Saturday, October 26, 2019

LÀM SAO ĐỂ 'GÁNH, GÁNH, GÁNH . . . GÁNH THÓC VỀ'? (Mạnh KIm)




25/10/2019

Một cuộc hội thảo quy mô về VNCH, từ văn hóa, kinh tế, đến chính trị, vừa được tổ chức tại Trung tâm châu Á học thuộc Đại học Oregon vào ngày 14 và 15-10-2019, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu Anh-Mỹ, người Mỹ gốc Việt lẫn người Việt từ trong nước…

Một cảnh tại hội thảo "Khuynh Hướng Cộng Hòa" tại Việt Nam trước 1975.

Nội dung hội thảo đề cập nhiều chủ đề mang tính nhìn lại lịch sử với mục đích soi rọi lại quá khứ bằng ánh sáng sự thật. Chẳng hạn về Tự Lực Văn Đoàn (Martina Nguyen, Baruch College); về cụ Trần Trọng Kim (Nguyễn Lương Hải Khôi, Đại học Sư phạm TP.HCM); về tự do sáng tạo trong văn chương VNCH (Hoàng Phong Tuấn, Nguyễn Thị Minh – Đại học Đại học Sư phạm TP.HCM); về viện trợ nước ngoài cho VNCH (Phạm Thị Hồng Hà, Viện Sử, Hà Nội); về Hòa thượng Thích Minh Châu (Wynn Gadkar-Wilcox, Western Connecticut University); về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (Sean Fear, University of Leeds, Anh); về âm nhạc (Jason Gibbs, San Francisco Public Library); về tự do báo chí (cựu Tổng trưởng VNCH Hoàng Đức Nhã)…

Mục đích hội thảo, theo giáo sư Vũ Tường – giám đốc Trung tâm châu Á học, Đại học Oregon – là: “Ngoài việc tạo ra một diễn đàn để bàn thảo, phân tích và ghi chép về giai đoạn lịch sử bị dư luận và các nhà giáo dục Hoa Kỳ bỏ quên hay bóp méo, chúng tôi còn mong hội tụ và tạo mối giây liên kết giữa những sử gia và các nhà nghiên cứu về VNCH và lịch sử người Mỹ gốc Việt để cùng học hỏi và trao đổi. Có như vậy mới hy vọng chúng ta có thể thay đổi dần cái nhìn sai lệch về cuộc chiến Việt Nam, về VNCH và về người Mỹ gốc Việt”…

Song song việc tổ chức hội thảo, giáo sư Vũ Tường cũng cùng Hội di sản người Mỹ gốc Việt (Vietnamese-American Heritage Foundation) thực hiện một dự án trong năm năm gồm ba phần:
1/ Thành lập quỹ học bổng hỗ trợ nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên về lịch sử VNCH và lịch sử người Mỹ gốc Việt;
2/ Thành lập quỹ tài trợ giúp các học giả trẻ có cơ hội trình bày nghiên cứu về lịch sử VNCH và lịch sử người Mỹ gốc Việt tại các hội thảo quốc tế quan trọng;
3/ Mời giới nghiên cứu đóng góp vào ba quyển sách viết bằng Anh ngữ lẫn Việt ngữ về lịch sử VNCH và lịch sử người Mỹ gốc Việt.

Tất cả cho thấy có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhằm bảo vệ di sản văn hóa VNCH ngày càng mai một không chỉ với người Việt nước ngoài mà cả với người Việt trong nước. Trong thực tế, một cách lặng lẽ, một phần văn hóa VNCH đã được khôi phục tương đối đáng kể sau khoảng 30 năm đầu bị ruồng bỏ, kể từ 1975, một cách thô bạo. Lần lượt, nhiều đầu sách cũ, dù bị biên tập chỉnh sửa, đã được tái phát hành và bày bán công khai. Nỗ lực không mệt mỏi trong việc sưu tập tư liệu và viết lại để thế hệ hiện tại thấy được một thời văn hóa hoàng kim của miền Nam trước 1975, như các tập sách về Sài Gòn xưa của ông Phạm Công Luận, là điều rất đáng trân trọng (bộ sách công phu “Sài Gòn chuyện đời của phố” của ông Luận xứng đáng được trao một giải thưởng cấp quốc gia). Cũng không thể không kể sự miệt mài lặng lẽ đóng góp một cách bất vụ lợi của nhiều người “vô danh” khác, chẳng hạn người lập ra trang “tusachtiengviet.com” với việc cung cấp bản PDF chụp nguyên gốc các đầu sách thuộc nhiều thể loại in trước 1975; hoặc người lập ra trang “facebook.com/thuchoisach” cũng cung cấp miễn phí các đầu sách cũ bản PDF.

Vấn đề đáng nói hơn hết, thật ra, là không chỉ gìn giữ di sản văn hóa mà còn là làm thế nào để xây dựng văn hóa cho thế hệ tương lai. Đó mới là mối lo lớn nhất trong mọi mối lo lắng về văn hóa. Để lưu giữ quá khứ và làm rõ những điều chưa minh bạch trong quá khứ không là điều đơn giản nhưng để có một ngôi nhà văn hóa chung để vừa cất giữ viên ngọc quá khứ vừa tạo ra được những giá trị văn hóa tiếp nối để văn hóa dân tộc không bị đứt gãy và mai một mới thật sự khó khăn gấp vạn lần. Gần như ai cũng có thể thấy sự tàn phá văn hóa và hậu quả của nó dưới chế độ cộng sản. Trong khi đó, những biểu tượng văn hóa của một thời rực rỡ ngày càng mất dần. Sau những Tô Thùy Yên, Phạm Đình Chương, Tạ Tỵ… là ai? Chẳng ai cả. Sau nhà nghiên cứu Phật học Thích Minh Châu là ai? Ai hiện tại có thể nối tiếp ông Nguyễn Hiến Lê? Ai đủ sức làm được những gì như ông Nguyễn Hùng Trương với nhà sách Khai Trí từng làm? Và sẽ có bao nhiêu thế hệ nữa còn biết đến thơ Du Tử Lê và vẫn nghe nhạc Phạm Duy?

Ngày 9-1-2007, trong chương trình trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú”, một giảng viên Đại học Sư phạm thành phố Thái Bình đã thản nhiên nói: “Tự Lực Văn Đoàn ư? Tôi chưa nghe nói đến bao giờ. Hình như đó là một gánh cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương”. Bi kịch, chính xác hơn là thảm họa, của tình trạng nứt gãy văn hóa rõ ràng không là vấn đề của tương lai gần. Nó đã xảy ra. Điều nghiêm trọng, thậm chí có thể gọi là nguy hiểm, là sự không nhận thức đầy đủ mức độ và ảnh hưởng trước tình trạng văn hóa bị tiêu diệt bởi chính những kẻ được xem là cùng dân tộc.

Với chính sách giáo dục hiện tại, khi văn hóa bị cưỡng ép lồng ghép “tính Đảng”, có thể thấy, chỉ vài thập niên nữa, khi thế hệ sinh vào thập niên 1960 mất đi, di sản văn hóa miền Nam trước 1975 và của miền Bắc trước 1945 e rằng khó có thể được tiếp tục gìn giữ. Điều này cũng đúng với các thế hệ người Mỹ gốc Việt hoặc người Việt sinh ở nước ngoài nói chung. Ngay thời điểm hiện tại, một số Việt kiều sinh vào thập niên 1990 đã chỉ có thể giữ lại được sự kết nối một phần văn hóa Việt thông qua việc giao tiếp tiếng Việt trong gia đình và qua ẩm thực truyền thống. Tuy nhiên, sự dùng tiếng Việt trong đàm thoại giao tiếp so với việc có được cảm xúc rung động khi đọc một bài thơ hay đoạn văn thuần Việt là điều hoàn toàn khác. Việc có thể cảm thụ được vị ngon một món ăn truyền thống với việc xúc động trước một áng văn viết bằng chữ mẹ đẻ cũng không hề tương đồng.

Một người bạn đã kể với tôi tâm sự riêng sau khi đến Mỹ vài năm đầu tiên. Lần đó, vì quá nhớ nhà, vợ của anh ấy vào YouTube tìm một chương trình ca nhạc trong nước. Ca khúc đầu tiên mà cô ấy nghe, thật bất ngờ, là bài “Gánh lúa” của Phạm Duy. Bài hát, đầy tình tự quê hương, đầy hồn dân tộc, đầy hình ảnh mộc mạc một đất nước xa xôi địa lý nhưng luôn nằm trong sâu đáy lòng, đã như một cú đập choáng váng, đánh thẳng vào tâm can đến nhói tim, làm bật dậy tất cả dồn nén luôn cố dằn xuống trước cuộc sống bề bộn nơi đất khách quê người. Không thể kiềm được cảm xúc, vợ chồng cô đều bật khóc.

Đó là giọt nước mắt không chỉ nhớ nhà, không chỉ vì hoài niệm, không chỉ bởi cảm giác tha hương. Nó đến từ xúc cảm của những tâm hồn luôn mang nặng một tâm cảm, không thể hiểu tại sao và không bao giờ có thể giải thích một cách minh tường, rằng mình, ừ nhỉ, vẫn là người Việt, rằng “gốc rễ tôi”, ô hay, vẫn còn ở Việt Nam. Đó là cảm xúc tim óc mà đứa con của họ, tương tự nhiều đứa trẻ Việt khác sinh ở Mỹ, không bao giờ có được. Cảm xúc đó nằm trong tiềm thức của những người không chỉ nói tiếng Việt mà còn ôm nặng cái gánh văn hóa Việt Nam trong tâm hồn, trong trái tim, trong suy nghĩ và trong ý thức.

Có đáng lo không, khi nghĩ ngợi xa xôi rằng, nếu thế hệ như người bạn tôi mất đi rồi thì văn hóa dân tộc đối với người Việt hải ngoại sẽ như thế nào? Việt Nam, đối với các thế hệ hải ngoại tiếp theo, sẽ là một quốc gia để đến như một địa điểm du lịch, tương tự bao nhiêu quốc gia khác?

Vấn đề đầy tính thách thức đối với tất cả người Việt hiện tại là rồi đây ai sẽ “gánh, gánh, gánh thóc về”? Làm thế nào để “nhặt” được “thóc” để mà gánh về chất đầy trong bồ thóc quê hương sao cho thế hệ tiếp theo còn có “thóc” để mà nuôi dưỡng tâm hồn họ, trong khi kho “thóc cũ” đang cạn kiệt, trong khi ngay trên quê hương đang xảy ra một sự đổ nát đến mức tàn tạ của văn hóa nói chung, trong đó có sự đổ đốn của văn hóa tôn giáo, sự thối nát của văn hóa giáo dục, sự tan hoang của văn hóa ứng xử, như hậu quả tất yếu của cái gọi là “văn hóa cộng sản”.

Công cuộc nặng nề và phức tạp này không ai có thể gánh vác nổi trừ khi một ý thức chung được hình thành, dẫn đến một hành động chung, để cuối cùng không chỉ có thể giữ gìn giá trị nền tảng cũ mà còn tạo ra được những phẩm chất giá trị mới. Ít nhất thời điểm hiện tại, mỗi cá nhân và từng gia đình đều có thể làm được một điều tối thiểu: cần thay đổi bản thân, cần kiên nhẫn nhặt nhạnh từng hạt thóc văn hóa, cần tự tìm kiếm cách thức riêng trên con đường chọn lựa văn hóa, và cần tự gieo hạt. Nó như một câu “cliché” thường được trích dẫn nhưng luôn luôn đúng: bạn không thể thay đổi thế giới nếu bạn không thay đổi chính mình.

------------------------------

HỘI THẢO VỀ VNCH TẠI ĐẠI HỌC OREGON

.
21/10/2019
.
.
.

****
.
.
Quốc Phương  (BBC News Tiếng Việt)
  -  YOU TUBE
SBTN 





No comments: