Nhóm Phóng Viên Báo Phụ Nữ
06:30 25/10/2019
Tui
hổng biết cái cáp treo đó có gì đáng tự hào, tui chỉ biết nếu rời mảnh đất này,
gia đình tui hổng biết làm gì để sống
“Có một cô gái trẻ đến nhà khuyên tui nên giao đất
cho người ta làm du lịch, để con cháu mình sau này tự hào Hòn Thơm có cáp treo
vượt biển dài nhất thế giới. Tui hổng biết cái cáp treo đó có gì đáng tự hào,
tui chỉ biết nếu rời mảnh đất này, gia đình tui hổng biết làm gì để sống…” - bà
Năm L. nói tới đây thì nghẹn lại, nước mắt ứa ra.
Cuộc trở về não nề của lão nông mất đất
Khánh thành từ đầu năm 2018 nhưng đến tháng 10/2019,
khu vui chơi giải trí của Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc (Sun Phú Quốc) tại Hòn
Thơm (H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) vẫn giống như một đại công trình dang dở. Từ
trên cao nhìn xuống, thấy sát bên chân một trụ cáp khổng lồ gần ga đến của tuyến
cáp treo, có một khoảng rừng xanh đang tiếp tục bị san ủi, lộ ra một khu đất
nham nhở.
Trước khi đến thị trấn An Thới mua vé đi cáp treo ra
Hòn Thơm, dọc theo các trục đường lớn trên đảo Phú Quốc, đâu đâu cũng có những
tấm biển quảng cáo về tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới của Sun. Trên
các chuyến xe chở khách du lịch tham quan Phú Quốc, hướng dẫn viên cũng thường
lặp đi lặp lại cụm từ “cáp treo vượt biển dài nhất thế giới” ở Hòn Thơm như cố
gợi cho du khách sự tò mò. Thế nhưng, sau khi bỏ ra 150.000 đồng mua vé đi cáp
treo vượt qua chặng đường dài hơn 7km, đặt chân đến khu vui chơi của Sun, không
ít du khách hụt hẫng.
Chứng kiến khu vui chơi của Sun chỉ có một hồ cá kiểng,
vài ba điểm bán đồ ăn, anh Phong - ở TP.HCM, lần đầu tiên ra Phú Quốc - chưng hửng:
“Cứ tưởng đi cáp treo ra đây, sẽ được tham quan cả Hòn Thơm, được xem các hoạt
động của người dân bản địa, thưởng thức các món hải sản do người dân đánh bắt,
ai dè chỉ thấy bán toàn thức ăn nhanh. Nếu biết trước thế này, chắc chắn mình sẽ
không đi”. Cùng cảm giác như anh Phong, chúng tôi muốn tìm đường ra nơi người
dân sinh sống nhưng bốn phía chỉ toàn rào chắn công trình.
Trong lúc loay hoay tìm cách thoát khỏi điểm vui
chơi bị quây kín, chúng tôi gặp một ông lão khoảng 70 tuổi cũng đang ngơ ngác
tìm đường ra. “Đất này của mình mà giờ không biết đường về” - ông lão chua chát
nói rồi lót đôi dép xuống đất, ngồi nghỉ mệt. Là dân cố cựu ở Hòn Thơm, bị thu
hồi đất để làm dự án cáp treo và khu vui chơi của Sun, ông đã phải chuyển đi
nơi khác, lâu ngày nhớ bà con, quay về thăm chơi nhưng không ngờ xuống cáp treo
thì bí đường. “Tưởng đi cáp treo sẽ mau gặp lại bà con, không ngờ xuống tới đây
thì không thấy lối ra” - ông lão lại chép miệng.
Ông lão cho biết, mình tên Năm Ch., sống ở Hòn Thơm
từ trước năm 1975 nhưng phải ra đi vì dự án cáp treo vượt biển. Chúng tôi hỏi,
dự án cáp treo hoành tráng thế, chắc tiền bồi thường cũng cao, ông lão liền xua
tay: “Rẻ rề à!”.
Khu dân cư còn lại
trên Hòn Thơm sẽ tiếp tục được di dời để nhường đất cho dự án
Theo ông, năm 2017, gia đình ông và nhiều hộ dân
khác nằm trong diện bị thu hồi đất, được bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức
giá hơn 300 triệu đồng/công (1.000m2) đất. Ông có năm công đất, được bồi thường
1,5 tỷ đồng. Hiện ông Ch. cùng gia đình đang sinh sống ở thị trấn Dương Đông,
H.Phú Quốc, còn những gia đình bị thu hồi đất cùng đợt với ông đi đâu không rõ.
“
Giờ muốn tìm lại hàng xóm hồi xưa, cũng không biết
đâu mà tìm. Có nấm mộ của ông bạn nằm lại đây, giờ tôi muốn ghé thắp cây nhang
cũng không được, thành bình địa cả rồi” - mắt ông Năm Ch. đỏ hoe.
“Sao chú không ở lại?” - chúng tôi hỏi. Ông
Năm Ch. nói ngay: “Ai cho ở mà ở? Họ đâu có cho! Nếu cho, tôi ở lại liền. Bây
giờ, họ cũng đang tiếp tục di dân, chắc làm tới đâu, giải tỏa tới đó. Toàn khu này,
giải tỏa hết luôn”.
Ông Năm Ch. kể, hồi bị “bứng” ra khỏi Hòn Thơm, cả
đêm, ông không ngủ được vì có cảm giác như sắp mất mát thứ gì đó rất to tát.
Ông lão nói, cái mất lớn nhất là hơn nửa phần đời ông đã đổ xuống Hòn Thơm mà
phải ra đi trong nuối tiếc. Giờ trở lại, cảm giác đó lại ùa về.
Bây giờ, Hòn Thơm chuẩn bị có một cuộc di dân mới. Nếu
điều đó diễn ra như hai năm trước, chắc xã Hòn Thơm sẽ bị xóa sổ.
Khu tái định cư là nơi hứng bão
Anh T.M.Đ. - ở ấp Bãi Nam, xã Hòn Thơm, H.Phú Quốc -
kể, vài trăm năm trước, hàng trăm lượt ghe bầu từ miền Trung kéo về đây khai
thác đá mài. Lúc rảnh rỗi, họ vun đất trồng những cây thơm mang theo. Dần dà,
cây thơm phát triển, lan ra khắp đảo. Cái tên Hòn Thơm ra đời từ đó. Đến trước
năm 2015, xã Hòn Thơm đã có hai ấp với khoảng 700 hộ dân.
“Cư dân trên Hòn Thơm đang ngày một đông đúc lên thì
bất ngờ Sun Group vào đây làm du lịch. Họ lấy đất làm dự án thì dân phải đi.
Sau đợt di dân đầu tiên, dân Hòn Thơm chắc chỉ còn phân nửa” - anh Đ. nói. Anh
cho biết, những người còn ở lại đều có đất nằm trong diện thu hồi nhưng đến nay
vẫn chưa đồng ý mức giá đền bù vì quá thấp.
Theo người dân ở Hòn Thơm, cách tính tiền đền bù, giải
tỏa ở đây rất khó hiểu, không theo giá trị thật của đất mà tính theo vị trí
giáp biển. Vị trí từ mặt biển trở lên 200m thì được đền bù khoảng 1 tỷ đồng/công
đất; đất nằm ở giữa thì được đền bù 520 triệu đồng/công và ở vị trí cuối cùng
chỉ được đền bù 360 triệu đồng/công. “Giá đền bù như vậy là chỉ bằng 25% so với
giá trị thực tế. Trước năm 2014, đất ở đây đã có giá từ 2-3 triệu đồng/m2. Một
công đất được tầm 3 tỷ đồng mà nay họ đền bù vậy, ai mà chịu nhận” - anh Đ. bày
tỏ.
Một số người lớn tuổi ở Hòn Thơm cho biết, trong khoảng
hơn 300 hộ dân còn ở lại, hầu hết đều có đất khai thác từ trước năm 1975. Đến
năm 2014, họ nhận được thông báo thu hồi đất và đến năm 2016 thì có đợt chi trả
tiền đền bù, hỗ trợ đầu tiên. Những gia đình nào nhận tiền, trong vòng 20 ngày,
phải bàn giao mặt bằng để doanh nghiệp làm dự án. Những người còn ở lại sẽ được
“vận động” bàn giao mặt bằng. Anh Đ. kể: “Tôi có một khu đất được đền bù 360
triệu đồng/công. Giá này quá rẻ nhưng các khu đất xung quanh họ thu hồi hết rồi,
đất mình không còn đường đi vào nên phải chấp nhận giao đất”.
Chúng tôi đến nhà vợ chồng ông Năm L. khi mặt trời
đã ngả bóng về chiều. Thấy người lạ đến, bà Năm L. nói vọng ra: “Thôi thôi mấy
ông đừng vận động gì nữa, giá đền bù như vậy mà giao đất, cả nhà tôi chết
đói à”. Sau một hồi trò chuyện, biết chúng tôi là phóng viên, bà Năm L. mới kể
lại rằng, hôm trước, có cô gái trẻ đến nhà, khuyên bà rằng: “Bà phải tự hào Hòn
Thơm mình có cáp treo vượt biển dài nhất thế giới. Nên giao đất để người ta làm
du lịch cho con cháu mình sau này tự hào”. Nghe nói vậy, bà Năm L. giận lắm. Với
bà, niềm tự hào không đổi được kế sinh nhai cho gia đình. Bà chỉ biết, nếu vợ
chồng bà rời Hòn Thơm với số tiền ít ỏi đó, chắc chắn sẽ không trụ nổi ở vùng
khác.
“Nói thật với mấy chú, nếu bây giờ nhà nước thu hồi
làm dự án quốc phòng, tôi đi ngay, không cò kè giá đền bù. Đằng này, doanh nghiệp
làm dự án thương mại mà đẩy chúng tôi đi với giá đền bù rẻ bèo, làm sao chúng
tôi chấp nhận?” - bà Năm L. nói.
Ông Năm L. kể, gia đình ông đến Hòn Thơm từ trước
năm 1975 và bám trụ ở đây ngót nghét nửa thế kỷ. Hầu hết dân ở đây đều quen với
cuộc sống êm ả trên đảo, đói thì xuống biển bắt ốc đổi gạo. Bây giờ, nếu đẩy
dân đi nơi khác, chắc chắn họ sẽ khốn khổ. “Nếu tôi nhận tiền đền bù rồi lên
Dương Đông hoặc vào đất liền mua đất, cũng chỉ mua được một nền nhà, còn dư vài
trăm triệu. Trong khi nhà tôi có năm đứa con, chúng tôi biết sống sao? Làm vậy,
khác nào đẩy chúng tôi vào ngõ cụt?” - ông Năm L. nói.
M ột dự án nhà ở của Sun đang xây dựng ở thị trấn An
Thới, H.Phú Quốc. Những căn nhà ở đây được rao bán với giá từ 15-22 tỷ đồng
Đọc thông tin về dự án, chúng tôi thấy, cùng với việc
giải tỏa dân, đơn vị chức năng có bố trí khu tái định cư ở Hòn Thơm. Chúng tôi
hỏi ông Năm L.: “Sao chú không vào khu tái định cư mà ở?”. Vừa nghe dứt câu,
ông Năm L. đang nằm trên võng vội ngồi bật dậy: “Ở đó là chết”.
Nói về khu tái định cư ở Hòn Thơm, người dân địa
phương lắc đầu ngao ngán. “Chẳng hiểu sao, họ chọn chỗ đó làm khu tái định cư.
Đó là nơi hứng gió bão mà. Dân ở đây ai cũng biết, chỗ đó có rất ít cây cối nên
sóng đánh vào rất dữ, thuyền bè còn không đậu được thì sao làm nhà ở được” -
nói đến đây, ông Năm L. không nén nổi sự uất ức.
“Dự án gì mà kỳ lạ vậy”
Đường N4 - một đường nhánh từ trục đường lớn dẫn ra
bãi biển ở thị trấn Dương Đông, H.Phú Quốc - bất ngờ bị một khu resort mới xây
chắn ngang khiến cho tấm biển cấm ô tô trên đoạn đường này trở nên kỳ quặc. Tìm
hiểu về sự bùng nổ ở các dự án ở Phú Quốc, chúng tôi còn nhìn thấy nhiều sự
tương phản tương tự.
Cách khu nhà hoành tráng đang hối hả xây dựng sát
mép biển của Sun Phú Quốc tại thị trấn An Thới không xa là một khu nhà ở tuềnh
toàng của người dân địa phương. Thấy chúng tôi ghi hình một căn nhà đang lợp lại
mái lá để tránh mưa dột, một ông lão đứng gần đó bỗng chép miệng: “Sống ở đây
hơn 30 năm rồi mà họ chưa cho xây nhà kiên cố, phải lợp che tạm vậy thôi. Mùa
này còn đỡ chứ mùa mưa gió, khổ lắm”.
Ông lão cho biết, gia đình ông đến An Thới sinh sống
từ trước năm 1980. Khi đó, khu vực này rất hoang sơ. Dù vậy, căn nhà mà gia đình
ông đang ở vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. “Mấy năm đầu, nhà nước có thu tiền
thuế đất nhưng sau đó, không thấy thu nữa. Gia đình tôi sống ở đây mấy chục năm
rồi, đi nơi khác, không biết làm gì để sống”.
Nhìn về phía khu nhà đồ sộ đang dần hoàn thiện phía
trên dốc, sát mép biển, ông lão không khỏi bùi ngùi: “Bên đó, mỗi căn nhà nghe
nói tới mấy chục tỷ. Mà cũng không hiểu sao bên đó lại cho xây dựng kiên cố,
còn bên này thì lại cấm xây. Cứ ở tạm bợ như vầy được ngày nào hay ngày đó. Sợ
mai mốt họ lấy luôn khu bên này thì còn khổ hơn”.
Khu nhà kiên cố mà lão nông nhắc đến là dự án có tên
“Shophouse Địa Trung Hải” với 150 căn, được xây dựng trên diện tích hơn 39ha,
có kết cấu từ 3-5 tầng, thiết kế theo lối phương Tây. Giá mỗi căn nhà ở dự án
này đang được rao bán từ 15-22 tỷ đồng.
“Chỉ có đại gia mới mua nổi mấy căn đó chứ dân ở đây
có nằm mơ cũng không dám. Bà con tụi tui chỉ mong sao đất mình khai hoang, ở ổn
định mấy chục năm nay được xác định pháp lý rõ ràng, để lỡ mai mốt người ta có
lấy đất làm dự án, cũng được tính giá đền bù phù hợp, chứ như ở Hòn Thơm thì chết”
- ông lão lại thở ra khi chúng tôi hỏi về những dự định tương lai.
-----------------------
Bồi thường giá 0 đồng, bị hành hung bí ẩn
Trong những ngày chúng tôi đến thị trấn An Thới,
H.Phú Quốc, nhiều người dân còn nhắc lại vụ thu hồi đất với giá đền bù 0 đồng ở
khu vực núi Ông Quán. Năm 2017, khoảng 50 hộ dân ở khu vực trên nhận quyết định
thu hồi đất của UBND H.Phú Quốc, ký ngày 23/12/2016. Lý do thu hồi đất là để thực
hiện dự án cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm - Phú Quốc.
Điều khiến người dân ngỡ ngàng là quyết định liệt kê
các khoản bồi thường gồm: đất đai, hỗ trợ đất đai, hoa màu, vật kiến trúc với
giá… 0 đồng. Lý do là, cơ quan chức năng cho rằng các hộ dân này bao chiếm đất
rừng tự nhiên sau ngày 1/7/2004. Tuy nhiên, phía người dân cho biết, họ đã khai
phá và canh tác đất ổn định khoảng 20 năm về trước. Năm 2017, nhiều báo đài đã
đưa tin về việc sau khi bị cưỡng chế, một số hộ trở lại hiện trường để giữ đất
và làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng thì bị hàng chục đối tượng lạ mặt
hành hung.
Qua Báo Phụ Nữ TP.HCM, người dân ở Hòn Thơm mong muốn
cơ quan chức năng kiểm tra lại mức giá đền bù tại quyết định số 556/QĐ-UBND
ngày 18/1/2017 của UBND H.Phú Quốc về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại dự
án nói trên, vì theo người dân, giá đền bù trên chỉ bằng 25% giá trị thực tế.
Nhóm
Phóng viên
No comments:
Post a Comment