11/02/2019
Trong những năm gần đây, những ngày sau Tết, tỉnh
Nam Định lại rộn ràng chuẩn bị cho một lễ hội rất lớn gọi là Khai ấn đền Trần.
Mỗi lần diễn ra lễ hội thu hút vài chục ngàn người dân địa phương lẫn người nơi
xa đến nhằm mục đích xin được một dấu ấn đầu năm để con đường tài lộc mở ra
trong đó việc thăng quan tiến chức là mục đích cốt lõi.
Ấn Đền Trần
Người dân trông mong vào con đường làm quan của con
cháu, gia tộc là điều bình thường nhưng những quan chức nhà nước đang nắm trong
tay quyền lực cũng chen nhau về xin ấn là hình ảnh rất phản cảm đối với dân
chúng. Người dân có cảm giác đang bị thành phần này tranh miếng đỉnh chung, dù
chỉ là ảo vọng, trong cơn thèm khát quyền lực và tiền bạc.
Theo “sự tích” do báo chí kể lại thì “năm 1822, vua
Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại chiếc ấn đã bị thất lạc.
Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều
điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô
cương". Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1
giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà
vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha
ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt
tay vào công việc.”
Một sự thật cũng được báo chí mô tả là chiếc ấn mới ấy
nay cũng đã không còn và người ta tự khắc lại chiếc ấn mới hơn vào năm 2010 mà
lại khắc không đúng với nội dung của chiếc ấn cũ!
"Tích phúc vô cương" lại được hiểu trại ra
là “Thăng quan tiến chức” thì thật là hài hước. Nếu chiếc ấn của đền Trần thực
sự quan trọng và chứa đầy huyền tích như một số báo chí loan tải thì không thể
nào nó bị phản ứng từ giới trí thức và chuyên gia có hiểu biết đến ấn tín. Nhiều
người đã chứng minh rằng chiếc ấn đền Trần chỉ được dùng trong việc quản lý đền,
tức là một hoạt động hàng năm vào ngày đầu làm việc sau những ngày nghỉ tết của
những người giữ đền. Các tờ giấy vàng được đóng dấu son chia phát cho người
tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn
nạn rủi ro trong năm. Người có nó sẽ được bình an, hạnh phúc viên mãn, một lời
chúc rất phổ biến trong xã hội Việt Nam từ ngàn xưa. Nó hoàn toàn không liên
quan gì tới các câu chuyện về các vị vua nhà Trần từng lấy nơi này làm chỗ nghỉ
ngơi sau khi thăm viếng và ghi chép công trạng của các chiến thắng quân Nguyên
Mông và phát triển lên thành “Ấn đền Trần” có thể làm cho người có nó được
thăng quan tiến chức, một ước muốn rất tầm thường nếu không muốn nói là lạc hậu.
Đền Trần là tên gọi chung, bao gồm đền Thiên Trường
thờ 14 vị vua Trần, được khởi dựng từ thời Hậu Lê và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng
Đạo, được dựng từ thời Nguyễn.
Tỉnh Nam Định là nơi có Đền Trần và bây giờ nó đương
nhiên hưởng lộc sau khi niềm tin vào ấn chứng của người dân lẫn quan chức nhà
nước. Chính UBND Thành phố Nam Định chịu trách nhiệm tổ chức hàng năm và năm
nay là năm thứ 8 với số người tham dự đông đảo chưa từng thấy thì thu nhập của
thành phố đáng để các nơi khác làm bài học về tầm quan trọng của cách xây dựng
niềm tin căn cứ trên sự mê muội của người dân để ngồi yên thủ lợi. Báo chí cho
biết số lợi nhuận mà thành phố Nam Định kiếm được sau khi phát ấn là từ 10 tới
12 tỉ, một con số không nhỏ cho một thành phố nhỏ như Nam Định.
Theo thông báo của Ban tổ chức thì năm nay số lộc
phát cho dân chúng được in tới 500 ngàn bản và do đó sẽ không lo thiếu lộc. Một
sự khẳng định không làm cho dân bớt đi niềm tin mù quáng mà trái lại củng cố
thêm quyết tâm kiếm cho được dấu ấn cho gia đình mình.
Nguồn cơn nào làm cho họ quên hẳn rằng trong 500
ngàn tờ ấn ấy, thánh thần có đủ quyền phép để ban cho người cầm nó trong tay được
thăng quan tiến chức như nhau, chưa kể quan với chức nào đủ để ban cho mọi người
từ một anh xe ôm, tới bà bán chè hay một thiếu nhi bán vé số? Quan chức dù gì
thì cũng phải có chữ hoặc có tiền bằng không thì phải thân thế, người dân làm
sao sờ được chiếc ghế quan quyền ngay cả khi cầm trong tay tờ giấy vàng không
khác tấm vàng mã âm phủ dành cho người đã chết?
Dân chúng mù quáng tin vào quyền lực thần thánh của
chiếc ấn cũng là điều dễ hiểu nhưng quan chức, thậm chí có người giữ chức rất
to vẫn tin vào sức mạnh của chiếc ấn đôi khi còn hơn người dân thì thật khó hiểu.
Phải chăng sức mạnh của Đảng Cộng sản không còn hiệu quả khiến cho họ “ngã
lòng” trước một sức mạnh huyền bí khác, cho dù sức mạnh ấy không có thật nhưng
lại đầy quyến rũ. Sự quyến rũ không thua những ngày đầu khi cộng sản xuất hiện
tại Việt Nam với những câu thần chú đầy sức mạnh của thế giới bên kia, thế giới
đại đồng, thế giới cộng sản, thế giới của mơ ước không hề có thật.
-----------------------
ĐỀN
VUA TRẦN - NAM ĐỊNH
No comments:
Post a Comment