Ngô Nhân Dụng
October 25, 2019
Sáng sớm hôm Thứ Năm, 24 Tháng Mười, quân đội Syria
của Bashar al-Assad tấn công những căn cứ của những lực lượng đã nổi lên năm
2011 chống chế độ độc tài khát máu của ông ta. Máy bay Nga đã thực hiện 32 vụ
oanh tạc nhắm vào các tỉnh Idlib, Hama và Latakia.
Quân chính phủ Syria gồm 1,300 binh sĩ và 160 xe tải
đã tiến đến chiếm thị xã Kobani, những dân quân người Kurd, các đám tàn quân của
al-Qaeda và cả những người Syria được Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ phải rút lui.
Ngày Thứ Ba, 22 Tháng Mười, 2019, Tổng Thống Thổ Nhĩ
Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bay tới Sochi, thành phố du lịch Nga nổi tiếng, dinh
thự của Tổng Thống Nga Vladimir Putin ở đó, thỏa hiệp với Putin phân chia ảnh
hưởng ở miền Bắc nước Syria, giáp ranh với Thổ.
Quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến đánh thị xã Idib và nhiều
ngôi làng ở biên giới đẩy hàng ngàn người Kurd bỏ chạy. Ông Erdogan muốn tiêu
diệt các lực lượng người Kurd sau khi quân Mỹ rút khiến họ phải cầu cứu Nga làm
trung gian để quay đầu về với chế độ Assad mà dân Kurd vẫn coi là tủ thù.
Ngày Thứ Sáu, 25 Tháng Mười, ông Putin gửi 300 quân
cảnh từ Chechnya bên Nga bay qua biên giới, kiểm soát thị xã Kobani, thế vai
trò của gần trăm quân Mỹ mới được rút khỏi vùng này,
Cũng trong ngày Thứ Sáu, Thứ Trưởng Ngoại Giao Nga
Sergei Ryabkov lên tiếng phản đối ý kiến của chính phủ Mỹ, trong một thông điệp
“tuýt” của Tổng Thống Mỹ Donald Trump, đem 500 quân và thiết giáp đến biên giới
Tây Bắc Syria để bảo vệ khu
mỏ dầu lửa đang do quân Kurd kiểm soát, giáp với vùng mỏ dầu của Iraq.
Ông Sergei Ryabkov nói ý định đó làm hỏng những thỏa hiệp giữa ông Putin và ông
Erdogan. Ông gọi hành động này là bất hợp pháp, vì “đạo quân chiếm đóng” này chặn
ngang đường giao thông giữa Iraq và Syria. Nga cũng yêu cầu Mỹ rút quân khỏi
căn cứ al-Tanf tại miền Nam Syria.
Tại sao chính phủ Nga có thể lên mặt dạy đời như vậy?
Vì ông Vladimir Putin đang làm chủ nước Syria, đang phân chia vùng ảnh hưởng ở
miền Bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ.
Vai trò của ông Putin đã nổi bật sau năm năm kể từ
khi ông bị cả thế giới cô lập vì đem quân chiếm Crimea của Ukraine và đưa
quân sang xúi dân Nga ở miền Đông xứ này nổi dậy đòi tự trị.
Các nước cấm vận kinh tế Nga sau những vụ này. Tại Hội
Nghị Thượng Đỉnh G-20 ở Brisbane, Úc, năm đó, nhiều lãnh tụ quốc gia đã từ chối
không bắt tay Putin. Hỏa tiễn của Nga ở Ukraine đã bắn rơi một máy bay nước Hòa
Lan, trong đó có những gia đình người Úc. Sau đó nước Nga bị đuổi ra khỏi Nhóm
G-8. Ông Putin đã rời khỏi Brisbane trước khi hội nghị bế mạc.
Bây giờ Tổng Thống Vladimir Putin đang làm chủ Syria
và được thế giới kính trọng như người duy nhất có thể giải quyết tình hình
Trung Đông rắc rối. Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đã điện thoại với ông, để bàn
về Syria, nơi Israel từng phóng hỏa tiễn sang đánh các nhà máy tinh luyện
nguyên tử. Máy bay Israel cũng đã tấn công các đám dân quân do Iran hỗ trợ ở miền
Nam Syria, vì đe dọa lãnh thổ của mình.
Ông Putin cũng đang hợp tác với Tổng Thống Ai Cập
Abdel Fattah Al Sisi, người Tổng Thống Trump từng âu yếm gọi là “nhà độc tài
quý nhất của tôi.” Nga và Ai Cập cùng tổ chức một Hội Nghị Thượng Đỉnh Phi Châu
trong tuần này. Ngày 23 Tháng Mười ông Putin đón tiếp 54 lãnh tụ các nước Phi
Châu bay tới Sochi xin viện trợ tiền và vũ khí. Đầu Tháng Mười, ông Vladimir
Putin đã qua thăm Á Rập Saudi, mà từ năm ngoái ông đã kết thân với ông hoàng
Giám quốc Mohammed bin Salman tại Hội Nghị G-20 ở Buenos Aires, Brazil.
Trong lúc các ông hoàng dầu lửa Saudi chào đón ông
Putin thì những máy bay phản lực bay thả khói ba vệt màu trắng, xanh, đỏ trên bầu
trời Riyadh trong tiếng quốc thiều Nga do đội quân nhạc Saudi cử lên. Từ nay
Nga và Saudi, hai nước sản xuất dầu nhiều thứ nhì và thứ ba trên thế giới, có
thể hợp tác khi cần lũng đoạn thị trường dầu lửa toàn cầu.
Tất nhiên Putin cũng không quên o bế các nước khác.
Phi Luật Tân sắp được mua vũ khí của Nga rẻ và dễ dàng vô điều kiện. Putin cũng
hứa hẹn sẽ giúp Tập Cận Bình xây dựng hệ thống báo động sớm nếu bị tấn công bằng
bom nguyên tử.
Thành công ngoại giao rõ rệt nhất của Putin là thuyết
phục tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “bán anh em xa mua láng giềng gần” vì chơi với Nga lợi
hơn với Mỹ, một đồng minh của nước Thổ cùng ngồi trong Khối NATO từ hơn nửa thế
kỷ.
Năm 2016 ông Erdogan thoát nạn trong một cuộc đảo
chính hụt. Các nước NATO và Mỹ lên án cuộc đảo chánh nhưng Mỹ từ chối không dẫn
độ pháp sư Hồi Giáo Fethullah Gulen, đang sống ở Mỹ, mà ông Erdogan coi là người
chủ mưu đằng sau nhóm đảo chánh.
Putin đã chớp lấy cơ hội. Ông nhắc nhở Erdogan rằng
chính phủ Mỹ cũng đang tích cực giúp các đạo quân người Kurd ở Syria, mà nhóm
này liên kết chặt chẽ với dân quân Kurd trong nước Thổ Nhĩ Kỳ đang đòi tự trị.
Mặc dù Mỹ và NATO khuyên can, ông Erdogan đã đặt mua hệ thống phòng thủ hỏa tiễn
S-400 của Nga, trả $2 tỷ rưỡi. Khi chính phủ Mỹ nổi giận ngưng bán máy bay chiến
đấu F-35, Putin đề nghị Thổ hãy mua Su-57 của Nga.
Trước những thành công ngoại giao của ông Putin người
ta không tránh được ngạc nhiên: Kinh tế nước Nga chỉ xấp xỉ bằng Tây Ban Nha,
tuổi thọ trung bình của dân Nga còn thấp hơn người Libya, và tình trạng tham
nhũng thì không kém gì Việt Nam! Tại sao ông Putin đạt địa vị một trọng tài quốc
tế nhanh như vậy?
Trước hết bởi vì ông ta thấy dân Mỹ và các nước Âu
Châu không muốn chiến tranh. Các cường quốc phương Tây bỏ trống Trung Đông cho
Nga biến thành sân chơi của mình.
Cựu Tổng Thống Barack Obama đã dọa sẽ đánh nếu chế độ
Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học. Assad cứ dùng, Obama không đánh, tự biện hộ
rằng Assad đã đồng ý từ nay sẽ cho quốc tế kiểm soát. Tổng Thống Donald Trump
thì luôn luôn than về những cuộc chiến tranh vô tận ở nước ngoài, và tính rút
quân Mỹ khỏi Syria, Afghanistan và có thể cả Iraq, nếu Quốc Hội Mỹ không ngăn.
Các nước phương Tây đi giúp ai cũng kèm theo những lời
phàn nàn về vi phạm nhân quyền, kể cả những nước đồng minh thân nhất của họ.
Putin thì không vì chính ông ta coi nhân quyền chẳng là cái gì cả.
Điều khích lệ lớn nhất cho Putin là mỗi khi ông ta
bành trướng thế lực bằng vũ khí, bằng chiến tranh thì những nước khác chỉ lên
án bằng lời rồi không làm gì cả. Cứ thế, Putin được đằng chân bèn lân đằng đầu.
Vladimir Putin thành công vì khả năng cá nhân của
ông cựu sĩ quan tình báo KGB. Bí quyết của ông ta là đóng vai “người hùng”: Tận
dụng sức mạnh quân sự không lùi bước; khai thác các khoảng trống do các quốc
gia đối thủ để lại; chứng tỏ mình không bao giờ bỏ rơi đồng minh.
Nhưng đằng sau sự thành công của Putin hiện nay là
những yếu kém kinh tế lâu dài của nước Nga, một phần do vòng đai cấm vận kinh tế
của Âu Châu, Mỹ Châu, Nhật Bản và Úc. Trong sáu năm qua khả năng tiêu thụ với lợi
tức bình quân của dân Nga đã xuống liên tục. Số người già nghỉ hưu tăng lên, số
người làm việc giảm, cuộc sống khó khăn hơn. Trong mùa Hè vừa qua, hàng chục
ngàn người biểu tình ở Moscow đòi bầu cử trong sạch.
Tất cả dân Nga nhìn bảng xếp hạng của Tổ Chức Minh Bạch
Quốc Tế đều biết nước họ bị nạn tham nhũng nặng nề không thua gì Papua New
Guinea, một quốc gia 8 triệu dân ở Tây Nam Thái Bình Dương đã được nước Úc cho
độc lập năm 1949. Các nước Tây phương tiếp tục cấm vận sẽ làm cho kinh tế Nga
càng xuống hơn. Putin tìm cách kết thân với Tập Cận Bình nhưng ai cũng nhìn thấy
nước Nga lép vế nước Tàu về kinh tế. (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment