“Trong tờ giấy mà mấy chị đàn bà xúi nhau học thuộc
lòng để khấn vái lúc đi chùa, bốn chữ gia đạo bình an đứng sau cùng, sau “làm một
được hai, trồng một gặt mười…”. Mấy chị, cũng như nhiều người khác, vào chùa
không phải để cầu an. Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng
sinh bất an nhất...”
—-
(Nguyễn Ngọc Tư)
Tết nhứt, người miệt miền tây xưa rày hay chưng mâm
trái cây mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài mà đọc trại âm là một ước mơ : cầu vừa đủ
xài.
Mua được giống đu đủ vàng thì coi như cầu đủ vàng.
Thay dừa bằng chùm sung một bước lên cầu xài sung. Năm nay người ta bày bán
trái gọi là dư, nói gọi là vì những cây có tên rất rủng rỉnh là phát tài hay
kim ngân lượng, đều không phải mớ tên sơ khai của chúng. Trái dư này, biết đâu
tụi con nít quê xó nào kêu bằng trái chọi (không ăn được thì để chọi nhau chứ
biết làm gì) nhưng thứ chỉ bày chơi đó thay đổi chắc nụi mâm quả Tết. Ước vọng
trên đó giờ gọn lỏn như vầy : Cầu Dư.
Nó làm cho cái thế cầu vừa đủ xài cả trăm năm nay trở
nên khiêm tốn, dù khái niệm “đủ xài” cũng đã là vô cùng.
Mâm trái cầu dư trên bàn thờ mờ nhạt lòng thành, lẩn
khuất sự tham lam, sự bất kính với vong linh người khuất mặt. Ông bà vốn bó miệng
vì sung chát, đu đủ non, giờ chỉ biết ngồi ngó thứ trái lạ mà bọn người kia sợ
chết dại không dám rớ.
Thời của ngoại tôi, cúng vú sữa đầu mùa lên bàn thờ
họ luôn chọn những trái chín ngon nhất. Bà ngoại tin người chết gì cũng biết,
có lòng hay chỉ qua quýt họ đều hay. Mâm cúng thành kính xưa giờ nhuốm mùi đổi
chác. Không phải ai đội hoa quả đến chùa cũng với tâm thế cho đi, chẳng cầu xin
gì. Từ cầu no đủ cho đến cầu dư dả, trong lòng tham tăng bậc có sự kiên nhẫn xuống
thang.
Thời thế gì mà sốt ruột. Nhà hàng xóm lại đổi chiếc
xe hơi đời mới. Thằng bạn học giờ là doanh nhân trẻ vào tốp mười cả nước. Cô bạn
cùng sở làm vừa sắm túi Cucci. Ông anh bên vợ trúng số. Có hàng ngàn lý do để sốt
ruột, nhấp nhổm sau cái quãng chỉ so đo chuyện mâm cơm có thịt hay không có thịt,
độn khoai hay không độn khoai.
Cơn khát này không phải chỉ giàu, mà phải giàu nhanh
như thể thời gian chỉ dành cho những người biết chụp giật, kể cả chụp giật ơn
phước của tổ tiên, thánh thần.
Nhìn cảnh người ta giẫm đạp lên nhau xin (hoặc cướp)
lộc chốn đền chùa, nghĩ xứ sở gì mà hỗn mang, nhập nhoạng. Không phải vì đạo,
vì sự thiêng liêng của đức tin mà người này đạp lên vai, lưng người khác. Trong
đám đông cướp ấn đền Trần, hẳn có nhiều người miệt mài làm việc nửa đời mà con
đường quan trường vẫn xa. Bạn bè có đứa nhiều tiền nên mua được ghế, có đứa con
ông cháu cha nên được nâng đỡ, còn mình bơ vơ chỉ có cách đi xin ấn đền Trần.
Như để nuôi một hy vọng. Biết có cày cục làm lụng cả đời thì sự thăng tiến vẫn
lừ lừ chậm bước. Những vị trí phải đợi lâu hoặc không bao giờ người ta có được
nếu chỉ nhờ vào sức của mình, trong một hệ thống thăng tiến không mấy quan tâm
tới khả năng làm việc.
Cái sự cuồng tín với những thứ xung quanh thánh thần
(không phải với thánh thần), là hệ thống đức tin sụp đổ. Người ta không quên
cái câu có làm thì mới có ăn của ông bà dạy, nhưng nhìn lên họ nhìn thấy nhan
nhản những kẻ chẳng làm gì mà vẫn phờn phơ, vẫn ngồi trên trước. Nhìn xuống lại
muôn trùng người tốt lăn lóc mưu sinh, sống thua thiệt cả đời. Chỉ có một thứ
thay đổi số phận con người : phép màu của thần thánh. Nhưng thần thánh chưa chắc
công bằng, biết đâu lại chiều chuộng kẻ có tiền có quyền. Thôi cướp lấy cho chắc
ăn. Chẳng có gì chắc chắn trong việc đứng chờ thì sẽ đến lượt mình như là đến
tuổi sẽ nhận được số hưu.
Trong tờ giấy mà mấy chị đàn bà xúi nhau học thuộc
lòng để khấn vái lúc đi chùa, bốn chữ gia đạo bình an đứng sau cùng, sau “làm một
được hai, trồng một gặt mười…”. Mấy chị, cũng như nhiều người khác, vào chùa
không phải để cầu an. Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng
sinh bất an nhất.
Chịu khó ngồi lâu nhìn tháng Giêng (không chỉ năm
nay) thì sẽ thấy nó trở thành một lễ hội vơ vét khổng lồ. Kẻ vét hy vọng từ trời,
kẻ vét túi khách hành hương, địa phương vét phí. Đứng ở đền chùa, thấy lòng người
đang loạn lạc rõ ràng hơn bất cứ chỗ nào. Vỡ đê đạo đức, cháu vác dao rượt chém
bà. Vỡ đê đức tin, lộc trời rủ nhau đi cướp. Mai kia không biết thêm hệ thống
tinh thần nào đổ nữa đây, chính quyền nhìn thấy cảnh đền Trần mà không lo thì
hơi lạ. Bởi chuyện ở sân đền là họ sốt ruột lắm rồi, đến nỗi giẫm đạp trên đồng
loại, đức tin. Ai dám chắc sốt ruột đến thế thì thôi.
Hình :
-----------------------
"Nhanh lên chế ơi, trễ rồi. Tết đâu có đợi.."
.
GIAO THỪA
...Đọc tiếp
*
"Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba
mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp
xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẫy trước sân, khi
má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết
đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.
Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong
ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa
ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan
khoái, những ngọt ngào…"
.
KHÚC BA MƯƠI
Nguyễn Ngọc Tư.
No comments:
Post a Comment