Tuesday, March 24, 2020

"AI MANG BỤI ĐỎ ĐI RỒI!" (Huy Phương)





Huy Phương
Mar 22, 2020

“Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…”
“Ai mang bụi đỏ đi rồi!” (Phạm Duy)

*
Khi hiệp định Geneve chia cắt đất nước 1954, chúng tôi là những đứa trẻ miền Nam vừa đến tuổi thiếu niên mười lăm, mười bảy, tuổi bắt đầu biết yêu đương và yêu thương những gì là nghệ thật tinh túy cả văn học, mà phần lớn từ mảnh đất miền Bắc, đã theo phong trào di cư vào Nam. Trong đó những tác phẩm của các văn nghệ sĩ tên tuổi đã vào Nam, cũng như ngậm ngùi còn ở lại bên kia bờ vĩ tuyến, đã cho chúng tôi một đời sống tinh thần giàu có.

Những nhà sách có mặt khắp nơi, tình trạng xuất bản sách và nhạc phong phú, đài phát thanh và truyền hình hiện diện cho đến cấp tỉnh, tuy cần thiết cho một nền chính trị đang non yếu, nhưng văn nghệ đã có mặt khắp nơi. Nhiều ban thoại kịch, gánh cải lương, hát bội ra đời, không những trình diễn tại các thành phố lớn mà còn lưu diễn đến những vùng quận lỵ xa xôi. Dân chúng đã làm quen với những buổi triễn lãm hội họa, nhiếp ảnh. Âm nhạc đến với quần chúng từ những phòng trà sang trọng cho đến hang cùng ngõ hẽm, bình dân. Phong trào xuất bản những nhạc khúc có lời, trình bày mỹ thuật trang nhã đã làm giàu cho những nhạc sĩ và cũng là thú vui sưu tập bình dân của tuổi trẻ thời ấy!

Nữ danh ca Thái Thanh. (Hình: rfa.org)

Thái Thanh là một điều gì đó tiêu biểu cho người nghệ sĩ Hà Nội sang cả của một thời. Tên tuổi của cô cùng với Ban Hợp Ca Thăng Long, kết hợp với những giọng hát, tiếng đàn, anh chị em ruột thịt trong gia đình là một ban hợp ca quý hiếm của miền Nam ngày ấy.

Nổi lên trên tất cả, giọng hát Thái Thanh kết tinh của nghệ thuật đương đại, với giọng “light lirico soprano,” đồng thời là căn bản âm nhạc dân tộc cội nguồn từ những cung bậc, luyến láy của nhạc chèo, quan họ, chầu văn…

Ngoài ra, con người Thái Thanh còn một hình tượng tiêu biểu cho một hình ảnh của Hà Nội thanh lịch ngày trước, quê hương Tràng An quý phái, thanh lịch trong phong cách, giọng nói, lối sống khác xa với những gì chúng ta thấy và nghe về Hà Nội của hôm nay. Tiếng hát được xem là “réo rắt” của Thái Thanh được nhiều người thưởng ngoạn, từ giới bình dân, lao động cho đến giới trí thức hay sinh viên học sinh.

Những nhà phê bình âm nhạc đã dùng nhiều mỹ từ để phong tặng cho tài năng của Thái Thanh, như “Tiếng hát vượt thời gian,” “ Cây đại thụ trong làng văn nghệ sĩ Việt,” “Tiếng hát không có tuổi” hay “Đệ Nhất Danh Ca!” nhưng trên tất cả, tiếng hát Thái thanh đã trở thành một huyền thoại trong làng âm nhạc Việt Nam, không là bản sao của ai và cũng không có ai có thể thay thế!

Thái Thanh là người ca sĩ đã chuyên chở đến tâm hồn người nghe những bản nhạc bất hủ của Phạm Duy cũng như Khánh Ly với những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Đều là những ca sĩ huyền thoại nổi danh, nhưng lối sống và xử thế của hai ca sĩ này, trước sau, hoàn toàn khác nhau.

Sau 1975 các giới chức văn hóa CSVN mời Thái Thanh cộng tác nhưng cô đã khước từ, dù sau biến cố này, đời sống của giới văn nghệ có tên tuổi ở miền Nam lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Từ đó cho đến ngày sang định cư ở Mỹ năm 1985 Thái Thanh đã không có dịp trở lại sân khấu, dù khán giả vẫn mong đợi được gặp cô, trong Nam lẫn ngoài Bắc vì chính sách phân biệt của đảng cầm quyền.

Thái Thanh là một ca sĩ thanh sắc vẹn toàn, và trên hết, là một nhân cách đáng cho người đời kính trọng.

Bà từng bị tai biến mạch máu não năm 2000, mất trí nhớ, không còn nhận ra người thân. Nhưng nhờ nỗ lực tuyệt vời, bà dần khôi phục trí nhớ. Năm 2004, trong ngày lễ “Mother’s Day,” Thái Thanh đã lên sân khấu trình diễn “Ngày xưa Hoàng Thị” cùng với Ý Lan, với một phong cách rất trẻ trung.

Đã nhiều lần, danh ca Ý Lan, ái nữ nối nghiệp của Thái Thanh, cho biết trên báo chí trong và ngoài nước là: “Mẹ tôi rất muốn về quê hương hát cùng nhưng tiếc là sức khỏe bà không cho phép. Vì vậy, trong mỗi đêm nhạc ở Việt Nam tôi đều thể hiện lại một số ca khúc gắn liền với tên tuổi của mẹ như một cách thay mặt bà!”

Với tôi và nhiều thính giả đã yêu mến tiếng hát và nhân cách của Thái Thanh, không tin rằng, trong thâm tâm, người ca sĩ này muốn có một ngày trở về Hà Nội hay Sài Gòn, nơi bà đã sống và bỏ ra đi, để hát cho “đồng bào tôi” nghe!

Báo chí trong nước cũng đưa tin, nhiều lần về hát ở Việt Nam, Ý Lan tiếc nuối vì Thái Thanh không thể về theo để hát cùng! Nhưng ca sĩ Thái Thanh có một đời sống thanh cao riêng, đẹp đẽ từ nhân dáng, giọng hát và nhân cách. Xin cứ để yên tĩnh cho đời sống riêng của người ca sĩ này, Thái Thanh không nhất thiết phải sống giống ai, ứng xử rập khuôn theo một “phong trào,” và cư xử hành động y như những người khác.

Trích Lưu Trọng Văn: “Có lần gã hỏi nhạc sĩ Phạm Duy tại sao không rủ Thái Thanh về, Phạm Duy bảo: tôi có rủ nhưng cô ấy lắc đầu. Gã hỏi: tại sao? Phạm Duy im lặng một lúc rồi khẽ nhún vai nói: cô ấy không hết giận. Gã hỏi tiếp sao giận dai vậy? Phạm Duy bảo: vì quá yêu. Cô ấy quá yêu…Vâng! Quá yêu! Nước ơi!”

Vậy thì làm sao có chuyện Thái Thanh muốn về!

Thái Thanh đã từ giã chúng ta vào ngày Thứ Ba, 17 Tháng Ba, 2020, giữa lòng thủ đô tỵ nạn, hưởng thọ 87 tuổi. Tin ca sĩ Thái Thanh qua đời đã là một tin buồn, nhưng ở trong mùa đại dịch này, đó là một tin buồn gấp bội. Không lẽ trong ngày cuối cùng của cô, chúng ta không đưa được người ca sĩ hương sắc này đi được một đoạn đường như chúng ta đã có lần đưa tiễn những người yêu mến của chúng ta ra đi. Sao mỹ nhân và danh tướng cuối đời, hôm nay, lại phải chịu cảnh trái ngang như thế!

Nhớ đến Thái Thanh, chúng ta không thể quên giọng hát của cô, chỉ xin nêu ra đây, một vài ca khúc tiêu biểu: Dòng Sông Xanh, Nửa Hồn Thương Đau, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Ngàn Thu Áo Tím, Paris có Gì Lạ Không Em, và Ngày Xưa Hoàng Thị.…

Nói như Phạm Duy: “cuộc đời sóng nổi, xóa bỏ vết người!” Nhớ Thái Thanh là nhớ đến một quãng đời trong quá khứ, với nỗi niềm thương tiếc, mà ngày nay, dường như “Ai mang bụi đỏ đi rồi!”

“Ai mang bụi đỏ đi rồi!” Một dấu than đúng hơn là một dấu hỏi. (Huy Phương)

----------------------------------------------------

Nguyễn Ngọc Phúc
Mar 20, 2020

Tôi muốn được gọi Thái Thanh là một nghệ sĩ hơn là ca sĩ bởi tiếng hát của bà đã vượt lên trên sự thưởng thức âm nhạc bình thường của người nghe vì khi nghe bà hát, trái tim của chúng ta đã rối nhịp đập và trí óc của chúng ta đã thay đổi mọi suy tư và hình ảnh.

Nữ danh ca Thái Thanh. (Hình: tvvn.org)

Không phải ca sĩ nào cũng có thể làm hồng hào và làm đẹp cuộc đời hay xoa dịu an ủi được nỗi buồn của người nghe.

Mỗi lần mở lại bài hát “Ngày Xưa Hoàng Thị,” nhạc Pham Duy, thơ Phạm Thiên Thư  sáng tác năm 1971, tôi thật yêu và thật rung động vô cùng ở chữ NHỎ của câu: “Em tan trường về/ Đường mưa nho NHỎ.”

Tôi nghĩ những ca sĩ đã từng hát bài “Ngày Xưa Hoàng Thị” từ năm 1971 tới nay dù ở hải ngoại hay quốc nội, chưa ai có thể làm cho con “Đường mưa nho NHỎ” có thể NHỎ đến mức độ lòng mình phải chùng xuống đến tận vực đáy của trái tim và thân phận mình phải tự bó gối thu cuộn lại thật im và thật bé để có thể ôm lấy chữ NHỎ của Thái Thanh khi buông ra, không dám thở mạnh vì sẽ làm tan vỡ cái không gian rất bé bỏng mỏng manh thật lãng mạn của “đường mưa nho nhỏ.”

Người thưởng thức với nhận xét về kỹ thuật thanh nhạc và âm nhạc của bà ghi ra rằng: “Nhờ ảnh hưởng từ nhạc cụ dân tộc của cha, Thái Thanh đã tự luyện âm theo lối chầu văn, hát chèo, vì thế tiếng hát của bà nồng đượm các làn điệu dân ca quê hương… về sau do tự học sách nhạc của Pháp mà tiếng hát đặc biệt của bà lại hòa trộn được giữa chất opera của phương Tây và chất dân ca dung dị của Việt Nam.”

Tuy nhiên, đấy chỉ là phần kỹ thuật mà người ca sĩ nào cũng có thể học hỏi được. nhưng từ trí óc đi xuống trái tim và tuôn ra bằng hơi thở tiếng hát, mỗi người chuyên chở âm nhạc đến với người nghe bằng nhiều cách khác nhau.

Chuyên chở âm nhạc theo nguyên bản bài hát hay giữ đúng sắc màu của ca khúc hình như không phải là ý muốn của người viết nhạc và cũng không phải là ý thích mong chờ của người nghe.

Sự rung động của người hát khi ca khúc được hát lên, không phải ở trọn vẹn bài hát mà chính là ở trong trái tim người hát khi va chạm phải nó, có thể ở một câu hay một chữ nào đó trong đó.

Từ va chạm đó, người hát tự hiện thân thay cho tác giả để nói lên, kể lên, hát lên một câu chuyện bằng âm thanh trầm bổng dịu dàng hay rạo rực tha thiết.

Lúc va chạm đó chính là lúc người hát trở thành một người họa sĩ đã tô màu thêm sắc vào bức hình và đã vẽ ra được một bức tranh tuyệt vời khác hẳn nguyên bản gốc cho người nghe nhìn thấy và cảm thấy trong trí óc mường tượng của mình.

Thái Thanh đã vượt qua ngưỡng cửa của một người ca sĩ để trở thành một người nghệ sĩ chân chính và tuyệt vời.

Một người nghệ sĩ về âm nhạc khi bà chuyên chở âm nhạc đến người nghe với một sự rung động chân thành sâu xa từ trái tim của mình ở từng chữ của ca từ bài hát và đã khuấy lên được xúc cảm của người nghe khi va chạm.

Rồi từ đó, bà đã hiện thân là một người nghệ sĩ về hội họa để vẽ ra cho người nghe một bức tranh đơn giản trong mường tượng, đậm đà về màu sắc hay bắt mắt về hình ảnh hoặc phong phú về chữ nghĩa, không cầu kỳ khó hiểu với vài nét tô điểm đơn sơ như thủy mặc.

Bên cạnh người nghệ sĩ về ca hát, Thái Thanh đã trở thành một người nghệ sĩ về hội họa ở ngay mỗi bài hát bà cất tiếng lên vì luôn luốn có một vài nét chấm phá từ trái tim, một vài nét chấm phá nho NHỎ.

Tôi sẽ giữ những cái nho NHỎ này của bà mãi mãi trong trái tim và cầu chúc bà thanh thản bình yên ở một nơi mà tiếng hát của bà luôn luôn là nỗi nhớ của tôi. (Nguyễn Ngọc Phúc)






No comments: