay về Việt Nam lại chứng minh tâm thế… làm thuê chủ động. GDP từ “kiều hối làm thuê” có gì vui và “ngạo nghễ Việt Nam”?

“Đã bao giờ đất nước được như thế này chưa?” là một câu hỏi giàu màu sắc tự hào của chính trị gia. Nhưng thực tế xã hội lại cần thay từ “ĐƯỢC” thành từ “BỊ”. Phải nhìn thẳng sự thật ấy để thay đổi chứ còn ru ngủ nhau bằng mị ngôn thì đất nước lại tiếp tục cúi đầu.

Phía sau một bản tin, với tôi, là cả sự đau lòng và phẫn nộ! Vì may mắn (và bất hạnh) thay, tôi đã đọc quá nhiều điều phía sau những bản tin khác mỗi ngày có tính chất tương tự bản tin báo Thanh Niên vừa nêu.

Kể cả những bản tin không bao giờ xuất bản…

P/s: Nếu 4 người Trung Quốc đó dương tính với corona virus thì sao? Họ đã lây cho bao nhiêu người? Và ngoài 4 người đó thì có bao nhiêu người nước ngoài trốn dịch xâm nhập trái phép quốc gia chưa bị phát hiện?… Rất nhiều câu hỏi để thấy rằng thể chế đã tồi tệ tới mức nào…






No comments: