15/02/2019
Venezuela
đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi. Vấn đề Venezuela đã trở thành tâm
điểm chính trị không chỉ của riêng người dân Venezuela mà còn là của thế giới.
Nhiều nguyên thủ các quốc gia có tầm vóc đã lên tiếng. Đặc biệt giới đấu tranh
Việt Nam đang dán mắt dõi theo khi thấy phe Nicolás Maduro càng ngày càng mất
ưu thế trong khi ngược lại phe đối lập đứng đầu là Juan Guaidó đã giành được vị
thế quan trọng trong đời sống chính trị của Venezuela, thêm vào đó sự ủng hộ
chính thức từ tổng thống cường quốc số một Hoa Kỳ. Niềm mơ ước chấm dứt chế độ
độ tài theo xu hướng cộng sản có vẻ như rất gần và Venezuela đang chắp cánh cho
giấc mơ dân chủ. Nhiều người đấu tranh Việt Nam đã thốt lên "Venezuela
ngày nay, Việt Nam ngày mai".
Venezuela
có thực sự như mơ không ? Trước hết phải nhìn nhận tình trạng máu vẫn tiếp tục
đổ và chưa có điều gì hứa hẹn nó sẽ dừng lại. Chế độ độc tài Maduro chắc chắn
phải ra đi vì nó bấu víu vào ý thức hệ xã hội chủ nghĩa lỗi thời và đã bị đào
thải từ lâu. Chế độ xã hội chủ nghĩa đã tàn phá một đất nước giàu có thành một
đất nước tàn tạ không chỉ bây giờ mà đã khiến người dân sống trong cơ cực trong
nhiều năm. Nó không còn lý do để tồn tại. Nhưng cái quan trọng là chế độ Maduro
ra đi bằng cách nào ? Tôi chắc chắn có nhiều người sẽ nói :
-
Đâu có quan trọng ra đi bằng cách nào. Quan trọng là nó ra đi.
Khi
chế độ độc tài ra đi là điều tất yếu thì việc ra đi không còn quan trọng nữa mà
ra đi như thế nào mới là quan trọng. Ra đi như đế quốc Anh khỏi Ấn Độ hay
'ra đi' như Gadafi. Trong khía cạnh này tôi không có ý chỉ nhắc đến cái chết
thê thảm của Gadafi mà cả một bối cảnh chuyển mình đau đớn của Libya với những
cái chết không quan trọng người đó là ai, không quan trọng người đó ở phe nào.
Sẽ
có người cho rằng thành quả cách mạng xứng đáng cho mọi sự hy sinh. Máu sẽ tô
thắm thêm ngọn cờ cách mạng.
Ngăn
chặn đổ máu trên phương diện quốc gia là nghĩa vụ trách nhiệm của người làm
chính trị đứng đắn.
Bạo
lực sẽ xảy ra và có cần thiết hay không ?
Tạm
nhìn nhận Venezuela hiện có hai lực lượng chính trị đang ở thế đối kháng mà sức
mạnh vũ trang đang đóng một vai trò quan trọng. Sự ủng hộ của Trump có vẻ
làm nặng thêm cán cân cho phe đối lập. Trong khi đó việc chống lưng cho Maduro
từ phía Nga, Trung Quốc cũng là một thực tế. Một số chỉ dấu cho thấy chính quyền
Maduro có thể bất chấp sự đổ máu trừ khi là máu mình. Phía Guaido thì chưa có
biểu hiện gì nhưng rõ ràng là chưa thấy những nỗ lực thể hiện quan điểm chính
trị của Guaido về vấn đề này. Tất cả những dữ kiện trên đều có thể dẫn đến cảnh
‘nồi da xáo thịt’ không mong muốn.
Kinh
nghiệm can thiệp quân sự từ bên ngoài để giải quyết vấn đề bên trong mỗi quốc
gia đều phải trả giá rất đắt và thường là không thành công. Sự kêu gọi can
thiệp từ bên ngoài của bất cứ phe nào cũng chứng tỏ sự kém cỏi của chính họ. Nó
nói nên một điều rằng họ chưa phải là một lực lượng đủ tầm vóc để cáng đáng việc
quốc gia. Vì thế tôi không thể đồng ý với mong muốn của nhiều người là Mỹ cũng
như các lực lượng khác phải can thiệp vào Venezuela bằng quân sự.
Hiển
nhiên tôi mong muốn và cầu chúc cho Venezuela cũng như Việt Nam có dân chủ,
nhưng quan điểm chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và tôi là không chấp nhận
trả giá cho nó bằng máu. Một lực lượng chính trị với quan điểm như vậy có
thể không ngăn cản được hoàn toàn bạo lực nhưng chắc chắn nó cũng giảm thiểu tối
đa sự thiệt hại. Để làm được điều đó thì lực lượng chính trị này phải có đủ niềm
tin vào giải pháp chính trị phi bạo lực, phải đủ lý lẽ để đối phương thấy đó là
con đường tốt đẹp nhất cho chính họ và cũng là cho dân tộc. Bất bạo động không
phải là thủ pháp chính trị mà là lập trường chính trị xuất phát từ lý trí và
tình yêu dân tộc.
Trong
tình thế đứng trước ngưỡng cửa của bước ngoặt lịch sử này, nếu Guaido và cộng sự
có được tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc thì chắc chắn Guaido sẽ có được
hàng loạt các cuộc vận động chính trị để tháo gỡ bế tắc chính trị hiện
nay.
Tôi
không có đủ thông tin để xác quyết nội tình phe Maduro nhưng có thể đoán nó
cũng không khác xa nội tình Đảng cộng sản Việt Nam rằng, sự ủng hộ của các tướng
lãnh với Maduro không thuần túy là niềm tin hay sự kính quý. Nó đơn thuần chỉ
là một liên minh ma quỷ gắn kết với nhau thuần túy vì quyền lợi và quyền lực bất
minh. Tuy nhiên chất gắn kết này (quyền lợi và quyền lực bất minh) cũng chính
là chất hủy diệt của liên minh cầm quyền.
Liên
minh ma quỷ đó đã trải qua nhiều năm tháng tàn phá đất nước và phạm nhiều tội
ác. Họ đã tha hóa trầm trọng để cảm thấy đây là bước ngoặt sống còn của họ. Nhiều
người có tội không chỉ với Venezuela mà còn bị truy nã quốc tế. Nghĩa là ngoài
Venezuela họ không còn chốn dung thân. Tôi nghĩ rằng đây là lý do quan trọng nhất
cho sự tồn tại của liên minh Maduro.
Mặc
dù Guaido đã có lời kêu gọi các tướng lĩnh đứng về phía nhân dân nhưng kết quả
cho thấy lời kêu gọi chưa đủ khả năng thuyết phục. Có thể có hai khả năng, một
là lời hứa chưa đủ cho niềm tin, hai là lời kêu gọi nặng về tình cảm, thiếu
tính thực tế.
Guaido
có làm lên lịch sử hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nhận thức và bản
lĩnh chính trị của ông và phe nhóm.
Cơ
hội ngàn năm đang ở trong tay Guaido. Ông có làm lên lịch sử hay không, hoàn
toàn phụ thuộc vào khả năng nhận thức và bản lĩnh chính trị của ông và phe
nhóm. Nói lý thuyết nghe có vẻ hay nhưng rốt cuộc khả năng nhận thức và bản
lĩnh chính trị là cái gì ? Nó cũng không phải cái gì quá cao siêu ghê gớm. Nó
đơn giản là ông Guaido và đồng sự đã thảo luận để nhìn thấy trước xu hướng chuyển
biến chính trị chưa ? Họ đã có nhận định bối cảnh chính trị sẽ chuyển biến đến
đâu hay chưa ? Họ đã có kế hoạch để giải quyết khủng hoảng chưa ? Hay chính họ
cũng bất ngờ ?
Diễn
tiến quá khứ không xa của Venezuela, phe đối lập đã từng thành công và chiếm
2/3 ghế trong quốc hội. Có lẽ họ bất ngờ ngay với thành công của mình nên không
biết làm gì với nó. Họ đã không biết sử dụng vị thế chính trị, mà họ đã giành
được một cách chính đáng. Rất tiếc là đối lập đã bị Maduro lật lại dẫn đến cơn
khủng hoảng chính trị ngày hôm nay.
Điều
đó cho thấy đối lập chưa hẳn là lực lượng dân chủ có viễn kiến và có tầm vóc.
Nói đúng hơn họ chỉ là lực lượng chống độc tài Maduro. Chống bất công, chống sự
chà đạp nó đơn thuần là phản ứng tự nhiên. Nó khác với đấu tranh dân chủ, vì đấu
tranh dân chủ là sự dấn thân của lý trí. Nó xác định mục đích dài hạn là xây dựng
nền dân chủ. Việc giành vị thế chính trị hay lật đổ độc tài chỉ là một bước bắt
buộc để đi đến việc thiết lập dân chủ. Người đấu tranh cũng phải có thời gian
nghiền ngẫm để thấy được tính chính đáng cũng như sức mạnh của dân chủ, thấy được
ưu thế cũng như những vấn đề của mô hình dân chủ.
Có
lẽ thành tựu của dân chủ, sự hơn hẳn mọi mặt của các nước dân chủ so với độc
tài khiến cho nhiều người dứt khoát chọn dân chủ mà không cần thảo luận cần suy
nghĩ. Điều này dẫn đến việc đáng tiếc là nhiều người hướng đến dân chủ nhưng lại
không có khái niệm đúng đắn thế nào là dân chủ. Đối với họ dân chủ mới là khát
vọng chứ chưa phải là lý tưởng. Họ lao về dân chủ như những con thiêu thân mà
thiếu hẳn những hoạch định từng bước, những điều kiện và giải pháp cho mỗi khó
khăn trên con đường tranh đấu.
Khủng
hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài đòi hỏi sự thay đổi. Nỗi khốn khó từng ngày
trên mỗi người dân trong nhiều năm là quá đủ để người ta căm ghét sự độc tài,
đây là cơ hội rất lớn cho dân chủ. Nhưng dân chủ có đến hay không lại là một
chuyện khác. Nó phụ thuộc vào việc đã hình thành được lực lượng chính trị dân
chủ hay chưa. Cơ hội đến rồi đi, nó chỉ ở lại với lực lượng đã có sự chuẩn bị để
chờ đón nó. Nhiều cuộc "cách mạng" đã nổ ra, nhiều chế độ độc tài đã
ra đi nhưng nó chỉ được thay thế bằng một chế độ độc tài khác. Đây là kết quả
hiển nhiên khi thiếu vắng một lực lượng chính trị có lập trường và tư tưởng dân
chủ, có lộ trình dẫn đến thành công.
Juan
Guaidó bắt đầu tham gia chính trị từ năm 2007 cho đến ngày trở thành "tổng
thống lâm thời" và nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Ông và đồng sự đã có khoảng
thời gian dài hơn 10 năm để chuẩn bị cho ngày hôm nay. Đây chính là lúc cần thiết
nhất để vận động chính trị, họp báo, diễn thuyết, thông cáo, thảo luận, đưa ra
các giải pháp để tháo gỡ khủng hoảng chính trị, xúc tiến các cuộc thương thuyết
với tất cả các bên, từ giới quân sự đang ủng hộ Maduro cho đến các nước dân chủ
trên thế giới... Ông có làm được điều đó hay không ? Có gì để nói, để thương thảo
hay không ? Tất cả phụ thuộc vào việc ông có dự án chính trị hay không ?
Vấn
đề dân chủ hóa Việt Nam cũng có những nét tương đồng đó. Tôi thấy có khá
nhiều người Việt phản ứng tiêu cực với cụm từ "Dự án chính trị" và
nhìn nó với sự kỳ lạ. Có thể cảm thông cho điều đó nói chung nhưng không thể chấp
nhận được khi có người đấu tranh nói không cần dự án chính trị. Sự thiếu vắng
những "dự án chính trị" nghiêm túc và khả thi trong các tổ chức đấu
tranh, chính là sự đảm bảo cho chế độ độc tài tiếp tục cầm quyền.
Đỗ
Xuân Cang
(15/02/2019)
No comments:
Post a Comment