Nguyễn Thị Hậu, tùy bút
Viet-Studies
29/1/2019
1.
Ấn tượng Warszawa
Tôi trở lại Warszawa vào những
ngày tháng bảy. Lần trước tôi chỉ có vài ngày còn lần này tôi ở lại đây đến hai tuần. Sau cả tháng nắng nóng là những ngày mưa rào, không lớn nhưng cũng làm ướt đường và hàng cây
xanh hơn, đủ để có những bức hình cảnh vật mờ ảo sau màn mưa... Bạn bè đã lên
chương trình cho tôi đi thăm thú những di tích lịch sử, bảo tàng, không chỉ ở
Warszawa mà còn ở một vài nơi nữa.
Warszawa là thủ đô và là thành
phố lớn nhất Ba Lan. Tọa lạc bên sông Vistula từ thế kỷ 13 Warszawa chính
thức thành lập và đến năm 1596 trở thành thủ đô của đất nước Ba Lan. Thành phố
phát triển nhanh chóng nhưng trung tâm vẫn là khu vực bây giờ là Phố Cổ và thành cổ. Vào giai đoạn cuối của chiến
tranh thế giới thứ hai, khởi nghĩa Warszawa đã bùng nổ vào năm 1944,
thành phố đã bị phá hủy hầu hết, nặng nề nhất là khu phố cổ.
Sau chiến tranh thành phố thành
lập một ủy ban đặc biệt gồm các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị để nỗ lực tiến hành xây dựng lại Warszawa. Mô hình
thành cổ mà họ định “khôi phục” là phần còn lại trước chiến tranh chứ không phải xây mới hoàn toàn như nguyên gốc. Đồng thời ủy ban đã tỉ mỉ khôi phục lại các tòa nhà có lịch sử lâu đời và
quan trọng, trên cơ sở sử dụng tài liệu kiến trúc thiết kế cũng như nhiều hình ảnh
cũ, thậm chí cả tranh vẽ về những công trình ấy còn được lưu giữ. Nhờ vậy
ngày nay bên cạnh phần lớn thành phố được xây dựng theo kiến trúc mới thì vẫn còn đó một số công trình mang dáng dấp cổ xưa. Gạch là vật
liệu xây dựng đặc trưng của Ba Lan, các công trình thành trì, lâu đài, pháo
đài, phố xá... quy mô to lớn, kiến trúc độc đáo còn tồn tại đến ngày nay phần lớn là xây bằng vật
liệu này.
Những ngày ở Warszawa tôi được tham quan một số công trình văn hóa nổi tiếng như Cung điện mùa hè, bảo tàng, Thư viện quốc gia, Trường đại học tổng hợp… và khu vực thành cổ phục dựng sau chiến tranh, nay là Di sản văn
hóa thế giới. Tòa thành xây bằng gạch luôn tươi màu dưới ánh nắng hè hay sau
cơn mưa. Những con phố cổ lát đá đã mòn vì thời gian, dạo chơi trên đường phố này cũng khá mỏi chân nếu
bạn không quen đi bộ. Vì vậy những chiếc xe ngựa lọc cọc lăn bánh trên đường rất hấp dẫn du khách vì tiết kiệm thời gian và cho đôi chân
nghỉ ngơi. Hơn nữa người đánh xe trong bộ trang phục cổ xưa còn là hướng dẫn viên
nhiệt tình và thú vị, những câu chuyện xưa về thành cổ, về từng
địa điểm từng nhân vật lịch sử… sống động hơn qua từng chuyến đi
ngắn.
Trung tâm thành phố là những tòa nhà xưa, tiệm ăn, cửa hàng, công
sở, nhà hát… hầu như không có kiến trúc mới, càng không có công trình nào to
lớn “cạnh tranh” với nhà thờ. Các tháp chuông vươn cao in trên nền trời
xanh thăm thẳm là điểm nhấn đặc biệt của từng khu vực. Nhà thờ trung tâm ở
giữa quảng trường rộng, nơi mỗi ngày diễn ra những sinh họat cộng đồng. Trên quảng
trường và vỉa hè là các quán cà phê ngăn cách với đường phố bằng hàng rào gỗ thấp treo những chậu
hoa tươi tắn. Trong thành cổ lúc nào cũng nhộn nhịp khách du lịch nhưng không có xe hơi nên không tiếng động cơ không mùi khói xăng, thậm chí du khách cũng không nói chuyện ồn ào. Nhịp sống bình thản êm đềm trái ngược với cuộc sống hiện đại sôi động đang diễn ra bên ngoài bức tường thành.
Đã bao thời gian trôi qua, các
cuộc chiến tranh, dân số tăng lên... Thành cổ phố cổ cũng chịu quy luật của thời
gian. Những ngôi nhà xuống cấp, đường phố hư hỏng, nhu cầu cuộc sống đòi hỏi cần
có sự thay đổi... Đô thị nào cũng gặp vấn đề như thế. Nhưng Warszawa vẫn bảo tồn được những di
sản văn hóa bằng sự trân trọng của chính quyền và của từng
người dân. Đến đâu cũng có thể bắt gặp các
công trình đang được trùng tu, sửa chữa, nhiều nhất là nhà thờ, các lâu đài nhỏ bé hay to
lớn, hay đơn giản chỉ là thay thế những viên đá lát đường. Tôi đã nhìn thấy
những người công nhân với xô hồ và chiếc búa nhỏ trong tay, đi lại cẩn thận quan sát và tỉ mỷ gắn lại vài viên đá bị bật lên. Mọi người qua lại đều chậm bước và nhẹ chân hơn.
Nếu các công trình công cộng, nhà ở... xây
dựng sau chiến tranh với kiểu dángkiến trúc khiêm nhường và có phần đơn điệu, thì có thể nói Warszawa
đã “bảo tồn” cảnh quan thành phố rất đẹp. Nổi bật là những khu
rừng dọc theo nhiều con đường, nhiều công viên lớn nhỏ khắp nơi. Trong công viên
Chopin ở trung tâm thành phố những chú sóc những chú chim công mạnh dạn
nhận những mẩu bánh mỳ vụn từ tay người đi dạo. Xen giữa đường phố, vườn hoa và quần thể
công trình kiến trúc luôn có tượng đài kỷ niệm sự kiện lịch sử, danh nhân văn hóa, không
hoành tráng phô trương mà hòa hợp với cảnh quan. Những công viên, rừng câyđược coi là “di sản cảnh quan đô thị”
không chỉ vì nó “có tuổi” mà còn vì nơi đây như “khu bảo tồn tự
nhiên” nhiều loại thực vật, động vật. Vào mùa hè, mùa thu khu rừng quanh thành phố là nơi người dân đến hái nấm,
hái quả dại, nghỉ ngơi giữathảm cỏ xanh thảm lá vàng…
Cách Warszawa gần một
giờ xe chạy là Ngôi nhà Chopin – nơi người nhạc sĩ thiên
tài được sinh ra và sống thời thơ ấu. Khu
trang trại như một công viên rộng lớn, có dòng suối nhỏ chảy quanh và mấy cây
cầu duyên dáng, rừng cây thảm cỏ, những lối nhỏ trồng hoa, những chiếc ghế gỗ dưới tán cây xanh mát... Ngôi nhà xinh xắn màu trắng trưng
bày nhiều kỷ vật của gia đình Chopin: chiếc đàn cổ mà nhạc sĩ từng sử dụng, những bức
chân dung thành viên của gia đình, phòng khách ấm cúng... Ngày cuối tuần thường có nghệ sĩ
biểu diễn nhạc Chopin bằng chiếc dương cầm đặt trong phòng hòa nhạc của ngôi
nhà. Toàn bộ công viên và ngôi nhà là khu lưu niệm, bảo tàng và khu du lịch
thu hút rất đông du khách tham quan cả bốn mùa. Mọi người đến đây đều được đắm mình vào một
không gian phủ đầy âm nhạc Chopin bằng những chiếc loa đặt lắp kín đáo ở khắp
nơi.
Ngoài “Nhà Chopin” ở Warszawa còn có Bảo
tàng Chopin rất hiện đại, trưng bày về cuộc đời và những tác phẩm của nhạc sĩ
thiên tài bằng phương tiện hiện đại nhằm tăng tính tương tác để khách tham quan
tìm hiểu, học hỏi và tự trải nghiệm. Các bảo tàng lớn như Bảo tàng quốc gia, Bảo
tàng quân đội, Bảo tàng Do Thái, Bảo tàng Katyn… hầu như đều có hệ thống bán vé
online trước cả tháng…. Vậy mà không phải lúc nào du khách cũng mua được vé vào
thời điểm mình mong muốn. Hầu như ngày nào các bảo tàng cũng đón tiếp rất đông
học sinh các lứa tuổi đến học tại đây.
Ba Lan có rất nhiều thành phố cổ xưa tuyệt đẹp, nhưng Warszawa
có vị trí quan trọng không chỉ là Thủ đô mà còn vì lịch sử bi thương của
nó. Lịch sử nơi đây luôn hiện diện bằng những tượng đài tuyệt
đẹp, bằng công trình cổ xưa, bằng âm nhạc cổ
điển và các tác phẩm
nghệ thuật trong bảo tàng. Ký ức được lưu giữ trong từng ngôi nhà từng
quán hàng từng tiệm cà phê và cả bằng những hành động tưởng nhớ của
thành phố. Hàng năm vào ngày 1 tháng 8 toàn thành phố tưởng niệm khởi nghĩa Warszawa (1944). Khi một hồi còi vang lúc 17g mọi hoạt động đều "dừng lại" 1 phút, toàn thành phố
nghiêm trang tưởng nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc khởi nghĩa bi tráng
này.
2. Một người Việt sở hữu và bảo tồn Cung
điện Wroclaw
Trên trang online của báo Gazeta Wrocławska
(Ba Lan) ngày 20.10.2012 có đưa tin “Người Việt đã mua Cung điện Wroclaw”. Bài
báo cho biết đây là một trong những di tích lớn nhất trước chiến tranh ở thành
phố Wroclaw. Cung điện Schaffgotsch còn phổ biến với tên gọi
"Pałacyk" đã có một chủ sở hữu mới là một người Việt Nam.
Cung điện – biệt thự
Schaffgotsch của một người thuộc dòng họ Hans Ulrich von Schaffgotsch được xây
dựng vào những năm 1890. Trên cơ sở một tòa nhà có từ năm 1862, công trình được
thiết kế và mở rộng trở thành một cung điện theo phong cách Phục hưng, với một
tháp chính, nhiều cửa sổ hình vòm và cửa sổ tầng áp mái... Mặt tiền được ốp gạch
đỏ với các chi tiết bằng đá sa thạch trắng, phía sau cung điện có một sân trong
nối với một khu vườn rộng thiết kế theo phong cách Anh.
Chủ nhân – người xây dựng cung điện đã qua đời năm 1915. Sau đó công trình trở thành tài sản của thành phố Wrocław. Trong
hai cuộc chiến tranh tòa nhà bị hư hại, thành phố đã sửa chữa, trùng tu lại và
được sử dụng làm Trụ sở Hiệp hội sinh viên, nơi các câu lạc bộ của sinh viên tổ
chức nhiều sinh hoạt văn hóa giải trí... Năm 1972 một đám cháy xảy ra ở
đây. Sau đó tòa nhà lại được cải tạo trong một thời gian dài và hoàn thành vào
năm 1975. Từ đó công trình được sử dụng cho các mục đích văn hóa khác nhau (vũ
trường, quán ăn, quán rượu, một số dịch vụ và giải trí, thậm chí có cả rạp chiếu
phim)... Cho đến năm 2012 tài sản này được bán cho một công ty của người Việt. Có lẽ đây là trường hợp đầu
tiên người Việt sở hữu một công trình có giá trị cao, tuy quy mô không lớn
nhưng có nguồn gốc và là một di tích lịch sử và văn hóa.
Trong một dịp đến Ba Lan tình cờ tôi quen biết gia đình anh chị T. người đã mua lại
cung điện Schaffgotsch. Đó là đôi vợ chồng còn trẻ, cư
trú ở Ba Lan từ lâu, Khi biết tôi đang quan tâm đến việc bảo tồn di sản đô thị, anh chị đã mời
tôi đến thăm thành phố Wrocław nơi có cung điện này.
Wrocław là thủ phủ của tỉnh
Dolnośląskie ở Tây-Nam Ba Lan, nằm bên sông Odra. Thành phố có khoảng 1 triệu
dân. Trong lịch sử nơi này từng chịu ảnh hưởng văn hóa của người Bohemia, người
Áo và người Phổ. Điều đó đã tạo nên những nét đặc sắc của thành phố nhất là
trong kiến trúc. Là một thành phố du lịch nhưng Wrocław có nhịp sống yên bình
nên nó được người Ba Lan và khách du lịch rất yêu thích.
Cung điện Schaffgotsch nằm trên
một con đường nhỏ nhắn và yên tĩnh ngay sát trung tâm thành phố. Khuôn viên trước
kia có hai “mặt tiền”: phía cổng chính là đường phố, phía sau là một khu vườn lớn,
ngày nay trở thành một công viên của thành phố. Sau hai lần trùng tu nhưng cung
điện vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc như ban đầu. Sân trước và sân trong
còn nguyên những viên đá lát từ cuối thế kỷ 19. Sảnh chính và cầu thang, những
hành lang, từng tầng và các phòng ở mỗi tầng về cơ bản đã được trả lại cấu trúc
ban đầu, sau một thời gian dài cũng bị tình trạng cơi nới, chia nhỏ cho những
nhu cầu khác nhau.
Hành trình phục hồi và trùng tu
của cung điện này – theo lời người chủ sở hữu – đã bắt đầu ngay sau khi hoàn tất
thủ tục mua bán. Khởi đầu, đó là lời hứa của anh với chính quyền thành phố “công trình sẽ
không bị đập phá hay thay đổi, mà sẽ được trùng tu, tôn tạo để trở về hình thức
kiến trúc đẹp nhất của nó, dù nó được sử dụng với bất cứ chức năng nào”. Khi
tôi hỏi, vì sao anh dám hứa chắc như vậy khi mà lúc đó anh chưa hề
có khái niệm gì về trùng tu di sản văn hóa, khi mà nguồn vốn của anh không phải
là dư dả?
Anh T. vui vẻ nói: sống lâu ở
Ba Lan tôi hiểu rằng, chính quyền và người dân đất nước này rất yêu quý và tôn
trọng các di tích lịch sử. Họ miệt mài sửa chữa, trùng tu di tích từ thời này
qua thời khác, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất thì công tác bảo tồn
di tích chưa bao giờ ngừng nghỉ. Sau chiến tranh phần lớn thủ đô Warshaw bị phá
hủy, vậy mà bây giờ chị thấy đấy, Warshaw đã “hồi sinh” gần như toàn bộ những
công trình cổ, trở thành tài sản văn hóa và nguồn tài nguyên vô tận cho du lịch.
Vì vậy, đối với tôi bảo tồn công trình này cũng là một việc cần làm, như những
công việc khác của tôi.
Tuy câu trả lời của anh đơn giản
vậy nhưng qua câu chuyện dài, tôi biết anh T. đã thực hiện rất nhiều công việc
và tiêu tốn nhiều, cho đến nay vẫn đang đầu tư sửa chữa chứ chưa thể có lợi nhuận
từ công trình.
Bắt đầu từ việc cải tạo hệ thống
hạ tầng của công trình: hệ thống điện, nước, khí đốt, sưởi ấm, nhà vệ sinh, nước
thải... Đụng đến đâu là phải làm mới đến đấy. Cải tạo hạ tầng để hạn chế hư hại
cho tòa nhà do hệ thống này đã xuống cấp nặng nề, đồng thời để có thể sử dụng
ngay một phần tòa nhà.
Rồi bắt đầu nghiên cứu đánh giá
tình trạng tổng thể, tình trạng từng khu vực, từng bộ phận kiến trúc, thậm chí
từng chi tiết trang trí. Công việc này được anh T. hào hứng kể lại. Anh được cơ
quan quản lý di sản của Ba Lan nhiệt tình giúp đỡ khi anh tìm hiểu về nguồn gốc
và việc trùng tu tòa nhà. Cơ quan quản lý đã gửi hồ sơ cho anh, giới thiệu
chuyên gia đến xem xét, khảo sát và đánh giá tình trạng công trình... Rồi từ đó
tư vấn phương án trùng tu nào hiệu quả nhất trên nguyên tắc bảo tồn tối đa những
gì giữ được, trùng tu với sự cẩn trọng và khoa học nhất có thể.
Đặc biệt, khi biết được xuất xứ
vật liệu xây dựng, nhất là gạch lát nền, là sản xuất từ một nhà máy tại Đức, cơ
quan quản lý di sản đã giới thiệu anh liên hệ với nhà máy đó. Sau khi người của
nhà máy đến khảo sát, nhà máy đã quyết định phục hồi cả một dây chuyền sản xuất loại gạch từ
thế kỷ 19 để cung cấp cho anh. Khi tôi đến thăm quan thì phần lớn tầng trệt đã
được lát những viên gạch mới sản xuất nhưng nhìn kỹ mới nhận ra. Với những vật
liệu khác cũng vậy. Tất nhiên, chi phí cho việc sản xuất loại vật liệu “gốc”
không hề nhỏ nhưng quan trọng là anh T. có nhiều “người đồng
hành” trong hành trình dài và khó khăn này.
Khi cùng anh leo lên tận tầng
áp mái của cung điện, tận mắt tôi nhìn thấy những cây cột, đà, xà... bằng gỗ lớn
đã trải qua hơn 200 năm, thấy việc thay thế từng đoạn bị hư hỏng, bị mục... một
cách chi tiết, cẩn thận. Từ đó nhìn xuống sân trước sân sau vẫn còn những viên
đá nhỏ lát đường cùng thời với xà ngang cột dọc... đồng bộ từ những chi tiết và
cấu trúc bên trong chứ không chỉ là việc phục dựng hay trang trí mặt tiền đã
làm nên sự hoàn hảo của công trình.
Trong cung điện có khá nhiều bộ
phận bị mất hay thay đổi so với ban đầu: hàng loạt tranh tường bị sơn phủ nhiều
lớp, một số tác phẩm điêu khác bị tháo dở hoặc xây che chắn lại, cầu thang bằng
gỗ có lan can sắt uốn hoa văn đẹp đẽ nhưng phần trên đã bị cưa mất, thay thế bằng
những thanh sắt xấu xí và đơn điệu, những chum
đèn pha lê cổ xưa biến mất... Chưa kể nhiều phòng trong cung điện bị cơi nới, tranh, thảm hay cửa
hư hỏng nặng... Vài năm nay anh T. đã trùng tu một phần trên lầu
phía cánh trái của công trình và cho thuê làm văn phòng hoặc cửa hàng dịch vụ với điều kiện: phải giữ
nguyên trạng cấu trúc, hàng phải thiết kế phù hợp với kiến trúc trang trí của tòa nhà. Điều này đã được những
người thuê tôn trọng và thực hiện đúng. Thật ra người ta hiểu rõ rằng việc một
cửa hàng thương mại hay dịch vụ ở trong một cung điện, lâu đài đã có thêm một
giá trị văn hóa “phi vật thể” bên cạnh giá trị kinh tế của nó.
Hiện nay công việc trùng tu
cung điện Schaffgotsch vẫn đang tiếp tục. “Tôi còn trẻ, còn nhiều thời gian để
thực hiện việc này một cách hoàn hảo. Sau đó, dù sử dụng nó như thế nào thì
chúng tôi cũng sẽ có được sự ưu đãi từ một số chính sách của chính quyền, trong đó có ưu đãi về thuế vì chúng tôi đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa cho thành phố”.
Khi chia tay anh chị T. nói với tôi như vậy. Bỏ một nguồn vốn có thể nói là rất
lớn cho một việc không thu lại “tiền tươi thóc thật” ngay nhưng không hề cảm thấy
bất an, thái độ đó chỉ có được trong môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh và minh bạch về luật
pháp. Và cùng với đó là sự hiểu biết và trân quý di
sản của đất nước Ba Lan, nơi mà những người như vợ chồng anh T. đã coi là quê
hương thứ hai.
3. Gdańsk – thành phố của Công đoàn
Đoàn kết
Gdańsk là một thành phố bên bờ
biển Baltic, là hải cảng chính của Ba Lan. Thời trung và cận đại thành phố có lịch
sử rất phức tạp nhưng từ năm 1945, sau chiến tranh thế giới thứ hai Gdańsk thuộc
về Ba Lan.
Tôi đến Gdańsk vào những ngày
tháng bảy mát mẻ, thành phố cảng thỉnh thoảng có những cơn mưa rào lớn và nhanh
như mưa Sài Gòn. Sau cơn mưa trên đường phố những vòm lá xanh càng xanh tươi,
trên dãy phố dài những ngôi nhà bằng gạch càng đỏ thẫm dưới bầu trời còn nặng
mây xám. Ở Gdańsk bạn có thể đến nhiều nơi tham quan, nghỉ ngơi và tận hưởng nhịp
sống bình yên nhưng trước hết, Gdańsk là thành phố công nghiệp – cảng thị phát
triển từ lâu đời.
Trong danh sách dài di tích lịch
sử văn hóa ở Gdańsk, bên cạnh những nhà thờ, lâu đài, công trình thời trung cổ... tôi
chú ý đến hai “điểm đến” đặc biệt: bán đảo Westerplatte – nơi chiến tranh thế
giới lần thứ hai bắt đầu ngày 1.9.1939, và công trình EUROPEAN SOLIDARITY
CENTRE – một trung tâm văn hóa – khoa học hiện đại nghiên cứu về quá trình dân
chủ hóa của đất nước Ba Lan từ thập niên 1980. Đây là hai giai đoạn quan trọng
nhất trong lịch sử hiện đại của Ba Lan. Tuy nhiên, sự quan tâm của tôi đến hai
nơi này là để tìm hiểu Gdańsk nhìn về lịch sử như thế nào để có thể phát triển,
ngày nay là thành phố quan trọng trong vùng đô thị lớn thứ tư của Ba Lan.
***
Khu di tích Westerplatte.
Cuộc xâm lược Ba Lan là sự khởi đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, bằng việc chiến
hạm SMS Schleswig-Holstein của Đức oanh tạc bán đảo Westerplatte tại Danzig
(tên gọi theo tiếng Đức lúc bấy giờ của Gdańsk), sau đó là cuộc đổ bộ của bộ
binh Đức lên bán đảo. Quân phòng thủ của Ba Lan ở Westerplatte đã kháng cự
trong một tuần lễ. Ngày 1.9.1939 sau một cuộc chiến đấu dữ dội, quân đội Ba Lan
tại điểm phòng thủ cuối cùng là nhà Bưu điện đã hy sinh. Để tưởng
niệm cuộc chiến đấu kiên cường này, tại Westerplatte có một quần thể di tích,
đài tưởng niệm giản dị nhưng mang lại nhiều cảm xúc.
Trong một khu vực rộng lớn còn
bảo tồn được những tòa nhà, pháo đài, công sự chiến đấu đã bị sập đổ, khu mộ
các vị chỉ huy quân đội đã hy sinh tại đây, nhiều vị trí trước đây là công sự
nay trưng bày pano hình ảnh về cuộc chiến ác liệt bảy ngày đêm bảo vệ
Westerplatte... Đài tưởng niệm công cuộc phòng thủ bờ biển xây dựng trên một ngọn
đồi, tượng đài cao 23 mét bao gồm 236 khối đá granite ghép với nhau, hướng ra hải
cảng tạo một ấn tượng mạnh. Dưới khu tượng đài nổi bật trên thảm cỏ xanh là
hàng chữ Ba Lan màu trắng rất lớn, đại ý “Sẽ không còn một cuộc chiến tranh nào
nữa”.
Một bảo tàng đang được xây dựng
ở đây để trưng bày đầy đủ hơn những gì diễn ra trong bảy ngày chiến đấu và toàn
bộ cuộc chiến phòng thủ năm 1939. Bảo tàng sẽ được khánh thành vào ngày 1.9.
2019 kỷ niệm 80 năm chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Hiện nay website của
bảo tàng đã hoạt động, giới thiệu quá trình xây dựng, sứ mệnh của bảo tàng đối
với xã hội, nội dung trưng bày bằng hình ảnh 3D và một số hoạt động khác... Điều
đó tạo nên sức hấp dẫn lớn vì Westerplatte không chỉ là di tích lịch sử của Ba
Lan mà còn là nơi người nước ngoài khắp thế giới tìm đến.
European solidarity centre
(ESC) là trung tâm văn hóa - khoa học lưu giữ gần như toàn bộ tư liệu,
hình ảnh, hiện vật, những ký ức... về lịch sử Công đoàn Đoàn kết và các phong
trào dẫn đến tiến trình dân chủ ở Ba Lan và các nước Đông Âu. Công trình khánh
thành vào năm 2014 và năm 2016 đạt giải thưởng Bảo tàng của Hội đồng Châu Âu.
Tòa nhà có thiết kế độc đáo
trông như một chiếc tàu khổng lồ, toàn thân mang màu rỉ sắt của con tàu – như một
biểu tượng của thành phố công nghiệp đóng tàu lớn nhất biển Baltic. Cấu trúc có
sáu tầng gồm ba khu vực nối liền với nhau bởi hệ thống thang máy hiện đại và những
hành lang, cầu thang như trên một con tàu. Từ sân thượng ở tầng sáu du khách có
thể nhìn toàn cảnh vịnh biển, hải cảng và thành phố Gdansk.
Phần Bảo tàng có diện tích gần
ba nghìn mét vuông chiếm trọn tầng một và hai của tòa nhà. Các phương pháp
trưng bày truyền thống kết hợp các giải pháp công nghệ mới nhất (nghe, nhìn,
tương tác, trải nghiệm...) được sử dụng để thể hiện nội dung và các chủ đề của
bảo tàng. Du khách sẽ như được chứng kiến các nhân vật, sự kiện lịch sử qua
không gian trưng bày 3D, được truy cập vào kho lưu trữ hình ảnh, phim, tài liệu,
bản đồ, báo chí về giai đoạn này và các sự kiện lịch sử...
Đây là một bảo tàng rất hấp dẫn,
trình bày về lịch sử “vừa mới xảy ra” một cách khoa học nhờ hệ thống tài liệu
hiện vật phong phú, thu thập từ nhiều nguồn trong và ngoài Ba Lan, phản ánh sự
kiện từ nhiều góc tiếp cận… Các phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp hiện vật tự
“nói lên” câu chuyện của chúng mà không có những lời bình luận hay đánh giá
thiên kiến, chủ quan. Người tham quan như được tham dự vào các sự kiện đó, trở
thành nhân chứng của lịch sử. Đấy chính là cách mà bảo tàng làm cho mọi người
quan tâm và từ đó “buộc phải” tìm hiểu về lịch sử.
ESC được coi là mô hình bảo tồn
thành công “ký ức cộng đồng” thời hiện đại.
***
Thành phố Gdańsk có nhiều công
trình kiến trúc rất đẹp từ thời trung đại. Dọc theo và ở gần Long Street và
Long Market, một đường phố lớn cho người đi bộ - còn gọi là Đường Hoàng Gia -
được bao quanh bởi các tòa nhà tái thiết theo kiến trúc lịch sử thế kỷ 17. Nơi
này hấp dẫn du khách bởi giá trị nghệ thuật, bởi vẻ đẹp cổ xưa nhưng lịch sử ở
đây như những câu chuyện cổ tích, có ý nghĩa nhưng đã quá xa xôi với con người
hiện đại.
Các di tích lịch sử thời cận –
hiện đại ngoài hai công trình kể trên còn có hệ thống bảo tàng Nghệ thuật, Lịch
sử, Tàu bảo tàng SS Soldek thả neo trên sông Motława, là tàu thủy đầu tiên của
Ba Lan được đóng sau chiến tranh. Điều đáng nói là những nơi này thu hút khách
tham quan đông không kém di tích kiến trúc lịch sử, nhất là người dân Ba Lan
thì hầu như ai cũng quan tâm và tìm đến.
Lịch sử “vừa mới đi qua” còn để
lại nhiều dấu ấn thậm chí cả những “vết thương”. Chính vì vậy, ngoài chức năng
thường có, sứ mệnh của các bảo tàng và khu di tích ở Gdańs nói riêng và Ba Lan
nói chung là tạo ra một môi trường giáo dục toàn diện về lịch sử, thực hiện những
dự án cho thanh thiếu niên và cộng đồng nâng cao trách nhiệm với lịch sử.
Gdańsk có nhiều yếu tố lịch sử - văn
hóa giống TP. Hồ Chí Minh: cũng là thành phố nơi cửa sông – vịnh biển, trải qua
nhiều thể chế, chính quyền, có những biến động lớn về dân cư và hiện nay hầu
như đây là thành phố của người nhập cư. Một trong những điều làm nên sự gắn kết
cộng đồng, tạo nên đặc trưng của Gdańs cũng là nguồn lực để thành phố phát triển
chính là “sứ mệnh từ lịch sử”. Người dân thông qua hoạt động khoa học của các bảo
tàng, di tích, từ những sinh hoạt văn hóa cộng đồng… đã thấy mình “thuộc về”
thành phố này khi lịch sử nơi đây trở thành một phần ký ức của họ.
Sài Gòn 12.2018
Tác giả gửi cho viet-studies ngày
29-1-19
No comments:
Post a Comment