Friday, February 1, 2019

MÓN QUÀ CỦA TRUMP DÀNH CHO TALIBAN (tổng hợp)




Brahma Chellaney  -  Project Syndicate
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Posted on 01/02/2019 by The Observer

Sau các cuộc tấn công ngày 11/09/2001, Hoa Kỳ đã xâm lược Afghanistan và lật đổ chế độ Taliban, từ đó phá hủy một mạng lưới khủng bố quốc tế chủ chốt. Nhưng bây giờ, một nước Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh, với một vị tổng thống đang tìm cách thoát khỏi mớ bòng bong càng nhanh càng tốt, đã đạt được một thỏa thuận dự kiến đáp ứng phần lớn các yêu sách của Taliban. Taliban, vồn từng chứa chấp al-Qaeda và hiện vẫn đang thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, đã giành được không chỉ lời hứa của Mỹ về việc rút quân khỏi Afghanistan trong vòng 18 tháng, mà còn là cả một con đường để quay lại giành quyền lực ở Kabul.

Lịch sử đang lặp lại. Hoa Kỳ một lần nữa bỏ rơi một Afghanistan bị chiến tranh tàn phá, giống như cách họ đã làm ba thập niên trước sau một chiến dịch bí mật thành công của CIA nhằm buộc Liên Xô rời khỏi đất nước này. Hoa Kỳ, vốn đang tuyệt vọng tìm cách chấm dứt cuộc chiến dài nhất từ ​​trước đến nay của mình, dường như đã quên mất một bài học quan trọng về lần từ bỏ đó: hành động này đã biến Afghanistan trở thành một thành trì của khủng bố xuyên quốc gia, dẫn đến nội chiến và cuối cùng là những cuộc đổ máu ở phương Tây.

Thỏa thuận đạt được giữa Taliban và Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về Hòa giải cho Afghanistan, Zalmay Khalilzad, đọc nghe như một sự đầu hàng toàn diện của chính quyền Trump. Vào năm 2014, Mỹ đã ký một hiệp ước an ninh với chính phủ Afghanistan, cho phép Mỹ tiếp cận 9 căn cứ quân sự ít nhất cho đến năm 2024. Nhưng giờ đây, Mỹ đã đồng ý rút toàn bộ lực lượng để đổi lấy một lời hứa mơ hồ từ Taliban rằng tổ chức này sẽ không cho các mạng lưới khủng bố khác có chỗ đứng trên lãnh thổ Afghanistan. Mỹ không để ý đến thực tế rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã có mặt ở Afghanistan và đang đặt ra thách thức cho chính Taliban.

Mặc dù thỏa thuận này được gọi là một “thỏa thuận hòa bình”, nhưng gần như chắc chắn nó sẽ dẫn đến nhiều bạo lực Hồi giáo hơn, nhất là đối với phụ nữ Afghanistan. Taliban quyết tâm áp đặt lại các tập quán thời trung cổ mà họ đã thi hành trong thời kỳ cai trị khắc nghiệt từ năm 1996 đến năm 2001. Những tiến bộ mà Afghanistan đã đạt được về đảm bảo quyền của phụ nữ và quyền dân sự có thể sớm bị đảo ngược.

Một điều chắc chắn là Taliban rất tàn bạo và bừa bãi trong việc sử dụng bạo lực, và họ thậm chí từ chối công nhận chính phủ hợp pháp của Afghanistan, điều sẽ khiến việc thực hiện “hiệp định khung” trở nên cực kỳ khó khăn. Một số vấn đề chính phải được nêu ra một cách rõ ràng, bao gồm cả việc khi nào thì lệnh ngừng bắn giữa Taliban và các lực lượng Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn sẽ có hiệu lực. Và ngay cả khi đó, vẫn chưa rõ liệu Taliban có chấp nhận một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hay không.

Trên thực tế, sau khi được khuyến khích bởi một loạt các nhượng bộ của Hoa Kỳ trong sáu năm qua, Taliban đã leo thang các cuộc tấn công khủng bố và giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường trước các lực lượng Afghanistan. Vì vậy, họ sẽ xem thỏa thuận mới như là một sự xác nhận ngầm định về chiến thắng chung cuộc sắp tới của họ. Họ biết rằng thời gian đứng về phía mình, và hầu hết người Mỹ ủng hộ việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan. Điều đó có nghĩa là Taliban sẽ chọn lập trường cứng rắn khi đàm phán các chi tiết của một thỏa thuận cuối cùng.

Bên cạnh việc đại diện cho một chiến thắng lớn cho Taliban, hiệp ước này còn là một chiến thắng cho Pakistan, nước đã chứa chấp dàn lãnh đạo của Taliban và cung cấp các căn cứ địa xuyên biên giới cho các chiến binh của tổ chức này. Mới năm ngoái, Trump đã giảm viện trợ an ninh của Hoa Kỳ cho Pakistan, viết trên Twitter rằng “họ đã không cho chúng ta điều gì ngoài sự dối trá và lừa đảo, coi các nhà lãnh đạo của chúng ta như những kẻ khờ. Họ cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố mà chúng ta săn lùng ở Afghanistan, đồng thời chẳng mang lại sự giúp đỡ nào”.

Không những không từ bỏ cách tiếp cận thất bại của cựu Tổng thống Barack Obama như đã hứa, Trump giờ thậm chí đã hoàn thành nhiệm vụ dang dở của người tiền nhiệm, đó là đạt được một thỏa thuận với Taliban. Trump gần đây cũng tuyên bố rút quân khỏi Syria, điều cho thấy Hoa Kỳ sẽ dễ dàng hi sinh các đồng minh người Kurd và Afghanistan nhằm thoát ra khỏi những vũng lầy ở nước ngoài do chính họ tạo ra.

Một điều chắc chắn là “thỏa thuận với quỷ” của Mỹ dành cho Taliban đã được hình thành trong suốt nhiều năm, điều giải thích tại sao nhóm này không có mặt trong danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hàng năm, mặc dù Taliban đã giết nhiều dân thường trong năm qua hơn bất kỳ nhóm khủng bố nào khác. Để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với Taliban, Obama đã cho phép Taliban thành lập một phái đoàn ngoại giao trên thực tế tại thủ đô Doha của Qatar vào năm 2013. Một năm sau, ông đã trao đổi năm lãnh đạo cấp cao của Taliban để lấy một trung sĩ quân đội Hoa Kỳ (người sau đó bị kết  tội đào ngũ).

Hơn nữa, để đặt nền tảng cho thỏa thuận, các nhà hoạch định chiến tranh của Hoa Kỳ từ lâu đã không nhắm vào căn cứ kiểm soát và chỉ huy của Taliban ở Pakistan, qua đó làm suy yếu các mục tiêu quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Như vị chỉ huy tối cao của quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan đã thừa nhận vào năm 2017: “Rất khó để thành công trên chiến trường khi kẻ thù của bạn nhận được sự hỗ trợ và nơi trú ẩn an toàn ở bên ngoài”.

Mỹ đã đi đủ một vòng tròn. Taliban, giống như al-Qaeda, tiến hóa từ một nhóm thánh chiến bạo lực mà CIA đã đào tạo ở Pakistan để tiến hành chiến tranh chống lại Liên Xô trong những năm 1980. Sau khi hứng chịu cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, Mỹ đã quay sang chống Taliban, đẩy các nhà lãnh đạo của nhóm này ra khỏi Afghanistan.

Nhưng giờ đây, để tìm kiếm một lối thoát trong danh dự ra khỏi vũng lầy Afghanistan, Mỹ đang âm thầm chuẩn bị để cho đất nước Afghanistan rơi lại vào tay nhóm khủng bố mà họ đã loại bỏ khỏi quyền lực 17 năm trước đây. Đáng buồn thay, một khi quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan, khả năng của Mỹ trong việc ảnh hưởng đến các sự kiện ở đó, hoặc ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố lên chính đất Mỹ, sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.

*
Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (đặt tại New Delhi) và Nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch tại Berlin, là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, and Water, Peace, và War: Confronting the Global Water Crisis. 

Nguồn :
Brahma Chellaney, “Trump’s Gift to the Taliban”, Project Syndicate, 30/01/2019.
Copyright: Project Syndicate 2019

---------------------------------

XEM THÊM


Nguyễn Đạt Thịnh
Wednesday, 30/01/2019

Đặc Sứ đại diện Mỹ trong cuộc thương thuyết với Taliban về việc rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường A Phú Hãn-ông Zalmay Khalilzad- tiếp phóng viên The New York Times, để công bố, qua hình thức phỏng vấn, về cuộc thương thuyết của ông- hoặc chính xác hơn- về cuộc rút quân sắp xảy ra của Mỹ.

Dùng để mô tả việc ông Khalilzad đang làm, hai chữ 'thương thuyết' có thể thiếu chính xác, vì thương thuyết là một cuộc trả giá, có đúng giá mới rút quân, nhưng đây là một quyết định đơn phương của Mỹ, nên giá nào cũng rút. Thái độ đó người Mỹ đã làm một lần cách đây 44 năm, tại Việt Nam, và được người Nam Việt gọi là 'tháo chạy'.

Năm đó -1973- người Mỹ tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam, bỏ đồng minh Nam Việt một mình ở lại, đối phó với Bắc Việt được hai cường quốc cộng sản Nga, Tầu yểm trợ.

Cũng như lần này, trước khi bỏ chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam, người Mỹ cũng tổ chức thương thuyết với Cộng Sản; việc đó xảy ra tại Paris, năm 1973.

Mỹ thương thuyết với Bắc Việt tại Ba Lê trong hoạt cảnh bà già Mỹ khôn ngoan trả giá với anh kẻ cắp Việt Cộng nham nhở.

Bà già Mỹ không lừa được kẻ cắp Việt Cộng, nên bà cụ Hoa Thịnh Đốn vẫn phải chấp nhận đóng một cái bàn lệch để đối thoại với cả hai đối phương: Một là Bắc Việt Cộng, và hai là Nam Việt Cộng, mặc dù Mỹ vẫn biết hai đứa hai tên, nhưng cùng một nòi cộng sản.

Năm nay, ông Đặc Sứ Mỹ Zalmay Khalilzad dùng hình thức 'phỏng vấn' để gián tiếp báo cho người Mỹ, biết việc A Phú Hãn sắp thất thủ sau cuộc 'đi đêm' giữa Mỹ và Taliban, lực lượng kháng chiến chống Mỹ.

Hai chữ 'đi đêm' dùng trong trường hợp này, cũng lại không chính xác, vì Khalilzad được bộ Ngoại Giao Mỹ chính thức và công khai chỉ định nhân danh và đại diên nước Mỹ thương thuyết với Taliban

Ông Zalmay Khalilzad đại diện nước Mỹ thương thuyết với Taliban. (Getty Images)

Mỹ tạo ra một cái khung chứa, để đựng những đòi hỏi họ yêu cầu viên chức Taliban đồng ý; nói là cái khung, nhưng ngay lúc này Mỹ chỉ đòi Taliban có một điều quan trọng duy nhất là giới lãnh đạo Taliban phải cam kết không bao giờ còn để quân khủng bố lợi dụng lãnh thổ A Phú Hãn để tấn công Hoa Kỳ, điều mà A Phú Hãn đã để bin-Laden làm ngày 11 tháng Chín 2011.

Ngoài đòi hỏi căn bản đó, Mỹ còn yêu cầu Taliban ký kết với chính phủ thân Mỹ hiện tại của Tổng Thống Ashraf Ghani, để ấn định quy chế chính trị cho A Phú Hãn sau chiến tranh.

Nhiều lần Taliban đã quyết liệt không nhìn nhận chính phủ của Tổng Thống Ghani; ông này còn không bằng ông Thiệu -không được tham dự cuộc hòa đàm ngay từ ngày thứ nhất tại Paris, mà chỉ được Taliban gọi đến 'làm việc', sau khi Mỹ đã rút quân tháo chạy, như họ đã từng tháo chạy tại Việt Nam.

Nhưng Đại Sứ Khalilzad vẫn quả quyết là, "Chúng tôi chỉ mới có một dự thảo về cái khung của cuộc rút quân, cái khung đó còn phải được bổ sung trước khi nó trở thành một thỏa uớc." Ông không nói sự thỏa thuận đó là của ai, trong lúc Taliban không chấp nhận nói chuyện với chính phủ A Phú Hãn.

Đặc Sứ Khalilzad cũng không đặt nặng vấn đề Taliban có thương thuyết với chính phủ A Phú Hãn hay không; ông chỉ thản nhiên lập lại với phóng viên truyền thông, "Taliban cam kết với Hoa Kỳ là họ sẽ làm mọi việc để lãnh thổ A Phú Hãn không còn bao giờ còn trở lại vai trò căn cứ địa của quân khủng bố nữa."

Tổng Thống A Phú Hãn Ashraf Ghani (Getty Images)

Tuy nhiên Khalilzad có thể coi việc còn hay mất của chính phủ Ghani là quan hệ, vì ông vẫn lạc quan, tuyên bố, "Chúng tôi sẽ bổ túc cái khung này cho thật đầy đủ, trước khi rút quân."

Thái độ của ông Khalilzad nhắc người Việt Nam nhớ lại cuộc họp tại Dinh Độc Lập ngày 18 tháng Hai, 1975 để thảo luận về kế hoạch Lý Thường Kiệt -kế hoạch phòng thủ Việt Nam trước cuộc tổng tấn công lần thứ nhì của Việt Cộng; lần 'thứ nhì' vì trước đó ba năm, năm 1972, đại quân Bắc Việt đã tổng tấn công một lần, nhưng thất bại trước khả năng tăng viện của hai sư đoàn chủ lực trên tuyến phòng thủ Nam Việt, qua ba điểm giao tranh quyết liệt nhất -Quảng Trị, Kontum, và An Lộc.

Trong cuộc họp đó, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú trình bầy tình hình của Quân Khu 2, với hai mũi dùi Việt Cộng đã thọc sâu vào lãnh thổ miền Nam tại hai tỉnh KonTum và Ban Mê Thuột, và đặt ra vấn đề tăng viện.

Dưới tay Mỹ, và kín đáo trong vai trò phát ngôn viên của Mỹ, Tổng Thống Thiệu trả lời là Nam Việt không còn chủ lực quân, vì nội dung của bản Hiệp Ước Ba Lê không cho phép cả hai quân đội Bắc và Nam Việt Nam di chuyển, tái phối trí, hay thay đổi chỗ đóng quân.
Nói cách khác: Hồn ai nấy giữ.

Các đơn vị Nam Việt đang hiện diện tại tỉnh nào, phải nằm im tại tỉnh đó, vì Thỏa Hiệp Ba Lê cấm chuyển quân.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực VNCH, sau khi ban hành những lệnh gây hỗn loạn cho Quân Đoàn 1 và ấn định tử lộ cho Quân Đoàn 2 -chỉ thị cho họ phải rút quân qua tỉnh lộ 7, cho gần với những khẩu pháo Việt Cộng đang tấn công Ban Mê Thuột, và khiến Quân Đoàn 2 mất toàn bộ cơ giới, thiết giáp, pháo binh, quân xa trên quốc lộ 7 không còn cây cầu nào cả từ những năm 1952 trở về sau.

Khoảng cách thời gian giữa hai cuộc rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam và A Phú Hãn là 46 năm (2019-1973); Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã vĩnh viễn ra đi; với hai bàn tay trắng để tái ngộ bao nhiêu triệu oan hồn, uổng tử, của những chiến sĩ Việt Nam vẫn còn trí súng phòng thủ chiến tuyến, trong lúc tổng thống đã được máy bay Mỹ đưa qua Đài Loan tị nạn.

Giờ này, tổng thống A Phú Hãn Ashraf Ghani có khả năng gì giúp quân đội Mỹ ra khỏi vũng lầy A Phú Hãn hay không?

Ước mong viển vông của người viết bài báo nhỏ này là 58,220 tử sĩ Mỹ đã hy sinh tính mạng trong cuộc chiến Việt Nam mà họ tham dự nửa thế kỷ trước, mỗi người cho quý vị tướng lãnh Mỹ, quý vị chiến thuật, chiến lược gia Mỹ mượn một tí nhãn lực, để họ ngồi trong phòng tối suốt một tháng dài hầu đọc quyển 'Phản Du Kích Chiến', quyển sách họ phải viết ra sau ngày chạy trối chết để ra khỏi chiến trường Việt Nam.

Họ có biết là họ đánh trận chiến tranh A Phú Hãn bằng chiến thuật giao tranh chính quy, mà họ đã sử dụng và đã thua trận bỏ cả danh dự mà chạy cho thoát thân ra khỏi Việt Nam hay không?

Chỉ cần dí mũi vào tường, ngồi diện bích ba ngày là tìm ra chân lý thôi. Xin mời quý vị mang trên cổ áo vài ba sao thử xem. Dễ lắm, ráng học đi. Đừng đem Tháng Tư Đen đến quốc gia thứ ba nữa, nếu quý vị không cứu được A Phú Hãn ra khỏi số kiếp nạn nhân thứ nhì của cố vấn Mỹ.





No comments: