Thùy Dương - RFI
Đăng ngày 01-02-2019
Trong
một tin nhắn Twitter hồi tháng 12/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump quả quyết sẽ
ngay lập tức rút khỏi Syria 2.000 quân thuộc lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ, vốn
đã sát cánh với người Kurdistan ở miền đông nam Syria. Đó là sự rút quân vô điều
kiện, và theo những phát biểu của ông Trump, thì nhiều người thấy sẽ có một biến
động sâu sắc hơn : chắc chắn Mỹ sẽ rút dần khỏi Trung Đông.
Trước tiên, trong bài viết « Trump tại Trung
Đông phức tạp », theo cây bút xã luận Alain Frachon của báo Le Monde,
phải nói tới điều mà tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ vẫn thường làm : những gì mà
ông khẳng định sẽ bị lãng quên ngay ngày hôm sau. Ông Trump cứ loan báo ầm lên
một chuyện rồi lại chuyển sang một chủ đề khác. Trong bối cảnh hiện nay, chủ
nhân Nhà Trắng muốn thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Ông Trump sẽ rút Mỹ khỏi các cuộc chiến ở những nơi xa xôi, những cuộc chiến
không thể thắng được và không có hồi kết mà Washington sa vào suốt 20 năm qua.
Thế nhưng, những cố vấn thân cận nhất của Donald
Trump không đồng ý, từ bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, người đã từ chức ngay
sau thông báo rút quân của tổng thống, cho đến John Bolton, người đứng đầu Hội
đồng an ninh quốc gia ở Nhà Trắng và ngoại trưởng Mike Pompeo. Theo họ, không
thể để Lực lượng dân chủ Syria, gồm người Kurdistan và cả người Ả Rập, bị đánh
bại. Lực lượng này, trên thực địa, đã mất vài trăm người trong chiến dịch truy
đuổi các chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo khỏi Rakka - thủ phủ của
Daech tại Syria.
Không có sự hiện diện của quân đội, Mỹ sẽ không còn
tiếng nói ở Syria trong tương lai. Một con đường rộng thênh thang sẽ được mở ra
để đón Nga và Iran, hai cột trụ của chế độ Bachar Al Assad. Hoa Kỳ sẽ để các đồng
minh Kurdistan rơi vào tay Ankara. Người Kurdistan Syria vốn bị chính quyền
Ankara coi là điểm tựa cho người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ và tìm cách tiêu diệt.
Chính vì thế, sau Twitt rút quân của Trump hồi tháng
12/2018, Bolton và Pompeo đã có tuyên bố ngược lại so với chủ nhân Nhà Trắng,
theo đó việc rút quân khỏi Syria sẽ không phải ngay ngày một, ngày hai mà phải
đợi nhiều tháng nữa. Còn về chiến lược rút quân khỏi Trung Đông, ngoại trưởng
Mike Pompeo phát biểu nhân chuyến thăm Ai Cập là Washington đã biết rằng việc Mỹ
rút lui sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn ở khu vực.
Robert Malley, một quan chức Nhà Trắng thời tổng thống
Obama, hiện giờ là chủ tịch tổ chức tư vấn International Crisis Group - ICG, hiểu
tại sao ông Trump muốn rút quân. Theo ông, Mỹ đã quá mệt mỏi vì các cuộc chiến
không hồi kết. Hiện giờ, khu vực này chỉ mang lại lợi ích chiến lược nhỏ bé cho
Hoa Kỳ. Ở Syria, đất nước vốn có truyền thống theo quỹ đạo của Nga, chắc chắn
2.000 quân của Mỹ sẽ không khiến Iran e sợ. Từ năm 2001, kết quả các chiến dịch
can thiệp của Mỹ tại Trung Đông, từ Afghanistan đến Địa Trung Hải, đều không cải
thiện được cả vị thế, hình ảnh và uy tín của Hoa Kỳ.
Nhưng ông Robert Malley trách cứ ông Trump về cách
thức thông báo rút quân. Theo chuyên gia Malley, thông báo về một chính sách
rút quân phải tạo ra đòn bẩy trên thực địa, phải có điều kiện và phải được thực
hiện về lâu dài, điều này không phù hợp với những phát biểu bột phát kiểu
Trump. Người ta có thể nói rằng một chính sách như vậy có thể được ông Trump áp
dụng tại mọi khu vực có xung đột ở Trung Đông. Thế nhưng, tổng thống Trump lại
có những tham vọng hoàn toàn trái ngược trong vùng. Một mặt, ông muốn rút quân,
mặt khác ông lại thách thức Iran. Donald Trump đưa Mỹ vào cuộc chiến tranh lạnh
đang ngầm làm sói mòn khu vực Trung Đông.
Donald Trump xem Iran là nguồn cơn gây ra mọi vấn đề
tàn phá Trung Đông. Ông ấy biến Iran thành một kẻ thù toàn diện theo cách Hoa Kỳ
trước đây đã từng làm với Iraq thời Saddam Hussein. Trump nói muốn ép buộc Teheran thay đổi triệt để
chính sách bằng những biện pháp cấm vận kinh tế và tài chính khắt khe nhất, buộc
Teheran ký một thỏa thuận mới để Mỹ có thể kiểm soát chương trình hạt nhân của
Iran, ép Iran phải phá hủy tên lửa đạn đạo, giảm sự hiện diện chính trị và quân
sự ở Iraq, Syria và Liban. Yêu cầu như vậy là quá nhiều và điều đó cũng có
nghĩa là Mỹ phải can thiệp sâu vào mọi chuyện trong khu vực. Ngoại trưởng
Mỹ Mike Pompeo từng phát biểu trong chuyến thăm Cairo, Ai Cập : « Chúng
tôi sẽ tiếp tục quan tâm tới sự ổn định của toàn bộ Trung Đông và sẽ tiếp tục
chiến lược chống Iran ».
Trong nỗ lực ngăn chặn điều được coi là sự bành trướng
của Iran, Washington hậu thuẫn không hạn chế cho hoàng thái tử Mohamed Ben
Salman đồng minh Ả Rập Xê Út, bất kể vị thái tử trẻ tuổi này có làm gì đi chăng
nữa.
Khả năng Hoa Kỳ rút lui khỏi Trung Đông còn rất xa vời,
hiện giờ Washington vẫn hiện diện đáng kể tại khu vực, với nhiều căn cứ quân sự
ở Qatar, Koweit, Bahrein, hạm đội 6 ở vùng Vịnh và Địa Trung Hải. Cây bút xã luận
của Le Monde kết luận đó là một sách lược « độc nhất, vô nhị » của
Mỹ !
*
Bầu cử
Nghị Viện : Châu Âu lo ngại về sự can thiệp của Nga
Liên quan đến châu Âu, báo Le Figaro có bài «
Tại Bruxelles, có mối lo ngại về sự can thiệp của Nga ». Khi chỉ còn
vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu, tổ chức phi chính phủ Fredoom
House công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy có rất nhiều nguy cơ Nga can thiệp
vào kết quả bầu cử của Liên Âu.
Trên thực tế, từ 4 năm nay, các định chế của Liên Hiệp
đã lưu ý đến các hành động làm sai lệch, bóp méo thông tin từ phía Nga. Từ năm
2015, với nhiệm vụ theo dõi và phân tích các chiến lược làm sai lệch thông tin
do Matxcơva thực hiện, cơ quan East Stracom đã phát hiện 4.500 vụ. Một nguồn
tin châu Âu tiết lộ chỉ riêng trang mạng Sputnik của Nga mỗi ngày loan báo 10
tin giả.
Càng gần đến kỳ bầu cử vào tháng 05/2019, Ủy Ban
Châu Âu và các quốc gia thành viên Liên Hiệp càng ý thức được về mối nguy Nga
tung tin giả để làm sai lệch kết quả bầu cử và đã đề ra nhiều biện pháp đề
phòng. Nhưng theo một chuyên gia, khó khăn lớn nhất là Nga không bao giờ chỉ
hành động theo một cách. Một vấn đề khác là dù châu Âu hiểu rõ về vấn nạn làm
sai lệch thông tin, nhưng lại chưa thống nhất được về phương pháp hành động đáp
trả trong trường hợp cần thiết.
*
15 năm
Facebook : tai tiếng và thành công
15 năm sau khi ra đời, Facebook vừa gây ra nhiều tai
tiếng, vừa thu được rất nhiều thành công. Trong bài viết « Bất chấp khủng
hoảng, Facebook lớn mạnh chưa từng có », Le Figaro nhận định 2018 là
năm đầy tai tiếng của Facebook, nhưng chủ tịch - tổng giám đốc Mark Zuckerberg
đã « lèo lái con thuyền vượt qua bão tố ».
Báo kinh tế Le Echos cũng có loạt bài nói về thành tựu
và các thách thức mà tập đoàn Mỹ phải đối phó : « Sinh nhật 15 tuổi,
Facebook chèo lái giữa tai tiếng và thành công », « 5 mối nguy hiểm đe dọa mạng
xã hội », « Wechat của gã khổng lồ Trung Quốc Tencent chống lại Facebook », « Hệ
thống thanh toán của Telegram khiến Zuckerberg lo ngại ».
Uy tín của Facebook suy giảm nhiều sau vụ tai tiếng
Cambridge Analytica hồi tháng 03/2018 và các tiết lộ về việc Facebook có lỗ hổng
bảo mật, chia sẻ dữ liệu của các doanh nghiệp khách hàng, can thiệp vào bầu cử
… Tuy nhiên, tối hôm qua 31/01/2019, theo công bố kết quả hoạt động năm 2018 của
tập đoàn, Facebook vẫn đạt lợi nhuận kỷ lục 25 tỉ đô la, tăng 23% so với năm
trước đó. 98% doanh thu của Facebook là từ quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo đã
tăng 37% trong năm 2018, đạt 56 tỉ đô la. Hiện nay, tổng cộng có 7 triệu doanh nghiệp đăng quảng
cáo trên các ứng dụng của Facebook.
Chủ tịch - tổng giám đốc Mark Zuckerberg cho biết mỗi
tháng có 2,7 tỉ người sử dụng mạng xã hội Facebook, Instagram, WhatsApp hay
Messenger. Số người hàng ngày sử dụng ít nhất một ứng dụng của tập đoàn Mỹ là 2
tỉ người. Trong vòng 2 năm, số nhân viên của tập đoàn đã tăng gấp đôi lên thành
35.600 người.
Tuy nhiên, Facebook dự báo trong tương lai mức tăng
doanh thu sẽ không còn cao như trong năm 2018. Hiện giờ, Facebook cũng đang phải
đối đầu với nhiều trở ngại, chẳng hạn quy định mới của châu Âu để bảo vệ dữ liệu
người dùng tại Liên Hiệp. Facebook cũng đang bị Liên Âu điều tra về nhiều vấn đề.
*
Hiệu quả
của thuốc lá điện tử trong cai nghiện thuốc lá
Trong lĩnh vực khoa học, báo Le Figaro đặt câu hỏi «
Cai thuốc lá : Thuốc lá điện tử liệu có hiệu quả hơn các biện pháp khác ?
» Một nghiên cứu được công bố hôm nay trên tạp chí Y Khoa của Anh, New
England Journal of Medicine, lần đầu tiên cho thấy để cai nghiện thuốc lá, dùng thuốc lá điện tử có
hiệu quả hơn gấp đôi so với việc dùng nicotine thay thế dưới dạng viên ngậm, kẹo
cao su, miếng dán nicotine … Hiện giờ, các cơ quan y tế của Anh khuyến
nghị phương pháp cai thuốc lá bằng thuốc lá điện tử.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ vẫn dè dặt vì mặc dù khói từ
thuốc lá điện tử ít độc hại hơn khói thuốc lá thông thường, nhưng không ai dám
chắc là thuốc lá điện tử không có những tác hại về lâu dài. Liên quan đến tác dụng
phụ của hai biện pháp cai nghiện thuốc lá nói trên, nghiên cứu cho thấy nếu thuốc
lá điện tử khiến miệng và họng của người hút dễ bị kích ứng, thì những người
dùng nicotine thay thế kiểu truyền thống lại hay bị buồn nôn.
*
Trang
nhất các báo Pháp
Nhiều tờ báo Pháp hôm nay chú ý tới thời sự trong nước.
Báo Le Monde chạy tít : « Tại sao luật chống nạn đập phá gây tranh cãi
? ». Báo Libération đề cập đến việc tăng phí cầu đường có lợi nhiều
cho các doanh nghiệp có đặc quyền thu phí : « Phí cầu đường tăng : những
xa lộ mang lại tiền của ». Còn báo công giáo La Croixquan tâm đến cuộc
sống khó khăn ở nông thôn : « Tỉnh Lot-et-Garonne : Cảnh khốn khó ở
vùng nông thôn ».
Nhìn rộng ra Liên Hiệp Châu Âu, báo Le Figaro nói về «
Sự huy động chống tin giả fake news trước kỳ bầu cử nghị viện châu Âu ». Báo
kinh tế Les Echos đề cập đến vụ chủ tịch - tổng giám đốc tập đoànPháp Renault bị
tạm giam tại Tokyo vì nghi án nhũng lạm công quỹ, khai gian thu nhập, qua hàng
tựa lớn : « Ghosn : Có cả một đội quân chống lại tôi ».
No comments:
Post a Comment