Sunday, February 3, 2019

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM CÓ THỰC SỰ VỮNG MẠNH? (Trúc Giang - VNTB)




3/02/2019

"Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn" là tựa một bài báo được ký tên với chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Các báo đều phải đăng bài viết này gọi là chào mừng "nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2019)".

Toàn bài viết đều có gam màu hồng của tụng ca quanh chủ đề như tựa của bài báo. Xin được trao đổi cùng tác giả Nguyễn Phú Trọng vài ý.

Thứ nhứt, bài báo có đoạn viết : "Đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực đã được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm tích cực từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt".

Chiều ngày 30/01/2019, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân nhận 36 tháng tù, còn ông Bùi Văn Thành lĩnh 30 tháng tù về "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Nhân vật chính trong vụ án này là Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "nhôm"). Mức án 36 tháng tù và 30 tháng tù và không kèm theo phần tuyên tịch biên tài sản có được do phạm tội, đã biến phiên tòa bỗng chốc là sân khấu hài kịch cho những lời hoa mỹ về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ông chủ lò Nguyễn Phú Trọng. 

Điều đó còn cho thấy đảng cộng sản không hề vững mạnh theo nghĩa trong sạch, mà là vững mạnh trong lũng đoạn chính sách quốc gia.

Thứ hai, bài báo có câu khẳng định đầy tự tin : "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".

Việc ‘tự sướng’ ấy là đang tự huyễn hoặc để bốc thơm nhau. Bởi nếu có đủ tiềm lực – vị thế - uy tín, thì chắc chắn làm gì có chuyện phải chờ đợi từ 3 đến 5 năm sau khi Hiệp định CPTPP hiệu lực, Việt Nam mới có các tổ chức nghiệp đoàn độc lập, mới có quyền tự do lập hội. Và nếu thật sự có vị thế - uy tín, thì chắc chắn Hiệp định EVFTA đã nhận được cái gật đầu của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU.

Chủ đề nhân quyền cho Việt Nam là bài toán mà EU vẫn chờ đợi đáp số cụ thể từ nhà cầm quyền Việt Nam, chứ không phải các mỹ từ ‘tiềm lực – vị thế - uy tín’ như bài báo ký tên Nguyễn Phú Trọng.

Thứ ba, bài báo tiếp tục tự tin khi cho rằng : "Thực tế gần một thế kỷ qua cho thấy, ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thành công khác".

Nếu thực sự có đủ bản lĩnh, thì đảng cộng sản Việt Nam đã chấp nhận những cuộc cạnh tranh công bằng trong quản trị quốc gia. Đàng này vẫn là độc đảng, vẫn tiếp tục trấn áp thô bạo bất kỳ ai đưa ra yêu cầu đa nguyên, đa đảng. Ngoài ra cách hiểu của đảng cộng sản trong việc "đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thành công khác", là chưa rõ khi mang so sánh với quốc gia nào khác. 

Bởi nền kinh tế liên tục có những thay đổi, thiếu sự ổn định suốt 44 năm qua, khiến mãi đến hôm nay Việt Nam vẫn là quốc gia có nền công nghiệp gia công bằng sức người là chính. Nhiều thương hiệu, nhãn hàng nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam như Bia Sài Gòn, kem đánh răng Hynos, Perlon, xà bông Cô Ba… đã thuộc về quyền sở hữu nước ngoài. Xe hơi La Dalat của Công ty Xe hơi Sài Gòn với mức nội địa hóa đến 40%, sản xuất từ năm 1970, đã bị bóp chết sau tháng 4/1975.

"Trong cách viết một bài báo, tôi cho rằng thật dại dột khi tự xác nhận là mình đã đến đỉnh, đến bến bờ vinh quang, vì sau đó thì dân tộc này sẽ từ trên đỉnh cao ấy, từ bến bờ vinh quang ấy, họ sẽ tuột xuống và trôi dạt về đâu ? Bến bờ vinh quang thì không thể có chuyện mỗi công dân Việt Nam khi vừa chào đời đã cùng gánh khoản nợ công cùng mọi người là gần 54,5 triệu đồng.
Những người làm nghề biên tập như chúng tôi khi nhận bài báo ký tên Nguyễn Phú Trọng viết để kỷ niệm ngày thành lập đảng 3/2/2019, đã nói với nhau rằng có lẽ tay thư ký báo chí muốn xỏ lá ông tổng bí thư. Ai từng phải đến dự mấy lớp học về tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ nhớ chuyện báo cáo viên cứ ra rả việc ông Hồ Chí Minh từng huấn thị về ‘Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính’. Như vậy, nếu đặt trong huấn thị ấy, không nhiều khả năng ‘Đảng vững mạnh’ như lời tựa của tác giả Nguyễn Phú Trọng". Biên tập viên Nguyễn Hồng Phúc, nhận xét.

Trúc Giang

-----------------------------------------

XEM THÊM


Nhân ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3 tháng 2; tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản trong một số bản Hiến pháp. 

Bài này cố gắng viết đơn giản để tuyên giáo, dư luận viên và tầng lớp bình dân cũng hiểu được. Từ đó có cái nhìn về một chính thể không còn hiện hữu, không có nghĩa là “ngụy”. Hay mỗi khi muốn “ca ngợi đảng” cũng nên nhìn xa về thời gian và trông rộng về không gian trước khi “hót”.

Phân tích một điều trong Hiến pháp có liên quan đến chủ nghĩa cộng sàn, đảng cộng sản. 

I. Hiến pháp 

Mặc nhiên, mọi công dân đều phải hiểu: Hiến pháp văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của một quốc gia, quy định các vấn đề cơ bản nhất của nhà nước như: hình thức và bản chất nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa xã hội; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. 

Mục tiêu của Hiến pháp là bảo đảm sự an toàn, tự do và hành phúc của mọi người dân. 

Một điều ngẫu nhiên thú vị ở hai Hiến pháp cuối cùng của Việt Nam cộng hòa (VNCH) và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CH XHCN VN) nằm ở Điều 4. 

Hiến pháp Việt Nam cộng hòa năm 1967 

“ĐIỀU 4 

1- Việt Nam Cộng Hòa chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức 

2- Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ” 

(Kế thừa, phát triển từ Điều 7 Hiến pháp VNCH năm 1956) 

Hiến pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 

“Điều 4 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. 

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” 

(Kế thừa, phát triển từ Điều 4 Hiến pháp CH XHCN VN năm 1992 và năm 1980) 

Diễn giải Điều 4 của hai bản Hiến pháp có một nội dung đối lập nhau: 

- Hiến pháp VNCH: công nhận đa nguyên, đa đảng; nhưng lại cấm duy nhất chủ nghĩa cộng sản (đồng nghĩa với đảng Cộng sản). 

- Hiến pháp CH XHCN VN: (duy nhất) đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; không đa nguyên, đa đảng. 

Hiến pháp là điều kiện cần thiết làm nền tảng kiến thiết xã hội phát triển. Tạm thời chưa kết luận cái hay, dở, tốt, xấu trong Điều 4 của cả hai Hiến pháp, trước khi tìm hiểu đối trọng so sánh. Sau đó bạn đọc tự kết luận. 

II. Ba Lan 

Ba Lan là một quốc gia nhỏ ở Trung Âu, nằm giữa các nước lớn như Nga (Liên Xô), Đức (Phổ); trong lịch sử đã từng bị các nước này xâm lược và phân chia. Ba Lan chịu ảnh hưởng rất lớn bởi hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20. 

Ba Lan bị Đế quốc Nga cai trị hơn 100 năm từ 1815 đến 1915, kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất hình thành Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan. Năm 1939, Đức đánh chiếm Ba Lan mở đầu cho chiến tranh thế giới thứ hai. Kết thúc chiến tranh, Ba Lan được Liên Xô giải phóng và trở thành một nước Ba Lan cộng sản. 

Sau 44 năm dưới chế độ cộng sản toàn trị, Ba Lan tổ chức tổng tuyển cử tự do đầu tiên: 

- bầu tổng thống vào tháng 09/1990; 

- bầu cử quốc hội vào ngày 27/10/1991 - cũng là ngày đảng Cộng sản Ba Lan đại hội phiên cuối cùng tuyên bố giải tán. 

Ngày 17/10/1997, Hiến pháp Ba Lan mới của Cộng hòa Ba Lan ra đời, trong đó có điều khoản cấm các hoạt động và tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa Nazi (phát xít) và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. 

Ông A. Kwasniewski, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao thời Cộng sản, làm tổng thống Ba Lan hai nhiệm kỳ, 10 năm (1996 - 2005); đã xin lỗi toàn dân Ba Lan về những sai lầm và tội ác mà chế độ cộng sản đã gây ra cho Ba Lan, cũng là người đã ký Hiến pháp năm 1997, loại bỏ chủ nghĩa cộng sản ra khỏi đời sống chính trị - xã hội của Ba Lan. 

Trong 16 năm xây dựng thể chế dân chủ, Ba Lan đã trở thành thành viên của NATO năm 1999, về an ninh, thoát khỏi áp lực nhiều thế kỷ nay từ phía Nga. Từ năm 2004, Ba Lan là thành viên Liên hiệp Âu châu (EU); người dân đi lại 25 nước châu Âu không cần thị thực, có thể tự do học tập, làm việc không cần giấp phép và hưởng mọi quyền lợi an sinh xã hội tại Anh, Thụy Điển, Na Uy, Ai len và nhiều nước khác của EU. 

Cả nước Ba Lan hiện nay có hơn 80 đảng phái chính trị của mọi khuynh hướng. Tranh chấp quyền lãnh đạo chính trị giữa các đảng lúc nào cũng quyết liệt, thậm chí trong nội bộ các đảng chia rẽ, đấu đá nhau gay gắt, nhưng đất nước luôn luôn ổn định và phát triển kinh tế nhịp nhàng; không xảy ra tình trạng bạo động, bất ổn xã hội. 

Theo The Economist số 1/2006, tổng thu nhập quốc dân của Ba Lan trong năm 2006 sẽ đạt 315 tỷ USD, tức là tăng gấp đôi trong vòng 16 năm. 

Như vậy, từ một nước XHCN phụ thuộc vào Liên Xô, Ba Lan chuyển mình trở thành một quốc gia độc lập, phát triển trong khối EU. Điều kiện cần đầu tiên là nhân dân Ba Lan loại bỏ chủ nghĩa cộng sản ra khỏi Hiến pháp; xóa bỏ sực độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản. 

III. So sánh Ba Lan và Việt Nam cộng sản 

Ba Lan và Việt Nam có những nét tương đồng: 

- Vị trí địa chính trị, đều nằm sát những nước lớn (Nga, Trung Quốc) luôn có ý đồ thôn tính, bành trướng. 

- Nhân dân hai nước đều phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh giữ nước. 

- Từ 1945, kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 đều bị ảnh hưởng và theo chủ nghĩa cộng sản. 

Tuy nhiên, hiến pháp năm 1997, Ba Lan loại bỏ chủ nghĩa cộng sản ra khỏi đời sống chính trị - xã hội; điều này đã tạo đà cho sự phát triển của đất nước Ba Lan kiệt quệ. 

Đến nay, so với Việt Nam cộng sản thì Ba Lan đã phát triển quá xa (xem bảng so sánh): 

- Tổng sản phẩm nội địa (GDP), hơn 24 bậc; 

- Thu nhập bình quân đầu người, hơn 77 bậc, gần 6 lần; 

- Quyền lực hộ chiếu, hơn 72 bậc; 


Trong khi Việt Nam là nước lớn hơn Ba Lan trên bản đồ thế giới: với diện tích tự nhiên lớn hơn 4 bậc; dân số lớn hơn 22 bậc. 

Khác biệt quan trọng nhất là: Ba Lan loại bỏ Chủ nghĩa Cộng sản trong Hiến pháp. Còn đảng Cộng sản Việt Nam vẫn "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" (duy nhất). 

IV. Ba Lan và Việt Nam cộng hòa 

Giữa Ba Lan và VNCH khó có thể đưa về một hệ quy chiếu để so sánh; vả lại VNCH chỉ tồn tại hơn 20 năm với chiến tranh liên tục. 

Ở đây lấy một chỉ tiêu so sánh là nhận thức lập hiến của hai quốc gia. 

Trong khi Hiến pháp VNCH năm 1956 đã xác định “những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.”; quan điểm này được phát triển tiếp ở Điều 4 Hiến pháp VNCH năm 1967. 

Thì ở Cộng hòa Ba Lan đến Hiến pháp năm 1997 mới “loại bỏ chủ nghĩa cộng sản ra khỏi đời sống chính trị - xã hội.” 

Như vậy, có thể thấy tư duy lập hiến của VNCH khi nhìn nhận về “chủ nghĩa cộng sản” đi trước Cộng hòa Ba Lan đến 41 năm. 

Hiến pháp là điều kiện cần thiết nhất của một nhà nước pháp quyền, cho một quốc gia phát triển; Ba Lan thay đổi Hiến pháp phù hợp với thời đại để đưa đất nước phát triển. 

VNCH không còn trên bản đồ thế giới, nhưng người sống dưới chế độ VNCH và hậu duệ vẫn còn có sự tự hào là từng sống trong một quốc gia với một hệ thống lập hiến, lập pháp hướng đến một xã hội văn minh từ cách đây hơn nửa thế kỷ. 

PS. 

1. Các bạn tự kết luận cái hay, dỡ của hai bản Hiến pháp cuối cùng của VNCH và CHXHCNVN. 

2. Những người muốn bỏ hay giữ Điều 4 Hiến pháp cần nói rõ là Điều 4 Hiến pháp nào? 

03.02.2019





No comments: