Tuesday, February 5, 2019

TẾT CON KHÔNG VỀ,CHẮC MẸ BUỒN LẮM . . . (Nguyễn Viện)




Nguyễn Viện
Viết từ Sài Gòn
5 tháng 2 2019

Trước tết, trong tết và sau tết… ở đâu cũng nghe rộn ràng những ca khúc mừng xuân. Nhưng thú thật, tôi là người không thích nhạc xuân… bởi đơn giản tôi không thấy bài nào hay.

Ảnh chụp ở Sài Gòn ngày 3/2/2019.  GETTY IMAGES

Tuy nhiên, tôi lại muốn bắt đầu bài tản mạn này bằng câu hát da diết "Nếu con không về, chắc mẹ buồn lắm…"

Vâng, có lẽ một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của ngày tết là sự đoàn tụ gia đình.
Không chỉ ở Việt Nam, mà ở tất cả những quốc gia theo truyền thống tết âm lịch, chúng ta đều chứng kiến những cảnh người chen chúc trên các bến xe, ga xe lửa, ga hàng không… để tìm cách về quê, về nhà.

Ngày tết, chúng ta không chỉ chào đón cái tiết hạnh xuân sắc của đất trời, cái bắt đầu tinh khôi của một năm mới, mà còn là dịp người sống đoàn tụ chúc tụng nhau những điều tốt đẹp. Ngày tết, cũng là dịp để chúng ta kính nhớ tổ tiên.

Với tổ tiên thì không ai gần gũi chúng ta hơn cha mẹ. Có lẽ, tôi hay bất cứ ai không còn mẹ, nỗi nhớ mẹ trong ngày tết vô cùng tha thiết. Nghĩ đến cha mẹ đã khuất, anh em ở xa… lòng tôi bùi ngùi.

Hà Nội ngày 1/2/2019.  GETTY IMAGES

Tôi vẫn nhớ những ngày còn bé. Sáng mùng một, mẹ tôi nấu một siêu nước sôi, đổ ra cái thau nhỏ, rồi thả mấy cành lá mùi vào. Mẹ nhúng khăn thấm ướt nước lá mùi thơm tho lau mặt cho từng đứa con. Nước hoa của chúng tôi đấy. Sau đó tất cả chúng tôi đến nhà ông bà nội. Pháo nổ và tiền lì xì là niềm vui khôn xiết. Họ hàng nhà tôi đông, ngày tết cả họ tề tựu bên ông bà, người lớn và trẻ con đều nô nức. Không chỉ là ngày được ăn ngon, thức ăn ê hề hơn ngày thường mà hạnh phúc là chúng tôi bên nhau.

Khi ông bà tôi mất, gia đình cha mẹ chúng tôi có một cái tết riêng. Giao thừa không bao giờ chúng tôi ra đường. Tuy nhiên, tất cả mọi cánh cửa đều được mở, chúng tôi đón nguyên khí đầu năm tràn vào căn nhà ấm cúng của mình. Sau khi TV báo điểm sang xuân, nhà tôi có thói quen bày tiệc, như một lời chúc phúc cho cả năm sung túc. Mẹ tôi uống rượu và hút thuốc, tôi dù không biết uống rượu cũng nhắp chút đỉnh, tận hưởng cái hương nồng của sự sum vầy.

Bây giờ có gia đình riêng, tôi vẫn giữ thói quen do mẹ tôi đặt ra, ăn uống ngay sau giao thừa và tôi cúng cha mẹ mình bằng những bông hoa vạn thọ thơm lừng mà sinh thời mẹ tôi rất thích. Các con tôi cũng không ra đường đêm giao thừa, chúng tôi muốn bên nhau trong những giờ phút thiêng liêng nhất của năm.

Hiện nay, chỉ còn mình tôi ở Việt Nam. Anh em tôi đều sống ở Mỹ. Nhưng tôi may mắn vẫn còn niềm vui để sống cái không khí tết truyền thống.

Sáng mùng một tết, sau khi dự thánh lễ đầu năm, tất cả anh em con cháu bên nhà vợ tôi đều tụ tập tại nhà tôi để mừng năm mới, dù vợ tôi không phải là "trưởng tộc". Chúng tôi ăn uống, chúc tết nhau và không thể thiếu tiết mục sôi động nhất: nhận tiền lì xì.

Đối với người Việt Nam, lì xì là một biểu trưng hùng hồn cho lời chúc "phát tài" như một thủ tục quan trọng nhất trong những lời chúc xuân.

Tôi nghĩ, có lẽ "phát tài" là ước mong lớn nhất của người Việt. Không thế mà ngày xuân ở đâu cũng lũ lượt người đi chùa cầu tài lộc. Ngày nay, người Việt đã khấm khá hơn, nhưng dường như sự cầu tài lại có vẻ khốc liệt hơn. Chúng ta vẫn chứng kiến những hiện tượng tranh cướp lộc càng ngày càng hung hãn. Và sự mê tín không phải vì nghèo túng cũng càng ngày càng "lan tỏa".

Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều người muốn bỏ tết cổ truyền, tốn kém, mất thời giờ và lạc hậu. Có lẽ, người ta quên rằng tết, đón tết, mừng tết không chỉ là một lễ hội văn hóa truyền thống, mà hơn thế, nó là dịp để chúng ta quay về nhà mình, về với cha mẹ, tổ tiên nguồn cội của mình. Một văn hóa tâm linh.

Thắp nén nhang cho cha mẹ và những người đã khuất trong gia đình, đặc biệt trong những ngày tết, tôi bao giờ cũng cảm thấy lòng ấm áp và được an ủi như thể linh hồn của họ vẫn gần gũi, che chở tôi trong cuộc đời lênh đênh này. Tôi cảm nhận được một cõi bình an chan hòa tình yêu thương.

Tôi yêu tết.




No comments: