Thanh Danh -
Zing.vn
08:30 30/10/2019
Những
chi tiết Tổng thống Donald Trump tiết lộ về chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS có
thể giúp các nhóm khủng bố giải mã cách Mỹ thu thập tình báo và chiến thuật đột
kích về sau.
Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump ngày 27/10, công bố về
cái chết của trùm khủng bố Abu Bakar al-Baghdadi, đã tiết lộ hàng loạt chi tiết
nhạy cảm về chiến dịch tuyệt mật của quân đội Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng cách ông Trump khoe khoang
quá trớn về chiến tích lần này có thể đe dọa các cuộc đột kích và những sứ mệnh
đặc biệt trong tương lai, cũng như mạng lưới thu thập thông tin tình báo của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ngày
27/10 xác nhận trùm khủng bố Baghdadi đã bị tiêu diệt. Ảnh: Getty.
"Không hiểu tác chiến lại tiết lộ chiến dịch"
Nhà lãnh đạo Mỹ đã có buổi họp báo kéo dài 48 phút
và trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Nhà nước
Hồi giáo tự xưng (IS).
Ông tường thuật chi tiết đến khó tin về cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ trong
lòng địch vì đích thân theo sát từng diễn biến "như đang xem phim".
Tổng thống Trump mô tả kỹ lưỡng cách đội biệt kích
tuyệt mật Delta xâm nhập căn nhà được phòng thủ kiên cố của Baghdadi, cách họ
phá tường tránh bẫy mìn. Ông thuật lại luôn cuộc truy lùng trùm khủng bố dưới mạng
lưới đường hầm, cách đặc nhiệm Mỹ sử dụng chó nghiệp vụ ra sao.
Không những thế, tổng thống Mỹ còn tiết lộ số lượng
đặc nhiệm tham gia chiến dịch, cùng với tuyến đường trực thăng quân sự Mỹ di
chuyển đến Barisha, tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria.
"Tôi luôn cảm thấy lo lắng khi một ai đó không biết gì về tác chiến
bắt đầu mô tả lại các chiến dịch", Michael Nagata, cựu
trung tướng bộ binh Mỹ, từng là chỉ huy cấp cao phụ trách các sứ mệnh đặc biệt
giai đoạn đầu chiến dịch chống IS ở Trung Đông, chia sẻ.
"Dĩ nhiên đó là một câu chuyện hay. Tôi hiểu ai cũng háo hức được kể
một câu chuyện hay. Điều đó có thể mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên,
lợi ích mà nó mang lại thì khó đoán và hạn chế, trong khi hậu quả rõ ràng rất lớn", Nagata nhận định.
Theo ý kiến của nhiều cựu binh Mỹ, những chi tiết mà
Tổng thống Trump hé lộ đủ để đối thủ xâu chuỗi thành bức tranh khái quát cách Mỹ
thu thập thông tin tình báo và thực hiện các sứ mệnh rủi ro cao.
"Tôi khá bất ngờ khi ông ấy mô tả chiến dịch chi tiết đến vậy", một cựu sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ, từng chỉ huy nhiều chiến dịch ở
Trung Đông, đồng quan điểm.
Nagata nói bài phát biểu của Tổng thống Trump không
phải lần đầu tiên giới lãnh đạo Mỹ vô tình tiết lộ quá chi tiết thông tin tác
chiến. Các quan chức dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng thuật lại kỹ lưỡng
không cần thiết về chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở
Pakistan vào năm 2011.
"Cả hai đời tổng thống đã hình thành một truyền thống mô tả quá chi
tiết các nhiệm vụ quan trọng, tương tự chiến dịch vừa qua. Điều này khiến những
nhiệm vụ trong tương lai sẽ nguy hiểm và khó khăn hơn", ông Nagata cảnh báo.
Ảnh chụp từ trên không khu nhà thủ lĩnh IS ẩn náu ở
rìa làng Barisha, tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria. Ảnh: Reuters.
Bất cẩn tiết lộ bí mật năng lực tình báo
Tổng thống Mỹ không đề cập cụ thể cách tình báo nước
này xác định được vị trí của Baghdadi. Tuy nhiên, ông lại tiết lộ nhiều chi tiết
nhạy cảm khác về năng lực do thám của Mỹ.
"Những kẻ này rất thông minh. Chúng không sử dụng điện thoại nữa.
Chúng rất thông thạo công nghệ kỹ thuật. Chúng sử dụng Internet tốt hơn bất cứ
ai khác trên thế giới", ông Trump nói về
Baghdadi ngày 27/10.
Nhiều chuyên gia cho rằng đáng lẽ nội dung này không
nên được nhắc đến. Theo tướng Nagata, từ tiết lộ này của ông Trump, đối phương
có thể suy nghĩ thêm cách qua mặt các biện pháp thu thập thông tin liên lạc hiện
nay của tình báo Mỹ.
Trong buổi họp báo, Tổng thống Trump cũng bất ngờ mô
tả về hệ thống đường hầm mà Baghdadi lẩn trốn. Ông khẳng định "phần lớn các đường hầm đều là đường cụt".
Tổng thống Mỹ tiết lộ đặ nhiệm đã bố trí sẵn người vây ráp đường hầm được nghi
là có lối ra.
Một cựu chỉ huy đặc nhiệm Mỹ nhận định chi tiết để lộ
quá nhiều về năng lực do thám. Lời kể của tổng thống cho thấy tình báo Mỹ đã
xây dựng được bản đồ hệ thống đường hầm từ trước cuộc đột kích.
"Kẻ thù từ lâu đã nghi ngờ chúng ta có công nghệ đủ khả năng phát hiện
đường hầm. Nhưng họ không biết chúng ta làm điều đó bằng cách nào, và quan trọng
là chúng ta giỏi đến mức nào. Bản thân quân đội cũng không muốn đối phương biết
được điều đó", cựu quan chức này khẳng định.
Ông cũng bày tỏ sự thất vọng khi nhà lãnh đạo Mỹ tiết
lộ cả việc đặc nhiệm Mỹ thu thập toàn bộ tư liệu về "nguồn gốc, kế hoạch tương lai của IS". Truyền thông từ
lâu đã đồn đoán đặc nhiệm Mỹ được huấn luyện để thu thập thông tin kỹ lưỡng
trong mọi chiến dịch, điển hình là cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden.
"Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng cứ để đối thủ biết rõ chúng ta
đã lấy được những gì từ mục tiêu", cựu quan chức này
nhận định.
Eric Robinson, cựu sĩ quan phụ trách các sứ mệnh đặc
biệt của bộ binh Mỹ, nhận định Tổng thống Trump đáng lẽ không nên đề cập đến diễn
biến chiến dịch. Ông cho rằng
nhà lãnh đạo Mỹ quá bất cẩn.
https://znews-photo.zadn.vn/w1024/Uploaded/pgi_dhbpgunat/2019_10_27/trump_trong_phong_tinh_huong.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các quan chức an
ninh hàng đầu của Mỹ tại Phòng Tình huống theo dõi chiến dịch tiêu diệt
Baghdadi ngày 26/10. Ảnh: Nhà Trắng
Công khai chiến thuật, tăng thêm rủi ro
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết đặc nhiệm đã sử dụng đến 8
trực thăng để di chuyển đến làng Barisha. Một khi đổ bộ, đặc nhiệm "cho nổ nhiều phần tường tòa nhà, không
muốn đi vào cửa chính để tránh bẫy mìn".
"Số lượng trực thăng và cách thức đột nhập là chiến thuật, kỹ năng
và quy trình tác chiến mà các đặc nhiệm phải trả giá rất đắt để đúc kết. Tiết lộ
những điều đó không giúp ích gì cho chúng ta", Robinson cho biết.
"Kẻ thù có thể nghiên cứu hiện trường, có thể nhìn thấy các lỗ bom ở
tòa nhà. Nhưng làm ơn để chúng tự suy diễn, đừng nói cho chúng biết như vậy", một cựu chỉ huy đặc nhiệm Mỹ bày tỏ bức xúc.
Ông cũng cho rằng việc tiết lộ đặc nhiệm ở lại hiện
trường gần 2 tiếng là một tiết lộ đầy nguy hại.
"Thông tin đó đã giúp đối phương hình dung ra chiến dịch thường kéo
dài trong bao lâu trên thực địa. Nó làm tăng nguy cơ thương vong. Những ước
tính thời điểm thực hiện nhiệm vụ là điều mà chúng tôi không bao giờ muốn kẻ
thù biết được, cũng như quy trình nhiệm vụ và tổng thời gian thực hiện", ông cho biết.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump khiến các chiến dịch trong
tương lai đối diện nhiều rủi ro hơn khi tiết lộ trực thăng Mỹ dùng cùng một lộ
trình cả đi và về trong cuộc đột kích vừa qua.
"Chi tiết này thật sự nguy hại. Đội đặc nhiệm chịu rủi ro trong suốt
chiến dịch, nhưng nguy hiểm nhất là thời điểm đổ bộ và rời đi bằng trực thăng.
Theo quan điểm của tôi, khi một ai đó công khai phát biểu về chiến thuật được
dùng cho giai đoạn nguy hiểm nhất chiến dịch, những rủi ro được tạo ra rõ ràng
nhiều hơn lợi ích thu lại", tướng Nagata nhận
định.
"Tôi không hiểu ông ấy nghĩ cái quái gì mà lại tiết lộ điều
đó", một cựu chỉ huy đặc nhiệm bức xúc.
"Nếu chúng tôi sử dụng cùng cách tiếp cận và chiến thuật đó trong
tương lai, trực thăng chắc chắn bị bắn hạ. Điều đó từng xảy ra tại Afghanistan", ông nhấn mạnh.
VIDEO :
Hiện trường nơi đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Baghdadi Ngôi nhà bị sập, mặt đất cháy đen là cảnh tượng tại hiện trường nơi
Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng
Abu Bakr al-Baghdadi tại Syria.
No comments:
Post a Comment