Thụy My – RFI
Đăng ngày 24-01-2019
Tại
Venezuela, hầu như không còn nạn cướp ngân hàng. Tên trộm cuối cùng bị bắt quả
tang trong lúc đột nhập nhà băng là vào tháng 12 năm ngoái, nhưng hắn ta đang
trộm…các máy tính, chứ không phải tiền.
Ngân
hàng không còn tiền mặt để cướp
Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã kéo dài từ
nhiều năm qua - với lạm phát vượt mức một triệu phần trăm (1.000.000%) trong
năm 2018, và theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 10.000.000% năm 2019. Cộng
với tình trạng khan hiếm tiền mặt, đã khiến tội phạm phải thích ứng. Xâm nhập
vào ngân hàng để cướp tiền chỉ vô ích.
Theo Le Figaro, cách đây vài năm, nạn bắt
cóc đòi tiền chuộc đã trở thành nạn dịch thực sự tại Venezuela, chẳng có ai
thoát khỏi. Các vụ bắt cóc chớp nhoáng, được gọi là « paseao milonario
» (đi dạo bạc triệu) đã trở thành đặc thù địa phương. Đó là bắt một ai
đó, buộc họ phải đến máy ATM rút tiền đưa cho mình.
Nhưng ngày nay, hầu như không còn có thể rút tiền từ
máy, và nếu may mắn tìm được một máy ATM nào còn tiền, thì cả một hàng người
dài xếp hàng chờ đợi. Ngay cả trong trường hợp rút được tiền, thì số tiền có thể
nhận được chẳng bao nhiêu. Các vụ bắt cóc còn liên quan đến những nhà buôn
trong khu phố, mà két tiền thường đầy vào cuối ngày. Nhưng giờ đây do thiếu giấy
bạc, ít ai trả tiền mặt mà bằng thẻ tín dụng. Nạn bắt cóc vẫn tồn tại, nhưng chỉ
nhắm vào những ai có thể sở hữu đồng đô la.
Thế nên tội phạm đã di chuyển từ thành phố về nông
thôn. Ông Roberto Briceno Leon, giám đốc Cơ quan giám sát bạo lực tại Venezuela
(OVV) cho biết : « Chúng tôi ghi nhận tội phạm chuyên nghiệp đã giảm hẳn,
nhưng tội phạm nghiệp dư tăng lên ». Những người chăn nuôi bò than thở
đã bị mất nhiều bò thả ngoài đồng. Thường thì con vật bị giết để lấy vài tảng
thịt, kẻ cắp xẻo một cách vụng về để mang về nuôi gia đình.
Những người trồng hành tây ước lượng từ 30 đến 40% sản
lượng bị đánh cắp. Các nhà nông trồng bắp hay cà phê cũng bị mất cắp rất nhiều,
cho đến nỗi họ không gieo hạt tại những cánh đồng gần khu dân cư, mà đi thật
xa. Toàn bộ chuỗi thực phẩm đều bị ảnh hưởng bởi nạn trộm cắp, từ trộm nông sản
cho đến đột nhập vào nhà lấy thức ăn, và quy mô hơn thì cướp cả xe tải chở
hàng.
Tội
phạm và cảnh sát
Về mặt xã hội, Venezuela là nước mà tỉ lệ người bị bắn
chết thuộc loại cao nhất thế giới : 81,6 nạn nhân trên 100.000 dân trong năm
2018 ; tức khoảng 23.400 người thiệt mạng vì súng đạn. Theo xếp loại chính thức,
trong số đó có 10.400 vụ giết người, 7.500 trường hợp « chống lại người
thi hành công vụ », và 5.000 trường hợp « đang điều tra về nguyên
nhân cái chết ».
·
Đọc thêm: « Cuộc chiến bánh mì » dữ dội ở Venezuela
Những ca « chống lại người thi hành công vụ
» có nghĩa là bị cảnh sát bắn chết, ngày càng tăng lên từ năm 2015,
khi chính quyền tung ra các « chiến dịch giải phóng nhân dân » để
tiêu diệt tội phạm. Mỗi ngày
có khoảng 20 người chết dưới họng súng cảnh sát.
Ông Leon kể : « Tháng Chín năm ngoái, một
nhóm cảnh sát và quân nhân che mặt xông vào một tòa nhà xã hội ở phía tây
Caracas. Họ đuổi một gia đình ra ngoài, bắn chết một thanh niên 22 tuổi. Thân
nhân chôn cất người chết, nhưng tuần sau cảnh sát quay lại : họ nhầm người. Gia
đình ấy lại bị đuổi ra ngoài, và người anh 26 tuổi của nạn nhân tuần trước bị bắn
chết cùng với hôn thê ngay trên giường ». Nếu người anh bị nghi ngờ là
tội phạm, thì người em trai và hôn thê của anh này hoàn toàn vô can.
Để có thể quy cho người chết tội « chống lại
người thi hành công vụ », lực lượng an ninh đôi khi dàn dựng lại hiện
trường. Một bà mẹ thuật lại, cảnh sát đã bắn chết con trai bà ngay trước nhà,
sau đó họ đặt vào tay anh một khẩu súng để chứng tỏ là nạn nhân đã kháng cự.
Nhưng họ không biết rằng anh thanh niên thuận tay trái, nên đã đặt súng vào bàn
tay phải.
Hoa
hậu phải thắt lưng buộc bụng
Nhu cầu thiết yếu hàng ngày không được bảo đảm, khiến
những hoạt động khác trở thành xa xỉ. Là quốc gia nổi tiếng có nhiều người đẹp
(cho đến nay đã có sáu Hoa hậu Thế giới là người Venezuela), nhưng theo AFP,
ban tổ chức và các thí sinh cuộc thi hoa hậu Venezuela lần thứ 65 mới đây phải
cố gắng xoay sở trong thời buổi khủng hoảng.
Chấm dứt những đêm trình diễn tại các nhà hát có sức
chứa 20.000 người. Vừa rồi công ty phụ trách là Venevision đành phải tổ chức
ngay tại phòng thu của mình, trước khoảng…200 khán giả. Chuyên viên làm tóc,
trang điểm được đề nghị quảng cáo thay vì trả tiền, còn chương trình nghệ thuật
thì cầu viện đến những khuôn mặt trẻ thay vì những ngôi sao.
Cả 24 thí sinh hoa hậu cũng phải thích ứng với tình
trạng tội phạm lan tràn, hệ thống giao thông công cộng yếu kém. Nhiều cô đi xe
buýt đến địa điểm thi, và khi về thì đi nhờ xe, các thí sinh cũng không còn được
chụp ảnh trước. Tháng Ba năm rồi, khoảng 12 cựu hoa hậu tố cáo một mạng lưới mại
dâm, môi giới những người đẹp cho các đại gia, trong đó có doanh nhân lẫn quan
chức chính quyền Maduro.
Phân
phối theo « tem phiếu »
Libération trong bài «
Venezuela dưới chế độ tem phiếu » cho biết từ hai năm qua, các « sổ
yêu nước » ngày càng được sử dụng để mua xăng dầu, thực phẩm…Đối lập tố cáo đây
là công cụ để kiểm soát dân chúng.
Chính quyền đang thử nghiệm hai hệ thống giá xăng dầu:
thả nổi và phân phối theo sổ, nhằm ngăn chận nạn buôn lậu được ước tính gây thiệt
hại 18 tỉ đô la mỗi năm. Giá dầu Venezuela rẻ nhất thế giới, một lít giá chỉ
đáng 1% so với đồng xu euro, trả bằng vài tờ giấy bạc bolivar đang bị siêu lạm
phát. Những ai có « số ái quốc » được bán theo giá bao cấp.
Những « số » này thực chất là thẻ căn cước sinh trắc,
đồng thời là thẻ tín dụng và thẻ cử tri. Hiện nay có 20 triệu người Venezuela sở
hữu loại thẻ này – một loại tem phiếu để mua thực phẩm theo giá bao cấp. Tuy
nhiên loại thẻ hiện đại này nhiều khi trở thành vô dụng, khi hai phần ba đất nước
thường xuyên bị cúp điện sáu, bảy tiếng đồng hồ một ngày, còn internet thì
không thể mơ đến. Rốt cuộc để mua xăng giá rẻ, chỉ cần nhét vào tay nhân viên
trạm xăng vài đồng bolivar…
Trữ
lượng dầu nhiều nhất thế giới, nhưng không còn xuất khẩu năm 2019 ?
Tuy nhiên, trong năm 2019, Venezuela, đất nước có trữ
lượng dầu lớn nhất thế giới, có thể không còn xuất khẩu được dầu nữa.
Vào đầu những năm 2000, nước này có sản lượng 3 triệu
thùng dầu/ngày, nhưng đến cuối năm 2018, chỉ còn có 1 triệu thùng/ngày. Đa số
cơ sở lọc dầu đã ngưng hoạt động, tai nạn xảy ra hàng ngày và đôi khi gây chết
người.
Nhiều tập đoàn ngoại quốc như Exxon, Conoco đã ra
đi, Total ngưng đầu tư thêm vào Venezuela. Tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA
không còn vay được tiền, và từ khi tướng Manuel Quevedo, một người không hề có
kiến thức về lãnh vực này được bổ nhiệm làm tổng giám đốc PSVSA tháng 10/2017,
có đến 10.000 nhân viên đã bỏ việc.
Năm nay ông Quevedo đã bị thay thế bằng người khác,
nhưng thách thức với PSVSA là khủng khiếp. Theo chuyên gia Francisco Monaldi,
Venezuela mỗi năm cần đầu tư 20 tỉ đô la trong vòng mười năm tới, để có thể
tăng sản lượng lên 200.000 thùng/ngày, dần dà đạt lại mức của năm 2000. Nhưng
tìm đâu ra số tiền này ?
Hôm qua 23/01/2019, Diosdado Cabello, chủ tịch Quốc
Hội lập hiến trung thành với ông Maduro, trước lời kêu gọi thay đổi của đối lập
nhằm giải quyết khủng hoảng, vẫn khẳng định « Sự chuyển đổi duy nhất tại Venezuela là tiến lên
chủ nghĩa xã hội ».
No comments:
Post a Comment