Trọng Thành – RFI / ĐIỂM
BÁO
Đăng ngày 18-02-2019
Phong
trào Áo Vàng tại Pháp tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, trong đó có nạn bài Do
Thái, sau ngày hành động thứ 14, và tròn ba tháng khởi phát. Tổng thống Mỹ tấn
công vào xe hơi châu Âu. Bê bối lạm dụng tình dục gây khủng hoảng chưa từng có
với Giáo hội Công Giáo. Bùng
nổ dân số : một vấn đề lớn của nhân loại. Trên đây là một số tựa lớn
trang nhất các báo Pháp hôm nay, 18/02/2019. Trước hết xin giới thiệu một phân
tích đáng chú ý, trên Le Monde, về tình trạng Nga ngày càng mất ảnh hưởng đối với
các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Bản đồ Cộng Đồng các Quốc Gia Độc Lập do Nga lãnh đạo (năm
2018).Wikipedia
Hội nghị an
ninh quốc tế tại Munich diễn ra trong 3 ngày cuối tuần qua chứng kiến sự chia rẽ
chưa từng có giữa chính quyền Mỹ với châu Âu, mà tiêu biểu là Đức, trong lúc
Nga và Trung Quốc tìm cách khoét sâu vào mối bất hòa. Nga càng ngày càng trở thành mối đe dọa với Liên Âu, đặc biệt sau việc
Matxcơva và Washington đình chỉ Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF), mở ra viễn cảnh
chạy đua vũ trang mới. Phương Tây nói chung và Liên Hiệp Châu Âu nói riêng dường
như đang ở thế bị động. Tuy nhiên, nhìn về phía nước Nga, tình hình cũng hoàn
toàn không phải là tươi sáng, xét về xu thế địa chính trị trung hạn và dài hạn.
Hồ sơ mang tựa đề « Nước Nga mất kiểm soát với
các vệ tinh cũ » trên Le Monde điểm lại một xu thế diễn ra từ năm 1991
và tiếp tục khẳng định cho đến nay. Đó là ngày càng có nhiều quốc gia Liên Xô
cũ hoặc ngả hẳn sang phương Tây theo mô hình dân chủ, hoặc tìm kiếm một vị trí
độc lập hơn, hay chí ít cũng giữ một khoảng cách với Matxcơva.
Mondavia,
Kirghizistan, Armenia, Uzbekistan... đang dân chủ hóa
Trong số 11 quốc gia thuộc Cộng Đồng các Quốc Gia Độc
Lập - CIS (hình thành sau khi Liên Xô sụp đổ), ngoài Gruzia và Ukraina cắt đứt
bang giao với Nga, trong số 9 nước còn lại, đã có ba nước chuyển mạnh sang dân
chủ là Mondavia, Kirghizistan và Armenia, với thắng lợi của đối lập trong cuộc
bầu cử năm ngoái.
Không có quốc gia nào trong khối CIS, trừ Nga, chính
thức công nhận việc Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. Nhiều « đồng
minh » thân thiết của Nga trước đây đang tìm cách phát triển quan hệ với
các khối khác, để thoát khỏi sự thao túng của Nga. Tại Uzbekistan, chính quyền
của ông Chavkat Mirziyoyev, cầm quyền từ năm 2016, sau khi nhà độc tài Karimov
qua đời, đã thực hiện một chính sách ngoại giao đa phương hóa chưa từng có, khiến
Nga lo ngại.
Matxcơva theo dõi sát cuộc bầu cử Quốc Hội tại
Mondavia, sẽ diễn ra ngày 24/02, như một trắc nghiệm cho thấy « phe
thân Nga » và « phe thân phương Tây », ai mạnh hơn
ai. Để quyến rũ cử tri Mondovia, điện Kremlin vừa có chính sách giảm nhẹ quy định
về giấy tờ đối với khoảng 170.000 người nhập cư gốc Mondavia, đang ở trong điều
kiện bấp bênh, với thời hạn có thể áp dụng là… vào tháng 3/2019. Tức sau ngày bầu
cử Quốc Hội Mondavia.
Nga
không đưa ra được một mô hình hấp dẫn
Trên thực tế, chính quyền Nga đã có một dự án lớn nhằm
hội nhập một số nước Liên Xô cũ với Cộng Đồng Kinh Tế Á - Âu (UEEA), dựa trên
mô hình một thị trường chung của Liên Hiệp Châu Âu.Tuy nhiên, cộng đồng 5 quốc
gia Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan và Nga đã không phát triển được,
bởi mỗi bên đều bám chặt lấy chủ quyền quốc gia. Cạnh tranh với Trung Quốc tại
vùng Trung Á và đe dọa trừng phạt Mỹ cũng là những nhân tố gây trở ngại khác.
Theo chuyên gia Pháp Laurent Chamontin, thất bại của
cộng đồng mà Nga muốn xây dựng, trước hết là do Matxcơva không đề xuất ra một
mô hình nào khác hơn là một hệ thống chủ yếu dựa trên sự tái phân phối các nguồn
lợi từ dầu mỏ, với sự kiểm soát của Nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn, trong lúc
chính quyền tiếp tục bị nạn tham nhũng, độc tài chi phối. Trong tình trạng này,
nước Nga không thể trở thành đầu tầu để dẫn dắt toàn khối.
Việc Nga vẫn tiếp tục giữ một vai trò chi phối đối với
nhiều nước Liên Xô cũ xuất phát từ sức mạnh quân sự và khả năng bảo đảm an ninh
của Nga. Năm 2002, sáu nước – Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan, Nga
và Tadjikistan – thành lập một tổ chức hợp tác về an ninh. Nhưng đoàn kết giữa
các quốc gia này cũng có giới hạn. Bản thân Armenia, một thành viên của khối,
đã công khai chỉ trích Nga bán vũ khí cho Azerbaidjian, một nước cộng hòa Liên
Xô cũ, có tranh chấp lãnh thổ với Erevan. Năm 2018, Kazakhstan không ủng hộ dự
thảo nghị quyết của Nga tại Hội Đồng Bảo An, lên án cuộc tấn công của liên quân
Mỹ, Anh, Pháp trừng phạt chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Thái độ bất
hợp tác của láng giềng Kazakhstan khiến Matxcơva giận dữ.
Tiếng
Nga thoái lùi : Sự giải thể của đế chế Xô Viết là một quá trình dài
Một vấn đề quan trọng khác được Le Monde nêu lên để
cho thấy ảnh hưởng của Nga tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở phía tây và phía
nam, là sự thoái lùi của tiếng Nga. Tại Kirghizistan, kể từ năm 2017, 47 tổ chức
dân sự và đảng phái đối lập yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý để cổ vũ tiếng
Kirghiz là ngôn ngữ quốc gia duy nhất. Kazakhstan cũng quyết định thay thế ký tự
truyền thống theo hệ Slave bằng hệ ký tự La tinh.
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông Nga tại
nhiều quốc gia cũng bị thu hẹp. Một ví dụ như, tại Moldavia, trong kênh truyền
hình hàng đầu tiếng Nga, rất được đông người xem, các buổi phát thanh chính trị
do chính quyền Nga hậu thuẫn hoặc bị xóa bỏ, hoặc bị đẩy vào giờ muộn hơn. Tại
nhiều nước khác, ngày càng có nhiều người đòi hỏi các phương tiện truyền thông
quốc gia. Belarus cũng vừa chấp nhận một kênh truyền hình cáp tiếng Ukraina.
Theo nhà quan sát kỳ cựu Andrei Kortounov về tình
hình nước Nga và các khu vực vệ tinh, tiến trình giải thể của Cộng Hòa Liên
Bang Xô Viết hiện vẫn đang tiếp diễn. Sự chấm dứt của Nhà nước Liên Xô năm 1991
thực ra chỉ là một quyết định từ bên trên, ít có ảnh hưởng ngay lập tức đến
toàn bộ các xã hội. Andrei Kortounov khẳng định, giống như với các đế chế khác,
sự biến mất của Liên Xô đòi hỏi nhiều thời gian. Những biến động hiện nay trong
các khu vực vệ tinh của Matxcơva sẽ còn kéo dài, và là một mối lo thường trực của
điện Kremlin.
Hội nghị
Munich : Merkel đơn độc bảo vệ chủ nghĩa đa phương
Trở lại với hội nghị an ninh quốc tế tại Munich, Les
Echos có bài đáng chú ý, mô tả tình trạng đơn độc của thủ tướng Đức Angela
Merkel, người dám đối đầu với tổng thống Mỹ. Đối lại các lời lẽ đe dọa, hống
hách của tổng thống Mỹ là thái độ ôn hòa, cổ vũ đối thoại của thủ tướng Đức.
Phát biểu ủng hộ chủ nghĩa đa phương quốc tế của bà Merkel đã được đông đảo cử
tọa nhiệt liệt đứng lên hoan nghênh. Một trong những người ngồi, để tỏ thái độ
phản đối là Ivanka Trump, con gái của tổng thống Mỹ.
Merkel trực diện phản đối chính sách nâng thuế chống
xe hơi Đức của tổng thống Mỹ, khi nêu bật lên việc nhà máy xe hơi lớn nhất của
hãng Đức BMW nằm tại Mỹ. Thủ tướng Đức cũng bảo vệ dự án xây dựng đường dẫn khí
đốt từ Nga, và tuyên bố sẵn sàng mở cửa cho khí đốt từ Mỹ.
Bài « An ninh : Phương Tây bị chia rẽ trước
Matxcơva và Bắc Kinh » của Les Echos thì nhấn mạnh đến tình trạng mâu
thuẫn trong nội bộ phương Tây, chưa từng có kể từ năm 1963, thời điểm hội nghị
ra đời. Trong cuộc hội nghị này, với sự tham gia của 35 nguyên thủ và thủ tướng,
các lãnh đạo Nga, Trung liên tục xoáy vào các bất đồng nội bộ giữa Mỹ và châu
Âu.
Báo Le Figaro cũng một nhận định là bà Merkel đơn độc,
đồng thời chú ý đến sự vắng mặt đáng tiếc của tổng thống Pháp, vốn được coi là
cặp bài trùng – đầu tàu của châu Âu, cùng với thủ tướng Đức.
Đóng
góp Pháp và Đức cho châu Âu : Hiện chưa có thảo luận sòng phẳng
Về chiến lược an ninh của châu Âu và NATO nói chung,
báo Le Monde có bài phỏng vấn chuyên gia Daniel Schwarzer, người đứng đầu một
trung tâm chính trị đối ngoại của Đức (DGAT). Theo vị chuyên gia này, Pháp và Đức
cần phải thừa nhận là cả hai quốc gia này đều đã được hưởng lợi nhiều từ châu
Âu, nhiều hơn so với những gì mà hai nước đóng góp cho châu Âu. Pháp và Đức cần
đóng góp nhiều hơn nữa cho nền an ninh chung của châu Âu, cho khu vực đồng
euro.
Theo nhà chính trị học, cho đến nay chưa có các cuộc
thảo luận thực sự sòng phẳng về vấn đề này. Và cùng với các vấn đề riêng của
châu Âu là những thách thức chung mang tính toàn cầu, về an ninh hay biến đổi
khí hậu, mà Pháp, Đức hay bất cứ quốc gia châu Âu nào khác cũng có thể tìm thấy
những lợi ích chung, như được sống trong một thế giới ổn định, chuẩn mực quốc tế
được tôn trọng, và các xung đột được giải quyết một cách hòa bình. Và để có được
những điều đó, cần phải có các đóng góp phù hợp.
Thương
thuyết Mỹ - Trung vòng 4 : Khác biệt còn quá lớn
Đàm phán Mỹ - Trung bước sang vòng thứ tư, chuẩn bị
diễn ra, là một chủ đề thời sự trọng tâm. Le Monde có bài nhận định là trước
vòng đàm phán này, đòi hỏi của cả hai bên đều vẫn còn quá cách biệt.
Trước hôm thứ Sáu, báo chí dự kiến kết luận đàm phán
sơ bộ sẽ được thông báo, nhưng rốt cục điều này đã không xảy ra. Về mặt chính
thức, chính quyền Bắc Kinh tỏ lạc quan một cách thận trọng, thế nhưng trên thực
tế, nhiều nhà bình luận Trung Quốc – không kể những người dân tộc chủ nghĩa -
khẳng định đòi hỏi của phía Mỹ là quá đáng.
Le Monde dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Victor
Gao, chuyên gia quan hệ quốc tế, được coi là thân cận với Bắc Kinh, cho rằng với
các đòi hỏi trong đàm phán – Trung Quốc phải cải cách triệt để nhiều lĩnh vực –
thì điều cơ bản là Mỹ muốn bắt chẹt Trung Quốc, không muốn dân Trung Quốc được
hưởng một cuộc sống hạnh phúc, như điều mà tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố.
Cuộc chiến chống lại tập đoàn Hoa Vi cũng bị coi là xuất phát từ thái độ kỳ thị
của Washington. Theo Le Monde, trong bối cảnh này, ít có khả năng Trung Quốc sẽ
có các nhân nhượng quan trọng.
Hoa
Vi phản công
Trong khi đó, Les Echos cho biết tập đoàn Trung Quốc
Hoa Vi vừa mở cuộc phản công để tái chinh phục thị trường. Đại diện của tập
đoàn Hoa Vi tại Bruxelles, Abrahim Liu, đã tổ chức hồi tuần trước một dạ tiệc lớn,
sang trọng, mời giới lãnh đạo nhiều định chế châu Âu, nhằm thuyết phục châu Âu
là Hoa Vi và châu Âu có nhiều lợi ích chung. Đại diện Hoa Vi trực diện phản
kích các luận điểm của đại sứ Mỹ tại châu Âu về hiểm họa của Hoa Vi. Cũng trên
Les Echos, đại diện Hoa Vi tại Pháp trả lời phỏng vấn. Bài viết mang tựa đề
« Không có bất cứ lý do gì để loại trừ Hoa Vi khỏi mạng truyền thông
5G ».
Ba
tháng « Áo Vàng » : Ba chìa khóa giúp hóa giải khủng hoảng
Thứ Bảy vừa qua là tròn ba tháng phong trào Áo Vàng
tại Pháp. Nhật báo Công Giáo La Croix dành đến một nửa số báo cho chủ đề này.
La Croix chạy tít trang nhất « Điều mà cuộc khủng hoảng này nói về
chúng ta ». Bài xã luận của La Croix, mang tựa « Tâm trạng »,
khẳng định là phong trào có xu hướng thoái lùi, với mức độ người tham gia giảm mạnh
hôm thứ Bảy trước là một bằng chứng. Đa số người Pháp hiện tại không còn ủng hộ
Áo Vàng như trước. Những hành động phá phách, những lời lẽ thù hận của nhiều
người biểu tình Áo Vàng khiến phong trào ngày càng xa rời với động lực đầu
tiên.
Tuy nhiên, theo La Croix sẽ quá vội vã khi khẳng định
phong trào này sẽ chóng tàn, bởi nó bắt nguồn từ những thay đổi sâu xa trong xã
hội Pháp nói riêng, cũng như đa số các xã hội công nghiệp nói chung. Không thể
trông chờ một số biện pháp mầu nhiệm ngắn hạn để giải quyết, cũng như chỉ nhờ
riêng vào những quyết định của tổng thống.
Trong số báo này, La Croix muốn tìm cách soi sáng những
nỗi khổ tâm của nhiều người Pháp – nguồn gốc của khủng hoảng, đồng thời vạch ra
một số hướng đi để thoát khỏi tình trạng hiện nay. Theo La Croix, có ba chìa
khóa giúp hóa giải, nhằm mang lại hy vọng, giảm bớt tâm trạng lo hãi. Thứ nhất
là đánh giá đúng mức các thành công, thay vì chỉ tập trung lên án các thất bại,
thứ hai là chấp nhận sự thay đổi, và thứ ba là cổ vũ cho văn hóa tìm thỏa hiệp.
Trong bài « Chúng ta đang sống một cuộc khủng
hoảng liên quan đến lời nói, hơn là khủng hoảng kinh tế », bài đầu
tiên của loạt bài này (dài 9 trang), trả lời La Croix, nhà phân tâm học
Jean-Pierre Winter nhấn mạnh đến khát vọng được biểu đạt vô cùng mãnh liệt của
một bộ phận đông đảo dân chúng, nhưng không có chỗ thể hiện, là một trong những
nguồn gốc dẫn đến cuộc khủng hoảng Áo Vàng.
Xin giới thiệu tựa của một số bài viết khác trong hồ
sơ đặc biệt của La Croix về khủng hoảng Áo Vàng, một cuộc khủng hoảng phức tạp
cần được soi sáng bằng cái nhìn đa chiều : « Áo Vàng : Thời điểm bước
ngoặt », « Áo Vàng đại diện cho một phần giấc mơ của Cách mạng
Pháp », « Một hình thức cá nhân chủ nghĩa cực đoan »,
« Những người Áo Vàng, sản phẩm của những rạn nứt trong xã hội Pháp ».
No comments:
Post a Comment