30/01/2019
Hãy xem xét hai quốc gia Mỹ Latinh. Quốc gia đầu
tiên là một trong những nền dân chủ lâu đời và mạnh nhất khu vực. Nó tự hào có
một hệ thống an sinh xã hội mạnh hơn bất cứ nước láng giềng nào và đang tiến tới
trong việc thực hiện lời hứa cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục đại học miễn phí
cho tất cả công dân. Nó là hình mẫu cho sự thăng tiến trong xã hội và thỏi nam
châm đối với người nhập cư đến từ khắp châu Mỹ Latinh và châu Âu. Báo chí tự
do, và hệ thống chính trị cởi mở; các đảng đối lập cạnh tranh quyết liệt trong
các cuộc bầu cử và thường xuyên thay nhau nắm quyền một cách hòa bình. Nó đã
tránh được làn sóng của những chính quyền quân phiệt vốn dìm một số quốc gia Mỹ
Latinh trong vũng lầy độc tài. Nhờ một liên minh chính trị lâu dài và những mối
quan hệ thương mại và đầu tư sâu sắc với Hoa Kỳ, nó đóng vai trò là trụ sở
chính ở châu Mỹ Latinh cho hàng loạt tập đoàn đa quốc gia. Nó có cơ sở hạ tầng
tốt nhất Nam Mỹ. Nó hẳn là một quốc gia đang phát triển, với hiện trạng tham
nhũng, bất công và trì trệ của riêng mình, nhưng nó đã vượt xa các nước nghèo
khác dựa trên hầu hết mọi thước đo.
Quốc gia thứ hai là một trong những quốc gia nghèo
nhất châu Mỹ Latinh và là chế độ độc tài mới nhất ở đây. Các trường học bị bỏ
hoang một nửa. Hệ thống y tế bị tàn phá bởi nhiều thập kỷ thiếu đầu tư, tham
nhũng và bỏ bê; các bệnh dịch đã được chinh phục từ lâu, như sốt rét và sởi, vừa
quay trở lại. Chỉ một tầng lớp ưu tú nhỏ bé đủ ăn. Một cơn đại dịch bạo lực đã
khiến nó trở thành một trong những quốc gia có nhiều người bị giết nhất trên thế
giới. Nó là nguồn của đợt di cư tị nạn lớn nhất châu Mỹ Latinh trong một thế hệ
qua, với hàng triệu công dân trốn chạy chỉ trong vài năm trở lại đây. Hầu như
không ai (ngoài các chính phủ độc tài khác) công nhận các cuộc bầu cử giả hiệu
của nó, và một phần nhỏ giới truyền thông không chịu sự kiểm soát trực tiếp của
nhà nước vẫn phải tường thuật tin tức theo chiều hướng chính thức do sợ bị trả
thù. Đến cuối năm 2018, nền kinh tế của nó đã co cụm lại còn khoảng một nửa sau
5 năm. Nó là một trung tâm buôn bán cocaine lớn, và nhiều nhân vật quyền thế
trong giới tinh hoa chính trị của nó đã bị truy tố tại Hoa Kỳ với những tội
danh về ma túy. Giá cả cứ tăng sau mỗi 25 ngày. Sân bay chính phần lớn bị bỏ
hoang, chỉ được sử dụng bởi một số ít hãng hàng không cố nán lại để chở một số
ít hành khách đi và đến từ thế giới bên ngoài.
Hai quốc gia
này trên thực tế chỉ là một, Venezuela, vào hai thời điểm khác nhau: đầu những
năm 1970 và ngày nay. Sự chuyển đổi mà Venezuela đã trải qua quá triệt để,
quá đầy đủ và quá hoàn toàn đến mức khó tin rằng nó đã diễn ra mà không qua một
cuộc chiến tranh. Chuyện gì đã xảy ra với Venezuela? Làm thế nào mọi thứ đi sai
đến như vậy?
Câu trả lời ngắn gọn là chủ nghĩa Chávez (nguyên
văn: Chavismo). Dưới sự lãnh đạo của Hugo Chávez và người kế vị Nicolás Maduro,
đất nước này đã trải qua một sự pha trộn độc hại của chính sách phá hoại bừa
bãi, chủ nghĩa chuyên chế leo thang, và một chính thể bất lương, lúc nào cũng ở
dưới sự ảnh hưởng của Cuba tới một mức độ nào đó và thường giống như một sự chiếm
đóng. Bất cứ cái nào trong những đặc tính kể trên tự nó đã đủ để tạo ra những vấn
đề to lớn. Tất cả các đặc tính ấy hợp lại sinh ra một thảm họa. Ngày nay, Venezuela là một quốc gia nghèo, một quốc gia thất bại và
tội phạm hóa được cai trị bởi một kẻ chuyên quyền mắc nợ một thế lực nước ngoài.
Các chọn lựa còn lại để đảo ngược tình huống này là mong manh; nguy cơ hiện thời
là tình trạng vô vọng sẽ thúc đẩy người dân Venezuela đi đến việc ủng hộ những
biện pháp nguy hiểm, chẳng hạn như một cuộc xâm lược quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu,
có thể khiến tình hình đã xấu còn tồi tệ hơn.
CHỦ
NGHĨA CHÁVEZ DÂNG CAO
Đối với nhiều nhà quan sát, lời giải thích cho thảm
trạng của Venezuela rất đơn giản: dưới thời Chávez, đất nước này nhiễm một trường
hợp nặng chủ nghĩa xã hội, và tất cả các thảm họa sau đó đều bắt nguồn từ tội lỗi
nguyên thủy đó. Nhưng Argentina, Brazil, Chile, Ecuador, Nicaragua và Uruguay
cũng đều từng bầu ra những chính phủ xã hội chủ nghĩa trong 20 năm qua. Mặc dù
mỗi quốc gia trên có gặp khó khăn về chính trị và kinh tế, nhưng không quốc gia
nào -- ngoài Nicaragua -- suy sụp. Ngược lại, nhiều nước còn trở nên thịnh vượng.
Nếu không thể đổ lỗi cho chủ nghĩa xã hội về sự sụp
đổ của Venezuela, có lẽ dầu mỏ là thủ phạm. Giai đoạn khốc hại nhất của cuộc khủng
hoảng ở Venezuela diễn ra trùng khít với đợt sụt giảm mạnh của giá dầu quốc tế
bắt đầu vào năm 2014. Nhưng lời giải thích này cũng chưa đủ. Sự suy giảm của
Venezuela bắt đầu từ bốn thập kỷ trước chứ không phải bốn năm trước. Đến năm 2003,
GDP trên mỗi lao động của Venezuela đã giảm tới 37% so với đỉnh điểm năm 1978
-- chính là đợt sụt giảm đã đưa Chávez lên đỉnh quyền lực. Hơn nữa, tất cả các
quốc gia dầu mỏ trên thế giới đều đã chịu một cú sốc thu nhập nghiêm trọng
trong năm 2014 do giá dầu rơi mạnh. Chỉ riêng Venezuela không chịu nổi áp lực
này.
Những nguyên nhân khiến Venezuela thất bại có nguồn
gốc sâu xa hơn. Hàng thập kỷ suy giảm kinh tế dần dần đã mở đường cho Chávez, một
chính khách dân túy lôi cuốn ôm ấp một ý thức hệ lỗi thời, lên nắm quyền và thiết
lập một chế độ chuyên chế tham nhũng rập khuôn và dựa dẫm vào chế độ độc tài ở
Cuba. Mặc dù cuộc khủng hoảng xảy ra trước khi Chávez lên cầm quyền, di sản của
ông và ảnh hưởng của Cuba phải nằm ở trung tâm của bất cứ một nỗ lực nào nhằm
giải thích nó.
Chávez sinh năm 1954 trong một gia đình hạ trung lưu
ở một thị trấn nông thôn. Ông trở thành một sĩ quan quân đội chuyên nghiệp với
một học bổng về bóng chày và sớm được bí mật kết nạp vào một phong trào cánh tả
nhỏ vốn dành hơn một thập kỷ để âm mưu lật đổ thể chế dân chủ. Ông đột hiện
trong ý thức quốc gia Venezuela vào ngày 4 tháng 2 năm 1992, khi cầm đầu một cuộc
đảo chính bất thành. Cuộc phiêu lưu thất bại này đã đưa ông vào tù nhưng bất ngờ
biến ông thành một người hùng của nhân dân, người thể hiện sự thất vọng ngày
càng tăng với một thập kỷ trì trệ về kinh tế. Sau khi được ân xá, ông phát khởi
một cuộc vận động từ bên ngoài để tranh cử tổng thống vào năm 1998 và giành được
chiến thắng áp ảo, lật đổ hệ thống lưỡng đảng đã định vị nền dân chủ Venezuela
trong 40 năm.
Điều gì đã thúc đẩy sự bùng nổ của cơn phẫn nộ dân
túy đưa Chávez lên nắm quyền? Nói cho gọn, sự thất vọng. Thành quả kinh tế sáng
chói mà Venezuela đã có được trong 5 thập kỷ trước những năm 1970 đã hết đà, và
đường đến tầng lớp trung lưu bắt đầu thu hẹp. Như hai kinh tế gia Ricardo
Hausmann và Francisco Rodríguez ghi nhận, "Đến năm 1970 Venezuela đã trở
thành quốc gia giàu nhất châu Mỹ Latinh và là một trong hai mươi quốc gia giàu
nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người cao hơn Tây Ban Nha, Hy Lạp, và
Israel, và chỉ 13% thấp hơn so với Vương quốc Anh." Nhưng đến đầu những
năm 1980, một thị trường dầu lửa suy yếu đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng
nhanh chóng. Doanh thu từ dầu lửa thấp hơn đồng nghĩa với công chi bị cắt giảm,
các chương trình xã hội bị thu nhỏ, đồng nội tệ bị mất giá, lạm phát phi mã, một
cuộc khủng hoảng ngân hàng, và thất nghiệp tăng cao cùng với đời sống thêm khó
khăn đối với người nghèo. Mặc dù vậy, bước tiến trước đó của Venezuela lớn đến
độ khi Chávez đắc cử, nước này có thu nhập bình quân đầu người chỉ đứng sau
Argentina trong khu vực.
Một lời giải thích phổ biến khác cho rằng sự trỗi dậy
của Chávez đã được thúc đẩy bởi phản ứng của cử tri đối với tình trạng bất bình
đẳng kinh tế, gây ra do tham nhũng tràn lan. Nhưng khi Chávez lên nắm quyền,
thu nhập được phân bổ đều ở Venezuela hơn bất cứ một quốc gia láng giềng nào. Nếu
sự bất bình đẳng xác định kết quả bầu cử, thì một ứng cử viên giống như Chávez
sẽ có nhiều triển vọng hơn ở Brazil, Chile, hoặc Colombia, nơi khoảng cách giữa
người khá giả và những người khác lớn hơn.
Venezuela có thể đã không sụp đổ vào năm 1998, nhưng
nó đã bị trì trệ và, trên một số phương diện, trượt lùi, khi giá dầu giảm xuống
chỉ còn 11 Mỹ kim một thùng, dẫn đến một đợt chính sách khắc khổ mới. Chávez đã
rất xuất sắc trong việc khai thác sự bất mãn nảy sinh. Những lời tố cáo hùng hồn
của ông về tình trạng bất bình đẳng, sự loại trừ, nghèo đói, tham nhũng và giới
tinh hoa chính trị bám chắc quyền lực đã đánh động được những cử tri đang gặp
khó khăn, những người còn nhớ về một thời kỳ thịnh vượng hơn trước kia. Giới
tinh hoa chính trị và kinh doanh truyền thống bất tài và tự mãn đối đầu với
Chávez chưa bao giờ đến gần quần chúng được như ông.
Người dân Venezuela đã đặt cược trên Chávez. Điều mà
họ nhận được không chỉ là một kẻ ngoại cuộc quyết tâm đảo ngược hiện trạng mà
còn là một biểu tượng cánh tả người Mỹ Latinh chẳng mấy chốc được nhiều người ủng
hộ trên toàn thế giới. Chávez trong cùng lúc trở thành một kẻ phá bĩnh và một
ngôi sao thu hút tại những hội nghị cấp cao toàn cầu, và cũng là một nhà lãnh đạo
của làn sóng tình cảm bài Mỹ bùng nổ sau quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ
George W. Bush đưa quân xâm lược Iraq. Tại quê nhà, do trưởng thành trong binh
nghiệp, Chávez có thiên hướng tập trung quyền lực và bất dung sâu sắc đối với
giới bất đồng chính kiến. Ông quyết tâm triệt hạ không chỉ các chính trị gia đối
lập mà cả các đồng minh chính trị dám nêu nghi vấn với những chính sách của
ông. Các cộng tác viên của ông đã nhanh chóng nhận ra gió đang thổi theo chiều
nào: mọi cuộc tranh luận về chính sách đều biến mất, và chính phủ theo đuổi một
nghị trình cực đoan với rất ít cân nhắc và không có sự duyệt xét đích thực.
Một sắc lệnh của tổng thống năm 2001 về cải cách đất
đai, mà Chávez ban hành không có sự tham khảo hay tranh luận nào, mang hương vị
của những điều sắp tới. Sắc lệnh phá vỡ các trang trại thương mại lớn và trao
chúng cho những hợp tác xã nông dân thiếu tri thức kỹ thuật, kỹ năng quản trị,
hoặc sự tiếp cận vốn để sản xuất trên quy mô lớn. Ngành sản xuất lương thực sụp
đổ. Và trong hết lãnh vực này đến lãnh vực khác, chính phủ Chávez ban hành những
chính sách tự hủy tương tự. Chính phủ chiếm hữu các liên doanh dầu mỏ thuộc sở
hữu nước ngoài mà không bồi thường và trao quyền điều hành chúng cho các ủy
viên chính trị thiếu chuyên môn kỹ thuật. Chính phủ quốc hữu hóa các công ty tiện
ích và viễn thông chính, khiến Venezuela lâm cảnh thiếu nước và điện kinh niên
với tốc độ kết nối Internet thuộc hàng chậm nhất thế giới. Chính phủ tịch thu
các công ty thép, khiến sản lượng giảm từ 480 nghìn tấn mỗi tháng trước đợt quốc
hữu hóa, vào năm 2008, trở nên thật sự là không còn gì vào ngày hôm nay. Những
kết quả tương tự cũng xảy ra sau việc chiếm hữu các công ty nhôm, công ty khai
thác mỏ, các khách sạn và các hãng hàng không.
Lần lượt trong từng công ty bị thu hồi, các quản trị
viên nhà nước đã tước tài sản và đưa những đàn em của Chávez vào làm nhân viên.
Khi họ gặp vấn đề tài chính vốn không thể tránh khỏi, họ kêu cứu lên chính phủ,
và được chính phủ giải cứu. Đến năm 2004, giá dầu tăng vọt trở lại, lấp đầy kho
bạc của chính phủ bằng tiền bán dầu, mà Chávez đã chi ra mà không hề có sự ràng
buộc, kiểm soát hay trách nhiệm giải trình. Trên hết là các khoản vay dễ dàng từ
Trung Quốc, một quốc gia rất hoan hỷ gia hạn tín dụng cho Venezuela để đổi lấy
một nguồn cung dầu thô được bảo đảm. Bằng cách nhập cảng bất cứ hàng hóa nào mà
nền kinh tế bị khoét rỗng của Venezuela không sản xuất được và vay mượn để tài
trợ cho một đợt bùng nổ tiêu dùng, Chávez đã tạm thời che chắn cho công chúng
khỏi chịu tác động của những chính sách thảm họa của mình và duy trì được sự
tín nhiệm đáng kể.
Nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục. Các công
nhân ngành dầu khí nằm trong số người đầu tiên gióng lên hồi chuông báo động về
những xu hướng độc đoán của Chávez. Họ đã đình công vào năm 2002 và 2003 để yêu
cầu bầu lại tổng thống. Để đối phó với các cuộc biểu tình, Chávez sa thải gần một
nửa lực lượng lao động trong công ty dầu khí nhà nước và áp đặt một chế độ kiểm
soát thị trường tiền tệ cổ lỗ sĩ. Hệ thống này đã biến hình thành một ổ tham
nhũng, khi bọn tay chân của chế độ nhận ra rằng việc đứng trung gian giữa thị
trường hối đoái do nhà nước ủy quyền và thị trường chợ đen có thể mang lại những
khối tài lớn chỉ sau một đêm. Cơ chế trung gian này đã tạo ra một tầng lớp ưu
tú giàu có phi thường gồm những quan chức bất lương. Khi guồng máy công quyền bất
lương hoàn thiện nghệ thuật hút tiền bán dầu vào hầu bao của mình, thì các kệ
hàng của Venezuela càng trở nên trơ trụi.
Tất cả những điều đó đã được dự đoán một cách đau đớn
và rộng rãi. Nhưng các chuyên gia trong nước và quốc tế càng báo động ồn ào,
thì chính phủ càng bám chặt vào chương trình nghị sự của mình. Đối với Chávez,
những cảnh cáo u ám từ các nhà kỹ trị lại là dấu hiệu cho thấy cuộc cách mạng của
ông đang đi đúng hướng.
TRAO
TRUYỀN NGỌN ĐUỐC
Vào năm 2011, Chávez được chẩn đoán mắc bệnh ung
thư. Các bác sĩ ung thư hàng đầu ở Brazil và Hoa Kỳ đề nghị điều trị cho ông.
Nhưng thay vào đó, ông tìm cách chữa trị ở Cuba, quốc gia mà ông tin tưởng là
không chỉ điều trị cho ông mà còn giữ bí mật về bệnh trạng của ông. Khi cơn bệnh
tiến triển, ông càng phụ thuộc hơn vào Havana, và tình trạng sức khỏe thực sự của
ông lại càng trở nên bí ẩn. Vào ngày 8 tháng 12 năm 2012, một Chávez ốm yếu xuất
hiện trên truyền hình lần cuối để yêu cầu người dân Venezuela đưa Maduro, khi
đó là phó tổng thống, lên làm người kế nhiệm ông. Trong ba tháng tiếp theo,
Venezuela được cai trị bằng một bóng ma và bằng điều khiển từ xa: những sắc lệnh
xuất phát từ Havana mang chữ ký của Chávez, nhưng không ai trông thấy ông, và
những lời đồn đoán xuất hiện đầy rẫy rằng ông đã chết. Khi cái chết của Chávez
rốt cuộc được công bố, vào ngày 5 tháng 3 năm 2013, điều duy nhất rõ ràng giữa
bầu không khí bí ẩn và đầy che giấu là nhà lãnh đạo tiếp theo của Venezuela sẽ
tiếp tục truyền thống chịu ảnh hưởng của Cuba.
Chávez từ lâu đã xem Cuba như một bản lộ đồ chi tiết
của cách mạng, và tại những thời điểm quan trọng ông đều vấn kế Chủ tịch Cuba
Fidel Castro. Đổi lại, Venezuela đã gửi dầu lửa: viện trợ năng lượng cho Cuba
(dưới dạng 115 nghìn thùng mỗi ngày được bán với giá giảm sâu) trị giá gần 1 tỷ
Mỹ kim mỗi năm cho Havana. Mối quan hệ giữa Cuba và Venezuela trở thành nhiều
hơn là một liên minh. Như Chávez đã từng nói, đó là "một sự hợp nhất của
hai cuộc cách mạng." (Một cách bất thường, đối tác đàn anh trong liên minh
lại nghèo hơn và nhỏ hơn so với đối tác đàn em, nhưng có thẩm quyền hơn rất nhiều
khi chi phối cả mối quan hệ.) Cuba cũng cẩn thận giữ cho dấu ấn của mình mờ nhạt:
họ tiến hành hầu hết các cuộc tham vấn tại Havana thay vì tại Caracas.
Ai cũng nhận ra nhà lãnh đạo mà Chávez chỉ định để
thay thế mình đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản ở
Cuba. Khi còn là một thiếu niên, Maduro đã tham gia một đảng Mác-xít bên lề
thân Cuba ở Venezuela. Ở tuổi 20, thay vì đi học đại học, ông đã xin vào ngôi
trường ở Havana chuyên đào tạo cán bộ quốc tế để trở thành một nhà cách mạng
chuyên nghiệp. Trên cương vị ngoại trưởng của Chávez từ năm 2006 đến 2013, ông
hiếm khi gây chú ý: chỉ có lòng trung thành không ngưng nghỉ của ông đối với
Chávez, và với Cuba, đẩy ông lên đỉnh cao. Dưới sự lãnh đạo của ông, ảnh hưởng
của Cuba tại Venezuela đã trở nên bao trùm. Ông đã bổ nhiệm những nhà hoạt động
được đào tạo trong các tổ chức của Cuba vào những chức vụ quan trọng của chính
phủ, và người Cuba đã dần dà nắm giữ nhiều vai trò nhạy cảm trong chế độ
Venezuela. Ví dụ, bản báo cáo tình báo mà Maduro đọc mỗi ngày không do người
Venezuela soạn thảo mà do các sĩ quan tình báo Cuba.
Với sự hướng dẫn của người Cuba, Maduro siết chặt
các quyền tự do kinh tế và xóa bỏ mọi dấu vết còn lại của chủ nghĩa tự do khỏi
nền chính trị và các định chế của đất nước. Ông tiếp tục và mở rộng cách hành xử
của Chávez là bỏ tù, lưu đày hoặc cấm tham gia đời sống chính trị đối với những
nhà lãnh đạo đối lập đã trở nên quá nổi tiếng hoặc khó hợp tác. Julio Borges, một
nhà lãnh đạo đối lập quan trọng, đã trốn đi lưu vong để tránh bị bỏ tù, và
Leopoldo López, nhà lãnh đạo lôi cuốn nhất của phe đối lập, đã bị chuyển qua lại
giữa một nhà tù quân đội và tình trạng quản thúc tại gia. Hơn 100 tù nhân chính
trị sống vất vưởng trong các nhà tù, và các báo cáo về tra tấn là phổ biến. Các
cuộc bầu cử định kỳ đã trở nên trò đùa, và chính phủ đã tước bỏ mọi quyền lực của
Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Maduro đã tăng cường các mối liên minh của
Venezuela với một số chế độ chống Mỹ và chống phương Tây, quay sang Nga để có
vũ khí, an ninh mạng và chuyên môn trong sản xuất dầu; quay sang Trung Quốc để
tìm tài trợ và cơ sở hạ tầng; quay sang Belarus để xây nhà; và quay sang Iran để
sản xuất xe hơi.
Khi Maduro phá vỡ các mối liên kết cuối cùng còn lại
trong những liên minh truyền thống giữa Venezuela với Washington và các nền dân
chủ Mỹ Latinh khác, ông cũng đánh mất sự tiếp cận với một nguồn khuyến nghị tốt
về kinh tế. Ông bác bỏ sự đồng thuận của các nhà kinh tế thuộc mọi khuynh hướng
chính trị: mặc dù họ cảnh cáo về lạm phát, Maduro đã chỉ dựa vào lời khuyên của
Cuba và các cố vấn chính sách ngoài lề theo chủ nghĩa Mác. Họ bảo đảm với ông rằng
sẽ không có hậu quả nào trong việc bù đắp ngân sách bằng cách in thêm tiền. Dĩ
nhiên, một cơn siêu lạm phát khủng khiếp đã xảy ra sau đó.
Một kết hợp độc hại gồm ảnh hưởng của Cuba, tham
nhũng vượt kiểm soát, việc dỡ bỏ các cơ chế kiểm tra và cân bằng của nền dân chủ,
và sự bất tài đích thực đã khóa chặt Venezuela trong những chính sách kinh tế
thảm bại. Khi mức lạm phát hàng tháng gần vượt qua ba chữ số, chính phủ ứng biến
bằng những chính sách chắc hẳn sẽ còn làm cho tình hình tồi tệ hơn.
PHÂN
TÍCH MỘT CUỘC SỤP ĐỔ
Gần như tất cả các nền dân chủ tự do sản xuất dầu,
như Na Uy, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, là các nền dân chủ trước khi trở thành nhà
sản xuất dầu. Các chế độ chuyên chế đã tìm thấy dầu, như Angola, Brunei, Iran
và Nga, đã không thể thực hiện bước nhảy vọt lên dân chủ tự do. Trong bốn thập
kỷ, Venezuela dường như đã vượt qua rào cản này một cách kỳ diệu -- nó dân chủ
hóa và tự do hóa vào năm 1958, nhiều thập kỷ sau khi tìm thấy dầu.
Nhưng gốc rễ của nền dân chủ tự do của Venezuela hóa
ra lại nông cạn. Hai thập kỷ kinh tế tồi tệ đã tiêu diệt uy tín của các đảng
chính trị truyền thống, và một chính khách dân túy cuốn hút, cưỡi một đợt sóng
bùng nổ dầu mỏ, có cơ hội nhập cuộc. Trong những điều kiện bất thường này, hắn
ta đã có thể quét sạch toàn bộ cấu trúc kiểm tra và cân bằng của nền dân chủ
trong chỉ vài năm.
Khi đợt bùng nổ giá dầu kéo dài một thập kỷ kết thúc
vào năm 2014, Venezuela không chỉ mất doanh thu từ dầu, nơi uy tín và ảnh hưởng
quốc tế của Chávez phụ thuộc vào, mà còn mất đi sự tiếp cận thị trường tín dụng
nước ngoài. Điều này để lại cho quốc gia một món nợ treo khổng lồ: các khoản
vay trong thời kỳ bùng nổ dầu mỏ vẫn phải được chi trả, dù nguồn thu đã giảm
nhiều. Rốt cuộc Venezuela có cơ cấu chính trị điển hình của những chế độ chuyên
chế phát hiện ra dầu mỏ: một thể chế đầu sỏ săn mồi, bòn rút làm ngơ cho người
dân thường miễn là họ im lặng và đàn áp tàn bạo khi họ phản kháng.
Cuộc khủng hoảng từ đó mà ra đang biến hình thành thảm
họa nhân đạo tồi tệ nhất trong ký ức ở Tây Bán Cầu. Khó mà có được những số liệu
chính xác về sự sụp đổ GDP của Venezuela, nhưng các nhà kinh tế ước tính rằng
nó ngang ngửa với sự co cụm 40% GDP của Syria kể từ năm 2012, sau khi cuộc nội
chiến tàn khốc bùng nổ. Siêu lạm phát đã đạt tới một triệu phần trăm mỗi năm, đẩy
61 phần trăm người dân Venezuela vào tình trạng cực kỳ nghèo khổ, với 89 phần
trăm những người được thăm dò nói rằng họ không có tiền để mua đủ lương thực
cho gia đình và 64 phần trăm cho biết họ đã mất trung bình 11 kg trọng lượng cơ
thể do đói. Khoảng mười phần trăm dân số -- 2,6 triệu người dân Venezuela -- đã
trốn sang các nước láng giềng.
Nhà nước Venezuela đã bỏ bê hầu hết các dịch vụ công
cộng như y tế, giáo dục, và thậm chí trị an; bạo lực đàn áp nặng tay là cái còn
lại sau cùng mà người dân Venezuela có thể tin tưởng rằng khu vực công có thể
cung cấp liên tục cho họ. Đáp lại các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2014 và
2017, chính phủ đã thực hiện hàng nghìn vụ bắt giữ, đánh đập và tra tấn dã man,
và giết chết hơn 130 người biểu tình.
