Ben Ngô
BBC
Tiếng Việt
19 tháng 2 2019
Một
họa sĩ kỳ cựu nói với BBC rằng việc TP HCM dự định tu sửa, thay tượng Trần Hưng
Đạo cũng như các tượng khác được dựng trước 1975 “là để xóa ký ức Sài Gòn”.
Tượng Trần Hưng Đạo là nơi người dân Sài Gòn thường đến thắp hương tượng
niệm ngày 17/2. CHAU DOAN/LIGHTROCKET
VIA GETTY IMAGES
Dư luận hôm 19/2 tiếp tục xôn xao chuyện chiếc lư
hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo bị cẩu và việc TP HCM loan báo sắp tu sửa
tượng Trần Hưng Đạo và tượng Thánh Gióng.
“Hai tượng đài này được xây dựng từ trước năm 1975 bằng
bê tông cốt thép là chất liệu không bền vững, đến nay đã xuống cấp, Sở Văn hóa
và Thể thao TP HCM kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tu sửa, tôn tạo và đã được
chấp thuận,” báo Tuổi Trẻ viết.
Hôm 19/2, từ Sài Gòn, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc nói với
BBC: “Theo như tôi hiểu, trong tương lai, các tượng đài có từ 1975 sẽ lần lượt bị
hạ bệ bởi một vài lý do bâng quơ hay vì các dự án nào đó. Dường như người ta
đang muốn xóa ký ức Sài Gòn. Có thể người dân Sài Gòn đang bị đánh cắp ký ức
nhưng họ mãi mãi sẽ không quên một thời tuy ngắn ngủi trong lịch sử của mảnh đất
này.”
BBC: Ông đánh giá thế nào về chất lượng mỹ thuật và tạo hình tượng trước và
sau 1975 ở Sài Gòn?
Họa
sĩ Đỗ Duy Ngọc: Thật ra những tượng đài trước 1975 cũng chưa đạt đến
trình độ mỹ thuật cao, nhưng đó chỉ là những tượng các anh hùng gắn với các
binh chủng quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên so với các tượng đài xơ cứng,
phản mỹ thuật và nặng tuyên truyền bạo lực và căm thù sau 1975 thì các tượng
trước 1975 mang tính nhân văn hơn nhiều.
Sau 1975, người ta thấy gần như tượng nào cũng
giương súng chĩa vào người xem. Tượng nào cũng căm thù và dạy giết người. Chỉ
có một khuôn. Ngay tượng của ông Hồ Chí Minh tạo dáng không khác gì tượng của
ông Mao Trạch Đông và ông Kim Nhật Thành.
Tôi có cảm tượng bây giờ người ta xây tượng đài cũng
như xây chùa vậy. Tất cả chỉ vì đồng tiền thôi. Toàn kinh doanh cả. Một hợp đồng
xây di tích hay tượng đài đều là những văn bản ăn chia. Chỉ cần có tiền bỏ túi,
còn hậu quả thế nào hậu xét. Có cáo buộc các chùa mới được xây dựng là do doanh
nghiệp cấu kết với quan chức để thu lợi. Người ta dẫn cả một đám dân cuồng tín,
u mê, mê muội vào một thứ đạo lạ đời để dễ bề cai trị.
Điều đáng nói nhất là những tượng đài xây sau 1975
trên khắp cả nước không chỉ thiếu tính mỹ thuật mà còn thiếu hẳn nhân căn và
nhân đạo. Đó chỉ là những minh hoạ thô thiển kể cả ăn cắp hay bê nguyên ý tưởng
của Trung Quốc, Nga một cách vụng về. Những tượng đó vô hồn, không gợi chút cảm
xúc nào cho người chiêm bái.
BBC: Ông có lo ngại chỗ đặt tượng Trần Hưng Đạo rồi đây sẽ bị thay thế bằng tượng
khác?
Họa
sĩ Đỗ Duy Ngọc: Tôi nghĩ chính quyền chưa đến nỗi để hạ tượng Trần
Hưng Đạo. Nhưng tượng các danh nhân khác thì có thể. Họ nghĩ bởi ngày xưa mỗi
binh chủng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đều gắn với một vị tướng trong lịch sử.
Nhưng họ quên rằng đó là danh tướng của cả dân tộc, đất nước. Tuy thắng trong
chiến tranh, nhưng dường như người Cộng sản vẫn biết rằng khó lấy được lòng dân
vì nhiều lí do và họ sợ hãi quá khứ sẽ âm ỉ và lớn mãi trong lòng dân. Do thế họ
muốn xoá ký ức Sài Gòn. Nhưng đó là một việc bất khả thi.
Tấm bảng báo thi công đặt dưới chân tượng đài Trần
Hưng Đạo hôm 19/2. INFONET
BBC: Trong số các tượng trước 75 bị thay thế hoặc dẹp bỏ ở Sài Gòn, ông tiếc
nhất là tượng nào? Vì sao?
Họa
sĩ Đỗ Duy Ngọc: Tượng Petrus Ký. Ông là người trí tuệ thông
thái, là bác học lớn của miền Nam. Có vẻ như giới lãnh đạo hôm nay trong lòng vẫn
nghi kỵ và nơm nớp lo sợ người miền Nam. Việt Nam dù thống nhất đã 44 năm,
nhưng đất nước thực sự vẫn cắt chia vì hai miền không phù hợp với nhau về lối sống,
tư duy, quan niệm.
Ngoài chuyện tượng đài, theo như tôi biết, sách viết
về ông Petrus Ký đã in xong nhưng bị cấm phát hành. Người ta vẫn sợ những danh
nhân sẽ làm lu mờ những lãnh tụ khác.
BBC: Có tranh luận trên mạng xã hội rằng tượng đài có nhất thiết phải kèm lư
hương? Ý kiến của ông về chuyện này?
Họa
sĩ Đỗ Duy Ngọc: Đã đặt tượng thì phải có lư để người ta đến thắp
nén nhang tưởng niệm chứ. Ngay tượng ông Hồ Chí Minh chỗ nào cũng có lư hương
mà.
Khi dựng tượng Trần Hưng Đạo, người ta đã dựng kèm một
lư hương, và lư hương này đã có mặt ở đó từ thập niên 1960. Vậy sao sau 1975, nếu
muốn mang lư hương về đền thờ cho phù hợp, chính quyền không di dời ngay, lại
chờ cho đến ngày có người muốn thắp nén nhang tưởng niệm ngày 17/2 mới cuống cuồng
lo sợ dời đi với những lời thanh minh chẳng ai thuận nhĩ?
--------------------
18/02/2019
No comments:
Post a Comment