Monday, February 4, 2019

NHỮNG CHỈ DẤU TIỀN CHIẾN TRANH VIỆT - TRUNG ĐẦU NĂM 2019 (Phạm Chí Dũng)




Phạm Chí Dũng
February 3, 2019

Việc công khai hóa “Trung đoàn không quân Sao Đỏ chốt giữ miền Tây Bắc của tổ quốc,” một số hành động cảnh sát biển Việt Nam tăng cường bắt giữ “tàu cá nước ngoài” ở Biển Đông theo luật cảnh sát biển Việt Nam mới thông qua, lần đầu tiên báo đảng đồng loạt hé môi về “Trung Quốc cưỡng chiếm Trường Sa của Việt Nam,” và việc Bộ Ngoại Giao Việt Nam tiếp tục “tôn trọng tự do hàng hải” trước hành động tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa là những chỉ dấu lộ diện cho thấy sau nhiều năm “Bốn tốt, mười sáu chữ vàng,” chính sách “Ba không” cùng thế đu dây quốc tế luôn suýt té lộn nhào, chính thể độc đảng ở Việt Nam bắt đầu dò dẫm bước chân qua một ranh giới mới: “can đảm bám Mỹ” và phát ra tín hiệu thách thức quyền lực của Trung Quốc, dù có thể còn lâu nữa điều này mới trở thành chính sách “thoát Trung” theo đúng nghĩa của nó.

Công trình dân sự và quân sự do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam (Hình: Báo Thanh Niên)

Động thái trên xuất hiện vào khoảng thời gian cuối năm 2018, đầu năm 2019.

Hoàng Sa và Sao Đỏ

“Kỷ niệm” 45 năm ngày mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc (1974 – 2019), tờ báo Thanh Niên đã làm nên một hiện tượng chính trị hiếm hoi khi lần đầu tiên tung bài “45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.” Sau Thanh Niên là một loạt tờ báo nhà nước khác cũng “lên tiếng” về món nợ lịch sử này – không chỉ Trung Quốc nợ chính quyền Việt Nam mà còn là món nợ của chính quyền công sản Việt Nam với người dân Việt và với cả chính thể việt Nam Cộng Hòa.

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên hệ thống báo chí quốc doanh tố cáo Trung Quốc mạnh mẽ như thế – phản ánh quan điểm của cơ quan tuyên giáo trung ương và cao hơn thế là của Bộ Chính Trị Việt nam, trong khi những năm trước thường im như hến, thậm chí chính quyền và công an còn tổ chức đàn áp các cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc của người dân theo đúng tôn chỉ “hèn với giặc, ác với dân” mà rất nhiều người dân đã cáo buộc chính quyền này.

Trước khi xảy ra hiện tượng báo Thanh Niên và Hoàng Sa, vào cuối Tháng Mười Một năm 2018 cũng đã có một hiện tượng lạ: một trong những lần thật hiếm hoi, vài tờ báo nhà nước ở Việt Nam công khai hoạt động “Trung Đoàn 921 về Yên Bái: Su-22 đoàn KQ Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng Tây Bắc” – theo Soha.vn.

Theo bản tin còn hơn cả đặc biệt trên, toàn bộ lực lượng máy bay Su-22, phi công, thợ máy và vũ khí, trang bị của Trung Đoàn 921 đã chuyển sân từ Nội Bài về Yên Bái làm nhiệm vụ canh trời Tây Bắc của tổ quốc. Sân bay Yên Bái trước đây là căn cứ của Trung Đoàn Không Quân 931 (nay đã giải thể) sử dụng tiêm kích MiG-21. Để đón các máy bay Su-22 của Trung Đoàn Không Quân 921, sân bay Yên Bái đã được đầu tư lớn để nâng cấp, kéo dài đường băng, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ đơn vị đóng quân lâu dài…

Vì sao báo chí nhà nước lại dám công bố sự kiện trên khi việc bố trí lực lượng quân sự và các kế hoạch chuyển quân, dù vào thời bình, vẫn thuộc loại bí mật quân sự và được xếp trong danh mục bảo vệ bí mật của Bộ Quốc Phòng? Vì sao những tờ báo này lại không sợ bị truy tố vì “cố ý làm lộ bí mật nhà nước?”
Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang ngược rượt đuổi tàu kiểm ngư Việt Nam trên Biển Đông. (Hình: Báo Thanh Niên)

Khách quan mà xét, có thể cho rằng cuộc chuyển quân của đoàn không quân Sao Đỏ là hết sức bình thường và bản tin của Soha.vn cũng là chẳng có gì đặc biệt, nếu không vướng vào yếu tố… Trung Quốc.

Cho tới hôm nay, bản tin “Trung Đoàn 921 về Yên Bái: Su-22 đoàn KQ Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng Tây Bắc” của trang Soha.vn đã tồn tại được nhiều ngày, trong khi rất nhiều trường hợp báo nhà nước phải gỡ những bài “nhạy cảm” chỉ sau vài giờ đồng hồ đăng tải trên mạng do lệnh miệng của Ban Tuyên Giáo Trung Ương – một thứ vòng kim cô tư tưởng như một đặc thù không thể thiếu của “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam.

Do vậy, chỉ có thể cho rằng bản tin trên của Soha.vn được bật đèn xanh của không chỉ Ban Tuyên Giáo Trung Ương mà còn cả từ cấp cao hơn – Bộ Quốc Phòng, Thường Trực Ban Bí Thư và thậm chí cả Bí Thư Quân Ủy Trung Ương Nguyễn Phú Trọng.

Rất có thể, mối quan hệ “mười sáu chữ vàng” Việt-Trung và cả vài cuộc giao lưu quốc phòng vừa diễn ra giữa quân đội “hai nước anh em xã hội chủ nghĩa” đã chỉ có ý nghĩa như một bức tranh che đậy cái vùng phía sau của nó đang đen dần, như một cơn giông tố đang hình thành và lừ lừ trùm lên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, nhất là vùng Tây Bắc – nơi mà “đoàn không quân Sao Đỏ anh hùng” vừa được chuyển đến để “làm nhiệm vụ canh trời Tây Bắc của tổ quốc.”

Cũng rất có thể, Bộ Quốc Phòng Việt Nam cùng quân ủy trung ương của ông Nguyễn Phú Trọng – bằng chỉ đạo cho công khai cuộc chuyển quân của đoàn không quân Sao Đỏ lên vùng Tây Bắc – đang muốn lặp lại chiến thuật “răn đe Trung Quốc” khi Việt Nam mời cả một hàng không mẫu hạm của quân đội Hoa Kỳ – USS Carl Vinson – đến “giao lưu quân sự” tại cảng Đà Nẵng vào Tháng Ba, 2018.

“Chiến tranh dầu khí”

Trong khi đó, những biểu hiện về “chiến tranh dầu khí” giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông là ngày càng rõ ràng. Những mỏ dầu khí mà Việt Nam dự kiến khai thác như Cá Rồng Đỏ (liên doanh với công ty Repsol của Tây Ban Nha) và Lan Đỏ (liên doanh với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga) đều bị Trung Quốc đặt vào tầm ngắm và chuẩn bị đe dọa. Sang năm 2017, Repsol đã chính thức thất thủ và phải cuốn cờ tháo chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ bởi có đến vài trăm tàu Trung Quốc bao vây mỏ dầu khí này. Thậm chí hải quân Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam khai thác Cá Rồng Đỏ.

Năm 2018, Việt Nam lại âm thầm định cùng Repsol khai thác Cá Rồng Đỏ. Nhưng một lần nữa, kế hoạch này lại thất bại thê thảm bởi “đồng chí tốt” Trung Quốc.

Cho tới nay, toàn bộ các mỏ Cá Rồng Đỏ, Lan Đỏ và kể cả mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi đều đang bị đình hoãn khai thác.

Tiếp theo năm 2018 “chẳng ra gì” khi hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam bị Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Bộ Chính Trị Việt Nam mất ăn ngay trên “vùng biển chủ quyền không tranh cãi” của mình, năm 2019 đang hiện ra với sắc màu tê tái dành cho nền ngân sách rỗng ruột ngoại tệ của Việt Nam.

Vào những ngày đầu năm mới 2019, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam – PVN) đã mang lại một thất vọng tím tái cho các cấp trên của nó khi thông báo rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam trong năm nay. Cụ thể, PetroVietnam dự tính sẽ khai thác 12.37 tấn dầu thô trong năm nay, giảm 11.45% so với năm ngoái.

Tỷ lệ 11.45% thậm chí còn thấp hơn mức tiết giảm dự kiến 10% mỗi năm của PetroVietnam vào năm 2018.

Vào Tháng Mười Một, 2018, PetroVietnam lần đầu tiên cho biết với trữ lượng gia tăng quá thấp khiến từ nay đến năm 2025, sản lượng khai thác dầu sẽ giảm đều đặn mỗi năm 10% – tương đương với hơn 2 triệu tấn.

Ngay cả mỏ Bạch Hổ – cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của PVN từ xưa đến nay – đã vào giai đoạn suy kiệt.

Vào năm 2021 hoặc 2022 khi mỏ Bạch Hổ trở thành “mỏ chết,” PVN sẽ phải dựa hoàn toàn vào 40% sản lượng còn lại, với điều kiện trữ lượng của những mỏ dầu còn lại vẫn còn mà không suy kiệt hẳn như Bạch Hổ.

Trữ lượng mới chỉ chiếm 1/6 sản lượng đang khai thác!

Những năm tới sẽ là một thách thức khủng khiếp: làm sao đảng và PVN tìm ra được nguồn trữ lượng dầu khí mới ở Biển Đông để thay thế cho những mỏ sắp biến thành dĩ vãng và để ngân sách của đảng lẫn đảng khỏi chết theo?

Với tình trạng trữ lượng dầu cạn kiệt nhanh trong khi quá khó để tìm ra nguồn trữ lượng mới, có thể hình dung là vào năm 2021, ngân sách chế độ sẽ mất hẳn số thu 70,000-80,000 tỷ đồng từ PVN mà do đó sẽ “kiến tạo” một lỗ thủng toang hoác không lấy gì bù trám được.

Tương lai đen tối trên đang hiển hiện trong bối cảnh hiện thời các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và cả nguồn kiều hối của “khúc ruột ngàn dặm” đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017 và 2018 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh $13.5 tỷ vào năm 2015…

Chọn Trung Quốc hay Mỹ?

Vào đầu năm 2019, thêm một lần nữa và hầu như đã mang tính hệ thống và logic, Bộ Ngoại Giao và đứng phía sau là Bộ Chính Trị Việt Nam đã không phản đối, nếu không muốn nói là có thể hiện thái độ cổ vũ, trước hoạt động áp sát quần đảo Hoàng Sa của một tàu khu trục Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường có tên là USS McCampbell.

“Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, và kêu gọi các nước đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông” – ngày 9 Tháng Giêng, 2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng “can đảm” dang cánh tay phát ngôn như thế và nói thêm rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.” Ngay trước đó, tàu USS McCampbell của hải quân Mỹ đã thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý thuộc quần đảo Hoàng Sa “để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức.”

Khu trục hạm USS McCampbell. (Hình: Getty Images)

Như vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất 4 lần thể chế một đảng ở Việt Nam “ngó lơ” chuyện chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa như một động tác thách thức Trung Quốc, trong đó có hai lần Bộ Ngoại Giao Việt Nam bất thần tỏ ra “can đảm” khi đưa ra tuyên bố hoặc “tàu Mỹ đi qua vô hại” hoặc “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông.”

Giờ đây, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ – đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Cùng với những dấu hiệu gia tăng xung đột quân sự Mỹ-Trung ở khu vực Biển Đông, Việt Nam cũng không thể tránh thoát nguy cơ một cuộc tấn công quân sự, dù có thể chỉ ở cấp độ chiến dịch, từ phía Trung Quốc. Chiến dịch tấn công này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam đang dự định khai thác nhưng nằm trong “đường lưỡi bò” mới được Trung Quốc vẽ bổ sung.

Nhưng thậm chí chiến dịch tấn công của Trung Quốc còn có thể nổ ra ở những tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Những dấu hiệu về tập trung vài ba tập đoàn quân của Trung Quốc ở khu vực này vào hai năm 2017 và 2018 có vẻ để chuẩn bị cho cuộc cưỡng chiếm ấy.

Nguy cơ bị tấn công đang hiển thị dần sau một tháng và mỗi quý. Đến giờ phút này, giới chóp bu Việt Nam phải quyết định cho chính số phận tồn vong của nó: thêm một lần đánh đu với người anh em cộng sản Bắc Kinh sẽ rất dễ khiến lục phủ ngũ tạng của dân tộc Việt Nam bị kẻ thù phanh thây – theo đúng cái cách mà chính quyền Trung Quốc đã làm để mổ sống nội tạng các tín đồ Pháp Luân Công. (Phạm Chí Dũng)

--------------------------

XEM THÊM

Người Việt Online
February 3, 2019

WASHINGTON, DC (NV)- Các chương trình xây dựng và trang bị cho các căn cứ của Trung Quốc trên Biển Đông giống như “chuẩn bị cho Thế Chiến Thứ Ba,” một nghị sĩ Mỹ cảnh báo.

Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa James Inhofe, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện cảnh báo như vậy hồi tuần qua trong cuộc điều trần của một số chuyên viên về các thách đố đối với an ninh và trật tự toàn cầu trước sự phát triển võ khí gia tăng nhanh chóng cả về lượng cũng như về phẩm của Trung Quốc và Nga.

Trong khi quân đội Mỹ hiện diện cả trên Biển Đông cũng như những nơi khác khu vực Tây Thái Bình Dương, ông Inhofe nói rằng Mỹ phần nhiều chỉ nhìn và để mặc Trung Quốc chiếm các bãi đá ngầm và đảo nhỏ rồi biến chúng thành những căn cứ quân sự quy mô, khổng lồ trang bị mọi loại võ khí và quân dụng.

Trong khi các nước nhỏ tại khu vực lo âu, phản ứng yếu ớt trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc mà Trung Quốc vẫn cứ bất chấp luật lệ quốc tế, còn Hoa Kỳ chỉ tiến hành các chuyến tuần tra hải hành và phi hành xác định quyền tự do đi lại trên các vùng biển quốc tế.

Khu trục hạm USS Decatur của Mỹ suýt bị tàu Trung Quốc cố ý cản đường đụng phải nếu không kịp đổi hướng khi đi gần một đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đây là một bãi đá ngầm mà Trung Quốc cướp của Việt Nam hồi năm 1988 nay đã được bồi đắp, biến thành một căn cứ quân sự quy mô khổng lồ.

“Như là họ đang chuẩn bị cho Thế Chíến Thứ Ba,” ông Inhofe nói.

Ông Inhofe và các nghị sĩ khác có mặt trong cuộc điều trần cho rằng không ít người dân Mỹ tỏ vẻ thờ ơ với các thử thách an ninh mà nước Mỹ đang đối diện. Họ cho rằng cái ngày mà nước Mỹ ăn trùm về quân sự sau Thế Chiến Thứ Hai hiện đang bị thu ngắn nhanh chóng. Người ta thấy Trung Quốc đang mưu đồ thay đổi trật tự thế giới theo chủ trương thống trị của riêng họ.

Cũng trong tuần qua, ông Andrew Erickson, một giáo sư tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ viết trên tạp chí nghiên cứu Indo-Pacific Defense Forum rằng số tàu chiến và các tàu đóng góp cho bộ máy chiến tranh của Trung Quốc nhiều gấp bội con số mà lâu nay người ta thường nghĩ. Bởi vậy, nước Mỹ phải nghĩ lại về chiến lược trên Thái Bình Dương.

Theo ông Erickson, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ sở hữu từ 313 đến 342 chiến hạm, căn cứ trên ước lượng của Cục Tình Báo Hải Quân. Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ có 285 chiến hạm. Tuy nhiên con số tàu Trung Quốc vừa kể mới chỉ là phần nhỏ vì lực lượng biển của họ nằm cả trên ba tổ chức chính yếu khác nhau. Mỗi tổ chức lại có những đội tàu riêng, cho nên họ đang có số lượng tàu nhiều nhất thế giới.

Nói rõ hơn, ngoài lực lượng hải quân chính quy, Trung Quốc còn lực lượng cảnh sát biển và lực lượng dân quân biển.

Cảnh sát biển và dân quân biển giúp đảng Cộng sản Trung Quốc đạt các mục tiêu chính trị “Không gây ra chiến tranh nhưng làm thay đổi nguyên trạng qua các trò ức hiếp. Bắc Kinh dùng hai lực lượng này như những lực lượng thứ hai thứ ba trên biển cho những trò hoạt động tại các vùng biển tranh chấp, chưa rõ chủ quyền như Hoàng Hải, biển Hoa đông và Biển Đông,” ông Erickson nói.

Theo ông, hai lực lượng này có 225 tàu với trọng tải từ 500 tấn trở lên cho các hoạt động xa bờ và 1,050 hay nhiều hơn nữa các tàu cỡ nhỏ hơn hoạt động các vùng biển cận duyên, gộp chung lại lên đến 1,275 tàu.

Hồi năm ngoái, khi đến dự khán cuộc tập trận của hạm đội Nam hải, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc giục lính của họ phải “chuẩn bị chiến tranh.” Đầu năm nay, họ cũng đã tập trận quy mô trên Biển Đông.

Ngày 19 Tháng Giêng, 2019, một số công dân Việt Nam yêu nước đã đến tượng đài Lý Thái Tổ tại Hà Nội dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân VNCH đã bỏ mình khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa đã bị Công an xua đuổi. (TN)





No comments: