Sunday, February 17, 2019

CHIẾN TRANH VIỆT TRUNG 1979 (4) : CÁC BÀI HỌC (Việt Long - Nghiên Cứu Quốc Tế)




Việt Long  -  Nghiên Cứu Quốc Tế
Posted on 16/02/2019 by The Observer

CHIẾN TRANH VIỆT TRUNG 1979

*
*


Mục tiêu tuyên bố của cuộc “phản kích tự vệ” là để dạy cho Việt Nam một bài học. Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã học được bài học quân sự đắt giá của chính mình.[1] Đánh giá về hệ quả cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 cần đối chiếu với các mục tiêu của các bên đề ra trước cuộc chiến.

Về mục tiêu chính trị: Trung Quốc không thể “dạy cho Việt Nam một bài học” như lời Đặng Tiểu Bình đã nói. Trung Quốc không tác động được đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Họ đã không buộc được Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, cứu được chính quyền Pol Pot. Trung Quốc cũng không gây được ảnh hưởng lên chính phủ Việt Nam trong vấn đề Hoa kiều, chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc, với Liên Xô, với Mỹ. Họ cũng không đánh bại được ý chí của người Việt Nam trong tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuộc chiến tranh này tiếp tục thể hiện truyền thống Đại Hán theo đó Trung Quốc là cái nôi của thế giới, các quốc gia nhỏ bé khác bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, là man di và phải là những chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, chịu sự dạy dỗ của Trung Quốc. Ý đồ đã được tuyên bố của Trung Quốc là “dạy cho Việt Nam bài học” đã biến mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến tranh thành một “hành động trả thù”.[2] Cuộc chiến tranh đã làm các nước trong khu vực lo sợ về hình ảnh một nước lớn sẵn sàng đặt mình trên nước khác, sử dụng vũ lực nếu vị thế và uy lực của mình bị thách thức. Không nước ASEAN nào vui vẻ với sự trừng phạt Việt Nam của Trung Quốc. Đại diện của Singapore tại Liên Hiệp Quốc, Tommy Koh nói tại Liên Hiệp Quốc: “Lẽ ra Trung Quốc không nên tự mình quyết định luật lệ…”[3] Thái độ kẻ cả, không tôn trọng bình đẳng chủ quyền giữa các nước, không phù hợp với luật pháp quốc tế đã bị nhân loại phê phán. “Bất kể vì lý do gì”, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Sunao Sonoda bình luận rằng “việc gửi quân xâm nhập nước khác là không đúng”.[4] Tuy nhiên, Trung Quốc đạt được những mục tiêu nhất định trong quan hệ với các cường quốc. “Washington vừa công khai lên án cả cuộc xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và cả cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam lại vừa chia sẻ mối quan tâm của Trung Quốc trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông Nam Á. Ý chí sẵn sàng sử dụng vũ lực của Bắc Kinh, bất chấp gánh chịu thương vong, đã biến Trung Quốc thành “một bức tường ngăn chặn có giá trị” chủ nghĩa bành trướng Xô-Việt. Washington vào thời điểm đó đã tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để cân bằng cán cân với Liên Xô”.[5]Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm ngả về Mỹ, làm hả hê Mỹ vì trả được nhục thất bại tại Việt Nam, tận dụng được viện trợ Mỹ và tiếp tục gây sức ép làm Việt Nam kiệt quệ chảy máu, buộc phải rút khỏi Campuchia vào năm 1989. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc tiên liệu đúng phản ứng của Liên Xô qua đó đạt được phần nào mục tiêu hạ thấp vai trò và uy tín của Liên Xô. Với quyết tâm của mình, sự giúp đỡ của Mỹ và khả năng tận dụng các biến cố chính trị, Trung Quốc có đủ thời gian và điều kiện thực hiện hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu “cường quốc, cường quân” và vươn lên trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới.

Về mục tiêu quân sự: Trung Quốc không thể tiêu diệt được sư đoàn nào của Việt Nam. Họ đã thể hiện trình độ chiến đấu kém trong cuộc chiến. Tại Lạng Sơn, 2 Quân đoàn Trung Quốc đã bị một trung đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam cầm chân trong 1 tuần, một Quân đoàn khác cần 10 ngày để tiến vào Lào Cai và Cam Đường – hai đô thị cách biên giới không đến 15 km. Trung Quốc chiếm Cao Bằng vất vả đến mức cần ít nhất 2 Quân đoàn để tiếp tục tấn công một thị xã mà Trung Quốc tuyên bố đã chiếm được. Tại Quảng Ninh, một trung đội QĐND Việt Nam đã cầm chân 5 tiếng đồng hồ một trung đoàn Trung Quốc đang trên đường chiếm núi Cao Ba Lanh giáp biên giới, gây thương vong cho 360 người trong quân số 2.800 của trung đoàn này.[6] Số chết và thương vong của Trung Quốc trong cuộc chiến là quá cao.[7] Mục tiêu quân sự lớn nhất mà Trung Quốc đạt được có lẽ là Đặng Tiểu Bình đã thành công trong việc sử dụng các thiệt hại đau đớn của cuộc chiến tranh Trung – Việt để thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc về nhu cầu cần hiện đại hóa[8].

Về mục tiêu kinh tế: Trung Quốc đã phá hủy tận diệt các cơ sở kinh tế của Việt Nam ở vùng biên giới song không làm kiệt quệ kinh tế Việt Nam, buộc phải phụ thuộc vào Trung Quốc. King C. Chen đã mô tả mức độ triệt hạ như sau: “Ở mọi nơi các cây cầu bị giật sập và các đường xá bị gài mìn và phá hủy. Các bệnh viện tại Lào Cai, Lạng Sơn và Cao Bằng bị triệt hạ. Tại cả ba thị trấn … mọi sự bị đổ nát và tất cả đều câm lặng. Khoảng 80% các kiến trúc bị phá hủy. Không một cột điện duy nhất nào còn đứng lại trong hay quanh ba thị trấn … Có sự khan hiếm nước uống khắp nơi trong vùng và dòng điện bị cắt đứt. Các ngôi làng kề cận cũng nằm trong sự đổ nát …”[9] Các thiệt hại này cộng thêm bao vây cấm vận của Mỹ về lâu dài đã làm cho kinh tế Việt Nam khó khăn.

Về mục tiêu biên giới lãnh thổ: Trung Quốc không thay đổi được đường biên giới Việt – Trung theo ý Trung Quốc nhất là tại những nơi Công ước Pháp – Thanh chưa giải quyết triệt để. Song Trung Quốc cũng không tôn trọng tuyên bố rút quân ngày 5/3/1979 của mình, vẫn tiếp tục chiếm đóng một số vùng đất và điểm cao trong lãnh thổ Việt Nam, khống chế để hợp thức hóa và gây áp lực trong đàm phán.[10] Chiến tranh biên giới vẫn tiếp diễn ở quy mô nhỏ hơn nhưng không kém phần ác liệt cho đến tận 1988. Tình hình này buộc Việt Nam luôn ở trong tình trạng chiến tranh, duy trì lực lượng quân thường trực lớn, gây khó khăn cho kinh tế.

Gerald Segal kết luận, cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Trung Quốc năm 1979 là một thất bại hoàn toàn: “Trung Quốc đã không thể buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, không chấm dứt được các cuộc đụng độ ở biên giới, không tạo được sự nghi ngờ về sức mạnh của Liên Xô, không xua đi được hình ảnh về Trung Quốc là một con hổ giấy, và không kéo được Mỹ vào một liên minh chống Liên Xô”.[11] Harlan W. Jencks đánh giá: Bất kể mọi tính toán bá đạo tinh vi kiểu Machiavelli trong việc ấn định thời biểu của cuộc “tự vệ hoàn kích”, và bất kể mọi sự hy sinh của các binh sĩ và dân chúng của họ, các giới chức thẩm quyền Trung Quốc có lẽ đã thiệt hại nhiều hơn những gì họ thu được”.[12] James Mulvenon và một số tác giả khác kết luận: “cuộc xâm lăng của Trung Quốc đã là một sự thất bại đáng kinh ngạc”.[13]

Lãnh đạo và các nhà nghiên cứu Trung Quốc lại có cái nhìn khác về chiến thắng khi coi trọng các kết quả địa chính trị hơn là hiệu năng tác chiến trên chiến trường.[14] Đặng Tiểu Bình đã xác quyết một sự chiến thắng chính trị của cuộc chiến tranh bất kể có một số tổn thất về quân sự và tuyên bố nó vẫn là một cuộc chiến thắng của Trung Quốc. Alnie Ginck trong nghiên cứu công bố năm 1992 lại cho rằng: “Cuộc chiến tranh đã đạt được thành công nhất định khi nó được xem như một chiến thuật trong chiến lược chiến tranh tiêu hao kéo dài của Trung Quốc”.[15] Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nhận xét về thành công của Trung Quốc trong chiến tranh 1979: “Cuộc chiến của Đặng Tiểu Bình là đánh để hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là người Mỹ…Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh. Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, thực hiện chương trình cải cách mở cửa, cần thống nhất quyền lực. Cách tốt nhất là qua chiến tranh. Đánh Việt Nam là lấy lòng tin của Mỹ, không phải giúp Mỹ trả nợ thất bại ở Việt Nam mà vì chính lợi ích của Trung Quốc. Cuộc chiến đã tạo nền tảng bình thường hóa quan hệ với Mỹ, có 10 năm quan hệ nồng ấm, mang lại cho Trung Quốc sự viện trợ ồ ạt kinh tế, kỹ thuật, khoa học, nguồn vốn và cả quân sự cần thiết cho cải cách… Tuần trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài đến mười năm, đến ngày 4/6/1989 mới tạm lắng. Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc chính là từ cuộc chiến tranh này. Với ý nghĩa đó, cống hiến của quân đội Trung Quốc đối với công cuộc cải cách mở cửa thật to lớn vô cùng”.[16] Trương Hiếu Minh đưa ra nhận xét: “Đối với Đặng, dạy Việt Nam “bài học” là thông điệp không chỉ gửi cho Việt Nam mà cả cho Liên Xô, Mỹ và các nước phương Tây. Phản ứng của Việt Nam trước cuộc xâm lược là phòng thủ biên giới phía bắc, tiếp tục chính sách thù địch với Trung Quốc, dựa vào Liên Xô để có hỗ trợ tài chính và kinh tế. Để đáp lại, Mỹ và phương Tây từ 1979 có vẻ quan tâm hơn việc cung cấp hỗ trợ tài chính và công nghệ giúp Trung Quốc cải cách kinh tế. Mỹ không còn nghĩ Trung Quốc là đe dọa, tuy chưa phải là đồng minh. Vì thế Mỹ có thể dốc toàn lực để đánh bại Liên Xô trong thập niên cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Bên trong Trung Quốc, Đặng không chỉ củng cố được quyền lực chính trị mà cũng thực hiện cả nghị trình cải tổ kinh tế. Liên Xô ở trong tình thế nhiều khó khăn trong thập niên cuối của Chiến tranh Lạnh. Vừa phải cạnh tranh với Mỹ trên toàn cầu, Moskva cũng đối diện thách thức của Trung Quốc ở châu Á. Từ góc nhìn chiến lược, cả Việt Nam và Liên Xô đều gặp khó khăn hơn Trung Quốc. Vì thế Liên Xô rốt cuộc nhận ra họ không thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vào cuối thập niên 1980. Việt Nam phải tìm đến Trung Quốc, thừa nhận sai lầm chính sách từ 1978. Rốt cuộc, Trung Quốc đã vượt mặt Việt Nam cả về chính trị và chiến lược”.[17] Cuộc chiến cũng thay đổi cách nhìn nhận chuẩn bị chiến tranh hiện đại cho quân đôi Trung Quốc. Bắc Kinh đã rút ra các bài học cần thiết để hiện đại hóa quân đội. Những thay đổi sau 1979 đã tái sinh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, giúp họ vươn xa, vươn rộng hơn trên cục diện địa chính trị quân sự thế giới.[18] Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ (SOF – special-operations forces) của Trung Quốc, một mô hình giống đặc công Việt Nam, được thành lập và triển khai ngay trong chiến dịch Lão Sơn ở biên giới Việt-Trung[19]

Cuộc chiến biên giới kéo dài và những bất ổn của tình hình quốc tế buộc Việt Nam phải rút khỏi Campuchia, sớm tính đến bình thường hóa quan hệ và nhanh chóng giải quyết vấn đề biên giới.

Một số nhà bình luận quốc tế cũng cho rằng Trung Quốc chịu thất bại về chiến thuật và quân sự trên chiến trường nhưng đạt được một số thành công trong dài hạn.[20]Đây là trận cần đánh để thể hiện với Mỹ sự dứt khoát không chung đường với Liên Xô và Việt Nam, tranh thủ sự giúp đỡ của Mỹ để thực hiện bốn hiện đại hóa. Washington nhìn thấy mối quan tâm của Bắc Kinh và tìm kiếm quan hệ chặt chẽ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á thông qua Việt Nam. Cuộc chiến cũng làm phơi bày sự yếu kém lạc hậu về quân sự và kinh tế của Trung Quốc, lý do để Đặng Tiểu Bình nắm thế lãnh đạo thực hiện hiện đại hóa. Sau năm 1989 (khởi đầu sự sụp đổ của Liên Xô), Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình do hậu quả cuộc chiến biên giới và 10 năm suy thoái kinh tế. John M. Peppers[21] phân tích: Thứ nhất, Việt Nam đánh mất sự cân băng ảnh hưởng truyền thống, quý giá giữa các cường quốc, nối kết nhiều hơn với Liên Xô. Chính vì thế, Việt Nam, giống như Cuba, đã phải trả giá đắt hơn phần lớn các nước khác với sự sụp đổ của Liên Xô. Thứ nhì, Việt Nam đã không đạt được mục đích hay vấn đề gì của mình với Trung Quốc. Từ ngay chính vấn đề biên giới, cho đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ và các quyền đánh cá, cho đến Quần đảo Trường Sa, các cuộc đàm phán và tiến triển đã bị trì hoãn trong 20 năm. Thứ ba, Việt Nam đã bị gán nhãn hiệu trên bình diện quốc tế như một mối đe dọa cấp vùng (và một chư hầu của Liên Xô), mất đi viện trợ thiết yếu từ Australia, Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch, cũng như dầu hỏa của Trung Quốc. Kết quả là một hiệu ứng tàn phá chồng chất trên nền kinh tế trong thời gian dài. Sau cùng, sự căng thẳng và cạn kiệt các nguồn lực trong năm 1979 và hậu quả của nó trên các vấn đề đối nội của Việt Nam không thể bị đánh giá thấp, “bởi đối với Việt Nam, cái giá chiến đấu hai trận chiến tranh trong một thời kỳ ba tháng là quá đắt. Nền kinh tế dọc biên giới Trung Quốc đã bị tàn phá”.

Trương Hiêu Minh tổng kết 6 bài học cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QGPND) từ cuộc chiến tranh biên giới 1979:

1.    Bài học thứ nhất là đánh giá thấp khả năng chiến đấu của các đối thủ của mình. Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 cho thấy QGPND quan tâm rất ít đến binh pháp và chiến thuật của QĐND Việt Nam trước khi tấn công Việt Nam, vì vậy đã chịu tổn thất nặng, không đạt được các mục tiêu đề ra. Các tướng lĩnh Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng chiến thuật kiểu du kích, công binh và dân quân tự vệ của Việt Nam đã thành công đáng kinh ngạc trong việc kìm chân quân Trung Quốc.

2.    Bài học thứ hai liên quan đến tình báo và lập kế hoạch. Thiếu thốn thông tin từ lâu về một đồng minh truyền thống đã là một thách thức lớn cho việc lập kế hoạch chiến tranh và kế hoạch tác chiến của Trung Quốc. Các đánh giá về địa lý và địa hình miền Bắc Việt Nam của QGPND thường dựa trên các bản đồ và thông tin địa lý đã lỗi thời, trong khi khả năng trinh sát chiến trường lại bị hạn chế. Một trong những sai lầm lớn của quân đội Trung Quốc là đánh giá sai lực lượng dân quân rất lớn trong dự đoán về sức mạnh quân sự Việt Nam. Kinh nghiệm của QGPND cho thấy, dân quân Việt thể hiện sức đề kháng không hề nao núng và thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ hơn vào quân xâm lược hơn cả bộ đội chính quy QĐND Việt Nam.

3.    Bài học thứ ba là về khả năng chiến đấu của QGPND vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng tác chiến phối hợp với nhiều binh chủng gồm xe tăng, đại bác, bộ binh cùng với một lực lượng không quân và hải quân yểm trợ. Lạc hậu trong binh pháp và chiến thuật khiến quân đội Trung Quốc không thể phối hợp một cách bài bản trong tác chiến.

4.    Bài học thứ tư, QGPND yếu kém về hiệu năng chỉ huy và điều khiển,

5.    Bài học thứ năm, QGPND thiếu một hệ thống và cơ cấu cung cấp hậu cần hiện đại để hỗ trợ cho những chiến dịch quân sự đòi hỏi di chuyển nhanh và ở vùng xa xôi.

6.    Bài học thứ sáu là làm thế nào để có thể diễn giải một học thuyết cũ về chiến tranh nhân dân vào các cuộc xung đột diễn ra bên ngoài biên giới Trung Quốc.[22]

Mục tiêu của Việt Nam trong cuộc chiến biên giới là bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ; tiếp tục ủng hộ nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot đồng thời bảo vệ được sườn phía nam đất nước; bảo vệ được tính độc lập trong chính sách đối ngoại; giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình. Hầu hết các mục tiêu này đều đã đạt được. Về tầm nhìn chiến lược, Việt Nam đã thành công trong cứu mình, cứu dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng của Khmer Đỏ. Dù muộn mằn nhưng thế giới cũng đã nhìn nhận lại những cống hiến của Việt Nam trong đấu tranh chống tội ác diệt chủng của Pol Pot[23] và giúp dân tộc Campuchia hồi sinh trong nền hòa bình lâu dài. Quân tình nguyện Việt Nam đã đưa ra một thực tiễn sống động, đặt nền móng cho lý thuyết can thiệp nhân đạo mà thập niên 1990 Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây áp dụng. Xét từ góc độ lý thuyết, trường hợp Campuchia là kết quả hoàn hảo của can thiệp nhân đạo từ ngoài vào, trong đó quốc gia được hỗ trợ đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ trong hòa bình trong khi các trường hợp Aghanistan, Iraq, Nam Tư cũ, Syria với sự can thiệp của Mỹ, phương Tây, NATO, Nga đến nay vẫn chưa giải quyết xong hậu quả.

Tuy nhiên một lần nữa, lịch sử lại nhắc lại các bài học đáng giá cho Việt Nam:

1.    Bài học cảnh giác và lợi ích quốc gia trên hết. Niềm tin vào những người anh em cùng chung ý thức hệ đã làm Việt Nam mất cảnh giác, không tin bị tấn công trong cả hai cuộc chiến biên giới Tây Nam và phía Bắc.[24] Cuộc chiến 1979 cho thấy trong quan hệ quốc tế, lợi ích quốc gia là cao nhất, trên cả tinh thần quốc tế vô sản và nhiều khi các bên sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt mục tiêu chính trị. Henry J. Kenny nhận xét: “Dù có một điều nhìn chung được công nhận là Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học quân sự trong năm 1979, điều cũng đúng không kém là Trung Quốc đã dạy cho Việt Nam một bài học chính trị. Bài học đầu tiên mà Việt Nam học được là Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực khi cần thiết để đạt được các mục tiêu chính trị quan trọng, bất kể các lời tuyên bố trong quá khứ về nguyên tắc”.[25]

Trung Quốc có thể đã nhận được những bài học và tổn thất về mặt chiến thuật tại chiến trường Campuchia và chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 nhưng sự kiên trì ngoại giao của Bắc Kinh đã giúp họ đạt được phần lớn các mục tiêu chính trị sau một giai đoạn chiến lược. Không phải vô cớ, Trung Quốc đã kiên trì kéo dài cuộc chiến ở biên giới phía Bắc tới tận năm 1989 trước khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Trung Quốc đã tận dụng tốt thời gian 10 năm Mỹ ủng hộ vật chất, khoa học kỹ thuật làm đối trọng với Liên Xô để vươn lên thành cường quốc thứ hai thế giới và hiện đại hóa quân đội. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc bao vây, cô lập và kìm hãm kinh tế Việt Nam. Chiến tranh biên giới 1979 là không thể tránh khỏi, khi Trung Quốc đã quyết tâm sử dụng biện pháp quân sự để đạt mục tiêu chính trị. Câu hỏi chỉ còn là làm thế nào, trong các hoàn cảnh tương tự, khôn khéo hạn chế thấp nhất những hậu quả không mong muốn và tránh được những cuộc chiến trong tương lai?

2.    Bài học tự cường, độc lập trong các quyết định. Là nước nhỏ, Việt Nam rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước khác, cần đồng minh trong các mối quan hệ quốc tế song cũng cần tỉnh táo không nghiêng về bên nào, không đánh đổi độc lập chủ quyền lấy một sự giúp đỡ vật chất hay tinh thần. Cuộc chiến 1979 là hậu quả của hai trục quan hệ, ở cấp khu vực là Việt Nam – Campuchia – Trung Quốc, ở cấp quốc tế là trục Trung Quốc – Liên Xô – Mỹ. Hiệp ước Việt – Xô 1978 đóng vai trò phụ trong cuộc chiến. Liên Xô chỉ tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự và chưa sẵn sàng dùng quân đội giúp Việt Nam chống xâm lược. Bằng sự độc lập, tự cường và lòng yêu nước cao độ của mình, Việt Nam đã thoát khỏi thế là con tốt trong bàn cờ chính trị quốc tế. Cuộc chiến đấu của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới đồng tình, ủng hộ không vụ lợi. Chiến tranh 1979 đã tạo cảm hứng cho chính sách đối ngoại của Việt Nam những năm sau này; muốn làm bạn và sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt ý thức hệ, thể chế, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng luật quốc tế. Đó cũng là tiền đề cho chính sách “ba không” của quốc phòng Việt Nam: “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.”.[26] Đây là sự phát triển đã được đúc kết trong các sách trắng quốc phòng 1998, 2004 và 2009.[27]

3.    Bài học chung sống với các nước láng giềng. Việt Nam cần áp dụng nhuần nhuyễn kinh nghiệm chung sống từ lịch sử của cha ông. Một vị tướng Việt Nam sau này đã nhận xét, “phải học cách sống chung với anh hàng xóm to lớn”.[28] Sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, Việt Nam đã không tiến hành truy kích, một quyết sách giống như Lý Thường Kiệt mở đường cho đội quân của Quách Quỳ về nước năm 1077 hay Nguyễn Trãi ở Hội thề Đông Quan 1427 mở đường cho Vương Thông về nước. Chính trong những ngày tháng ác liệt nhất của chiến tranh biên giới 1979-1989, quyết định tưởng như không tưởng về tìm đường bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã dần được hình thành.

4.    Bài học phải tận dụng mọi thời cơ để giảỉ quyết dứt điểm vấn đề biên giới lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Tranh chấp biên giới lãnh thổ luôn là ngòi nổ cho hầu hết các cuộc chiến tranh. Khía cạnh tranh chấp biên giới đã bị các yếu tố khác của cuộc chiến làm lu mờ[29] nhưng thực sự đó là vấn đề lớn. Vì vậy một trong những nhiệm vụ đầu tiên sau bình thường hóa quan hệ là đàm phán giải quyết biên giới lãnh thổ.

5.    Bài học về xây dựng đất nước. Muốn xây dựng đất nước phải giữ cho được “trong ấm ngoài êm”[30]. Việt Nam mạnh lên mới có thể bảo đảm tránh được các cuộc xung đột vũ trang, mới có tiếng nói và tự quyết định vận mệnh mình. Chính sách đối ngoại của Việt Nam phải tạo được môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực cho đất nước.

Các bài học này có những mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Việc bình thường hóa và tập trung giải quyết vấn đề biên giới chính nhằm mục tiêu tạo môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển một Việt Nam hùng cường trong tương lai.

Cuộc chiến 1979 là một vết đen trong quan hệ hai nước anh em, đã từng sát cánh giúp đỡ nhau trong đấu tranh giành độc lập. Quan hệ hữu nghị không thù nghịch giữa nhân dân hai nước không dễ thay đổi và một lần nữa lại vượt lên những bất đồng. Song nó không còn là quan hệ như trước vì vẫn còn tồn tại những bất đồng về đánh giá cuộc chiến.[31] Sau bình thường hóa quan hệ năm 1991, hai nước thỏa thuận không tuyên truyền nhiều về cuộc chiến 1979, không kỷ niệm chính thức cuộc chiến.[32] Trung Quốc không muốn gợi lại cuộc chiến với những yếu kém của quân đội; không muốn có những bằng chứng liên quan đến Khmer Đỏ khi Tòa án quốc tế xét xử tội ác diệt chủng; không muốn gây lại thù hằn với Việt Nam, đẩy nước này xích lại gần Mỹ.[33]Việt Nam không muốn lại tái hiện tình thế nằm giữa hai gọng kìm trên bộ và biển; không muốn bị cô lập với thị trường lớn thứ hai thế giới và đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thương mại; không muốn các thế lực bên ngoài lợi dụng chủ nghĩa dân tộc gây mất ổn định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 19/2/2014 đã phát biểu: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng chí, đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới xâm lược của Trung Quốc …Các hoạt động kỷ niệm cũng phải tính có lợi cho đất nước nhất”[34].

Lịch sử là lịch sử. Những bài học rút ra từ hai phía là cần thiết, không phải để nuôi dưỡng hận thù, mà để tránh những sai lầm lặp lại, vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng anh em.

Trong giai đoạn này, biên giới Việt – Trung trở lại vai trò phong vũ biểu phản ánh quan hệ xa gần giữa hai nước. Vấn đề biên giới đã bị chính trị hóa, đẩy từ xung đột lên chiến tranh. Cả hai bên đều không muốn những tác hại không lường được của cuộc chiến với mình, nhất là trường hợp của Việt Nam, song cũng không thể tránh khỏi cuộc chiến do tác động của các lực đẩy toan tính chính trị từ bên ngoài và trong nội bộ mỗi nước. Mối quan hệ địa chính trị lâu đời một lần nữa vẫn là dòng chảy chính để hai nước xếp lại bất đồng./.

——————

[1] Xiaoming Zhang, China’s 1979 war with Vietnam: A reassessment, The China Quarterly, No. 184 (Dec., 2005), pp. 851 Published by: Cambridge University Press on behalf of the School of Oriental and African Studies
https://www.jstor.org/stable/20192542; Gerald Segal, Defending China, New York, Oxford University Press 1985, p. 211-227; Nayan Chanda, Brother Enemy: the War after the War, Harcourt Brace Jovanovic 1986; Bruce Elleman, Modern Chinese Warfare 1785-1989: London Routedge 2001, ch.17

[2]Xiaoming Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”

[3] Ang Cheng Guan, 30 năm cuộc chiến Việt – Trung. BBCVietnamese.com, 12/2/2009

[4]Christian Science Monitor, 6 March 1979

[5]Xiaoming Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”


[7]Theo Dương Danh Dy dịch. Tài liệu chưa kiểm chứng. Bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong hội nghị tổng kết nội bộ ngày 16/3/1979 chính thức thừa nhận: “Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1.” và “Thương vong của chúng ta là 4 lần so với 1. Thần thoại của chúng ta đã bị hủy diệt.” Xem “Cuộc chiến tranh 17-2-1979 thảm bại của người khổng lồ chân đất sét”, Đất Việt , 5/3/2016, http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-chien-tranh-17-2-1979tham-bai-cua-nguoi-khong-lo-chan-dat-set-3302045/

[8]Colonel G. D. Bakshi, VSM, The Sino-Vietnam War – 1979: Case Studies in Limited Wars, Indian Defence Review, Volume 14 (2) July – September 2000. Ngô Bắc dịch

[9]King C. Chen, China’s War Against Vietnam: A Military Analysis, The Journal of East Asian Affairs, Vol. 3, Issue 1, 1983, p. 233-263. Ngô Bắc dịch

[10] Theo Hoàng Trọng Lập, số điểm cao và cụm điểm cao trên biên giới Việt-Trung mà Trung Quốc chiếm giữ trước năm 1991 là 48. Ví dụ, các điểm cao 1422, 1397, 1291 ở Thanh Thuỷ, Vị Xuyên, Hà Giang. 2002 ở Vị Xuyên, 1251 Yên Minh Hà Giang, điểm cao 583 (Pò Pùn – Léo Cao), điểm cao 371 (Hữu Nghị Quan), Bình độ 400, núi Phạ Khả mốc 26 Đông, điểm cao 636 mốc 52 Đông ở Lạng Sơn v.v…Hoàng Trọng Lập, Xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho việc xác lập đường biên giới và tang cường quản lý Nhà nước tuyến biên giới Việt-Trung, ĐTNN 2001

[11] Gerald Segal, Defending China, New York, Oxford University Press 1985, p. 213-217

[12]Harlan W. Jencks, China’s “Punitive” War on Vietnam,: A Military Assessment, Asian Survey [U. C. Berkeley], Vol. XIX, No. 8, August 1979, các trang 801-815.

[13]James Mulvenon, The Limits of Coercive Diplomacy: The 1979 Sino-Vietnamese Border War, Journal of Northeast Asian Studies; Fall 95, Vol. 14 Issue 3, p. 68-88.Ngô Bắc dịch

[14]Tui Fei-Yueh Chan-cheng chih Yen-chiu (Một Nghiên Cứu về Chiến Tranh Trung – Việt) Taipei, 1979, p. 2-5; Mei-chou T’ung-hsin, 23 March, 27 July, 1979, p. 9-10 and 14-16.

[15]Xiaoming Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”, p. 867
Annie Gilks, The Breakdown of the Sino-Vietnamese Alliance 1970-1979, Berkeley CA: Institute of East Asian Studies University of California, 1992, p. 233

[16] Lưu Á Châu, bài nói chuyện tại Quân khu Côn Minh. Bài đã đăng lần đầu tại trang Đông Tác Giao lưu (http://dongtac.hncity.org/) dưới tiêu đề “Vì sao Trung Quốc đánh Việt Nam?”.Nghiên cứu quốc tế, ngày 18/2/2016 đăng lại với tiêu đề “Chiến tranh 1979 dưới con mắt một viên tướng Trung Quốc”

[17]Xiaoming Zhang, Deng Xiaoping’s Long War: The Military Conflict between China and Vietnam 1979-1991, 2015

[18] Charlie Gao, “In 1979, China was crushed in a war with Vietnam, what happened next is shocking”, The National Interest, April 11, 2018, http://nationalinterest.org/blog/the-buzz/1979-china-was-crushed-war-vietnam-what-happened-next-25322?page=show,

[19] Ibid

[20] Henry Kissinger, On China, p. 503 “Whatever the shortcomings of its execution, the Chinese campaign reflected a serious long-term strategic analysis”

[21]John M. Peppers, Lieutenant Colonel, United States Army, Strategy In Regional Conflicy: A Case Study of China in the Third Indochina Conflict of 1979, Carlisle Barracks, Pennsylvania: U. S. Army War College, 2001, 48p.

[22]Xiaoming Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”, The China Quarterly, Vol. 184 December 2005, pp. 869-871

[23]Tòa án đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) ngày 16/11/2018 tuyên án vụ án 002/02 liên quan đến 2 lãnh đạo Campuchia dân chủ là Tội ác chống nhân loại, Tội ác chiến tranh và Tội ác diệt chủng,

[24] Trong bài phát biểu của mình năm 1979, Lê Duẩn cho rằng chính ông sau 1975 đã chỉ thỉ cho các cán bộ quân đội cần nghiên cứu chuẩn bị đối phó với việc Trung Quốc đánh Việt Nam. (Tài liệu lưu tại thư viện quân đội, Hà Nội. Tài liệu do Christopher E. Goscha phát hiện và dịch sang tiếng Anh, Nhóm nghiên cứu Việt Nam đương đại, Trường Khoa học Chính trị, Paris. Bùi Xuân Bách lại chuyển ngữ ngược lại từ Anh sang Việt. Về mặt chiến lược các lãnh đạo Việt Nam đã tiên liệu đúng song đa số người dân và cán bộ Việt Nam không tin rằng Trung Quốc lại đánh Việt Nam nên đã bị bất ngờ.

[25]Henry J. Kenny, Vietnamese Perceptions of the 1979 War with China, Chinese Warfighting: The PLA Experience Since 1949, đồng biên tập bởi Mark A. Ryan, David Michael Frakelstein, Michael A. McDevitt, Chapter 10, (các trang 217-241), tr. 236. Ngô Bắc dịch

[26]Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, (Sách trắng quốc phòng) Hà Nội 2004, tr.5 http://www.mod.gov.vn/wps/wcm/connect/9b730a05-9568-4d87-baac-4aa671b616a1/2004vie.pdf?MOD=AJPERES&CACHEID=9b730a05-9568-4d87-baac-4aa671b616a1

[27] Bộ Quốc phòng, Việt Nam củng cố quốc phòng, bảo vệ đất nước, (Sách trắng quốc phòng) Hà Nội 1998, tr. 18-20: http://www.mod.gov.vn/wps/wcm/connect/3f0f41f4-cf93-4ac9-bf98-8c13543998d2/1998vie.pdf?MOD=AJPERES&CACHEID=3f0f41f4-cf93-4ac9-bf98-8c13543998d2
“Quốc phòng Việt Nam gốp phần thực hiện chính sách rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, không đi với nước này để chống một nước khác, không đối đầu, không tiến công ai nhưng hết sức sẵn sàng tự vệ chống mọi cuộc tiến công xâm lược và bạo loạn lật đổ, không chạy đua vũ trang nhưng giữ quyền xây dựng và phòng thủ đất nước”.
Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam, (Sách trắng quốc phòng) Hà Nội 2009, tr. 21
“ Thực hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc ph òng bằng nguồn lực mọi mặt của đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”.

[28]Henry J. Kenny, Vietnamese Perceptions of the 1979 War with China, Chinese Warfighting: The PLA Experience Since 1949, đồng biên tập bởi Mark A. Ryan, David Michael Frakelstein, Michael A. McDevitt, Chapter 10, các trang 217-241. Ngô Bắc dịch

[29]Thus with regard to the territorial disputes between these two nations we can legitimately consider that ‘this aspect of the dispute was overshadowed by other elements of the conflict’ (Hood. 1992. 123), Hood, Steven J. (1992) Dragons Entangled: Indochina and the China-Vietnam War

[30] Sách trắng quốc phòng 1998, tr. 15

[31] Nguyen Minh Quang, The Bitter legacy of the 1979 China-Vietnam War, The Diplpmat23 February 2017, https://thediplomat.com/2017/02/the-bitter-legacy-of-the-1979-china-vietnam-war/


[33] Gần đây đã có một số nghiên cứu của chính người Trung Quốc nhìn nhận lại sự chính đáng của việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia năm 1979 và sai lầm của Trung Quốc trong ủng hộ chế độ Polpot.
“Người Trung Quốc viết về sự kiện Việt Nam xâm lược Camppuchia”, Nghiên cứu quốc tế, ngày 25/2/2016. Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ mạng Phượng Hoàng (Sự kiện Việt nam xâm lược Campuchia – sau 30 năm được tôn trọng), ngày 8/1/2009

Theo tổng kết của Phạm Viết Đào, đã có 65 anh hùng được phong trong cuộc chiến biên giới năm 1979.






No comments: