Wednesday, March 18, 2020

NẾU SỐNG Ở HÀ NỘI, ĐỪNG ĐI ĐÂU VÀO THỜI ĐIỂM NÀY (Nguyễn Lai)




19/03/2020

Vào thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam, học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học kéo dài, nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội nghĩ đến chuyện cho gia đình đi chơi xa, tìm tới những khu vực vắng vẻ, ít người để thay đổi không khí đồng thời tránh dịch. Thế nhưng chuyện này xem ra cũng khó thực hiện vì việc di chuyển có thể dẫn tới nguy cơ lây lan virus, và hơn thế, những người sinh sống ở Hà Nội lúc này không được người dân ở nhiều nơi chào đón do nỗi lo sợ dịch bệnh.

Anh Hoàng Nam, một phụ huynh có 2 con nhỏ đang nghỉ học kéo dài tại Hà Nội, cho biết gia đình anh cùng với một gia đình người bạn định thực hiện một chuyến đi vài ngày tới thung lũng Tú Lệ thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, một địa điểm du lịch nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang và không gian thoáng đãng trong lành. Tuy nhiên, chuyến đi của gia đình anh đã phải huỷ bỏ khi nghe tin 3.700 người Yên Bái ra Hà Nội sinh sống và làm việc khi quay về quê trong dịp này đã bị cách ly và theo dõi y tế tại nhà.

“ Khi nghe tin như vậy, thì chúng tôi huỷ bỏ chuyến đi ngay. Thực tế thì tôi cũng vừa phải huỷ một vài chuyến đi khác, trong đó có một chuyến đi nước ngoài và vài chuyến đi trong nước nữa,” anh Nam nói.

Chị Nguyễn Hương, một cư dân ở quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết tuần vừa rồi, chị có trở về quê chồng ở Nam Định để tảo mộ và chứng kiến sự thay đổi đột ngột về cách ứng xử của cư dân địa phương đối với gia đình mình. Nếu như trước kia, mỗi lần về quê chị đều được đón tiếp nồng hậu, được mời cơm, thì lần này những người họ hàng lấy cớ phải tham dự một đám cưới gần đó để không gặp gỡ chị và gia đình. Thậm chí quán hàng quen thuộc trong làng cũng có cách ứng xử hoàn toàn khác lạ, chị cho biết.

“Khi thấy họ có thái độ như vậy, mình đã nghi nghi rồi, tìm hiểu kỹ thì đám cưới ở tận tít trong làng. Khi vào quán hàng trong làng đặt đồ ăn thì họ trả lời thẳng thừng luôn là người Hà Nội thì không phục vụ,” chị Hương chia sẻ.

Thực tế, kể từ khi dịch bùng phát, người dân Hà Nội chưa bao giờ chịu cảnh soi xét khi về quê như hiện tại. Nhưng theo nhiều người thì kể từ khi có thông tin về ca bệnh thứ 17 và ca bệnh thứ 21, vốn là những người có nhiều giao tiếp trong xã hội trước khi phát bệnh, giờ đây tại nhiều địa phương người ta ngại tiếp xúc với người từ Hà Nội trở về. Có những người vừa trở về quê tại Nghệ An được vài giờ đồng hồ thì hàng xóm đã ra báo công an xã, và nhân viên y tế tới hỏi thăm, điều tra…

Trong khi đó, nhiều lao động ngoại tỉnh sinh sống và làm ăn ở Hà Nội nhân dịp công việc tạm ngừng trong thời điểm này về quê sum họp với gia đình được vài hôm là đã có thông tin không thể quay trở lại làm việc.

Anh Đặng Minh Hoà, một chủ thầu xây dựng với hơn trăm công nhân vốn chủ yếu là các lao động ngoại tỉnh, chia sẻ thêm: “ Mấy anh em ngoài công trường, chủ yếu là người dân tộc sau khi lĩnh lương về quê được vài hôm thì thấy báo ra là bị bắt phải cách ly 2 tuần rồi, không biết đến khi nào mới quay lại được. Hơn thế thì ở quê rau vườn nhà có sẵn, gà thì cũng thả ngoài vườn, ai cũng sợ chết nên người ta cũng không quay lại nữa”.

Theo một số cư dân Hà Nội thì đây là một kiểu phản ứng thái quá đối với dịch bệnh của các cộng đồng ở những địa phương nông thôn còn nhiều khó khăn trong đời sống và trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

Anh Trần Nguyên, một phóng viên lâu năm làm việc tại Hà Nội, lý giải thêm: “ Rõ ràng sau một thời gian dịch tạm thời lắng xuống, thì bỗng nhiên có ca thứ 17 khiến người dân cả nước choáng váng, từ đó thì số người nhiễm corona ngày một tăng nhanh. Từ đó người ta chú ý nhắm vào Hà Nội và những người sinh sống ở Hà Nội thôi, chứ tôi thấy thì ở các địa phương khác không phải là không có ca nhiễm nào, thậm chí thành phố Hồ Chí Minh theo tôi còn nhiều hơn Hà Nội ấy chứ.”

Trong lúc dịch bệnh còn diễn tiến lâu dài, để tránh bị “kỳ thị” thì nhiều cư dân ở Hà Nội đã chọn cách tự cách ly, không đi đâu trong những ngày này.

----------------------------------------

XEM THÊM

.
.







No comments: