Tuesday, February 19, 2019

HUAWEI - DONALD TRUMP : 1 - 0 ? (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 19-02-2019 

Cuộc đọ sức công nghệ 5G giữa Mỹ và Trung Quốc chưa biết hồi nào chấm dứt. Hoa Kỳ từ đầu cuộc chiến luôn ở thế thượng phong. Nhưng với thời gian, thế cờ đang bị đảo ngược, lợi thế đang nghiêng về phía Trung Quốc.

Chưởng lý Richard Donoghue vùng phía đông New York, Hoa Kỳ, thông báo các trừng phạt nhắm vào tập đoàn Hoa Vi (Huawei), Washington, ngày 28/01/2019REUTERS/Joshua Roberts

Với việc Cơ quan an ninh mạng Anh Quốc trong một báo cáo cho rằng trang thiết bị viễn thông 5G của Hoa Vi không mang một rủi ro nghiêm trọng nào, tổng thống Mỹ « Donald Trump đang thua một ván trong cuộc chiến chống Hoa Vi của Trung Quốc ». Trong bài « Siêu điệp viên James Bond không ngán Trung Quốc », nhà báo Jean-Michel Bezat trên phụ trang kinh tế báo Le Monde giải thích vì sao.

Theo National Cyber Security Centre NCSC Anh Quốc, tập đoàn viễn thông hàng đầu chuyên cung cấp trang thiết bị viễn thông mà Hoa Kỳ cáo buộc là con ngựa thành Troie làm gián điệp cho Trung Quốc không mang tính đe dọa đến mức phải cấm hãng này gia nhập thị trường. Kết luận này khác hẳn với « những mối quan ngại sâu sắc » mà bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Gavin Williamson đã bày tỏ hồi tháng 12/2018.

Luân Đôn tuyên bố có khả năng kiểm soát và giảm nhẹ các rủi ro gián điệp hay tấn công mạng có liên quan đến các trang thiết bị do tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi cung cấp trong việc triển khai mạng 5G, mang yếu tố quyết định cho tương lai nền kinh tế kỹ thuật số (xe ô tô tự vận hành, vật dụng có kết nối, nhà máy thời 4.0, các ứng dụng quân sự...)

Kết luận này được tờ báo Anh Financial Times tiết lộ hôm Chủ Nhật 17/02/2019. Đây quả là một cái tát dành cho ông Donald Trump hiện đang lao vào một cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung và Hoa Vi được xem như là biểu tượng của đế chế công nghệ Trung Quốc. Cú tát này còn mạnh mẽ hơn bởi vì Vương Quốc Anh có tham gia vào liên minh Five Eyes, mà nước này chia sẻ các thông tin cực kỳ nhậy cảm với Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand.

Việc từ chối mọi kiểu báo động dọa dẫm trước đó đã được lãnh đạo cơ quan tình báo Anh Quốc (MI6) bày tỏ ngay tại Hội nghị An ninh Munich hôm thứ Sáu 15/02. Ông Alex Younger cho rằng vấn đề này « phức tạp hơn chuyện "ở trong hay ở ngoài" ». Theo ông, điều trước tiên là nên tự bảo đảm chất lượng các tiêu chuẩn (kể cả cho vấn đề an ninh), « một điều chẳng liên quan gì với các nước xuất xứ ». Thứ nữa là nên tránh chỉ có một nhà cung cấp duy nhất, trong lúc tại châu Âu cũng có nhiều nhà cung cấp khác như Ericsson và Nokia hay Cisco của Mỹ.

Washington đang tiến hành một chiến dịch gây áp lực mạnh mẽ buộc châu Âu cũng phải tẩy chay Hoa Vi. Sự cẩn trọng của Anh Quốc, vốn dĩ rất cảnh giác về vấn đề an ninh quốc gia, sẽ có một tác động mạnh đối với nhiều nước khác tại châu lục Già Cỗi này hiện đang phân vân khó xử.

Theo tác giả, hiện có nhiều giải pháp kỹ thuật cho phép các cơ quan tình báo xâm nhập đến tận mã nguồn của Hoa Vi và nhiều đối thủ cạnh tranh của hãng này. Do vậy, các nước không thể bỏ qua các trang thiết bị của Hoa Vi, một tập đoàn đa quốc gia đã cắm rễ sâu tại châu Âu từ hơn 10 năm qua, và tại Pháp là 16 năm. Mặt khác, cũng không nên kìm hãm việc triển khai mạng 5G, trong khi mà châu Âu đã chậm bước so với châu Á và Mỹ.

Hoa Vi đã mở một chiến dịch truyền thông để phản công. Chiến dịch này còn mạnh mẽ hơn khi mà ban lãnh đạo của hãng phê phán Hoa Kỳ sử dụng những phương pháp tồi tệ nhất và tuyên truyền thông tin giả (fake news). Ví dụ mới nhất Hoa Vi đưa ra là phát biểu của đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu. Ông Gordon Sondland dường như khẳng định rằng từ Bắc Kinh người ta có thể điều khiển, làm cho một xe ô tô tự hành đang chạy tại châu Âu hay tại Mỹ lao ra ngoài đường và giết chết hành khách trong xe.

*
Bầu cử Nghị Viện Liên Hiệp Châu Âu : Các đảng chính thống thoái trào ?
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là diễn ra kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Trào lưu dân túy có xu hướng đang lên và có hy vọng chiếm được nhiều ghế ở Nghị Viện. Tuy nhiên, Les Echos trên trang nhất lưu ý đến « những hạn chế của phe theo chủ nghĩa dân túy ».

Theo các thăm dò mới nhất, cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc và những đảng hoài nghi châu Âu có khả năng thu được 21% số ghế ở Nghị Viện. Cục diện chính trường châu Âu ít nhiều có những biến đổi. Tuy phe dân túy không thể ngăn chận được việc thông qua các dự luật nhưng thế mạnh của những lực lượng dân túy này cũng có thể tác động, ảnh hưởng lên nhiều định chế.

*
Quân thánh chiến : Bài toán hóc búa cho châu Âu
Làm thế nào xử lý số công dân tham gia thánh chiến ? Châu Âu đang vật vã tìm giải pháp là nhận định chính trên trang nhất của Le Figaro.

Tổng thống Donald Trump ngày thứ Bảy 16/02/2019 lên tiếng thúc ép các đồng minh châu Âu phải cho hồi hương số quân thánh chiến phương Tây bị binh sĩ Kurdistan bắt giữ tại Syria để đưa ra xét xử ở trong nước, bằng không ông sẽ cho trả tự do.

Thái độ này của tổng thống Mỹ khiến Le Figaro, trong bài xã luận ngao ngán thốt lên « đồng minh gì mà lạ đời ». Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu khác ngày thứ Hai 18/02 phải hội kiến để tìm kiếm một giải pháp ứng phó với các áp lực của Donald Trump và lực lượng Kurdistan tại Syria.

Le Figaro trích dẫn cảnh báo của một quan chức Kurdistan cho rằng số quân thánh chiến này chẳng khác gì như những « quả bom nổ chậm » và những nước có công dân tham gia thánh chiến phải gánh lấy trách nhiệm. Trong khi thành trì cuối cùng của quân thánh chiến Daech đang bị tiêu diệt dần dần ở phía đông Syria, tư pháp của nhiều nước châu Âu đang « rối trí » không biết xử lý ra sao với những kẻ mà Le Figaro gọi là « hồn ma ». Tư pháp nước Pháp đang nghiên cứu nhiều kịch bản. Hiện tại Pháp chưa đáp trả các mệnh lệnh của Hoa Kỳ và duy trì chính sách tiếp nhận « theo từng trường hợp » theo như phát biểu của bộ trưởng Tư Pháp, bà Nicole Belloubet.

*
Châu Phi : Miếng mồi ngon cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ
Không hẹn mà nên, châu Phi lại được hai tờ báo Les Echos và Liberation cùng quan tâm đến. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phóng sự dài giải thích « Làm thế nào Trung Quốc chiếm ưu thế ở châu Phi ».

Tiền Trung Quốc đổ vào châu Phi như thác chảy. Chính sách này của Bắc Kinh khiến nhiều định chế quốc tế và các nước phương Tây phải gióng chuông báo động. Nếu như trong những thập niên 1980-1990, việc nhiều nước giầu xóa nợ cho các nước châu Phi dưới sự giám sát của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới đã cho phép rút ngắn lại tỷ lệ nợ từ 100% so với GDP xuống còn ở mức 30% vào năm 2013.

Thế nhưng, tỷ lệ mắc nợ này lại có xu hướng tăng lên trong vài năm gần đây. Tháng Giêng năm 2019, Ngân Hàng Thế Giới đưa ra con số báo động là 50% trong năm 2017. Còn theo IMF, khoảng 40% quốc gia có thu nhập thấp, chủ yếu là châu Phi có mức nợ siêu cao. Tình hình châu Phi có thể nói ngày càng trở nên xấu đi mà thủ phạm chính không ai khác là Trung Quốc, nguồn tài trợ chính cho châu lục với những phương pháp cho vay đáng ngờ và mờ ám.

Tuy nhiên, chuyên gia Jean-Joseph Boillot, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IRIS trên Les Echos có giải thích rằng vì sao phương Tây không thể lên án Trung Quốc. « Trung Quốc chỉ sao chép lại những gì Pháp đã làm với Françafrique hay như Mỹ với vùng châu Mỹ Latinh. » Hàng tỷ đô la mà Trung Quốc đổ vào châu Phi cho phép hỗ trợ tăng trưởng cho châu lục. « Nhờ Trung Quốc, châu Phi đã thoát cảnh lệ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu của mình ».

Về phần mình, « Thổ Nhĩ Kỳ cũng hướng đến châu Phi và xa hơn thế nữa ». Theo Liberation, trong những năm gần đây, Ankara không ngừng gia tăng sự hiện diện của mình tại châu Phi trong nhiều lĩnh vực : Thương mại, quốc phòng, hợp tác... Thổ Nhĩ Kỳ tạo dựng một « quyền lực mềm » riêng của mình được cho là cân bằng hơn so với « quyền lực mềm » của phương Tây và ít khắt khe hơn so với Ả Rập Xê Út.

Theo giải thích của ông Sedat Ahmet Aybar, giáo sư trường đại học Aydin ở Istanbul, « lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Phi ngày càng trở nên mang tính chiến lược và Liên Hiệp Châu Phi cũng đã xem Thổ Nhĩ Kỳ như là một đối tác chiến lược ». Trong vòng có 20 năm gần đây, trao đổi mậu dịch giữa hai bên đã tăng từ 100 triệu đô la lên thành 20 tỷ đô la trong năm 2018.

Đương nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đứng phía sau, cách xa Trung Quốc hay Pháp, nhưng cường quốc kinh tế thứ 17 trên thế giới đang dần khẳng định như là tác nhân không thể thiếu tại châu lục đen này.

*
Glyphosate và chứng bệnh ung thư máu
Trong lĩnh vực sức khỏe và môi trường, báo Le Monde thông báo « Glyphosate : Một nghiên cứu cho thấy rõ mức tăng nguy cơ mắc chứng Lymphoma ».

Theo kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, rủi ro mắc chứng Lymphoma Không Hodgkin NHL, một dạng ung thư máu tăng 41% đối với những người thường xuyên tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Roundup do tập đoàn Monsanto chế tạo. Rủi ro mắc chứng ung thư máu tăng đối với những người thường xuyên phơi nhiễm không chỉ với chất Glyphosate mà cả với tất cả các sản phẩm được chế biến từ glyphosate trong điều kiện có sử dụng và phơi nhiễm thật sự.





No comments: