Friday, February 1, 2019

MỸ TUYÊN BỐ ĐÌNH CHỈ HIỆP ƯỚC HẠT NHÂN VỚI NGA (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
1/2/2019

Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ đang đình chỉ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận quan trọng với Nga, vốn là tâm điểm của an ninh châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh, theo kênh truyền hình Mỹ CNN từ Washington.
Động thái được cho là sẽ gây ra quan ngại và sự cân nhắc điều chỉnh chính sách an ninh của các đồng minh của Mỹ tại EU và trong Nato.

"Trong nhiều năm, Nga đã vi phạm các điều khoản của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung mà không hối hận", ông Pompeo nói trong một phát biểu từ Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 01/2/2019.
"Vi phạm của Nga đặt hàng triệu người châu Âu và Mỹ vào nguy cơ cao hơn. Nhiệm vụ của chúng tôi là đáp lại một cách thích hợp", ông Pompeo nói và cho biết thêm rằng tuy nhiên Hoa Kỳ "cho thêm thời gian" để Nga quay trở lại tuân thủ hiệp định.

Việc đình chỉ dự kiến từ lâu, đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới với Moscow và đặt các đồng minh châu Âu vào thế cam go, sẽ có hiệu lực vào thứ Bảy. Thông báo của ông Pompeo bắt đầu một thời hạn 180 ngày để hoàn tất việc rút ra trừ khi Nga trở lại tuân thủ thỏa thuận ký năm 1987.

Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao của ông đã phát tín hiệu trong nhiều tháng rằng họ đã sẵn sàng rút khỏi hiệp ước INF mà Mỹ cáo buộc Moscow vi phạm kể từ năm 2014, vẫn theo CNN.

'Có ít lạc quan'

Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan ký hiệp ước INF hồi 1987. AFP

"Hoa Kỳ hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước INF trong hơn 30 năm, nhưng chúng tôi sẽ không bị hạn chế bởi các điều khoản của mình trong khi Nga có các hành động sai trái", ông Trump nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu 01/2/2019.
"Chúng ta không thể là quốc gia duy nhất trên thế giới bị ràng buộc đơn phương bởi hiệp ước này, hoặc bất kỳ hiệp ước nào khác."


Nga và Mỹ là hai bên duy nhất của hiệp ước, nhưng nó ảnh hưởng đáng kể đến an ninh châu Âu.

Các hỏa tiễn hành trình hạt nhân đặt trên mặt đất nằm trong vòng chi phối của thỏa thuận song phương có thể bay trong tầm giữa 310 đến 3.100 dặm, biến chúng thành một mối đe dọa cho châu Âu, nơi các quan chức đã nhất trí ủng hộ quyết định của Mỹ, ngay cả khi họ xem xét các bước tiếp theo của mình và thừa nhận có ít hoặc không có lạc quan rằng hiệp ước có thể được cứu vớt, CNN nhận định.

Trong một tuyên bố, NATO nói các đồng minh của Mỹ "hoàn toàn ủng hộ" quyết định của Mỹ vì mối đe dọa của Nga đối với an ninh Châu Âu - Đại Tây Dương và vì Nga từ chối có bất kỳ phản ứng đáng tin cậy nào hoặc thực hiện bất kỳ bước đi nào có tính tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng.

NATO kêu gọi Nga dùng thời gian sáu tháng tới để "trở lại tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng để bảo tồn Hiệp ước INF".

'Nguy cơ, bất trắc'

Hôm thứ Sáu, phóng viên về quốc phòng và ngoại giao của BBC Jonathan Marcus đưa ra bình luận:
"Chưa bao giờ tương lai của kiểm soát vũ khí hạt nhân lại có vẻ bất trắc đến thế.
"Có nguy cơ không chỉ là sự sụp đổ của hiệp ước hiện tại, mà là toàn bộ cách thức tương tác giữa Nga và Hoa Kỳ, điều rất quan trọng để duy trì sự ổn định trong nhiều thập kỷ."

Về phần mình, theo CNN, giới chuyên gia kiểm soát vũ khí đã đưa ra một số báo động:
"Chúng ta đang đi theo một hướng mà chúng ta chưa từng có trong 40 năm qua: không có giới hạn kiểm soát vũ khí hoặc quy tắc mà cả hai bên đều tuân theo, và điều đó rất nguy hiểm", Lynn Rusten, một giám đốc cấp cao về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia trong thời chính quyền Obama và hiện là Phó Chủ tịch của 'Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân' được CNN dẫn lời nói.

Loại trừ Bắc Kinh?

Giới chức và các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại rằng hiệp ước này đang cho phép Trung Quốc đạt được lợi thế quân sự, vì Bắc Kinh không bị ràng buộc bởi các giới hạn của INF đối với các tên lửa tầm trung hiện đang ràng buộc Mỹ.

Một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ từ chối Bắc Kinh là một nhân tố, vẫn theo kênh truyền hình của Mỹ.
"Có rất nhiều cuộc thảo luận về Trung Quốc," quan chức này nói, trong lúc thông báo với các phóng viên về việc đình chỉ.
"Thực tế là Trung Quốc không bị ràng buộc, thực tế là họ có hơn 1.000 vũ khí này, nhưng đối với Hoa Kỳ thì điều này không liên quan gì đến Trung Quốc. Đây chỉ là sự vi phạm hiệp ước của Nga."
"Chúng tôi chỉ đơn giản là không thể chịu đựng được sự lạm dụng kiểm soát vũ khí này", quan chức này được CNN dẫn lời nói.

Bác bỏ của Nga

Nga đã liên tục phủ nhận việc vi phạm hiệp ước và vào hôm thứ Năm, Thứ trưởng Ngoại giao Serge Ryabkov nói rằng các cuộc đàm phán với Mỹ đã không mang lại tiến bộ.

"Thật không may, không có tiến triển. Lập trường của Mỹ vẫn còn khá cứng rắn và giống như ra tối hậu thư", Ryabkov nói, theo hãng truyền thông nhà nước TASS của Nga.
"Chúng tôi đã nói với phía Mỹ rằng không thể tổ chức đối thoại trong điều kiện 'tống tiền' với nước Nga", ông nói thêm.

Giới chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ đã phản bác hôm thứ Năm bằng cách liệt ra những nỗ lực lặp lại của Nga khiến cho Hoa Kỳ phải đồng ý giải tán hiệp ước và nhiều năm nỗ lực của Mỹ để khiến Nga tuân thủ, bao gồm 35 cam kết ngoại giao từ cấp chính trị cao nhất đến các cuộc đàm phán kỹ thuật.

"Thật không may, chúng tôi có rất ít để thể hiện điều đó", một quan chức Mỹ nói ngắn gọn với các phóng viên với điều kiện giấu tên, nhấn mạnh rằng "trách nhiệm thuộc về Nga".

"Nga tiếp tục phủ nhận các vi phạm của mình... Nga sẽ có cơ hội này. Nếu họ thực sự quan tâm đến việc bảo tồn hiệp ước này, đây là cơ hội cuối cùng của họ", quan chức này tiếp tục.
"Đó sẽ là lợi ích tốt nhất của Nga để trở lại tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng."

Góc nhìn châu Âu

Quan chức này lưu ý đến "sự thống nhất đáng chú ý" giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, nhưng các quan chức châu Âu nói rằng họ lo ngại về việc hiệp ước bị giải thể và nói rằng họ sẽ sử dụng giải đoạn cửa sổ sáu tháng để hối thúc Nga tuân thủ.


"Rõ ràng với chúng tôi thì Nga đã vi phạm hiệp ước này và đó là lý do tại sao chúng tôi cần nói chuyện với Nga", Thủ tướng Đức Angela Merkel nói tại một cuộc họp báo ở Berlin hôm thứ Sáu, ngay trước khi Mỹ tuyên bố ý định đình chỉ hiệp ước.
Đức sẽ ''làm mọi thứ mà chúng tôi có thể '' để sử dụng thời hạn sáu tháng sau khi chấm dứt nhằm tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo với Nga, bà Merkel nói.

Các quan chức châu Âu thảo luận khả năng sụp đổ của hiệp định trong những tháng tới cho thấy sự gia tăng khả dĩ của các hoạt động mạng của Nga, bao gồm các chiến dịch ảnh hưởng của nó, Nga có thể tận dụng việc rút ra của Mỹ như một cái cớ để triển khai các hệ thống ở nơi khác…"

Một quan chức châu Âu thứ hai nói rằng "họ sẽ đe dọa, họ sẽ cố chia rẽ NATO, họ sẽ làm bất cứ điều gì ngoài việc giữ im lặng."
"Người Nga có thể sẽ lập luận rằng "đây là việc của Mỹ và Mỹ đang cố gắng gây bất ổn trật tự quốc tế", quan chức này nhấn mạnh rằng châu Âu đã thống nhất trong lập trường của mình, bên cạnh Mỹ, rằng Nga đã vi phạm hiệp ước.

"Bức tranh lớn hơn là tín hiệu nào mà bạn đang gửi đi, thông điệp nào mà bạn gửi ra", một quan chức châu Âu thứ ba nói.
"Đối với chúng tôi, hiệp ước này cực kỳ quan trọng đối với an ninh của chúng tôi. Chúng tôi đang xem xét điều gì thay thế "nếu nó bị hủy bỏ", quan chức này được hãng truyền hình Mỹ trích lời nói.

Có thể cứu vãn?

Về phần mình, liên quan tới câu hỏi liệu hiệp ước có thể được cứu vãn hay không, phóng viên quốc phòng và ngoại giao của BBC Jonathan Marcus nêu nhận định:

"Có một cảm nhận mạnh mẽ trong cả Lầu năm góc và Nhà Trắng rằng thỏa thuận đã lạc hậu.
"Giới chức Mỹ chỉ ra kho vũ khí hạt nhân tầm trung khổng lồ của Trung Quốc mà nước này có thể phát triển mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước nào.
"Trong ánh sáng này, Mỹ coi thỏa thuận INF là một cú hích đối với khả năng chiến lược của chính mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Có lẽ những người châu Âu đang lo lắng nhất (và có nguy cơ cao nhất) khi việc triển khai các hỏa tiễn mới của Nga có thể mang lại sức nặng cho họ.
"Nhưng nếu cả Washington và Moscow đều thấy những lý do chính đáng để từ bỏ hiệp ước, thì các quốc gia NATO khác khó có thể rút một thỏa thuận INF mới ra từ trong chiếc mũ của mình," phóng viên của chúng tôi nhận xét.

*
Tin liên quan
.
.
.
.






No comments: