Wednesday, March 4, 2020

DỊCH COVID-19 Ở HOA KỲ : NGƯỜI GỐC VIỆT 'GIẬT MÌNH' NHƯNG 'TIN CHÍNH QUYỀN' (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
05/03/2020

Một số người Việt ở Mỹ bày tỏ quan ngại khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tin tưởng vào khả năng đối phó của chính phủ Mỹ mặc dù có những chỗ họ cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump ‘làm chưa tốt’.

Trong lúc này, cả Quốc hội và chính quyền Trump đã tăng tốc trong trận chiến với dịch Covid-19 với việc cấp ngân khoản hơn 8 tỷ đô la và đang cân nhắc cho người nhiễm bệnh được phép nghỉ làm có hưởng lương và cũng như chi trả tiền viện phí cho những người nhiễm bệnh.

Số lượng ca nhiễm virus corona hiện nay ở Mỹ đã tăng lên 154 ca, theo số liệu mới nhất do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố vào chiều ngày 4/3, với 11 ca tử vong. Tiểu bang California hôm 4/3 đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên bên cạnh 10 ca tử vong ở tiểu bang Washington.

Tỷ lệ 11 người chết trong tổng số 154 người nhiễm khiến Mỹ trở thành một trong những nơi có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.

‘Lo cũng không làm được gì’

Trao đổi với VOA, bà Michel Lê, hiện đang cư ngụ tại Seattle, thuộc hạt King, bang Washington, nói rằng bà có lo lắng nhưng ‘tin tưởng vào chính quyền Trump hoàn toàn’. Hạt King nơi bà cư ngụ hiện được xem là ‘tâm dịch’ ở Mỹ với hầu hết các ca tử vong được báo cáo ở quốc gia này.

“Dịch bệnh lan rộng như vậy dĩ nhiên là có bất an nhưng đâu có làm gì được,” bà Lê nói.
“Chúng tôi vẫn phải tiếp tục sinh hoạt thôi. Nếu tránh không đi đâu hết mà chỉ ở nhà lo sợ thì không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ?” bà lập luận và cho biết bà ‘tin vào Chúa’ nên ‘phó thác mọi việc vào Chúa’.

Ngoài ra, bà Lê cho biết bà nghe và làm theo những khuyến cáo phòng dịch của chính quyền như rửa tay, tránh tiếp xúc gần gũi với người khác.
“Lúc trước thì vô tư nhưng giờ đây khi gia đình đi đâu phải để ý hơn đến môi trường xung quanh,” bà nói.

Khi được hỏi bà có tin tưởng vào cách ứng phó dịch của chính quyền hay không, bà Lê nói: “Nước Mỹ là nơi an toàn nhất để mình ở. Tổng thống Trump và phó Tổng thống Pence hàng ngày vẫn ra tin tức cho mình biết và họ làm việc rất chặt chẽ với chính quyền địa phương.”

Về tình hình nơi bà ở, bà Lê nói ‘rất bình thường, không có gì thay đổi và không có ai đeo khẩu trang ra đường’.
“Chỉ có ở siêu thị Costco người ta đến mua nhiều đồ hơn để tích trữ.”

Khi được hỏi con số tử vong ở tiểu bang tăng nhanh có làm bà lo ngại, bà Lê cho rằng ‘đó là những người già đã bị bệnh nặng rồi nên thêm virus corona nữa thì họ chống chọi không nổi’.
“Những gì chính quyền đang làm là rất tốt,” bà nói thêm.

Trước câu hỏi có đồng ý với biện pháp cách ly vùng dịch như cách Trung Quốc đã làm đối với Vũ Hán nếu dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở bang Washington, bà nói: “Nếu tình hình tới mức đó, nếu chính quyền muốn làm vậy thì tôi sẽ tin vào chính quyền.”
“Tuy nhiên, đến giờ chỉ có 2,3 trường học đóng cửa để khử trùng thôi chứ chưa có gì xảy ra hết,” bà cho biết.

Khi được hỏi có nên hạn chế người đến từ các nước Hàn Quốc và Ý, nơi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ, như chính quyền đã làm với Trung Quốc sau khi dịch bùng phát ở nước này, bà Lê nói bà ‘an tâm’ với cách làm của chính quyền hiện nay là kiểm tra y tế kỹ những người nhập cảnh đến từ hai nước này.

Chính quyền Mỹ cho đến nay đã hạn chế các chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc nhưng chỉ ra khuyến cáo đi lại cho công dân Mỹ đến Ý và Hàn Quốc chứ không hạn chế người dân hai nước này đến Mỹ.

‘Chính quyền không nhất quán’

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn, một kỹ sư hiện đang sống ở tiểu bang Florida, nơi có 4 người bị nhiễm Covid-19, nói với VOA rằng con số tử vong đột ngột gia tăng ở Mỹ ‘khiến ông giật mình’.

“Khi cả thế giới báo động thì nước Mỹ có thái độ là không sao,” ông giải thích. “Đùng một cái mấy ngày qua tình hình thay đổi hoàn toàn.”
“Khi Tổng thống Trump nói là tình hình đang trong tầm kiểm soát thì ngay sau đó đã xảy ra tử vong ở Washington. Tôi có những người bạn ở bang Washington họ nghe tin mà giật mình,” ông cho biết.

Theo đánh giá của ông Tuấn thì chính quyền Trump ‘hơi chủ quan’.
Ông chỉ ra có sự mâu thuẫn trong những thông điệp mà ông Trump đưa ra với những gì mà CDC tuyên bố.

“Tuyên bố mâu thuẫn nhau khiến người dân chúng tôi đặt câu hỏi cái nào mới là tin tức chính xác,” ông đặt vấn đề.

Do đó ông mong rằng chính quyền Mỹ sẽ có ‘phản ứng nhất quán hơn với dịch bệnh’ để ‘tạo lòng tin cho công chúng’ và ‘không để xảy ra hoang mang vô ích’.
Tuy nhiên, ông Tuấn nói ông vẫn tin tưởng vào cách ứng phó của chính quyền Mỹ ‘hơn là những nước độc tài như Iran hay Trung Quốc’.
“Bản thân tôi cũng tin là dịch sẽ bùng phát ở Mỹ,” ông nói. “Nhưng đáng lo chỉ có một phần vì tôi tin vào điều kiện vệ sinh của Mỹ và ý thức của người dân Mỹ cao hơn.”
Ông nói nếu Mỹ cách ly nghiêm ngặt những người đến từ các vùng dịch thì ‘sẽ tránh cho dịch bùng phát’.

Về việc liệu Mỹ có nên học theo cách làm của Trung Quốc là cách ly triệt để vùng tâm dịch như Vũ Hán hay của Việt Nam là cách ly toàn bộ những người đi từ vùng dịch về, ông Tuấn nói rằng ‘Mỹ không thể nào siết quyền tự do đi lại của công dân’.

“Các nhà nước độc tài có thể áp dụng các biện pháp mà các nước tự do không làm được, chẳng hạn như phong tỏa cả một tòa nhà không cho ai ra vào,” ông giải thích. “Ở Mỹ không thể làm được cho đến khi biết rõ là phải cách ly cá nhân nào.”
“Đây là mặt trái của xã hội tự do khiến người dân có thể bị nguy hiểm hơn (vì dịch bệnh),” ông thừa nhận.

Ông cũng chỉ ra rằng việc chính quyền Mỹ chia ra các cấp liên bang, tiểu bang và địa phương khiến chính quyền trung ương khó lòng đưa ra những biện pháp chống dịch dứt khoát và quyết liệt như ở Trung Quốc và Việt Nam, nơi mà ông cho rằng ‘ở trên nói sao thì ở dưới phải làm như vậy’.

Về các chuyến bay đến Mỹ từ Ý và Hàn Quốc trong thời điểm hiện nay, ông Tuấn cho rằng ‘nên cấm’ như là đã làm với các chuyến bay đến từ Trung Quốc.

‘Lấp các lỗ hổng’

Trong lúc này, các nhà lập pháp Mỹ và các quan chức liên bang đang tìm cách lấp những lổ hổng trong hệ thống y tế của nước này vốn tạo điều kiện cho virus corona lây lan, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Khoảng 33,6 triệu người lao động Mỹ không được phép nghỉ ốm mà vẫn được hưởng lương, theo Bộ Lao động nước này.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Patty Murray của tiểu bang Washington, nơi đang bị dịch Covid-19 tấn công, hôm 3/3 đã kêu gọi thông qua luật cho phép nghỉ ốm được hưởng lương. Trong khi đó, CDC kêu gọi các doanh nghiệp để cho nhân viên có triệu chứng bệnh được nghỉ ở nhà còn Bộ Tài chính cho biết họ đang xem xét các biện pháp hỗ trợ những người lao động không được nghỉ ốm.

Chính quyền Trump cũng đang xem xét sử dụng một chương trình thảm họa quốc gia để chi trả cho các bệnh viện và bác sĩ để họ chăm sóc những người bị nhiễm virus corona không có bảo hiểm y tế, Wall Street Journal cho biết.

Khoảng 27 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế và những người này lo ngại về chi phí điều trị sẽ không dám đi đến các cơ sở y tế để xét nghiệm virus corona, khiến cho dịch bệnh có điều kiện lây lan.

“Tôi chỉ làm việc bán thời gian và làm việc bán thời gian thì không được nghỉ ốm,” James Hark, 36 tuổi, một nhân viên pha chế rượu ở Detroit được Wall Street Journal dẫn lời nói. “Nếu tôi bị bệnh, tôi vẫn phải làm việc.”

Bên cạnh đó, khoảng 10 triệu dân nhập cư không có giấy tờ ở Mỹ có khả năng không dám đến các cơ sở y tế để xét nghiệm và điều trị bệnh Covid-19. Theo quy định mới của chính quyền Trump thì những di dân hợp pháp nào sử dụng phúc lợi xã hội, trong đó có trợ cấp chăm sóc y tế Medicaid, nhiều khả năng sẽ bị từ chối cho phép trở thành thường trú nhân và công dân Mỹ.

Những người nào ở Mỹ nhiễm virus corona mà không có bảo hiểm sẽ phải đối mặt với hóa đơn tiền viện phí cao ngất ngưởng.

----------------------

LIÊN QUAN






No comments: