VOA Tiếng Việt
02/02/2019
Tổ chức chuyên theo dõi nhân quyền quốc tế hôm 1/2 tố
cáo chính quyền Việt Nam đã “đệ trình một hình ảnh rất sai thực tế” về hồ sơ
nhân quyền của mình trong đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Liên Hiệp Quốc
gần đây.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), báo cáo của
chính phủ cho rằng Việt Nam đã thực thi được 175 trong số 182 khuyến nghị mà nước
này chấp thuận từ đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát năm 2014 là “rất xa thực tế”.
“Các nhà lãnh đạo của Việt Nam lẽ ra có thể vận dụng phiên kiểm điểm của
Liên Hiệp Quốc để thực thi các cải cách về nhân quyền thực sự, nhưng thay vào
đó họ lại lún sâu hơn qua việc chối bỏ hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, nhận định
trong thông cáo đưa ra hôm 1/2 của tổ chức này.
HRW cho biết họ đã ghi nhận việc chính quyền Việt
Nam bắt giữ tùy tiện đối với ít nhất 63 nhà hoạt động và blogger trong năm 2017
và 2018, kết tội ít nhất 15 nhà hoạt động và blogger theo các cáo buộc “ngụy tạo”
về an ninh quốc gia, với nhiều bản án lên tới mức hơn 10 năm tù giam. Các luật
sư bào chữa không có đủ thời gian hoặc không được trình bày ý kiến trong các
phiên tòa có động cơ chính trị.
Tổ chức nhân quyền nói thực tế này trái ngược với những
gì mà Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung báo cáo tại Liên Hiệp Quốc rằng “Việt
Nam đảm bảo cho mọi người quyền bình đẳng trước pháp luật”.
HRW cũng dẫn ra nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm
nhân quyền, trong đó có trường hợp của nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng,
nói rằng ông Lượng đã bị cấm không được tiếp xúc với luật sư cho đến tận 1
tháng trước khi bị kết án 20 năm tù. Ngoài ra, còn có trường hợp “mất tích” của
blogger Nguyễn Danh Dũng sau khi ông này bị bắt vào tháng 12/2016.
HRW còn đưa ra các trường hợp thực tế khác để phản
biện lại tuyên bố của Việt Nam về quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, đặc biệt
trong lĩnh vực truyền thông, báo chí.
“Chính quyền Việt Nam phát biểu rằng ‘Việt Nam đã trở thành một nước có tốc
độ phát triển internet cao nhất thế giới’, với hơn nửa dân số sử dụng internet
và khoảng 58 triệu tài khoản Facebook, nhưng đã lờ đi thực tế rằng theo luật an ninh mạng mới có
hiệu lực, hàng chục triệu người sử dụng internet ở Việt Nam sẽ không có quyền bảo
mật riêng tư và có thể bị bắt giữ tùy tiện vì đăng tải thông tin bị chính quyền
cho là đe dọa tới an ninh quốc gia”, thông cáo của
HRW nói.
Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát do Hội đồng Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc thành lập vào năm 2007 nhằm rà soát định kỳ tình hình nhân
quyền của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Trước kỳ kiểm điểm lần này, Việt
Nam từng tham gia UPR vào năm 2009 và năm 2014.
Cũng như hai lần kiểm điểm trước, Việt Nam khẳng định
đã “đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con
người” và được các nước tham gia kiểm điểm “ghi nhận các thành tựu” trong nỗ lực
bảo đảm quyền con người, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam nói hôm
24/1.
Ngược lại, nhiều tổ chức nhân quyền và các nhà hoạt
động trong nước đều lên án Việt Nam về tình trạng trấn áp nhân quyền ngày càng
tăng trong thời gian gần đây. Tại kỳ kiểm điểm lần này, nhiều quốc gia tham gia
chất vấn cũng nêu ra những quan ngại đối với Việt Nam về khả năng vi phạm nhân
quyền của Luật An ninh mạng, tình trạng tra tấn, vấn đề công đoàn, quyền tự do
hội họp, tự do tôn giáo, môi trường an toàn cho xã hội dân sự…
*
LIÊN
QUAN
No comments:
Post a Comment