Tuesday, October 8, 2019

LÀM CHO TÌNH HÌNH HỒNG KÔNG ỔN ĐỊNH (Michael Spence - Project Syndicate)





Đỗ Kim Thêm dịch
08/10/2019

Sau nhiều tháng biểu tình với quy mô lớn ở Hồng Kông, tương lai của thành phố như là cầu nối giữa Hoa Lục và thế giới bên ngoài đang trong tình trạng lâm nguy. May mắn thay, tất cả các phe phái đều quan tâm trong việc theo đuổi mức tăng trưởng toàn diện hơn trong khuôn khổ “một quốc gia, hai hệ thống”, mà nó có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của Hồng Kông.

Đã từ lâu, Hồng Kông đóng một vai trò nối kết trong sự phát triển kinh tế toàn cầu và châu Á. Nhưng tương lai của nó như là một trung tâm cân não quan trọng cho nền kinh doanh và tài chính toàn cầu đang gặp tình trạng nguy hiểm, cũng giống như vai trò của nó là cầu nối giữa Hoa Lục và thế giới bên ngoài. Hồng Kông từ lâu đã là nơi chào đón các doanh nghiệp quốc tế, và các tranh chấp được xét xử một cách vô tư, minh bạch, theo quy định của pháp luật. Nếu các ưu thế đó không còn nữa, điều đó có nghĩa là một mất mát to lớn đối với Trung Quốc, châu Á, và nền kinh doanh và tài chính toàn cầu, đặc biệt cho người dân Hồng Kông.

Hồng Kông đã trải qua 17 tuần với các cuộc biểu tình chủ yếu là hiếu hoà chưa từng có (thỉnh thoảng có các cảnh bạo động đã thu hút sự chú ý quá mức của truyền thông). Kích hoạt cho vấn đề là một dự luật dẫn độ mà nhiều người lo là sẽ mở rộng phạm vi can thiệp của Hoa Lục vào hệ thống tư pháp của Hồng Kông. Không có bất kỳ kế hoạch nào để kết hợp các nhóm biểu tình khác nhau và chính phủ Hồng Kông đã trở thành một mối lo ngày càng gia tăng.

Một kế hoạch như vậy sẽ cần phải làm ít nhất là hai điều. Đầu tiên, tất cả các phe (trong trường hợp này bao gồm cả chính quyền trung ương của Trung Quốc), cần phải tái cam kết cho khung chính sách “một quốc gia, hai hệ thống”. Thứ hai, và có lẽ quan trọng hơn, là một liên minh gồm các đại biểu của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng tài chính có ảnh hưởng của Hồng Kông, họ nên xây dựng một kế hoạch mạnh mẽ để chống lại sự bất bình đẳng đang gia tăng và sự biến mất cơ hội cho những người đang tranh đấu gặp nhau nhằm giải quyết vấn đề. Nhà ở giá rẻ cho giới trẻ là một nhu cầu đặc biệt cấp bách.

Hồng Kông hầu như không phải là nơi duy nhất trong việc đối mặt với nhu cầu khôi phục các mô hình tăng trưởng toàn diện. Nhiều nền kinh tế có thu nhập cao đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm trong việc bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng, kéo theo sau đó là sự phân hoá xã hội và phủ nhận lan rộng các đảng chính trị và giới tinh hoa có căn gốc. Có một sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và giới áo vàng ở Pháp, họ được kích hoạt bởi sự tăng thuế có mức độ về nhiên liệu, nhưng được một bộ phận trong dân chúng điều động vì do lo lắng sâu xa hơn về sự chênh lệch kinh tế và các triển vọng đang suy vi.

Trong số những yêu sách của người biểu tình ở Hồng Kông là luật dẫn độ phải chính thức được thu hồi và các cuộc biểu tình không được mô tả là bạo loạn. Họ cũng muốn có một cuộc điều tra độc lập về chiến thuật và sự tàn bạo của cảnh sát, phóng thích các người biểu tình còn bị giam và việc kiểm soát gắt gao trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ.
Đáng chú ý là trong danh sách này là không đề ra bất kỳ tài liệu tham khảo trực tiếp nào đến các hoàn cảnh kinh tế của người dân Hồng Kông. Rất có thể là những người biểu tình coi vai trò lựa chọn các nhà lãnh đạo Hồng Kông là quan trọng hơn trong bước giải quyết tình trạng bất bình đẳng. Nhận thức được phổ biến rộng rãi trong giới bình dân là giới tinh hoa chính trị và kinh tế Hồng Kông đã tập trung trong việc làm hài lòng chính quyền trung ương ở Bắc Kinh hơn là đạt được các mô hình tăng trưởng toàn diện hơn.

Trong những điều kiện căng thẳng này, một số người có thể xem kế hoạch của Vùng Vịnh Lớn (GBA) để phát triển nền kinh tế khu vực hội nhập ở Vùng Châu thổ Châu Giang như một sự xâm lấn tiềm năng khác vào quyền tự trị của Hồng Kông theo Luật Cơ bản năm 1997. Luật này lập ra Hồng Kông thành một trong hai Khu Hành chính Đặc biệt trong 50 năm. Nhưng kế hoạch GBA có thể tác động tích cực to lớn đối với Hồng Kông và nền kinh tế miền Hoa Nam với nhiều năng động và đổi mới. Nhiều người tin rằng, kế hoạch này có thể được thực hiện theo cách bảo tồn nguyên tắc của “một quốc gia, hai hệ thống”. Những trở ngại có thể thấy trước được chẳng hạn như các quy tắc khác nhau về phương cách quản trị dữ liệu là không thể không giải quyết.

Về phần mình, chính quyền trung ương Trung Quốc biện minh cho việc từ chối các yêu sách về tình trạng hoàn toàn độc lập cho Hồng Kông. Chỉ một số nhỏ trong những người biểu tình ủng hộ những yêu cầu đó, mà nó không phù hợp với Luật Cơ bản và nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ. Giới lãnh đạo Bắc Kinh cần duy trì một số vai trò trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo chính trị Hồng Kông, vì sợ rằng cuối cùng họ phải đối phó với một chính phủ độc lập tự do, như đã xảy ra đôi khi ở Đài Loan.

Như bất kỳ quốc gia nào khác, Trung Quốc cũng biện minh khi lo âu về sự can thiệp của nước ngoài vào Hồng Kông. Yêu cầu hỗ trợ nước ngoài từ Hoa Kỳ và Anh bởi một nhóm nhỏ người biểu tình là phản tác dụng, đó là trường hợp tốt nhất. Nhưng chính quyền trung ương Trung Quốc có thể tự giúp mình bằng cách bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nguyên tắc của hai hệ thống, và ủng hộ các kế hoạch của chính phủ Hồng Kông để giải quyết các mối quan tâm về phân phối và các vấn đề kinh tế khác.

Không có nghi ngờ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát rộng lớn hơn đối với giới kinh doanh, nền kinh tế và xã hội ở Hoa Lục trong những năm gần đây. Một số trong những can thiệp đó có thể đã lan toả vào Hồng Kông, làm trầm trọng thêm những căng thẳng cố hữu trong một khuôn khổ “một quốc gia, hai hệ thống”. Hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải cực kỳ cẩn thận để không làm suy yếu quyền lực của chính quyền Hồng Kông hay hệ thống tư pháp công bằng, vốn là một tài sản quan trọng trong việc thu hút doanh nghiệp và tài chính từ nước ngoài.

Thông tin liên lạc rõ ràng và phản ứng nhanh chóng sẽ là chìa khóa để giải quyết khủng hoảng. Trên mặt trận này, chính phủ Hồng Kông đã hoạt động kém. Hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường cần biết rằng chính phủ của họ đang lắng nghe, hiểu mối quan tâm và thách thức của họ, và đứng về phía họ, với điều kiện là các yêu cầu của họ phù hợp với Luật Cơ bản. Chính quyền Trung Quốc đã thực hiện một số hạn chế trong việc thông tin liên lạc của họ, có lẽ là để tránh làm giảm thẩm quyền của chính phủ Hồng Kông và vị Đặc Khu trưởng, bà Carrie Lam. Nhưng quan trọng là làm cho chính phủ Hồng Kông giao tiếp có hiệu quả hơn.

Cuối cùng, các quốc gia khác, gồm cả Hoa Kỳ, nên đứng ngoài cuộc. Hồng Kông quá có giá trị để được sử dụng như một quân cờ trong một cuộc đối đầu lớn hơn giữa các cường quốc. Những người sống và làm việc ở đó xứng đáng đạt được những điều tốt đẹp hơn.

______

Tác giả: Michael Spence từng đoạt giải thưởng Nobel về kinh tế. Ông là giáo sư Kinh tế tại Đại học New York, Trường Kinh doanh Stern và là Chuyên gia cao cấp tại Viện Hoover. Ông là Chủ tịch của Ủy ban độc lập nghiên cứu về Tăng trưởng và Phát triển, một cơ quan quốc tế phân tích các cơ hội phát triển kinh tế toàn cầu từ năm 2006 – 2010. Ông còn là tác giả của sách: The Next Convergence – The Future of Economic Growth in a Multispeed World.

Nguồn :
Sep 30, 2019

---------------------------------------

TIN MỚI

Trọng Nghĩa – RFI    |    07-10-2019

Trọng Thành – RFI    |    06-10-2019





No comments: