Tuesday, October 8, 2019

KINH TẾ TRUNG QUỐC THẤM ĐÒN THƯƠNG CHIẾN VỚI MỸ (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 08-10-2019

Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại vào ngày 11/10/2019. Trước vòng đàm phán thứ 13, nhật báo Le Monde (08/10/2019) tóm tắt tình hình kinh tế hai nước từ khi xảy ra chiến tranh thương mại song phương.

Liên quan đến Trung Quốc, theo nhà báo Frédéric Lemaître, “Bắc Kinh thừa nhận bị tác động vì chiến tranh thương mại”. Giữa tháng 09, tổng thống Mỹ chấp nhận lùi thời hạn tăng thêm 5% thuế (từ 25% thành 30%) đến ngày 15/10 thay vì có hiệu lực từ ngày 01/10, đánh vào 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, “theo yêu cầu của phó thủ tướng Lưu Hạc vì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa kỉ niệm 70 năm thành lập nước”.

Những dấu hiệu cho thấy Bắc Kim thấm đòn, được nhà báo Frédéric Lemaître phân tích trên hai điểm : nhũn nhặn hơn trong tuyên bố và số liệu thống kê mới.

Dường như chưa bị tác động trong năm đầu khai chiến, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh hùng hồn tuyên bố rằng các doanh nghiệp Mỹ mới là những nạn nhân chính. Khí phách giảm dần khi những thống kê mới cho thấy nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại.

Trung Quốc đổi giọng, liên tục cảnh cáo sẽ không bên nào thắng cuộc trong cuộc chiến thương mại và công nghệ, thậm chí “thuế quan và tranh chấp thương mại (…) phá hoại chủ nghĩa đa phương” và “có thể đẩy thế giới vào suy thoái”, theo phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 09 ở New York.

Không những không khảng khái chỉ đích danh Mỹ khuấy động thế giới, Bắc Kinh lại tỏ ra nhân nhượng. Bằng chứng là cho phép công ty Paypal của Mỹ tham gia thị trường thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc. Paypal trở thành công ty nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực này được cấp phép. Quyết định được Hoàn Cầu Thời Báo giải thích (05/10) là “chẳng lợi lộc gì khi xây bức tường Berlin phiên bản kỹ thuật số. Ngược lại, một hợp tác đôi bên cùng có lợi nên là mục tiêu của tất cả các nước nước sản xuất công nghệ”.

Có lẽ Bắc Kinh hạ giọng vì số liệu thống kê mới không tốt đẹp lắm cho nền kinh tế Trung Quốc. Chính quyền phải thừa nhận rằng không dễ dàng gì đạt được tăng trưởng trên 6% trong năm 2019, trong khi mục tiêu đề ra là từ 6% đến 6,5%. Trừ lĩnh vực dịch vụ, ngành công nghiệp bị tác động mạnh. Lượng xe hơi bán ra trong năm 2019 giảm khoảng 10%. Tỉ lệ thất nghiệp tạm ổn nhưng một số ngành “gặp vấn đề, như sản xuất ô tô, điện lực, xây dựng, bất động sản”, theo Nhân Dân Nhật Báo ngày 25/09.

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cần ưu tiên đầu tư và tiêu thụ. Như vậy, kế hoạch thúc đẩy kinh tế được Bắc Kinh đề ra năm 2018 chưa đạt được kết quả như mong đợi, theo nhận định của Le Monde.

Việc Trung Quốc, vào tháng 09, quyết định hủy tăng thuế đối với 18 mặt hàng Mỹ, trong đó có thịt lợn và đậu nành, hai sản phẩm quan trọng cho cả nông dân hai nước, cũng được cho là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng nhân nhượng trong cuộc đàm phán sắp tới. Phía Trung Quốc cũng có những “diều hâu” không chịu khuất phục trước chính quyền Mỹ đang tìm cách hạ gục họ.

Thực tế kinh tế : thước đo của chính quyền Trump

So với Trung Quốc, tình hình kinh tế Mỹ khả quan hơn. Thống kê được công bố ngày 04/10 cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ rơi xuống mức 3,5%, mức thấp nhất kể từ 50 năm nay. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng, dù có một số dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn, như trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Trái với hứa hẹn mang việc làm về cho người dân, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã không giúp Nhà Trắng khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động về trong nước. Thậm chí, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bị sụt giảm trên quy mô thế giới và dĩ nhiên gây tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ.

Hiện tại, tổng thống Mỹ không ở thế mạnh như hồi mùa Xuân. Ông kiên quyết buộc Bắc Kinh khuất phục, nhưng nếu tăng thuế đối với hàng Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ cũng chịu thiệt thòi và có thể gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Wall Street. Rủi ro này quá lớn đối với chủ nhân Nhà Trắng, trong khi chỉ còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống. Dù ông Donald Trump tuyên bố không cần một thỏa thuận với Trung Quốc trước kỳ bầu cử, nhưng giới chuyên gia cho rằng khả năng “đình chiến” trong năm 2020 là điều có thể.

Đối mặt với thủ tục truất phế, đảng Cộng Hòa ủng hộ tổng thống Trump

Trong nước, tổng thống Trump đang phải đối mặt với thủ tục luận tội do Hạ Viện, nơi mà đảng Dân Chủ chiếm đa số, mở ra. Theo bài phân tích của Libération, bất chấp người báo động thứ hai ra điều trần vào cuối tuần qua, đảng Cộng Hòa tiếp tục nhiệt tình ủng hộ tổng thống Trump, bằng chứng là nhiều triệu đô la đã được quyên góp cho chiến dịch tranh cử của ông.

Vụ “Ukrainegate” được Le Monde thuật lại cùng với nhận định Nhà Trắng liên tục lên án “âm mưu của đảng Dân Chủ”. Riêng tổng thống Mỹ vẫn ưu tiên mạng xã hội Twitter để trút giận, với hơn 200 tin nhắn đăng từ ngày 01 đến 07/10.

Mỹ thí “tốt” Kurdistan trước đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ

Chỉ bằng một cú điện thoại với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, chủ nhân Nhà Trắng khiến các đồng minh ngỡ ngàng khi quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi miền bắc Syria, phó thác số phận của người Kurdistan cho kẻ thù Thổ Nhĩ Kỳ. Nhật báo kinh tế Les Echos trích lại tin nhắn trên Twitter của tổng thống Mỹ : “Người Kurdistan đánh nhau với Thổ Nhĩ Kỳ từ vài chục năm qua. Tôi đã tránh một cuộc đối đầu từ gần ba năm nay, nhưng đã đến lúc chúng ta rút khỏi cuộc chiến nực cười và bất tận này”.

Với quyết định đi ngược khuyến cáo của Lầu Năm Góc, nhật báo Le Monde cho rằng “Washington bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Syria” dù bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper khẳng định Mỹ không bỏ rơi lực lượng Kurdistan, đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Tổng thống Mỹ đã phải nhân nhượng trước đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ liên tục dọa mở chiến dịch quân sự vào miền đông bắc Syria để lập “vùng đệm”, rộng 30 km và kéo dài 400 km dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Với Ankara, khu vực này là hậu cứ cho phong trào ly khai của Đảng Lao Động Kurdistan (PKK), kẻ thù không đội trời chung của tổng thống Erdogan.

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra những hậu quả gì ? Theo bài viết “Trump bỏ rơi người Kurdistan ở Syria cho kẻ thù Thổ Nhĩ Kỳ” của Le Figaro, lực lượng Kurdistan YPG sẽ phải rút về thung lũng Euphrate, để lại nhiều vùng có thể bị rơi vào tay thánh chiến Hồi Giáo. Quân đội Syria có thể chiếm lại miền đông lãnh thổ. Hàng chục nghìn tù nhân thánh chiến và gia đình họ, trong đó rất nhiều người là công dân phương Tây, có thể sẽ trốn thoát và trở thành mối de dọa cho các nước phương Tây. Mỹ từng dọa thả tù nhân thánh chiến nếu các đồng minh có công dân tham gia không nhận lại tù binh.

Nhật báo Libération quan tâm đến số phận của “Người Kurdistan bị bạn hữu Mỹ bỏ rơi”. Hành động của Nhà Trắng bị xã luận của nhật báo cánh tả đánh giá là “vô liêm sỉ”, là “sự phản bội”. Không muốn triển khai quân trên thực địa, phương Tây đã cầu viện đến lực lượng Kurdistan để đẩy lui thánh chiến. Vậy mà để đáp ơn họ, Mỹ ngừng yểm trợ. Các đồng minh của Mỹ, trong đó có Pháp, thì phản ứng một cách dè dặt.

Xã luận của La Croix quan tâm đến “Trọng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ” tại Syria, cũng như trong khu vực. Chính quyền Ankara không ngừng củng cố quan hệ chặt chẽ với Matxcơva, trong cuộc chiến ở Syria, cũng như thông qua các hợp đồng mua chất đốt, nguyên tử, vũ khí, đặc biệt là hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, bất chấp những đe dọa trừng phạt của Mỹ.

Chính sách Trung Đông của Mỹ thất bại ?

Mở rộng ra cả khu vực Trung Đông, xã luận của Le Figaro cho rằng chính sách Trung Đông của Mỹ đã “thất bại”.
Quyết định của tổng thống Trump đồng nghĩa với việc để Thổ Nhĩ Kỳ và chế độ Damas định đoạt số phận lực lượng Kurdistan. Cùng thời điểm này, chủ nhân Nhà Trắng cũng tỏ ý đẩy Afghanistan vào tay Taliban, trở lại điểm xuất phát cách đây 18 năm khi Mỹ tấn công thành trì của Taliban ở Kabul, đẩy Mỹ vào cuộc chiến lâu nhất trong lịch sử nước này. Liên quan đến Irak, nơi có lúc quân nhân Mỹ lên đến 160.000 người trong vòng 10 năm, tổng thống Mỹ cũng đang dần để quốc gia này mỗi ngày rơi thêm vào vòng ảnh hưởng của Iran, quốc gia bị coi là kẻ thù lớn trong khu vực.

Với quyết định đầy tính toán cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, chủ nhân Nhà Trắng chỉ khẳng định rằng Hoa Kỳ đã thất bại tại Trung Đông, nơi Mỹ đã chi đến 2.000 tỉ đô la, 7.000 lính đặc nhiệm thiệt mạng và hơn 300.000 nạn nhân là thường dân, chưa kể phía Syria. Mỹ thất bại, còn Nga, chế độ Damas, Thổ Nhĩ Kỳ là những bên chiến thắng, trong khi những đồng minh phương Tây của Mỹ bất lực, chuẩn bị đối phó nguy cơ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có thể hồi sinh.

Khủng bố tại Paris : Bộ trưởng Nội Vụ điều trần về kẽ hở an ninh

Ngoài chủ đề Donald Trump bỏ rơi người Kurdistan ở Syria, trang nhất của các nhật báo Pháp quan tâm đến thời sự trong nước.

La Croix chú ý đến “Nông dân chinh phục người Pháp” bằng cách nối lại quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng. Le Figaro quan tâm đến hai chủ đề : “Nhập cư : Edouard Philippines sẵn sàng suy nghĩ đến hạn ngạch” và “Dưới làn sóng chỉ trích gay gắt, Christophe Castaner buộc phải giải trình”.

Năm ngày sau vụ tấn công bằng dao ngay trong Sở Cảnh sát Paris, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner ra điều trần ngày 08/10/2019 trước Ủy ban Tình báo Nghị Viện. Theo Le Monde, ông thừa nhận có những kẽ hở trong guồng máy an ninh, liên quan đến việc cảnh báo dấu hiệu cực đoan, song không được ghi bằng văn bản, của thủ phạm Mickaël Harpon ngay từ năm 2015. Dù vậy, Mickaël Harpon vẫn được cấp phép tiếp cận bí mật quốc phòng cho đến năm 2020. Khi khám xét nhà thủ phạm, các nhà điều tra tìm thấy một ổ USB chứa nhiều thông tin mật và nhiều đoạn video quay cảnh hành quyết.






No comments: