Wednesday, October 30, 2019

TT TRUMP KHÔNG DỰ THƯỢNG ĐỈNH ĐÔNG Á Ở BANGKOK (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
30 tháng 10 2019

Biển Đông dự kiến sẽ được thảo luận tại Thượng đỉnh ASEAN 35

Việc Hoa Kỳ chỉ cử Bộ trưởng Thương mại tham dự Thượng đỉnh Đông Á sẽ diễn ra tại Bangkok, Thái Lan tuần này sẽ khiến các quốc gia đối tác châu Á thất vọng.
Các nước này đang rất lo lắng trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Reuters dẫn một tuyên bố của Nhà Trắng loan tin rằng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ tham dự diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Chile giữa tháng 11 tới.

Với Hội nghị Thượng đỉnh Đông ÁHội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN thường niên sẽ diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, cùng với Thượng đỉnh ASEAN, từ ngày 2-4/11, quan chức cấp cao nhất của chính quyền Hoa Kỳ tham dự sẽ là Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
Ông Ross cũng dự kiến sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Thông báo của Nhà Trắng cũng cho biết rằng, Tổng thống Trump đã chỉ định cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien làm đặc phái viên của ông tại các hội nghị thượng đỉnh.
David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương cũng sẽ đến Bangkok, nhưng phái đoàn Hoa Kỳ sẽ ở cấp cao hơn các quốc gia khác trong khu vực gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Báo cáo chiến lược của Lầu Năm Góc năm nay tuyên bố rằng, Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên với nước Mỹ trong tương lai, và chính quyền Trump cũng đã dần tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại các hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Đông Nam Á.

Tuy Tổng thống Trump đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Đông Nam Á, diễn ra vào năm 2017, tại Manila, Philippines, nhưng ông chưa bao giờ tham dự một cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á nào cả. Năm ngoái, Phó Tổng thống Mike Pence là đại diện cho Hoa Kỳ tại các cuộc họp này ở Singapore.

Ngược lại, người tiền nhiệm của ông Trump, Tổng thống Barack Obama lại tham dự tất cả các cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á kể từ năm 2011, chỉ trừ một lần vào năm 2013, ông phải hủy bỏ kế hoạch tham dự do chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa.

Một vấn đề thực sự

Các nhà ngoại giao châu Á nói rằng, việc thiếu đại diện cấp cao nhất của Hoa Kỳ tại Bangkok sẽ gây thất vọng giữa khi khu vực này ngày càng lo ngại trước ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tổng thống Trump có kế hoạch tham dự cuộc họp của APEC ở Chile, vốn chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế. Ông Trump từng nói rằng, tại đây, ông hy vọng sẽ ký kết phần đầu thỏa thuận với Trung Quốc, nhằm tiến tới chấm dứt cuộc chiến mậu dịch kéo dài và gây nhiều tổn hại.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích nói rằng, việc ông Trump vắng mặt ở Bangkok sẽ đặt dấu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực này, nhất là sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017, ngay sau khi ông Trump nhậm chức.

Matthew Goodman, cố vấn cao cấp về kinh tế châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, nói với hãng tin Reuters rằng, kế hoạch của Hoa Kỳ tại Bangkok là "một vấn đề thực sự."

"Như Woody Allen đã nói, 80 hoặc 85% cuộc sống thể hiện qua những gì ở bên ngoài. Và điều đó càng đúng với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nếu xuất hiện, bất cứ điều gì bạn nói hay làm, bạn đều sẽ nhận được sự khen ngợi. Còn nếu không, đó quả là một vấn đề thực sự."

Amy Searight, từng là quan chức quốc phòng cấp cao dưới thời Tổng thống Obama và hiện là cố vấn cấp cao của CSIS, cho biết, Thượng đỉnh Đông Á đã trở thành diễn đàn đối thoại chiến lược hàng đầu cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như của 10 quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Bà nói, với Reuters rằng, việc không có nhà lãnh đạo cấp cao nào của Hoa Kỳ tham dự một hội nghị thượng đỉnh gồm 17 nhà lãnh đạo khác đến từ Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là tin rất nổi bật.

"Tôi nghĩ, thông tin đó khiến người ta phải đặt câu hỏi... chính quyền này nghiêm túc đến mức nào trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương Mở và Tự do. Nó cũng khiến người ta đặt câu hỏi về độ tin cậy của Hoa Kỳ, với tư cách là đối tác chiến lược của khu vực này," bà nói.

Thúc đẩy RCEP

Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và các hội nghị thượng đỉnh khác diễn ra sau Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, từ ngày 2-4/11. Tuy nhiên, các hội nghị của các quan chức ngoại giao đã diễn ra từ ngày 31/10.

Dự kiến có 3.000 quan chức và nhà báo đến từ 10 nước Đông Nam Á và các quốc gia trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand, Ấn Độ tham gia các hội nghị lần này.

Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề như: hợp tác, xây dựng ổn định theo hướng bền vững, quản lý biên giới, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa, phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuẩn bị cho thế hệ mới, chuyển đổi số, sử dụng công nghệ và đổi mới-sáng tạo kỹ thuật số và thúc đẩy giáo dục và chăm sóc đối với tất cả các nhóm dân cư.

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự hội nghị này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN này, dự kiến diễn ra lễ trao vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 cho Việt Nam.

Còn theo AFP, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN kỳ này, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy việc ký kết hiệp định RCEP, để hình thành một khu vực tự do thương mại bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Hiệp định RCEP được khởi xướng vào tháng 11/2012, với mục đích thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa các nước nói trên, tập trung vào thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.

Nếu được ký kết, hiệp định này dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1/2017.

Các nhà đàm phán của RCEP hiện đã sẵn sàng tuyên bố kết thúc các cuộc đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, với việc hoàn tất đàm phán khoảng 80% thỏa thuận thương mại.

Biển Đông sẽ được thảo luận

Tờ The Economic Times ngày 27.10 đưa tin Thái Lan và ASEAN có thể sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung dự kiến được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14.

Còn bBusinessmirror của Philippines dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao nước này, bà Junever Mahilum-West, cho biết là Tổng thống Rodrigo Duterte dự kiến thúc đẩy việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) khi ông dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan.

"Tôi không muốn nói trước những gì Tổng thống sẽ phát biểu. Nhưng xem xét các điều kiện và tình hình thực tế, cả trên đất liển lẫn trên biển như ở Biển Đông, tôi nghĩ Tổng thống sẽ phải phát biểu điều gì đó về chuyện này," bà nói.







No comments: