Monday, October 28, 2019

THẢM NẠN ESSEX : QUYỀN & NỢ. . . (Trân Văn)




28/10/2019

Sự kiện 39 người chết trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác vào sáng 23 tháng 10 làm dư luận trên phạm vi toàn cầu rúng động và đặt ra nhiều vấn đề đáng ngẫm nghĩ đối với nhận thức về quyền, cũng như NỢ…

31 người đàn ông và 8 phụ nữ xấu số ấy tử nạn vì muốn nhập cảnh trái phép vào Anh. Không có thảm cảnh bắt nguồn từ nỗ lực phạm pháp của họ, từ giữa tuần trước đến nay, cảnh sát hạt Essex ở Anh – nơi phát giác thảm nạn và vì vậy trở thành cơ quan phải thụ lý vụ án, tổ chức điều tra - không phải làm việc cật lực để truy tìm thủ phạm, xác định sự thật như đang thấy.

Cho dù nỗ lực phạm pháp của 39 người tử nạn khiến cảnh sát hạt Essex bận bịu, căng thẳng hơn nhiều so với bình thường, Pippa Mills – Chỉ huy phó cảnh sát hạt Essex – không lên án 39 người đã chết, bà cũng không chỉ trích gia đình họ. Thậm chí Mills khẳng định, lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật ở hạt Essex nói riêng và của Anh quốc nói chung NỢ họ câu trả lời về nguyên nhân khiến họ mất mạng thê thảm như vậy.

Không chỉ có thế, Mills còn nhắc báo giới và công chúng tôn trọng nhân phẩm của các nạn nhân và thân nhân của họ. Mills thay mặt cảnh sát hạt Essex hứa sẽ điều tra cẩn trọng, không suy đoán vô bằng và dù đang thực thi chức trách trong phạm vi quyền hạn của mình, Mills vẫn xin lỗi các cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra tại Khu công nghiệp Waterglade.

Chẳng phải chỉ có cảnh sát hạt Essex nhận NỢ, tuy không vay, Cơ quan Phòng - Chống Tội phạm Quốc gia, Cục Bảo vệ Biên giới, Cục Thực thi Xuất nhập cảnh, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao Anh,… cũng nhận NỢ và đang cùng nhau trả NỢ kiểu đó (1)…

Trước nay, vì nhiều lý do, Anh quốc đã trở thành đích mà nhiều người thuộc nhiều sắc dân khác nhau nhắm tới như một nơi có thể mưu sinh nuôi thân và nuôi gia đình. Không hội đủ điều kiện nhập cảnh và cư trú, làm việc hợp pháp thì họ tìm những phương thức bất hợp pháp để đạt được mục tiêu. Ở đâu thì di dân bất hợp pháp cũng gây ra nhiều vấn nạn cả về kinh tế lẫn xã hội.

Sau sự kiện 39 ngoại nhân tử nạn trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, dân chúng Anh có quyền yêu cầu chính quyền Anh phải siết chặt hơn nữa việc kiểm soát biên giới và kiểm tra – phòng chống di dân cư trú trái phép trên lãnh thổ Anh. Tuy nhiên nhiều người Anh đã làm ngược lại. Họ không chỉ thắp nến tưởng niệm, cầu nguyện cho 39 cá nhân đã thảm tử...

Ảnh chụp những sinh hoạt ở Anh sau thảm kịch vừa kể cho thấy dân Anh giương cao những tấm bảng, nhắn những người không phải đồng bào nhưng là đồng loại: Di dân và người tị nạn, chúng tôi chào đón các bạn tại đây (2)! Hóa ra dân Anh cũng nhận NỢ!

***
Từ lúc có tin, có thể có một số hoặc tất cả 39 người thảm tử trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác vào sáng 23 tháng 10 ở Anh là người… Việt, sự kiện này đã tạo ra một cuộc tranh luận chưa dứt giữa người Việt với nhau.

Giống như nhiều thảm cảnh có liên quan đến người Việt, bên cạnh sự xót xa là các phản biện: Tại sao không tự trọng, cố gắng phạm pháp (tìm cách nhập cảnh trái phép vào Anh) để chết uổng như vậy? Tại sao lại vay mượn khoản tiền lớn đến như thế (30.000 bảng Anh, tương đương 850 triệu đồng), liều mạng một cách dại dột như thế chỉ để được sống tha hương, chui nhủi trên xứ người?..

Thậm chí còn có những ý kiến kiểu như những người thảm tử và gia đình họ đáng trách vì… tham giàu, không cố gắng học hành, không bằng cấp lại chẳng có nghề nào độ thân nhưng muốn có tiền nhiều và nhanh nên tìm đường vào Anh tham gia trồng cần sa!.. Sau sự kiện rúng động dư luận này, xin visa đến Anh du học, du lịch sẽ khó hơn!.. Có cả những tố cáo về việc ra ngoại quốc tìm cơm áo nhưng khai vống là xin tị nạn…

Dù đồng tình hay không với những phản biện hết sức đa dạng như vừa tạm liệt kê thì cũng cần phải xác định, bất kể phán đoán thế nào, nhận định ra sao, thuận tai hay gai mắt thì đó cũng là quyền của một cá nhân!

Tự do suy nghĩ, phát biểu là một quyền và mưu cầu hạnh phúc là một quyền khác. Tất cả đều là những quyền căn bản của mỗi con người – nhân quyền! Hạnh phúc vốn trừu tượng, không thể định lượng và phụ thuộc hoàn toàn vào cảm nhận của từng cá nhân.

Có thể có ai đó cảm thấy phấn khởi với chương trình phát triển “tam nông” (nông dân, nông thôn, nông nghiệp) nhưng nhiều người tuyệt vọng khi bế tắc, phải ly nông, ly hương. Có thể có ai đó hết sức vừa ý với tiến trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nhưng nhiều người không hài lòng khi công nhân có nghề nghiệp ổn định song “ăn như tu, ở như tù”, sức khỏe suy kiệt, làm quần quật mà lương phạn vẫn không đủ nuôi thân.

Tương tự, có thể có ai đó cảm thấy tự hào khi gia đình, gia tộc có rất nhiều cử nhân, thạc sĩ nhưng nhiều người trăn trở vì cử nhân mà phải… chạy bàn, thạc sĩ phải chạy… xe ôm. Có thể có ai đó cảm thấy may mắn vì xoay sở đủ tiền, “chạy chọt” thành công, tìm được việc làm nhưng nhiều người lại xem học hành tử tế mà phải “chạy chọt” mới được làm việc với mức lương hết sức khiêm tốn là nghịch lý không thể chấp nhận!

Với một số người, hạnh phúc là có đủ cơm ăn, áo mặc nhưng với nhiều người khác, hạnh phúc là được nhìn thấy ông bà, cha mẹ, vơ con, anh chị em, thân bằng quyến thuộc đủ đầy, không phải chui ra, chui vào những nơi mà thiên hạ chỉ xem như “ổ”, không coi là nhà, không âu lo vì ngày mai không biết có gì để ăn (?), nếu bệnh tật làm sao có tiền để chữa chạy (?), làm sao có tiền để trẻ con không phải bỏ học nửa chừng (?)…

Trong mắt một số người, hạnh phúc là mua được xe hơi, xây được nhà lầu, sắm được những thứ người khác còn đang mơ, thỉnh thoảng đến được chỗ này, chỗ kia – những nơi mà nhiều người ao ước nhưng ngoài tầm với... Nhiều người khác lại cho rằng, hạnh phúc chỉ là ra đường không bị trộm cướp, tai nạn giao thông, được ăn, sạch, uống sạch, không mắc các chứng nan y, chết dần, chết mòn vì môi trường sống ô nhiễm,…

Nhận định thế nào về sự kiện 39 người thảm tử trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác vào sáng 23 tháng 10 ở Anh là quyền của mỗi cá nhân nhưng rõ ràng, lựa chọn của 39 người đó cho thấy họ đã không cảm thấy hạnh phúc ở nơi họ sinh ra, lớn lên. Họ chấp nhận trả giá đắt, chấp nhận đem sinh mạng của mình ra làm vật đặt cược để đạt đến hạnh phúc theo quan niệm của họ.

Có cả triệu người Việt đã và đang mưu cầu hạnh phúc theo kiểu như vậy (rời Việt Nam, bỏ lại cha mẹ, vợ, chồng, con cái, anh em,… để đi làm dâu, làm mướn hợp pháp hoặc bất hợp pháp, kể cả làm điếm, trộm cắp, phạm pháp ở xứ người).

Nhờ vậy, trên khắp Việt Nam, nhiều gia đình, nhiều khu vực mới có cơ hội “thay da, đổi thịt”, những vùng nổi tiếng vì nghèo đói mới có những “xã hàng ngàn tỉ phú”(3). Tuy nhiên cũng vì vậy mà hình thành những khu vực không có đàn ông, hoặc không có phụ nữ, trẻ con có mẹ thì không cha hoặc ngược lại (4). Từ khi nào người Việt phải chấp nhận hoán đổi như thế để có sự ổn định cho tương lai của chính mình và thân nhân?

Trong nhận thức của nhiều người Việt, mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho người khác dường như không phải là một trong những quyền tối thượng. Đó là lý do nhiều người miệt thị di dân là… “tị nạn kinh tế”. Đó cũng là lý do những sắc dân khác tự nhận NỢ khi chứng kiến đồng loại thảm tử trên con đường đi tìm cơm no, áo ấm song nhiều người Việt thì không, kể cả khi đồng loại chính là đồng bào của mình.

Rất nhiều người Việt không cảm thấy NỢ tổ tiên – những tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai hoang, NỢ ông bà, cha mẹ, NỢ con cháu khi môi trường sống của dân tộc mình, tương lai của xứ sở mình càng ngày càng bất ổn, bất định!

Không nhận NỢ nên nhiều người Việt dễ dàng đổ ra đường bày tỏ sự tự hào vì đội tuyển bóng đá quốc gia thắng một trận đấu song chẳng có bao nhiêu người muốn thay đổi thực tại: Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á đã có ba quốc gia: Brunei (5), Malaysia (6), Singapore (7) mà công dân muốn đến Anh quốc lúc nào cũng được, không những không cần xin visa mà còn có thể cư trú đến sáu tháng!

Tại sao cũng là con người nhưng công dân của nhiều quốc gia, kể cả công dân nhiều lân bang, có thể đi tới, đi lui gần như bất kỳ đâu, bất cứ khi nào họ muốn, còn người Việt thì không, ngay cả mưu cầu hạnh phúc cũng phải chui nhủi, thậm chí đổi mạng lấy cơ hội?

***
Sự dễ dãi của người Việt, quan niệm của nhiều người Việt về hạnh phúc, sự coi thường quyền mưu cầu hạnh phúc của người khác nơi người Việt, sự thanh thản vì luôn tự thấy chẳng NỢ ai, từ đồng bào tới đồng loại, có tương quan như thế nào với một Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước thường xuyên tự đắc vì đất nước chưa bao giờ “được” như thế này về “tiềm lực, vị thế và uy tín” (8), một Chủ tịch Quốc hội chỉ biết hối thúc đồng bào phải tự vấn “đã làm được gì cho đất nước” (9), một Thủ tướng mà từ nhận thức đến khả năng “kinh bang tế thế” chỉ xoay quanh những chỉ đạo, kiểu như phải thuyết phục được mỗi du khách chịu mua một con… “vịt quay, lợn quay” là đủ đạt đến… phú cường (10)?

-----------------------------

Chú thích
















No comments: