Monday, February 18, 2019

THƯỢNG ĐỈNH MỸ - TRIỀU : THẾ NÀO LÀ THÀNH CÔNG CỦA DONALD TRUMP? (tổng hợp)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 18-02-2019

Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào hai ngày 27 và 28/02/2019 tại Hà Nội có khả năng kết thúc với một thỏa thuận cho phép hai bên cùng tuyên bố hài lòng. Thế nào là thành công ? Một chuyên gia quốc phòng Mỹ, đề ra một số tiêu chuẩn đo lường. Công luận Hàn Quốc lo ngại phải chăng thật tâm Donald Trump chỉ quan tâm đến an ninh nước Mỹ.

Daniel De Petris, chuyên gia của viện nghiên cứu quốc phòng Mỹ Defense Priorities đưa ra một số tiêu chí mà ông gọi là khuôn thước để đánh giá và dự đóan kết quả thượng đỉnh : Bắc Triều Tiên sẽ hứa vãn hồi hoà bình nhưng không có cam kết cụ thể phi hạt nhân hóa.

Nước Mỹ trước đã

Chuyên gia quốc phòng Mỹ cho rằng không nên ảo vọng trông chờ Bình Nhưỡng chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong bài phân tích đăng trên trang mạng của đài truyền hình Fox News, cơ quan truyền thông bảo thủ được chủ nhân Nhà Trắng ưa thích, Daniel De Petris lý giải : "Chúng ta cần theo những tiêu chuẩn hoàn toàn khác để đánh giá thế nào là đàm phán thành công. Mục tiêu chính trị tối thượng của Hoa Kỳ đối với Bắc Triều Tiên không phải là phi hạt nhân hóa, mà là hòa bình, an ninh và tương lai có thể dự báo được tại bán đảo Triều Tiên".

Daniel De Petris còn xác quyết là thượng đỉnh Trump - Kim lần hai "chỉ có thể thành công nếu về phía Mỹ, tổng thống Donald Trump không tập trung trên hồ sơ hạt nhân mà chỉ nhấn mạnh đến việc Bình Nhưỡng cần thiết lập chế độ chính trị tôn trọng an ninh, hòa bình và thân thiện hơn cũng như có thái độ dễ tiên đoán hơn". Cụ thể là "nếu Donald Trump rời Việt Nam với một thỏa thuận, theo đó Kim Jong Un cam kết lật qua trang sử 70 năm xung khắc hận thù với Mỹ thì xem như tổng thống đạt được thành quả mà các tổng thống tiền nhiệm không làm được". Bắc Triều Tiên có thể sẽ đồng ý thực hiện một số biện pháp "phi hạt nhân hóa một phần nào đó và có thể đảo ngược" khi thấy cần thiết. Trong tình hình hiện nay, không có chuyện Bình Nhưỡng nhượng bộ nhiều hơn.

Kim Jong Un, theo chuyên gia Mỹ, trừ phi "điên khùng" mới không thấy Bắc Triều Tiên thất thế, nghèo, kém phát triển so với những nước hùng mạnh chung quanh. Do vậy, không có lý do gì mà sau khi tốn kém hàng chục tỷ đô la và hai đời lãnh đạo để nghiên cứu, chế tạo, cải tiến, phát triển bom hạt nhân và tên lửa để rồi đổi ý và "dẹp hết".

Để củng cố lập luận của mình, Daniel De Petris cho là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng cùng quyết tâm chính trị hoà giải với miền bắc để vãn hồi hoà bình cho đất nước và an ninh khu vực.

Công luận Hàn Quốc lo âu, Bình Nhưỡng phấn khởi

Tuy nhiên, nếu tổng thống Mỹ chỉ bằng lòng với kết quả chính trị, để yên cho Bình Nhưỡng nắm trong tay kho vũ khí chiến lược thì điều này có làm cho đồng minh Seoul an tâm hay không ?

Theo bình luận của hãng tin Yohap, các lập luận của chuyên gia Daniel De Petris dường như để biện minh trước cho thái độ nhượng bộ của tổng thống Mỹ tại thượng đỉnh theo kịch bản : Donald Trump công nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, đổi lại, an ninh của Mỹ không bị đe dọa.

Nếu tại Hà Nội, tổng thống Mỹ không đạt được kết quả cụ thể về kho vũ khí của Bắc Triều Tiên, thì đây sẽ là kịch bản xấu nhất, là cơn "ác mộng" đối với Seoul, theo Yonhap.

Trong khi đó, các cơ quan tuyên truyền của Bình Nhưỡng trong ngày 18/02/2019 đồng loạt kêu gọi dân chúng chuẩn bị đón chờ "diễn tiến mới, một bước ngoặt lịch sử oai hùng".

----------------------

Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 18-02-2019 

"Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Việt Nam là nền tảng cho tiến trình hòa bình. Washington muốn thúc đẩy cùng lúc vế giải trừ hạt nhân và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên". Trên đây là nhận định của chuyên gia Pháp thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, FRS, Antoine Bondaz.

Một chục ngày trước thượng đỉnh tổ chức tại Việt Nam, Antoine Bondaz, nghiên cứu về Triều Tiên và Trung Quốc tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược – Fondation pour la Recherche Stratégique trả lời đài RFI Việt ngữ về những kỳ vọng trước cuộc hội kiến lần thứ nhì giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, về viễn cảnh các bên đạt hiệp định hòa bình và những tác động kèm theo, về mức độ đáng tin cậy của những cam kết giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

RFI : Có thể chời đợi gì ở thượng đỉnh Việt Nam ?
Antoine Bondaz : Điều hết sức quan trọng là trước mắt, các bên duy trì nhịp độ để tiến cùng một lúc trên hai điểm then chốt. Thứ nhất là giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Thứ hai là cải thiện và nếu có thể là từng bước xây dựng một chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Điều đó sẽ cho phép chấm dứt tình trạng chiến tranh hiện nay, bởi như chúng ta đã biết, về mặt chính thức chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chưa kết thúc.

Tháng 7 năm 1953, các bên mới chỉ ký một thỏa thuận đình chiến. Hiện thời cả Hàn Quốc lẫn Bắc Triều Tiên cùng muốn chấm dứt tình trạng đó để thực sự thiết lập hòa bình. Trong một thời gian rất dài, Mỹ quan niệm chỉ nói chuyện hòa bình nếu như Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạn nhân. Quan niệm này của Washington được cộng đồng quốc tế chia sẻ rộng rãi. Nhưng tổng thống Donald Trump ngày nay muốn thúc đẩy cả hai vế hòa bình và giải trừ hạt nhân cùng một lúc.

Đây là một sự thay đổi rất ngoạn mục. Những tuyên bố gần đây của nguyên thủ Mỹ cũng như là của đặc sứ Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên, Stephen Biegun, cho thấy Donald Trump muốn giải quyết hai việc cùng một lúc.


RFI : Washington và Bình Nhưỡng chấp nhận nhượng bộ những gì để đạt đến đích, nghĩa là Bắc Triều Tiên đòi quốc tế ngưng trừng phạt, còn Mỹ thì đặt điều kiện phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên một cách "hoàn toàn và không để đảo ngược" ?
Antoine Bondaz : Nói một cách dễ hiểu là trong một thời gian dài, Bắc Triều Tiên muốn có hòa bình trước đã và coi đó là điều kiện mở đường cho việc từ bỏ tham vọng nguyên tử. Ngược lại phía Hoa Kỳ lại xem việc giải trừ hạt nhân là điều kiện tiên quyết trước khi nói chuyện hòa bình. Nhưng bài toán thêm phức tạp do hàng loạt các đợt trừng phạt của quốc tế đã đè nặng lên Bắc Triều Tiên. Do vậy, Bình Nhưỡng đòi quốc tế xóa bỏ cấm vận.
Tuy nhiên khó có thể nghĩ rằng đòi hỏi đó sẽ được thỏa mãn, nếu Bắc Triều Tiên vẫn còn là một cường quốc hạt nhân. Tôi cho rằng, việc chọn Việt Nam tổ chức thượng đỉnh lần này quan trọng ở chỗ, Washington dùng Việt Nam là một tấm gương. Mỹ muốn nhấn mạnh với Bắc Triều Tiên rằng từng là hai nước cựu thù, Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn có thể bình thường hóa quan hệ.

RFI : Một khi các bên đạt đến đích, hiệp định hòa bình sẽ mang lại những thay đổi cơ bản nào trên báo đảo Triều Tiên và cả khu vực ?
Antoine Bondaz : Trước mắt chưa thể nói đến một hiệp định hòa bình. Dù vậy, có khả năng các bên đưa ra một bản tuyên bố ngỏ ý hướng tới hòa bình. Trong bản tuyên bố đó, Mỹ có thể bày tỏ mong muốn kết thúc chiến tranh để hướng tới một hòa ước thực sự. Nhưng đó là cả một tiến trình dài hơi. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian các bên mới đạt được hiệp định hòa bình.
Để trả lời câu hỏi "trong kịch bản này thì hậu quả sẽ ra sao ?", trước hết, cụ thể nhất là giảm thiểu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng cần nói thêm rằng cả tại Hàn Quốc lẫn Hoa Kỳ, một bộ phận vẫn hoài nghi về viễn cảnh hòa bình. Nhiều người đặt nghi vấn về liên minh Washington – Seoul.
Người thì cho rằng cần xét lại liên minh quân sự một khi Bắc Triều Tiên không còn là một mối đe dọa. Ngược lại, cũng có những tiếng nói cho rằng trục Mỹ- Hàn như hiện nay sẽ tồn tại cho dù mối đe dọa chiến tranh không còn.
Thứ nữa, nhìn rộng ra hơn, hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nếu có, sẽ làm thay đổi hẳn cục diện của khu vực. Hãy còn quá sớm để bàn chuyện đó, bởi mấu chốt của vấn đề vẫn là giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Chúng ta biết chắc một điều là Bắc Triều Tiên mà chưa hoàn toàn từ bỏ vũ khí nguyên tử thì khó có thể nghĩ rằng, hòa bình sẽ được vãn hồi một cách lâu dài trong khu vực.


RFI : Với hiệp định hòa bình, liệu Mỹ sẽ hồi hương 28.500 lính đang đồn trú tại Hàn Quốc ? Không riêng gì Bắc Triều Tiên mà cả Trung Quốc cũng muốn Hoa Kỳ rút quân khỏi khu vực.
Antoine Bondaz : Mọi việc không đơn giản như vậy. Từ thập niên 1990, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO vẫn tồn tại cho dù Liên Xô đã sụp đổ. Chúng ta hoàn toàn có thể hình dung ra liên minh quân sự giữa Mỹ với Hàn Quốc vẫn được duy trì ngay cả trong trường hợp kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Năm 2009 Mỹ và Hàn Quốc củng cố mối liên minh quân sự. Từ đó, hợp tác giữa Washington và Seoul vượt ra ngoài phạm vi hồ sơ Bắc Triều Tiên. Đương nhiên là Trung Quốc có thể yêu cầu chấm dứt liên minh Mỹ -Hàn đó và gây áp lực để Washington rút quân khỏi khu vực nhưng vấn đề không đơn giản như vậy.
Theo tôi, Trung Quốc có hai ưu tiên : một là bảo đảm bán đảo Triều Tiên được ổn định, có nghĩa là tránh mọi khả năng nổ ra xung đột. Ưu tiên thứ nhì của Bắc Kinh là trong trường hợp có thể, giới hạn ảnh hưởng của Mỹ trong vùng. Đương nhiên nếu có tiến triển về hiệp định hòa bình, thì đây là cơ hội để Trung Quốc vận động Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên. Nhưng không có gì bảo đảm là Washington sẽ chiều lòng Bắc Kinh.
Tất cả vấn đề tùy thuộc vào hai nước Triều Tiên và vào bên thứ ba là chính quyền Mỹ. Trong bối cảnh hiện tại, tôi thấy một phần lớn công luận Hàn Quốc vẫn ủng hộ liên minh quân sự với Hoa Kỳ, ngay cả trong trường hợp Bắc Triều Tiên không còn là một mối đe dọa.


RFI : Ông đánh giá thế nào về thực tâm giải trừ hạt nhân của Kim Jong Un ?
Antoine Bondaz : Rất khó để đánh giá về mức độ thành thật của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Tại nhiều quốc gia, chứ không riêng gì Bắc Triều Tiên, vẫn thường có những vụ tranh giành quyền lực nội bộ, mà điều đó thì rất khó phân tích.
Kim Jong Un là một lãnh tụ tối cao, đầy quyền lực trong tay nhưng không loại trừ khả năng ở bên trong guồng máy chính trị Bắc Triều Tiên, ông phải đối phó với những phe phái đối nghịch. Hơn nữa, Bắc Triều Tiên đã đầu tư rất nhiều, cả về mặt chính trị lẫn tài chính cho các chương trình hạt nhân. Khó mà tin rằng một sớm một chiều, Bình Nhưỡng xóa bỏ tất cả. Nhưng không loại trừ khả năng, Bắc Triều Tiên từng bước phi hạt nhân hóa bằng con đường ngoại giao. Từ bỏ hoàn toàn vũ khí nguyên tử là hồi kết của một tiến trình dài hơi.

RFI : Cảm ơn Antoine Bondaz, chuyên gia Pháp về Triều Tiên và Trung Quốc, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS.

------------------------------------

Tú Anh – RFI   |    Đăng ngày 18-02-2019 




No comments: