Friday, February 1, 2019

LIỆU ASEAN CÓ HÒA TAN TRONG “ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG” KHÔNG? (Victor Germain)




Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch 
28/01/2019

“Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đối lập với “Con đường và Vành đai”. Washington và Bắc Kinh đối đầu với nhau về mặt khái niệm kể từ khi Tập Cận Bình và Donald Trump lên nắm quyền hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, là một vùng rộng lớn được nối kết bởi các vùng biển ấm áp của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương như được mô tả trong các sách giáo khoa về khoa học tự nhiên, đã trở thành một khái niệm chiến lược đối với Tokyo, Canberra và New Delhi, trước khi được chính quyền Mỹ sử dụng tại Diễn đàn Shangri-La về an ninh ở châu Á lần gần đây nhất. Các nhà quân sự Trung Quốc đã lập tức nhìn thấy một con hổ giấy mới. Liệu đó là một giọt nước so với hàng tỷ nhân dân tệ trong sáng kiến các Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc, hay đó là một vũ khí ý thức hệ thực sự? Điều chắc chắn là những nước đầu tiên có liên quan đã không tham gia nhiều vào cuộc tranh luận. Mười nước thành viên ASEAN đã không tìm được một tiếng nói chung về chủ đề này.

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi chơi thả diều​​ với Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Jakarta vào ngày 31 tháng 5 năm 2018, trong chuyến thăm đầu tiên cấp Nhà nước của ông tới Indonesia. (Nguồn: DNA INDIA)

Thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương còn lâu mới là một điều mới lạ. Nó đã xuất hiện vào năm 2007 trong bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước Quốc hội Ấn Độ. Tuy nhiên, khái niệm châu Á-Thái Bình Dương vẫn chiếm ưu thế. Sự thay đổi môi trường chiến lược ở châu Á đã cập nhật lại khái niệm này. Thực vậy, sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: chính sách của Trung Quốc về các con đường tơ lụa hàng hải đã dẫn đến việc họ tài trợ các cơ sở hạ tầng cảng biển ở Miến Điện, Pakistan và Sri Lanka, nước mà Trung Quốc nắm quyền kiểm soát một cảng biển trong 99 năm. Đồng thời, áp lực của Trung Quốc đã tăng lên ở Biển Đông với việc quân sự hóa các đảo nhỏ, có thể gây trở ngại cho hoạt động hàng hải của các tàu buôn.

“ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG”, CÓ BAO NHIÊU ĐỊNH NGHĨA?

Tình hình chiến lược mới này đã làm cho “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” trở thành nền tảng trong diễn ngôn của nhiều quốc gia về châu Á trong một năm qua. Một diễn ngôn đôi khi được nhiều người viết. Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2017, chính Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ là những nước đã soạn thảo các đường lối chỉ đạo đầu tiên cho tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” này của thế giới. Không lý thuyết hóa khái niệm trên, các nước khác đã tích hợp thuật ngữ này vào diễn ngôn chiến lược của họ, như Pháp và hầu hết các nước Đông Nam Á. Vào tháng 6 năm 2018, trong Hội nghị đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra một định nghĩa khá chính xác của Ấn Độ về cách nhìn của ông đối với “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Đối với các nước còn lại, khái niệm vẫn còn khá mơ hồ.

Kavi Chongkittavorn

Như ghi nhận của Kavi Chongkittavorn, ngay cả Washington cũng tìm cách trốn tránh định nghĩa chính xác khái niệm này. Kể từ lần đầu tiên sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa (FOIP, Free and Open Indopacific) trong bài phát biểu của Donald Trump tại Đà Nẵng, Việt Nam, theo lời giải thích của nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Hoa Kỳ vẫn chưa trình bày một cách rõ ràng cách họ hiểu khái niệm trên.[1]

TRUNG QUỐC TRONG TẦM NGẮM

Tuy nhiên, FOIP cũng được Úc và Nhật Bản sử dụng lại, những nước đã dựng lên những đường nét khá rõ hơn. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ba quốc gia này có thể được định nghĩa như là ý chí muốn duy trì một trật tự dân chủ và tự do và luật pháp quốc tế trong khu vực, nhằm đảm bảo sự tự do di chuyển hàng hóa, sự liên tục của các tuyến giao thông hàng hải và sự ổn định về chính trị. Vì thế, trên nền tảng đó sẽ vẽ ra ý tưởng chống lại quyền bá chủ của Trung Quốc, mà không nhất thiết phải đối đầu trực diện với Bắc Kinh. Vả lại, chỉ có Hoa Kỳ mới nêu đích danh các đối thủ của họ, cụ thể là Trung Quốc và Nga[2], không giống như Nhật Bản, Úc hoặc Ấn Độ. New Delhi ủng hộ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở cửa và mang lại lợi ích cho mọi thành phần (FOIIP, Free Open and Inclusive Indo-Pacific) không loại trừ bất kỳ tác nhân nào.

Julie Bishop (1956-)

Với vị trí địa lý và trọng lượng kinh tế của mình (2500 nghìn tỷ US$ về GDP vào năm 2018), ASEAN phải là trung tâm của các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nhà ngoại giao Mỹ, Úc và Nhật Bản đổ xô đến các thủ đô Đông Nam Á để trình bày các chính sách của mình và cố gắng tranh thủ các nước vì lợi ích của mình. Tháng 3 năm ngoái, Julie Bishop, nữ Ngoại trưởng Úc, đã có bài phát biểu với tựa đề “ASEAN, trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Vào tháng 8, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đến Kuala Lumpur, Singapore và Jakarta để biện hộ cho lợi ích của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hứa cấp cho các đồng cấp ASEAN gói đầu tư 300 triệu US$ vào lĩnh vực an ninh ở Đông Nam Á. Là nước duy nhất không tiếp cận với vùng biển ASEAN, thậm chí Lào cũng đã được một đại diện của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm.

SỰ IM LẶNG CỦA ASEAN

Hiện tại, các nỗ lực này chỉ là những việc làm vô ích. Ban thư ký của tổ chức khu vực [ASEAN] đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về chủ đề này. Đối với nhà báo và học giả người Singapore Bilahari Kausikan, ASEAN đang ở vị thế hơi giống với vị thế lưỡi dao kề cổ con gà. ASEAN không biết phải làm gì với một khái niệm không có định nghĩa rõ ràng. Trong mọi trường hợp, không hề có một định nghĩa chung, bởi vì rõ ràng mỗi nước đều có một ý nhỏ của họ về chủ đề này. Theo hãng tin thống tấn Lào, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là một hệ thống mà trong đó “các quốc gia được tự do bảo vệ chủ quyền của mình, theo đuổi các chính sách quản trị hiệu quả, minh bạch và chống tham nhũng, trong khi vẫn mở cửa cho thương mại và đầu tư”.

Bilahari Kausikan (1954-)

Trong con mắt của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, chiến lược này phải cho phép thúc đẩy ASEAN, dựa vào các diễn đàn khu vực hiện hữu, trong đó có Trung Quốc. Vả lại, chính Indonesia là nước nói nhiều nhất về chủ đề này. Jakarta đang vận động để ASEAN tiếp nhận vụ việc. Ví dụ, vào tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp các đồng cấp trong khu vực nhằm thiết lập một quan điểm chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Indonesia vẫn còn đang chờ đợi câu trả lời của họ.

ASEAN VÀ ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG, MỘT SỰ TÍCH HỢP BẤT KHẢ?

Ngoài việc thiếu một định nghĩa rõ ràng, sự hoài nghi của ASEAN cũng được giải thích bởi sự mất uy tín của Donald Trump đối với các nước thành viên của tổ chức. Sự mất niềm tin vào tầm nhìn của Mỹ về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa bắt đầu từ tháng 1 năm 2017 và từ quyết định của Tổng thống Mỹ khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership). Được ký kết hai năm trước đó, thỏa thuận thương mại [TPP] theo gợi ý của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Obama đã nhận được sự tán thành [gia nhập] của Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Sau khi phá hỏng một quan hệ đối tác kinh tế như thế, thì Donald Trump làm thế nào có thể thuyết phục về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa chứ?

Tương tự như vậy, những mục tiêu của một khái niệm hầu như không dần nguỵ trang nhằm chống lại các mưu đồ bá chủ của Trung Quốc trong khu vực, làm cho các nước thành viên ASEAN thấy khó chịu. Cho dù một số nước có tranh chấp với Trung Quốc, chẳng hạn như Việt Nam ở Biển Đông, điều đó không có nghĩa là họ muốn kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Ngay cả khi muốn thế, thì liệu ASEAN có khả năng ngăn cản không? Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của tổ chức khu vực, trên hết các nước thành viên ASEAN sẽ tìm cách giảm bớt căng thẳng trong khi vẫn hợp tác với cường quốc láng giềng của mình. Điều này được chứng minh qua các cuộc diễn tập hàng hải chung đầu tiên giữa các hạm đội của các nước thành viên của hiệp hội với các tàu Trung Quốc vào ngày 22 tháng 10 vừa qua.

ĐI TÌM SỰ ĐỒNG THUẬN VÀ TRÒ CHƠI CỜ VÂY

Sự thiếu sốt sắng này còn gắn với lịch sử của tổ chức khu vực. Được thành lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ASEAN dựa trên tính trung lập của các nước thành viên. Nếu lý thuyết không liên kết không phải là một yếu tố trung tâm của hiến chương năm 2007 của tổ chức, thì cách hành xử ngoại giao trung lập vẫn tồn tại. Người Mỹ, người Úc và người Nhật có một tầm nhìn cơ bắp hơn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một tầm nhìn mâu thuẫn với ý chí không liên kết của mười nước thành viên ASEAN. Giống như trong nhiều hiệp hội, tổ chức khu vực hoạt động dựa trên sự đồng thuận, làm chậm quá trình ra quyết định và soạn thảo các chính sách chung. Hơn nữa ít khả năng có được bất kì quyết định nào về hồ sơ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khi biết rằng chiến lược này hiện ra là chống Trung Quốc, bởi vì Campuchia và Lào là những nước thân với Bắc Kinh.

Vả lại, làm thế nào để tham gia trò chơi cờ vây này ở các đại dương, khi không có tàu thuyền? Khái niệm về sự ngăn chặn của “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được thiết kế bởi người Mỹ chủ yếu dựa vào sức mạnh hải quân. Nhưng hải quân thường là thành viên nghèo trong lực lượng vũ trang của các nước thành viên của Hiệp hội: khả năng phóng chiếu của họ vẫn còn yếu. Điều có vẻ là nghịch lý đối với các quốc đảo như Indonesia hay Philippines được giải thích phần nào bằng lịch sử quân sự của khu vực. Quân đội [của các nước trong khu vực], xuất thân từ sự phi thực dân hoá, được hình thành hoặc vì cuộc chiến tranh cách mạng hoặc để duy trì trật tự chống cộng, vì thế sẽ ưu tiên cho lực lượng lục quân. Mặc cho nỗ lực hiện đại hóa hải quân của mình, các nước thành viên ASEAN hiện nay chưa thể là một phần của chiến lược hàng hải được Hoa Kỳ hoặc Úc thúc đẩy.

ẤN ĐỘ VÀ VIỆT NAM

Liệu có cần phải ném khái niệm cùng với nước của bể nước không? Nếu ASEAN vẫn chưa định vị được trong cuộc tranh luận chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì một số nước thành viên ASEAN, như Indonesia, đã phát triển cách nhìn riêng của họ về chủ đề này. Dẫubiết rằng vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở lại vị trí hàng đầu vào đầu năm 2017, nhưng thời hạn lại quá ngắn cho một phương thức ra quyết định dựa trên sự đồng thuận. Tuy nhiên, nếu sự bất đồng nội bộ vẫn tiếp diễn, thì cuối cùng tầm nhìn của Ấn Độ có thể giúp đạt được sự đồng thuận ở Đông Nam Á. New Delhi đề xuất làm cho ASEAN trở thành động cơ của động lực này bằng cách kết hợp với Canberra và Hà Nội, trong khi vẫn từ chối loại trừ Trung Quốc. Đề xuất có thể xua tan những nghi ngờ chính của các nước thành viên về khái niệm nằm vắt ngang hai đại dương này.

Giới thiệu tác giả


Victor Germain, chuyên gia về Malaysia, phụ trách nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân sự Pháp (IRSEM). Tốt nghiệp Học viện Khoa học Chính trị Paris [Sciences Po Paris] về Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế, ông cũng đã từng học tại Đại học Malaya ở Kuala Lumpur. Ông là tác giả một báo cáo khoa học ở Học viện Chính trị Paris [Institut d'études politiques de Paris] về chủ nghĩa dân túy trong chính sách đối ngoại của Malaysia.
.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
.
.
Chú thích:

[1] K. Chongkittavorn, “ASEAN’s Role in the US Indo-Pacific Strategy[Vai trò của ASEAN trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ]”, trong Asia Pacific Bulletin, East-West Center, ngày 27 tháng 6 năm 2018.

[2] J. Lee, “The ‘Free and Open-Indopacific’ and Implications for ASEAN [Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, và những hàm ý đối với ASEAN]”, trong Trends in Southeast Asia [Các xu hướng ở Đông Nam Á], Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, tháng 6 năm 2018.





No comments: