19/02/2019
Trên vietnamnet.vn, Giáo Sư Sử học Phạm Hồng Tung, Trường Đại Học
Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết Việt Nam lâu nay đã “gạt quá khứ” sang một
bên nên sách giáo khoa Lịch sử gói gọn 4 câu, 11 dòng ở lớp 12, báo chí lại ít
nhắc đến Chiến tranh biên giới Việt – Trung.
Trung cộng thì vẫn tiếp tục tuyên truyền “chiến
tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” và trừng phạt “tiểu bá” Việt Nam vong
ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô.
Sự khác biệt về nhận thức và cách trình bày lịch sử
tạo ra những định kiến mang nặng tính chất kỳ thị và thù địch, nếu gặp những điều
kiện thuận lợi, sẽ bùng phát thành hận thù và xung đột.
Nếu không hòa giải được nhận thức và cách trình bày
về lịch sử thì đó là một liều thuốc độc mà tiền nhân để lại cho thế hệ sau, và
để “giải độc” lịch sử Giáo sư Tung đề nghị:
“Bây
giờ chính là lúc giới sử học của hai nước Trung – Việt nên ngồi lại, thảo luận
những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước.”
Giáo sư Tung tin rằng nhiều quốc gia cựu thù đã
thành công trên con đường hòa giải lịch sử, cho nên người Việt Nam và người
Trung Hoa cũng sẽ phải làm được điều này.
Giáo sư Phạm Hồng Tung hiện là Chủ biên chương trình
Lịch sử giáo dục phổ thông tổng thể đang sửa soạn ra bộ sách giáo khoa Lịch sử
nên đề nghị của ông cần được xem xét cẩn thận.
Trường
hợp hai nước Pháp và Đức.
Giáo Sư Tung cho biết Đức và Pháp trong lịch sử cũng
đã có những cuộc chiến tranh đẫm máu như Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần
thứ hai, Chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870,… các nhà sử học, các nhà giáo dục hai
nước đã tổ chức nhiều diễn đàn gặp gỡ nhau trước khi cùng nhau soạn một bộ sách
giáo khoa Lịch sử chung.
Giáo Sư Tung quên rằng Pháp và Đức là hai quốc gia tự
do, các sử gia đều độc lập với hệ thống chính trị. Nên ngay thời Chiến Tranh
Pháp - Việt vẫn có những sử gia Pháp công khai ủng hộ Việt Nam.
Báo chí Pháp và Đức được tự do thu nhặt và loan tin,
nên thông tin đều đa chiều và dễ dàng đối chiếu.
Các cuộc phỏng vấn chứng nhân lịch sử được thường
xuyên thực hiện. Các hồi ký được tự do phổ biến.
Các tài liệu lịch sử, các văn kiện và số liệu sau một
thời gian đều được giải mật để mọi người có thể tìm hiểu.
Mỗi sử gia có cách nhìn riêng về lịch sử, chính môi
trường học thuật tự do giúp họ nhìn nhận các sự kiện, nguyên nhân, diễn biến và
hậu quả một cách khách quan hơn, trung thực hơn, gần với sự thật lịch sử hơn.
Các sử gia và các nhà giáo dục Pháp và Đức lại luôn
có cơ hội tự do trình bày quan điểm và phát hiện mới trên các diễn đàn quốc tế,
nên việc họ xuất bản sách giáo khoa chung, các công trình nghiên cứu chung, các
sách tài liệu tham khảo chung là một việc hết sức bình thường.
Môi trường tự do và học thuật tự do hoàn toàn không
có tại Việt Nam và Trung cộng.
Việt Nam là nước nhỏ lại luôn bị Trung cộng xâm lược.
Chỉ trong vòng 14 năm, 1974-1988, Trung cộng đã 4 lần đánh chiếm lãnh thổ Việt
Nam: Hoàng Sa (1974), Biên Giới Phía Bắc (1979), Vị Xuyên Hà Giang (1984), Gác
Ma (1988) và từ năm 1988 liên tục lấn chiếm Trường Sa và gây chiến ở Biển Đông.
Bởi thế việc so sánh với Chiến tranh Pháp và Đức là
điều không thể chấp nhận được.
Giáo dục
tự do.
GS Phạm Hồng Tung còn cho biết vào năm 2003, Cộng đồng
châu Âu cho thành lập những Nghị viện gồm các thanh niên đóng vai những nghị
sĩ, cùng hội họp và bàn thảo đề tài “Nếu là nghị sĩ chúng ta sẽ quyết định những
gì cho tương lai của đất nước”.
Nghị viện thanh niên của Pháp và Đức đều ra Nghị quyết
phải hòa giải lịch sử và phải soạn một sách giáo khoa Lịch sử chung cho cả hai
nước, Nghị quyết được Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức ủng hộ.
Đến năm 2006, cuốn sách Lịch sử chung đầu tiên của
Pháp và Đức đã ra đời. Những nội dung về chiến tranh đều được cả hai nước chấp
nhận vì đó là sự thực trong quá khứ và bây giờ không nên sống với thù hận.
Ông Tung quên rằng tại Đức và Pháp giáo viên dạy sử
chỉ giữ vai trò hướng dẫn học sinh thu thập, phê bình tài liệu lịch sử, phân
tích làm rõ nguyên nhân, bản chất, ý nghĩa của các sự kiện và của diễn biến lịch
sử.
Ngay từ trong học đường, học sinh được đào tạo tư tưởng
độc lập và tự do trong học thuật.
Ngoài xã hội, ý kiến của người trẻ được lắng nghe,
được tôn trọng, được áp dụng nếu ý kiến thực tế, khả thi và hữu ích.
Giáo dục để đào tạo học sinh thành người độc lập, tự
do chưa có tại cả Việt Nam lẫn Trung cộng.
Chính trị bao trùm…
Việt Nam và Trung cộng là hai quốc gia cộng sản nên
mọi thông tin đưa ra dù trên truyền thông, báo chí, sách đọc, sách giáo khoa đều
được xem như các thông tin chính thức.
Các hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu
cảm, miệt thị, hay các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”,
“giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” được xem là dấu hiệu chính thống, dấu
hiệu kích động của nhà cầm quyền cộng sản.
Chả thế ngay khi báo chí trong nước đưa tin về “cuộc
chiến bảo vệ biên giới chống xâm lăng” và cho đăng lại các bài báo cũ trong thời
chiến tranh, dư luận ngay tức thì cho là báo chí được “bật đèn xanh” và Hà Nội
đang xét lại quan hệ với Trung cộng.
Chính trị hiện vẫn bao trùm mọi sinh hoạt ngay cả việc
soạn sử hay soạn sách giáo khoa đều được định hướng bởi nhà cầm quyền cộng sản.
Hòa hợp
hay hòa giải?
Nên việc giới sử học hai nước Trung – Việt có ngồi lại,
thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử
thì tư duy “núi liền núi sông liền sông”, “anh em một nhà xã hội chủ nghĩa”… vẫn
còn rất nặng.
Hậu quả là Việt Nam sẽ lấy sách sử Trung cộng mà dạy,
một cách “hòa hợp” lịch sử.
Hòa giải lịch sử là mọi sự thật lịch sử của cả 2 nước
được trình bày một cách minh bạch nhất, trung thật nhất, đúng đắn nhất.
Có hòa giải thì mới có thể tiến tới hòa hợp để giải
độc lịch sử chiến tranh.
Người dân Việt nghĩ gì?
Ngày 17-2-1979, tôi vừa tròn 20 tuổi đời, tôi nhớ
thông tin về chiến tranh biên giới đến với tôi rất sớm, bạn bè, gia đình, bà
con lối xóm loan báo nhau: “cộng sản đánh nhau rồi”.
Khi đó người miền Nam chúng tôi gia đình nào hầu như
cũng có người bị bắt đi cải tạo, nhiều người mất cơ nghiệp, bị bắt đi vùng kinh
tế mới, bị truy đuổi, bị phân biệt đối xử,… nên xem chiến tranh biên giới chỉ
là “cộng sản đánh nhau” là một điều dễ hiểu.
Cuộc chiến giữa nội bộ các đảng Cộng sản: đảng Cộng
sản Việt Nam theo Liên Xô, phản bội Trung cộng, xâm lăng Campuchia, nên bị
Trung cộng đánh.
Bộ đội và bà con vùng biên giới bị Trung cộng giết hại
là nạn nhân của hai đảng Cộng sản Việt Trung.
Nhà cầm quyền Việt Nam biết rõ sẽ bị tấn công nhưng
không di tản dân khỏi vùng biên giới để Trung cộng tấn công giết hại sẽ phải chịu
thêm phần trách nhiệm trước lịch sử.
Chiến tranh Nam Bắc vừa chấm dứt, người dân lại phải
gồng mình thiếu ăn, thiếu mặc hy sinh phục vụ chiến tranh. Thế hệ chúng tôi bị
mang ra mặt trận và nhiều người bỏ xác ở Campuchia.
Đến nay, người dân vẫn chưa biết được vùng đất nào
Việt Nam đã mất vào tay quân Trung cộng.
Trong trận Vị Xuyên Cao Điểm 1509 thuộc Núi Đất, Hà
Giang cho đến chiều ngày 28/4/1984 vẫn thuộc Việt Nam, nhưng đến năm 1999 Hà Nội
chính thức ký Hiệp Định Biên Giới, Núi Đất đã thuộc về Trung cộng.
Cho đến nay vẫn chưa ai chịu tìm hiểu cặn kẽ xem người
dân Việt, người bộ đội năm xưa thực sự nghĩ gì về các cuộc chiến tranh.
Liệu Hà Nội có dám nhìn nhận những sai lầm trong quá
khứ để hòa giải dân tộc để viết lại lịch sử dạy cho con cháu không?
Thực tế đang xảy ra…
Tại Hà Nội ngày 17/2/2019, lực lượng an ninh, công
an dày đặc khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, nơi bà con đến thắp nhang cầu nguyện
vào 17/2 hàng năm. Một số bà con đến đặt vòng hoa tưởng niệm ở đài chiến sỹ vô
danh Bắc Sơn đã bị bắt về đồn công an.
Ở Sài Gòn lực lượng an ninh, thanh niên xung phong,
công an chìm nổi dày đặc, xe rác, xe tải, bao cát, thùng rác… che kín tượng đài
Trần Hưng Đạo, lư hương bị cẩu bỏ chỗ khác. Các thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng
và bà con không thể đến thắp nén nhang tưởng niệm.
Ít hôm trước ngày 14/2/2019, Trung Tâm Nghiên Cứu
Văn Hóa Minh Triết và bà con đã bị nhân viên an ninh quấy nhiễu khi đang đốt
nhang tại nghĩa trang Vị Xuyên nơi những anh hùng tử sỹ nằm xuống để bảo vệ
giang sơn bờ cõi.
Hòa giải với người dân chưa được thực hiện thì nói
gì đến chuyện hòa giải lịch sử.
Lịch sử không còn nằm trong tay giới cầm quyền.
Chính Giáo sư Phạm Hồng Tung phải nhìn nhận thế hệ
trẻ ngày nay khi muốn tìm hiểu lịch sử liên quan đến chiến tranh Việt Nam và
quan hệ Việt - Trung lại tìm đọc những công trình bằng tiếng Anh, tiếng Pháp do
người Pháp, người Mỹ, người Đức hay người Úc viết.
Nhiều tài liệu còn được dịch ra tiếng Việt và được
phổ biến rộng rãi trên không gian mạng.
Thế hệ trẻ không bị định kiến che lấp, trong khi
trình độ nhận thức và phê bình càng ngày càng nâng cao.
Không có gì còn có thể dấu diếm hay che đậy, không
còn tình trạng độc quyền thông tin và lịch sử không còn nằm trong tay giới cầm
quyền.
Bởi vậy theo tôi việc đầu tiên và quan trọng nhất là
đảng Cộng sản cần thực tâm hòa giải dân tộc bằng cách công bố mọi sự thực lịch
sử và nhận lãnh mọi trách nhiệm về các cuộc chiến.
Nhà cầm quyền cần chấm dứt quy kết những đảng viên cộng
sản nhìn dám nhận sự thực lịch sử là tự diễn biến, tự chuyển hóa và quy kết người
dân là “thế lực thù địch”.
Nhà cầm quyền cần trả lại mọi quyền tự do cho dân, tổ
chức cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, soạn ra Hiến Pháp mới, xây dựng một thể chế
mới thực sự do dân, vì dân và của dân.
Đó chính là việc “giải độc” lịch sử, đảng Cộng sản
hòa giải cùng dân tộc và như thế dân mới giầu, nước mới mạnh, mới bảo vệ được bờ
cõi do ông cha để lại.
Nguyễn
Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
17-2-2019
Xin xem bài trên vietnamnet.vn, Thuý Nga và Thanh Hùng phỏng vấn GS Sử học
Phạm Hồng Tung: “Chiến tranh biên giới 1979 được dạy trong chương trình phổ
thông mới ra sao?”
No comments:
Post a Comment