Monday, March 16, 2020

CÓ PHẢI ANH QUỐC CHỦ ĐỘNG CHO DÂN CHẾT VÌ CORONA? (Nguyễn Hùng)




17/03/2020

Bốn chữ ‘miễn dịch cộng đồng’ trong mấy ngày qua gây nhiều tranh luận và có người nhầm tưởng rằng nước Anh để mặc corona hoành hành và cho dân sống chết mặc bay. Chẳng có nước dân chủ nào mà chính quyền dám có chính sách như thế vì số ngày cầm quyền của họ sẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay nếu họ toan tính như vậy.

Vậy tại sao có vấn đề miễn dịch cộng đồng ở đây? Nó chỉ là hệ quả tự nhiên của chuyện có tới khoảng 80% người nhiễm corona thường tự khỏi mà không cần bất kỳ can thiệp y tế nào. Niềm hy vọng hiện nay là số người này sẽ có kháng thể và không nhiễm lại nữa nhưng không có gì đảm bảo đây là điều chắc chắn xảy ra. Còn để tạo ra miễn dịch cộng đồng hiệu quả và khoa học, điều chắc chắn cần tới là vắc-xin mà khả năng sớm nhất phải tới cuối năm mới có. Và kể cả khi đã có vắc-xin rồi, sản xuất ra đủ cho cả tỷ người trên thế giới sẽ còn mất rất nhiều tháng trời, theo phóng viên khoa học của BBC. Các chuyên gia cũng nói độ hiệu quả của vắc-xin còn tuỳ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người.

Hôm 16/3 chương trình thời sự Today, tức Ngày nay, của Đài BBC 4 tại Anh đã phỏng vấn một phụ nữ 60 tuổi, người nhiễm corona mới nhưng đã hồi phục. Bà nói con vi-rút quái ác đã khiến bà sốt cao, ho, buồn ngủ triền miên và mệt như “đấm bốc năm hiệp với Mike Tyson”. Nhưng bà đã vượt qua chỉ bằng uống thuốc giảm sốt và đang đợi khi nào có dịch vụ thử kháng thể với corona để xem bà đã miễn nhiễm chưa. Ở Việt Nam cũng đã có từng có khách nam người Trung Quốc trên 60 tuổi được chữa khỏi tại bệnh viện. Như vậy con corona mới tai hại hơn nhiều lần so với bốn con corona khác mà hàng năm vẫn gây ra cúm thường. Nhà báo khoa học của BBC cũng nói hiện không có vắc-xin cho cả bốn con corona đó.

Một điều nữa cũng cần chỉ ra là nhiều trường hợp tử vong trong mùa dịch corona mới là những người đã có sẵn một hay nhiều bệnh khác trong người. Đây là lý do mà ngay cả khi Anh chỉ mới dự tính sẽ yêu cầu những người trên 70 tuổi cách ly trong nhiều tuần đã có ý kiến cho rằng chính sách này không hẳn đúng. Có người nói người trên 70 tuổi cũng có thể có hệ miễn dịch tốt hơn người 40 hay 50 tuổi mà hút thuốc, uống rượu và có các bệnh nền. Bởi vậy một chính sách dựa vào độ mạnh yếu của hệ miễn dịch sẽ chính xác hơn. Chính quyền Anh cũng phải cân nhắc xem nếu buộc phải đóng cửa trường học họ sẽ cần làm như vậy trong bao lâu. Lý do là các bác sỹ và nhân viên y tế cũng sẽ phải nghỉ ở nhà trông con nếu các trường học đóng cửa. Và các bậc ông bà, nhóm có nguy cơ cao, cuối cùng lại phải trông trẻ. Một lý do khác khiến Anh không muốn cách ly thái quá là họ sợ dịch sẽ trở lại sau quá trình cách ly xã hội mà khả năng có thể là vào mùa đông năm sau, lúc hệ thống y tế thường quá tải.

Nhưng ở những nước tự do, các cơ quan và tổ chức không nhất nhất phải nghe theo chính phủ. Chẳng hạn trường Goldsmiths thuộc University of London mà tôi dạy hôm 16/3 đã quyết định ngưng tất cả việc giảng dạy trực tiếp và tạm cho học sinh nghỉ một tuần để giảng viên chuẩn bị dạy trực tuyến từ tuần tới. Các kỳ thi đòi hỏi học sinh có mặt tại trường cũng đã bị huỷ trong khi lễ tốt nghiệp mùa hè hiện tạm hoãn. Điều này xảy ra dù chính quyền chưa có chính sách đóng cửa trường học và sau khi chính các sinh viên của trường gửi thư ngỏ đề nghị Goldsmiths chuyển sang dạy trực tuyến như nhiều trường khác trong đó có King’s College và Oxford. Cùng ngày với Goldsmiths, nhiều trường khác cũng ngưng dạy trực tiếp. Còn đài BBC cũng gửi thư thông báo cho tôi biết khoá học mà họ mời tôi tham gia giảng dạy đầu tháng Tư đã bị huỷ. Một khoá khác được tổ chức ở Delhi của Ấn Độ vào nửa cuối tháng Tư cũng bị huỷ từ tuần trước.

Cá nhân tôi, như có dịp đã kể trong một blog trước, tôi buộc phải ở trọ thay vì về nhà sau chuyến đi tới California và Ucraina. Cũng phải nói rằng Hoa Kỳ và Ucraina có những cách hành xử khác nhau. Khi tôi tới Ucraina, tôi bị kiểm tra nhiệt độ tại sân bay và cả ở sân bay lẫn khách sạn họ có kem khử trùng để sẵn trong nhà vệ sinh hoặc đã thực hiện khử trùng cho khách. Cũng may chuyến đi tới Hoa Kỳ của tôi diễn ra vào cuối tháng Hai và chuyến dạy học ở Ucraina vào đầu tháng Ba. Hiện cả hai nước này đều đã khoá cửa với những người như tôi. Chuyến bay từ Kiev về lại London của tôi hôm 7/3 cũng bị huỷ vì người ta ngờ rằng không có đủ khách bay từ London sang và từ Kiev về. Nhưng rất may ngày hôm sau tôi đã về lại London. Hãng hàng không Ucraina cũng bồi thường cho mỗi khách 400 euro ngoài chuyện thanh toán trước chi phí ăn ở trong đêm phải ở lại Kiev.

Dù đi lại khá nhiều cho tới hết tuần đầu tháng Ba, tôi may mắn vẫn giữ sức khoẻ tốt. Trong túi tôi lúc nào cũng có kem sát trùng. Về London tôi còn trang bị cho mình thêm giấy lau tay để dùng khi cần mở cửa, kéo rèm, bấm nút… Điều quan trọng nữa là luôn rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi ăn và tránh đưa tay lên mặt. Tôi cũng nghĩ có thể cần mang theo lọ nước rửa tay nhỏ phòng trường hợp nơi quý vị tới có nước để rửa tay nhưng đã hết xà phòng như từng xảy ra với tôi mới đây ở London. Và tuyệt đối tránh ho vào tay mà nên dùng giấy hoặc ho vào phía trong khuỷu tay nếu chẳng may không có giấy. Một số chuyên gia cảnh báo con corona mới có nguy cơ sẽ quay lại và tham gia vào nhóm bốn con corona hiện có vào mỗi mùa đông. Nếu đúng vậy chúng ta sẽ phải tìm cách sống chung với loại cúm mới này.

---------------------------------

XEM THÊM







No comments: