A Nghêu
2019-02-04
2019-02-04
ến Bình Đông, cái tên nghe đã thấy thương, thấy hiền,
thấy dân dã và ngập tràn phong vị Nam Bộ xưa, nơi ghe thương hồ bôn ba sông nước
mỏi mê rồi vui sướng cắm neo cột thuyền nằm nghỉ nơi bến sông rộn ràng nào đó.
Bến Bình Đông, bến Mễ Cốc, bến Phú Định, những bến sông dọc dài bên cạnh Xóm Củi,
rạch Cát, rạch Ong, rạch Lò Gốm, kinh Tàu Hủ, … gọi ra mênh mang cả
một lịch sử làm ăn và sinh sống nơi phương Nam nắng gió. Dù ngày nay không mấy
người còn chịu khó tìm hiểu nguồn cội của những cái tên, dù rạch Ong (nơi có
nhiều bầy ong về làm tổ) đã bị gọi sai hẳn đi cả về địa danh lẫn ngữ nghĩa
thành rạch Ông, nhưng cứ mỗi cuối năm, mùa Tết, cái chất sống quật cường đã
luân lưu khắp mạch máu người dân Nam Bộ lại chảy mạnh. Bến Bình Đông lại rộn rã
trên bến dưới thuyền, hoa và cây kiểng từ miền Tây đổ lên náo nức cả một đoạn bến
dài.
Một góc chợ hoa Bình Đông Tết Kỷ
Hợi 2019. Courtesy of A
Nghêu
Nội thành Sài Gòn có rất nhiều chợ hoa xuân nằm
trong các công viên hoặc bãi đất trống ở mỗi quận huyện hoặc một khu vực. Trung
tâm thì năm nào cũng có chợ hoa trong công viên Tao Đàn và công viên 23/9, công
viên Lê Văn Tám. Nhưng tôi thương, tôi nhớ, tôi mê chợ hoa ở bến Bình Đông nhất,
nơi mà theo đúng giọng người Nam Bộ, không ai gọi “hoa” mà gọi “bông”. Chợ bông
tết bến Bình Đông.
Chợ hoa Bình Đông . Courtesy of A Nghêu
Là vì chợ bông ở đây không chỉ là chợ bán
bông.
Những đoàn ghe bầu sức chở hàng trăm tấn, giương tròn hai con mắt màu đen nổi bật trên nền đỏ tươi ngược từ miệt Cái Mơn (Bến Tre), Đồng Tháp theo dòng nước mênh mông tràn khắp đồng bằng Nam Bộ, len lỏi vô tới tận giữa cái ruột của thành phố lớn nhất nước, chở theo cả tràn trề màu nắng, tươi rợi màu lá, sắc thắm rực rỡ của vạn hoa, chở cái sinh khí ngùn ngụt của vườn, của đất, của sông rộng và trời cao theo chân những nông dân có sắc da nâu sậm. Dưới sông, trên bờ, bông, cây, lá, trái, to đậm, trĩu cành, mạnh khỏe và tốt tươi, kìn kìn, lũ lượt, đua chen san sát đẫm ngời dưới cái nắng vàng trong đặc biệt chỉ những ngày giáp tết mới có ở Sài Gòn. Cái khí chất mạnh mẽ sung mãn đó khiến bến Bình Đông gây nghiện khác hẳn với những chợ hoa khác ở giữa trung tâm.
Từ dưới chân cầu Chà Và chạy dài dọc theo kinh Tàu
Hũ tới tuốt cầu Nguyễn Tri Phương, một bên vẫn còn những nhà kho hàng trăm năm
có những cái bao lơn bụng phệ bằng sắt uốn chồm ra lơ lửng bên ngoài, một bên
là dòng Tàu Hủ ghe thuyền kín sông. Đèn sáng như sao sa. Dân Sài Gòn ùa về nườm
nượp. Trai gái nắm tay người yêu đi bộ rảo rảo ngắm bông, chụp hình. Cha mẹ ghé
vô lựa kiểng chưng Tết. Đàn ông quần quật khiêng những tháp tắc cảnh (cây tắc,
cây quất, cây hạnh, tùy cách gọi từng vùng miền) cao hàng hai mét trái sây tròn
khắp chung quanh từ dưới ghe lên bờ, từ sạp lên xe tải chở về nhà cho khách. Mấy
anh thợ làm bánh người Mã Lai tóc râu đen bóng, cái mũi dọc dừa dưới đôi mắt sắc
khéo léo cầm cục bột dẻo quật trên mặt bàn, cứ một lần quật là cục bột xòe mỏng
ra như tấm lụa. Một đám trung niên bày bàn ra nhậu sớm bên lề đường đối diện, cầm
micro với cái điện thoại hò hát rân trời. Sâu trong các hàng bông có người kéo
mí võng quấn kín như con sâu nằm toòng teng bên hàng rào sắt bờ sông ngủ say
sau một đêm mua bán. Ai làm việc gì thì miệt mài làm việc nấy, tách ra hổng thấy
liên quan chút gì tới nhau, mà nhập lại thì rộn rã, vang lừng, náo nhiệt vui
tươi, cả một trời xuân sắc, tết nhứt bừng bừng.
Đầu đường mấy chị gái bày một loạt ớt kiểng đủ màu.
Có loại trái màu tím sẫm, màu đỏ, màu vàng chen nhau lúc ngúc trên nền lá xanh
sẫm. Có loại trái ớt màu vàng chanh tròn xoe mới trông tưởng là trái sơ
ri.
Chị Ngọc bán ớt kiểng ở bến Bình Đông tới nay là tám
năm. Mỗi chậu ớt đẹp như vầy bán có 25.000 đ. Nếu trồng trong cái sọ dừa được tỉ
mẩn đánh bóng như vầy thì thêm 5.000 đ nữa.
Kế bên là bông giấy. Năm nay mưa nhiều mà bông giấy
đẹp hết sức, cánh mềm và dày bóng như lụa chớ không xác xơ mỏng quẹt như “giấy”.
Màu tím nhạt quá phổ thông không được ưa chuộng mấy, màu cam mấy năm trước rất
mới lạ nay cũng nhường hàng. Năm nay màu đỏ điều lên ngôi. Có những chậu bông
giấy người trồng khéo tay chen một xíu bông trắng vô làm nền cho màu điều, cả
hai bên cạnh nhau đều bật nổi ngời ngời.
Hoa giấy ở chợ hoa Bình Đông Tết Kỷ hợi 2019. Courtesy of A Nghêu
Nhà vườn nào khéo mang lên một cây bông giấy cao đâu
gần bốn mét, toàn thân là một bó hoa bừng cháy rực rỡ. Cả một con đường phơi đủ
sắc hoa, chỉ duy nhất một cây bông giấy này cao bật lên tươi rói. Màu đỏ tuyệt
đẹp vừa tươi thắm, vừa đủ đằm để không một chút chói mắt nào ngay cả giữa cái nắng
ban trưa. Vừa mở miệng trầm trồ khen cây bông quá đẹp tôi đã nghe tiếng một chị
hưởng ứng ngay bên cạnh: “Mình mà có một cây bông giấy vậy ở nhà mình nhìn quài
luôn, ngắm quài luôn, nhịn đói luôn, khỏi ngủ cũng được”.
“Nhịn đói thiệt luôn hả?” –Tôi quay sang vừa trêu chị
một câu thì nghe thấy một tràng tiếng cười giòn giã sau lưng một anh mặt cũng
hơn hớn đang phóng xe đi mất.
Năm nay là năm con heo nên nhiều nhà vườn cũng tranh
thủ tạo hình con heo trong cây kiểng. Như cây dừa con này, phần sọ dừa được mài
bóng rồi thêm tai thêm mắt khá ngộ nghĩnh.
Có người phun nhũ vàng lên khắp trái dừa bông to rồi vẽ thêm mấy bông mai, bông đào trang trí, cùng vài câu chúc tết trông cũng lạ và hay.
Có người phun nhũ vàng lên khắp trái dừa bông to rồi vẽ thêm mấy bông mai, bông đào trang trí, cùng vài câu chúc tết trông cũng lạ và hay.
Cô Bưởi cũng ở Cái Mơn. Nhà bán bông tết ở chợ Bình
Đông ba năm rồi nhưng năm nay cô mới theo ghe lên tới đây. Cái nón có bèo màu đỏ
làm gương mặt cô trông như một bông hoa.
Người bán bông ở bến thường đã bán quen nhiều năm.
Thuê ghe chở bông lên đây, ghe cà dom lớn nhất chở được 1.000 cây tắc lớn. Giá
30 triệu/chuyến, ghe này có hai ba chủ thuê chung. Bán xong ngày nào về ngày
đó, nếu hàng còn nhiều, họ bán tới trưa 30 tết mới dọn. Người thì lên xe đò,
người thì theo ghe về lại Cái Mơn. Ghe nhỏ hơn đi hết một ngày rưỡi, về tới quê
đã là trưa mùng 1 đầu năm, kiểm tiền lời xong mới bắt đầu xả hơi ăn tết. Còn
ghe cà dom lớn này đi có một ngày, nhưng về tới quê cũng đã là sáng mùng một rồi.
Những người mang cây quả đến bán ở chợ hoa Bình
Đông . Courtesy of A Nghêu
Năm nay bông và cây kiểng không nhiều loại mới.
Ngoài những loại cây kiểng hoặc bông truyền thống như mai, hạnh thường được tạo
dáng tháp; cúc, vạn thọ chỉ cần ú nụ và vàng ươm, hay cây trúc vạn niên thường
được đeo tua đỏ hoặc bao lì xì…, hầu hết đều được để dáng tự nhiên. Thấy rõ nhà
vườn-người sản xuất không đưa ra được các loại cây mới hay tạo dáng mới để thu
hút người mua. Có mỗi một sạp bán thí nghiệm cây vú sữa nhỏ xíu cao chừng ba tấc
nhưng cũng đơm trái tròn nụm, nhỏ bằng cái chén tống bàn trà nhưng không thấy
ai hỏi, chắc tại dáng cây gầy guộc không toát lên không khí no ấm sung túc. Nhà
vườn cũng đặt đại mấy chậu vú sữa ở một xó chớ không buồn chưng ra cho thiệt bắt
mắt người đi ngắm.
Ngoài tạo dáng và màu sắc, tên gọi cũng phải đánh trúng tâm lý ước ao sung túc thì mới hy vọng bán được. Ngó thấy mấy cây củ cải đỏ nhìn mắc cười, tôi hỏi thử thì anh bán hàng trịnh trọng nói nó là cây “hồng phát”, 80.000 đ/chậu. Tên thiệt đẹp, năm mới mà vừa đỏ vừa phát thì người Việt nào hổng ham, nhưng tội nghiệp cái cây, màu nó chỉ hồng tím lạt lạt, lá lại hơi quăn queo. Chứ ai mà lai giống được cho đỏ au còn lá thì xanh rờn to bản thì loại “hồng phát” củ cải này bán chạy phải biết.
Năm ngoái có cây “kim ngọc mãn đường”, có lẽ do trái nhỏ, tròn xoe và đỏ tươi kết từng chùm rất đẹp, năm nay không thấy mấy. Mà rộ lên bông giấy đỏ điều như đã nói. Có lẽ người chơi kiểng cũng thực tế hơn nhiều, bông giấy dễ trồng và ưa nắng, chơi tết xong chỉ cần chăm bón chút xíu lại có bông tươi quanh năm.
Những chiếc ghe mang cả miền quê lên cho dân Sài Gòn
xa xứ. Những cái mui chằm bằng lá buông khiến người ta bùi ngùi nhớ quê, nhớ
ngôi nhà cũ. Nước da sạm nắng dãi dầu của những người nông dân khiến người ta
nhớ mẹ nhớ cha, nhớ đám bạn lên năm lên ba cởi truồng đánh lộn. Cây cầu bắc từ
bờ lên ghe chỉ có một thanh gỗ, nay có người thay bằng cầu tôn như vầy, nhưng
trời mưa chắc dễ trơn trợt. Người bán cũng không chỉ là những nông dân nhìn đã
biết suốt ngày lăn lộn ngoài vườn, mà có cả thế hệ con cháu đi học, những thanh
niên mặt mũi sáng trưng, tay chân mảnh khảnh, vừa cầm cái smartphone lướt
facebook vừa coi hàng. Người mua thấy cưng quá giơ điện thoại chụp hình thì lỏn
lẻn cười trông thương gần chết.
Chợ bông Tết Bình Đông còn là nơi để người ta tới để
gặp nhau, tận hưởng cái không khí bình yên bên nhau giữa cuộc sống cứ cuốn vội
người đi.
Bên này đường là cây kiểng và bông tươi ngời cắm rễ
sâu trong đất, bên kia đường là cây vàng lá bạc, lấp lánh ánh ngân nhũ, cắm điện
vô thì xoay từ từ và phát sáng. Hổng sao, cây nào cũng có người mua. Tết mà, ai
cũng rộng rãi, cũng dễ dàng. Chan chứa niềm vui cho nhau để ước mong một năm mới
bình an.
-------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment