Friday, February 1, 2019

UPR VIỆT NAM KỲ III - CƠ HỘI VẠCH TRẦN BỘ MẶT THẬT CỦA NHÀ NƯỚC CSVN (Trần Đức Tuấn Sơn)




Trần Đức Tuấn Sơn

Vài ngày trước buổi Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR) kỳ III diễn ra, nhà cầm quyền CSVN tuyên bố đã thực hiện 177 trên 182 khuyến cáo do 106 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đề ra trong kỳ II, năm 2014. Sự thật ra sao thì toàn dân Việt Nam trong và ngoài nước thừa biết: tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tệ hơn từ mấy năm qua. Một lần nữa, những lời tuyên bố của nhà cầm quyền CSVN chỉ nhằm đánh lừa dư luận quốc tế. Để nói lên sự thật và rọi đèn vào thực trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện nay, Việt Tân và một số tổ chức trong và ngoài nước, cùng với các hội đoàn người Việt Tự Do tại Âu Châu, đã tổ chức một loạt công tác nhân dịp UPR kỳ III.

Chuẩn bị UPR kỳ III

Vào tháng 7/2018, Nhóm Làm Việc UPR Việt Nam, một liên minh gồm 7 tổ chức quốc tế và Việt Nam đã phối hợp soạn thảo và đệ nạp Ban Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát của Liên Hiệp Quốc hồ sơ về thực trạng nhân quyền Việt Nam. Hồ sơ đã lần lượt nêu lên sự tước đoạt tự do ngôn luận và thông tin – đặc biệt với luật an ninh mạng, sự hạn chế của quyền tự do báo chí, sự gia tăng các vụ tấn công kỹ thuật trên mạng và sự đàn áp các nhà dân chủ, bloggers.

Bảy tổ chức – ACAT Pháp, Hội Bầu Bí Tương Thân, Hội Anh Em Dân Chủ, Tổ Chức Theo Dõi Luật Sư Quyền Canada (Lawyer’s Rights Watch Canada), Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), Phong Trào Lao Động Việt và Đảng Việt Tân – đưa ra những kiến nghị cụ thể như:

·         Phê chuẩn Công ước Phụ của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR)
·         Cho phép Ủy ban Nhân quyền nhận được các khiếu nại cá nhân liên quan đến chính phủ Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến ICCPR
·         Loại bỏ các luật được sử dụng để hạn chế quyền tự do ngôn luận hoặc hội họp dưới sự bảo vệ của “an ninh quốc gia” hoặc
·         Xóa bỏ các điều khoản trong luật báo chí nói rằng vai trò của báo chí là “tiếng nói của Đảng”

Vận động quốc tế

Tiếp theo việc soạn và đệ nạp hồ sơ về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, đảng Việt Tân cùng với tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) Hội Kitô Giáo Chống Tra Tấn (ACAT) nhận thấy nhu cầu có một sự vận động trực tiếp tại các cơ quan LHQ và văn phòng thường trực của một số quốc gia tây phương tại Geneva, Thụy Sĩ.

Vào các ngày 18, 21 và 22 tháng Giêng 2019, một phái đoàn gồm đảng Việt Tân, RSF và ACAT và gia đình của 3 tù nhân lương tâm đã đến gặp các Văn phòng Báo cáo viên đặc biệt của LHQ (UN Special Reporteur) trong lãnh vực Bảo vệ người bảo vệ nhân quyền, Báo cáo viên đặc biệt về Nhân quyền và Môi sinh, Ủy ban Nhân quyền LHQ (OHCHR). Bên cạnh các cơ quan của LHQ, phái đoàn cũng đến gặp Văn phòng thường trực tại LHQ của Mỹ, Canada, Na Uy, Séc, Thụy Sĩ, Đức và Liên Minh Châu Âu.

Một số hình ảnh các buổi gặp gỡ với OHCHR và các đại diện Cộng hòa Séc, Na Uy, Đức.

Trong các buổi trao đổi, ông Daniel Bastard nêu lên sự lo âu của tổ chức RSF về luật an ninh mạng. Cô Jade Dussart (ACAT) cho biết mặc dầu Việt Nam đã ký hiệp ước chống tra tấn, tình trạng tra tấn vẫn còn xảy ra ở Việt Nam trong các trại giam và đồn công an.  

Các cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng, Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Văn Đài lần lượt trình bày về những vi phạm nhân quyền đang xảy ra tại Việt Nam. Các chị Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ TNLT Trương Minh Đức (12 năm tù) và Nguyễn Thị Quý, vợ TNLT Lê Đình Lượng (20 năm tù) và anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con TNLT Nguyễn Trung Tôn (12 năm tù) đã tường thuật những câu chuyện cá nhân các TNLT Đức, Lượng và Tôn. Nhiều lần, các chị không cầm được nước mắt khi khẩn cầu LHQ và các nhà ngoại giao quan tâm đến trường hợp chồng của hai chị, bị những bản án vô cùng nặng nề mặc dầu chỉ lên tiếng cho sự thật, chỉ trình bày sự bất đồng ý kiến với chính sách của nhà cầm quyền CSVN.

Các anh Hoàng Tứ Duy, Lê Xuân Đôn và Trần Đức Tuấn Sơn đã trao cho các đối tác một tài liệu về luật an ninh mạng, và một tập hồ sơ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và 5 khuyên cáo:

1-   Hủy bỏ các đạo luật hạn chế tự do ngôn luận và tự do hội họp vì lý cớ “an ninh quốc gia”, đặc biệt điều 109 (trước đây 79) về âm mưu lật đổ nhà nước và 117 (trước đây 88) về tuyên truyền chống nhà nước.

2-   Hủy bỏ luật an ninh mạng

3-   Đối xử các tù nhân đúng theo “Nguyên tắc bảo vệ mọi người trong lao tù” của LHQ

4-  Trả tự do vô điều kiện cho tất cả nhà dân báo, bloggers, bảo vệ nhân quyền

5-   Phê chuẩn các nghị định không bắt buộc của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR)

Hội thảo “Kiểm Điểm UPR tại LHQ Trong Bối Cảnh Đàn Áp Khốc Liệt”


Buổi hội thảo đã được livestream để mọi người có thể theo dõi trang Facebook Việt Tân.

Hát cho đồng bào tôi

Tối ngày 21 tháng Giêng, tại Ferme Sarrasin, Geneva, hơn 300 đồng hương tham dự đêm văn nghệ đấu tranh với chủ đề “Hát cho đồng bào tôi”. Qua hơn 3 giờ đồng hồ, các ca sĩ đến từ khắp nơi (Nguyệt Ánh, Anh Chi, Thúy Kiều, Thụy Uyển, Jazzy Dạ Lam, Thiên Ý, Ly Ly, Hồ Ngọc, Kim Hương, Rị) đã gửi đến khán giả nhiều bài hát đầy ý tưởng (Đừng Im Tiếng, Phải Lên Tiếng, Chúng Đi Buôn, Cờ Bay Cờ Bay, Bài Ca Của Gió, Trả Lại Cho Dân, Anh Là Ai, Trái Tim Tự Do, v.v…)

Quang cảnh đêm văn nghệ “Hát cho đồng bào tôi” tại Geneva đêm 21/1/2019.

Ca sĩ Nguyệt Ánh xúc động khi nhắc lại 5 năm trước, ngay trong hội trường này, đêm văn nghệ UPR kỳ II lúc đó vừa xảy ra sau khi nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời. Năm năm sau, mặc dầu vừa bệnh nặng chưa hết hẳn, ca sĩ Nguyệt Ánh đã hết sức cố gắng để hiện diện với đồng hương trong đêm văn nghệ.

Ca sĩ Anh Chí (Pháp) lên tiếng cho các nạn nhân ở Vườn rau Lộc Hưng vì khi còn bé, Anh Chí ở Sài Gòn và đi ngang vườn rau đó mỗi ngày khi đi đến trường học. Ca sĩ Anh Chi tuyên bố: “Dù hoàn cảnh cá nhân ra sao đi nữa, mình phải hiện diện ở đây để tranh đấu cho đất nước.”

Vào cuối chương trình, một T-Shirt với chữ ký của chị Nguyễn Thị Kim Thanh, chị Nguyễn Thị Quý, LS Nguyễn Văn Đài, GV Phạm Minh Hoàng và KS Đặng Xuân Diệu đã được bán đấu giá để góp phần chi phí của Ban Tổ Chức.

Đêm văn nghệ được livestream để đồng hương khắp nơi có thể thưởng thức trên trang Facebook Việt Tân.

Biểu tình UPR

Tiếp theo lời kêu gọi của Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam (Cosunam) và Hội Người Việt Quốc Gia tại Lausanne , hơn 30 tổ chức và hội đoàn người Việt ở Âu Châu tham gia cuộc biểu tình trước trụ sở LHQ ngày 22 tháng Giêng. Từ 13h00 đến gần 17h00, khoảng 500 người Việt đã tụ tập tại Place des Nations, nơi nổi tiếng với cái ghế 3 chân, biểu tượng cho những nạn nhân của các trái mìn cá nhân.

Khoảng 500 người Việt từ khắp Âu Châu biểu tình trước LHQ

Xen kẽ với các lời phát biểu của Ban Tổ Chức và đại diện các hội đoàn là những giọng ca của ca sĩ Nguyệt Ánh, Anh Chi, Tố Lan và các bài hát như Thề không phản bội quê hương, Việt Nam quê hương ngạo nghễ, Chúng đi buôn, Je chante pour toi liberté (Tôi hát bài tự do cho bạn). Sự hiện diện của hai dân biểu tiểu bang Geneva Anne-Marie von Arx-Vernon và Rolin Wavre là một điểm son trong cuộc biểu tình.

Đoàn biểu tình hô to những khẩu hiệu tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh như “Nhân quyền cho Việt Nam”, “Ai bán đất nước?”, “Đả đảo CSVN bán nước”, v.v…

Kiểm Điểm UPR trong LHQ

Trong UPR kỳ II năm 2014, có 106 quốc gia phát biểu, đưa ra 227 khuyến nghị. Trong UPR kỳ III nầy, có đến 125 quốc gia ghi danh phát biểu, một số rất cao trong các buổi UPR, khiến mỗi quốc gia chỉ được phép phát biểu trong vòng 1 phút. Nhật, Ý và Ai Cập là ba quốc gia được chọn để đúc kết các lời tuyên bố của Hà Nội và khuyến nghị của các quốc gia phát biểu. Bài quan điểm của anh Teppei Kasai thuộc tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) kêu gọi Nhật phải hỗ trợ nhân quyền tại Việt Nam được phổ biến cùng ngày trên Al Jazeera thật là đúng lúc.  

Những luận điệu tuyên truyền của CSVN cũng gây sự ngộ nhận, cố ý hoặc sơ ý, cho một số quốc gia trên thế giới. Các quốc gia đó khen ngợi Việt Nam đã thực hiện 96% các khuyến nghị từ năm 2014 và chúc Việt Nam thành công trong UPR kỳ III. Các quốc gia Trung Cộng, Nga, Kuwait, Lebanon, Lybia, Lào, Mali, Mauritania, Nigeria, Qatar, Palestine, v.v… không đề cập đến sự vi phạm nhân quyền hiện đang xảy ra tại Việt Nam. Họ chỉ khuyến cáo Việt Nam làm tốt hơn về mặt giảm bớt nghèo đói, bình đẳng nam nữ, bảo vệ trẻ em. Những điều này rất tốt cho dân tộc Việt Nam nhưng không mang tính cách đe dọa cho bạo quyền CSVN.

Một nhóm quốc gia khác lên tiếng rõ ràng hơn về tình hình nhân quyền, kêu gọi Hà Nội phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên mạng và ngoài đời, phải cải thiện hệ thống pháp lý, phải nâng cao quyền tự do ngôn luận, phải cởi trói xã hội dân sự, bỏ án tử hình. Các quốc gia đó là Ireland, Luxembourg, Mexico, Hòa Lan, New Zealand, Portugal, Roumania, Tây Ban Nha, v.v…

Các đảng viên Việt Tân và tổ chức ACAT hiện diện trong phòng họp UPR.

Nhóm quốc gia còn lại lên tiếng mạnh mẽ hơn. Xin tạm nêu ra đây vài trường hợp.

Hoa Kỳ: Việt Nam nên trả tự do cho các TNLT Hồ Đức Hòa, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Bắc Truyển và các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ; loại bỏ điều 8, 18, 26 của Luật An ninh mạng vì nó không phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam hoặc không phù hợp với Hiến pháp CHXHCNVN năm 2013.

Nhật Bản: Việt Nam nên tôn trọng sự độc lập của các cơ quan truyền thông; các bộ phận nhà nước phải minh bạch và công bình đúng theo luật pháp.

Ý: Việt Nam nên tháo gỡ tất cả những gì làm giới hạn quyền tự do ngôn luận.

Latvia: Việt Nam nên đưa ra lời mời thường trực để các Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ (UN Special Reporteurs) có thể đến Việt Nam bất cứ lúc nào khi có nhu cầu. Việt Nam nên thông qua quy chế Roma để cho Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court – ICC) có thẩm quyền trên lãnh thổ Việt Nam.

Thụy Sĩ: Việt Nam nên thay đổi các điều luật 109 và 117 của BLHS (trước đây là điều 79 và 88), bảo đảm sự an toàn cho các ký giả và dân báo, xem lại bản án các nhà hoạt động dân chủ.

Na Uy: Việt Nam nên hủy bỏ các điều luật 117 và 331 BLHS (trước đây là điều 88 và 258) vì các điều đó hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Ba Lan: Việt Nam nên trả tự do cho tất cả các tù nhân đang bị giam cầm chỉ vì phát biểu quan điểm chính trị hoặc tôn giáo một cách ôn hòa. 

Úc: Việt Nam nên ban hành luật tụ tập và biểu tình.

Bỉ: Việt Nam nên công nhận sự hiện diện của các nhà bảo vệ nhân quyền và bảo đảm sự hoạt động một cách an toàn cho những người này.

Canada: Việt Nam nên cải thiện BLHS và Luật An ninh mạng đúng theo các tiêu chuẩn quốc tế; cải thiện bộ luật tố tụng để cho phép sự hiện diện của luật sư ngay từ lúc đầu.

Cộng Hòa Séc: Việt Nam nên ngưng việc miễn tội những người ra lệnh hoặc thực hiện hành vi tra tấn; trả tự do và ngưng hành hạ tất cả các bloggers và bất đồng ý kiến; nâng cao xã hội dân sự độc lập bằng cách soạn luật hội đoàn, cho phép ghi danh và gây quỹ dễ dàng.

Pháp: Việt Nam nên Thông qua các công ước 87 (tự do công đoàn), 98 (quyền đàm phán chung một ngành) và 105 (cấm cưỡng bức lao động) của Tổ Chức Quốc Tế Lao Động (ILO); bảo đảm quyền tự do ngôn luận; bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền bằng cách hủy bỏ các điều luật của BLHS nói về an ninh quốc gia.

Đáp lời các quốc gia, phía đại diện chính phủ CS Việt Nam đưa ra một số lý luận khó thuyết phục:
·         Đại diện Bộ Tư Pháp CSVN nói: “Nội dung về số liệu án tử hình là một nội dung liên quan đến các quy định pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước của quốc gia chúng tôi. Trên thực tế, cân nhắc với nhiều lý do và nhiều khía cạnh xã hội thì Việt Nam không công khai về số liệu án tử hình.”
·         Đại diện Bộ Công An CSVN: “Việt Nam tôn trọng đầy đủ quyền con người, ở Việt Nam không có cái gọi là gia tăng bắt giữ kết án những người bảo vệ nhân quyền và những người bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa.”
·         Đại diện Văn Phòng Chính Phủ CSVN: “Việt Nam hiện đang có nhiều cơ chế để bảo đảm quyền con người, việc xây dựng cơ quan nhân quyền Việt Nam cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình đặc thù chính trị của Việt Nam.”
·         Đại diện Viện Kiểm Sát: “Ở Việt Nam mọi hành vi tra tấn đều bị cấm và xử lý nghiêm túc.”
·         Đại diện Tòa Án Tối Cao CSVN: “Các toà án đề cao sự việc độc lập xét xử, chúng tôi đối xử bình đẳng giữa tội phạm an ninh quốc gia và các tội phạm khác, không có việc bản án được sắp đặt trước khi có phiên tòa.”

Các đại diện CSVN áp dụng phương pháp nói láo và chối triền miên, ai ngây thơ tin họ thì tốt, ai không tin thì mặc kệ, mặt đã dầy không sợ mất mặt nữa. Trong phần cuối UPR, Thứ trưởng Bộ Ngoại gia CSVN Lê Hoài Trung và là Trưởng phái đoàn CSVN tuyên bố: “Việt Nam sẽ thúc đẩy việc dạy về nhân quyền trong các lớp học.” (síc!)

Nếu CSVN thật sự có ý muốn phát huy nhân quyền, tại sao họ không cho phép Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ thăm viếng Việt Nam? Tại sao không cho phép các NGO quốc tế bảo vệ nhân quyền hoạt động ở Việt Nam? Ông Lê Hoài Trung còn nói thêm: “Việt Nam đang phải đối đầu với nạn khủng bố.” Có lẽ Trưởng phái đoàn CSVN đã bỏ lững phần sau là Đảng Cộng sản Việt Nam đang khủng bố hàng triệu người dân tại Việt Nam. 

Trần Đức Tuấn Sơn tóm lược từ Geneva

Xem thêm:



---------------





No comments: