Nguyễn Đạt Thịnh
30/10/2019
Hôm thứ Ba, 29 tháng Mười, Hạ Viện Dân Chủ công bố họ
sẽ chuyển từ hình thức điều trần kín sang điều trần công khai, để các nhân chứng
trình bày những điều họ chứng kiến -thấy hoặc nghe- liên quan đến việc Tổng Thống
Donald Trump ép Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy can dự vào cuộc bầu cử tổng
thống Mỹ năm 2020.
Gần một tháng nay, cuộc điều trần được thực hiện dưới hình thức kín; thay đổi này sẽ giúp công chúng được thấy và nghe nhân chứng nói về hành động của tổng thống qua truyền hình; do đó họ có thể tự phán xét xem việc làm của tổng thống có hợp pháp hay không.
Nguyên nhân tạo ra cuộc điều trần là có người sử dụng luật 'kẻ huýt còi' (the whistleblower law) để ẩn danh và được pháp luật che chở, tố cáo ông Trump ép buộc ông Zelenskiy -tổng thống Ukraine- điều tra giúp ông việc ứng cử viên Joe Biden -trong thời gian giữ vai trò phó tổng thống Mỹ- đã làm những việc gì phi pháp tại Ukraine.
Hình thức điều trần công khai chắc chắn sẽ tạo sôi nổi cho sinh hoạt này, và ông Trump tuyên bố là cảnh ông bị nhiều người xúm lại tố cáo hy vọng sẽ giúp ông được thêm phiếu trong kỳ bầu cử sang năm.
Hồ sơ ghi nhận được trong thời gian điều trần kín sẽ được chuyển qua Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, để ủy ban này cân nhắc về giá trị pháp lý rồi viết thành hồ sơ truất phế đưa ra thảo luận tại Hạ Viện.
Dự thảo nghị quyết 'điều trần công khai' sẽ bảo vệ quyền tổng thống được điều tra đúng cách và chính thức vạch ra phương thức đảng viên Dân Chủ công khai hóa những bí mật mà họ đã ghi nhận được từ một tháng nay.
Bốn vị chủ tịch các Ủy Ban của Hạ Viện tuyên bố, “Tính đến giờ này, những bằng chứng ghi nhận được cho thấy tổng thống lạm quyền bằng cách sử dụng nhiều đòn bẩy của chính phủ để ép nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020.
"Sau giai đoạn điều tra luận tội kín, Hạ Viện sẽ tổ chức các phiên điều trần công khai, giúp mọi người trực tiếp tìm hiểu và phán đoán về hành vi của tổng thống."
Bản tuyên bố này mang chữ ký của bốn vị dân biểu chủ tịch các Ủy Ban Hạ Viện -Dân Biểu Adam B. Schiff, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo, Dân Biểu Jerrold Nadler, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp, Dân Biểu Eliot Engel, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao, và nữ Dân Biểu Carolyn B. Moloney, quyền Chủ Tịch Ủy Ban Cải Cách và Giám Sát.
Qua nhiều khía cạnh, cuộc điều trần công khai lần này cũng tương tự như cuộc điều tra của Hạ Viện Cộng Hòa năm 1998, khi họ toan tính truất phế Tổng Thống Bill Clinton về tội tư tình với cô Monica Lewinsky. Khác biệt quan trọng là lần trước chỉ có Ủy Ban Tư Pháp truy tố Tổng Thống Clinton, lần này toàn thể Hạ Viện chủ trương việc điều tra ông Trump, mặc dù Ủy Ban Tình Báo lãnh vai trò chủ động.
Nghị quyết này nhằm thỏa mãn những đòi hỏi của các Dân Biểu Cộng Hòa sau lần họ đập cửa phòng họp kín của cuộc điều trần truất phế; một trong những điều đòi hỏi là phía Cộng Hòa cũng có quyền ký trát đòi nhân chứng, để đưa ra những nhân chứng bênh vực tổng thống.
Đảng Dân chủ cũng dự trù kế hoạch bảo vệ hiến quyền của tổng thống được xét xử đúng cách và quyền của nhóm luật sư của tổng thống đòi thêm nhân chứng và chất vấn nhân chứng.
Biện pháp này được thiết kế để mở đường cho các phiên điều trần hấp dẫn và có thực chất hơn so với các phiên họp điển hình của Quốc Hội -thường tẻ nhạt- mỗi thành viên Quốc Hội chỉ có một câu hỏi ngắn, gọn, để hỏi nhân chứng.
Thay vào đó, theo nhiều quy tắc được đề nghị, Ủy Ban Tình Báo có thể triệu tập các phiên điều trần công khai, trong đó thành viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa - cũng như trợ lý của họ - có thể đặt câu hỏi cho nhân chứng; mỗi bên được ấn định một thời gian bằng nhau, và không nhiều hơn 45 phút.
Dân Biểu Jim McGovern, Dân Chủ Massachusetts, Chủ tịch Ủy Ban Quy Tắc, đã đưa ra nghị quyết này vào chiều thứ Ba, tạo háo hức cho cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, mặc dù lập trường của phe nào cũng đã nhất định, không còn thay đổi nữa.
Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tin tưởng họ sẽ có đủ số phiếu để thông qua nghị quyết trong tuần này, ngay cả trong trường hợp một số ít đảng viên Dân Chủ ôn hòa bỏ phiếu chống; trong lúc các dân biểu lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Hạ Viện kêu gọi các dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu chống nghị quyết. Họ cho là bỏ phiếu thuận là xác nhận chính nghĩa cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ.
Dân Biểu Tom Cole, tiểu bang Oklahoma -một lãnh tụ Cộng Hòa- nhận định, “Ngay từ phút khởi thủy, ngón đòn 'truất phế' đã là một ngón đòn rất độc; dù giờ này cuộc điều trần truất phế có được trình bày lại theo đòi hỏi của chúng ta, thì chúng ta cũng chẳng còn làm gì được, chẳng thương lượng thêm bớt gì được.”
Cuộc điều trần luận tội tổng thống mỗi ngày một thêm phức tạp, và việc đổi từ điều trần kín sang điều trần công khai chỉ gây bất lợi cho ông Trump. Đa số viên chức chính phủ đã tự nguyện ra điều trần, bất chấp việc tổng thống khuyến cáo họ là không tuân phục trát đòi của Hạ Viện.
Điều trần công khai chỉ tạo thêm hào hứng, khuyến khích đông người tham gia hơn; trong lúc những nhân chứng bênh vực tổng thống do phe Cộng Hòa gửi trát đòi lại không đủ lập luận tranh biện tạo ra ấn tượng gượng gạo ngụy biện cho khán giả coi TV.
Nhưng lực lượng dân biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện lại không đủ túc số để bác bỏ cuộc điều trần luận tội tổng thống, hoặc chỉ bác bỏ hình thức điều trần công khai.
Tổng thống đã chọn một thái độ: ông tin là cuộc điều trần nhằm truất phế ông, sẽ làm tăng thêm số phiếu bầu ông; không có lý do nào để cho là tin tưởng của ông thiếu một căn bản vững chắc.
Tại sao lại bi quan quá sớm. Tổng thống đã tin như vậy thì chúng ta cứ cùng tin với ông.
No comments:
Post a Comment