Trong khi đó, các công cuộc kinh doanh tội phạm ngày
càng được tiến hành không phải là bất chấp nhà nước, hoặc thậm chí đơn giản là
toa rập với nhà nước, mà trực tiếp thông qua nhà nước. Nạn buôn bán ma túy nổi
lên bên cạnh việc sản xuất dầu mỏ và trung gian hối đoái như một nguồn lợi nhuận
chính của những kẻ gần gũi với giới ưu tú đương quyền, với nhiều quan chức cấp
cao và thành viên gia đình tổng thống đối diện với cáo trạng về ma túy ở Hoa Kỳ.
Một nhóm ưu tú nhỏ có nhiều quan hệ cũng đánh cắp tài sản quốc gia ở một mức độ
chưa từng thấy. Vào tháng 8, một loạt doanh nhân có liên hệ với chế độ đã bị
truy tố tại các tòa án liên bang ở Hoa Kỳ vì toan tính rửa hơn 1,2 tỷ Mỹ kim
trong các ngân khoản thủ đắc một cách bất hợp pháp -- đây chỉ là một trong hàng
loạt âm mưu lừa đảo phi pháp đang bòn rút của Venezuela. Toàn bộ khu vực phía
đông nam của đất nước đã trở thành một trại khai thác khoáng sản bất hợp pháp
và bóc lột, nơi người dân tuyệt vọng bị di dời khỏi các thành phố vì nạn đói đến
thử vận may trong những hầm mỏ không an toàn do các băng đảng tội phạm điều
hành dưới sự bảo vệ của quân đội. Trên khắp nước, các băng đảng nhà tù, hợp tác
với các lực lượng an ninh chính phủ, điều hành những vụ tống tiền béo bở khiến
họ trở thành thẩm quyền dân sự trên thực tế. Các trụ sở Kho Bạc, ngân hàng
trung ương và công ty dầu khí quốc gia đã trở thành phòng thí nghiệm nơi những
tội phạm tài chính phức tạp được lên kế hoạch. Khi nền kinh tế Venezuela sụp đổ,
các lằn ranh chia cách nhà nước với những doanh nghiệp tội phạm xem như đã biến
mất.
THẾ
ĐA NAN Ở VENEZUELA
Bất cứ khi nào Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gặp một
nhà lãnh đạo Mỹ Latinh, ông đều nhấn mạnh rằng khu vực này nên làm gì đó đối với
cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Trump đã thúc giục đội ngũ an ninh quốc gia của
chính mình tìm kiếm những giải pháp "mạnh", và tại một thời điểm, ông
còn nói rằng có "nhiều chọn lựa" cho Venezuela và rằng ông "sẽ
không loại trừ giải pháp quân sự." Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio của
Florida cũng từng nhắc đến một phản ứng quân sự. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc
phòng James Mattis đã cất lên tiếng nói chung của bộ máy an ninh Hoa Kỳ bằng
cách tuyên bố công khai, "Khủng hoảng ở Venezuela không phải là vấn đề
quân sự." Tất cả các quốc gia láng giềng của Venezuela cũng lên tiếng phản
đối một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào Venezuela.
Và điều đó đúng. Những cơn hoang tưởng của Trump về
cuộc xâm lược quân sự sai lầm một cách sâu sắc và cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù một
cuộc tấn công quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu có thể sẽ không gặp trở ngại nào để lật
đổ Maduro trong thời gian ngắn, nhưng điều xảy đến sau đó có thể tồi tệ hơn nhiều,
như người Iraq và người Libya đã biết quá rõ: khi những thế lực bên ngoài lật đổ
các nhà độc tài cai trị các quốc gia thất bại, sự hỗn loạn không dứt có nhiều
khả năng xảy ra hơn là sự ổn định -- chứ đừng nói đến dân chủ.
Dù sao đi nữa, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đối diện với áp lực
phải tìm cách chặn đứng sự sụp đổ của Venezuela. Mỗi sáng kiến được thực hiện
cho đến nay chỉ làm rõ một điều là, trên thực tế, Hoa Kỳ chẳng làm được gì. Dưới
thời Obama, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã cố gắng tiếp xúc trực tiếp với chính
quyền Venezuela. Nhưng các cuộc đàm phán tỏ ra vô ích. Maduro đã sử dụng các cuộc
đàm phán do quốc tế làm trung gian để vô hiệu hóa các cuộc biểu tình lớn trên
đường phố: các nhà lãnh đạo biểu tình đồng ý hoãn biểu tình trong khi có đàm
phán, nhưng các nhà đàm phán theo chủ nghĩa Chávez không lùi bước, mà chỉ đưa
ra những nhượng bộ nhỏ được thiết kế để chia rẽ các đối thủ, trong khi chính họ
chuẩn bị cho đợt đàn áp tiếp theo. Hoa Kỳ và các nước láng giềng của Venezuela
dường như cuối cùng đã nhận ra, như hiện trạng cho thấy, đàm phán đồng nghĩa với
mắc mưu Maduro.
Một số nước đã đề nghị sử dụng những biện pháp trừng
phạt kinh tế khắc nghiệt để áp lực Maduro từ chức. Hoa Kỳ đã thử điều này. Nước
này đã thông qua nhiều đợt trừng phạt, dưới cả hai chính quyền Obama và Trump,
để ngăn chặn Venezuela phát hành thêm nợ mới và cản trở hoạt động tài chính của
công ty dầu khí nhà nước Venezuela. Cùng với Canada và EU, Washington cũng đã
đưa ra những biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức chế độ, đóng băng
tài sản của họ ở nước ngoài và áp đặt những hạn chế đi lại. Nhưng các biện pháp
như thế đều thừa thãi: nếu mục tiêu là phá hủy nền kinh tế Venezuela, không có
nhóm biện pháp trừng phạt nào hiệu quả bằng chính chế độ. Điều tương tự cũng
đúng đối với một cuộc phong tỏa dầu: sản xuất dầu đã ở trong tình trạng rơi tự
do.
Washington có thể mài sắc thêm chính sách của mình ở
phía ngoài. Một mặt, nó cần đặt nặng vai trò của kênh liên lạc Cuba: khó đạt được
gì nếu không có sự giúp đỡ của Havana, nghĩa là vấn đề Venezuela cần phải ở đầu
và ở trọng tâm của mọi cuộc tiếp xúc mà Washington và các đồng minh có với
Havana. Hoa Kỳ có thể giăng một mạng lưới rộng lớn hơn trong việc chống tham
nhũng, ngăn chặn không chỉ những quan tham mà cả đàn em và gia đình của họ được
hưởng lợi từ tham nhũng, buôn bán ma túy và biển thủ. Hoa Kỳ cũng nên tính đến
việc biến cuộc cấm vận vũ khí đang có thành một cuộc cấm vận toàn cầu. Chế độ
Maduro phải bị câu thúc trong ý đồ chuyên chế của nó bằng những chính sách truyền
đạt rõ ràng cho những thân hữu của chế độ rằng tiếp tục hỗ trợ chế độ sẽ khiến
họ bị cô lập ở Venezuela và rằng quay lưng với chế độ, do đó, là lối ra duy nhất.
Tuy nhiên, triển vọng thành công của một chiến lược như thế vẫn còn mờ mịt.
Sau một thời gian dài phân vân, các quốc gia Mỹ
Latinh khác cuối cùng cũng hiểu ra rằng tình trạng bất ổn của Venezuela chắc chắn
sẽ tràn qua biên giới của họ. Khi "làn sóng hồng" trung tả của những
năm đầu thế kỷ này thoái trào, một thế hệ mới các nhà lãnh đạo bảo thủ hơn ở
Argentina, Brazil, Chile, Colombia, và Peru đã làm nghiêng cán cân khu vực chống
lại chế độ độc tài ở Venezuela, nhưng sự thiếu giải pháp khả thi cũng khiến họ
bối rối. Ngoại giao truyền thống không hữu hiệu và thậm chí còn phản tác dụng.
Nhưng áp lực cũng thế. Chẳng hạn, vào năm 2017, các quốc gia Mỹ Latinh đe dọa
đình chỉ tư cách thành viên của Venezuela trong Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ.
Chế độ đã phản ứng bằng cách đơn phương rút khỏi tổ chức, chứng tỏ họ chẳng hề
quan tâm đến áp lực ngoại giao truyền thống.
Các láng giềng bực tức của Venezuela đang ngày càng
nhìn nhận cuộc khủng hoảng qua lăng kính của vấn đề người tị nạn mà nó đã tạo
ra; họ mong mỏi ngăn chặn dòng người suy dinh dưỡng đang trốn chạy khỏi
Venezuela và đang tạo thêm gánh nặng cho những chương trình xã hội của họ. Khi
một phản ứng dân túy lớn dần chống lại dòng người tị nạn Venezuela, một số nước
Mỹ Latinh có vẻ muốn đóng sầm cánh cửa lại -- một cám dỗ mà họ phải kháng cự,
vì đó sẽ là một lỗi lầm lịch sử chỉ khiến cho cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn. Thực
tế là các nước Mỹ Latinh không biết phải làm gì với Venezuela. Có lẽ họ không
thể làm được gì, ngoại trừ chấp nhận người tị nạn, điều mà ít ra sẽ giúp giảm bớt
nỗi khổ cho người dân Venezuela.
SỨC
MẠNH CỦA DÂN
Ngày nay, chế độ cố thủ vững chắc đến mức một sự
thay đổi những khuôn mặt có nhiều khả năng xảy ra hơn là một sự thay đổi hệ thống.
Có lẽ Maduro sẽ bị đẩy ra bởi một nhà lãnh đạo bớt bất tài hơn một chút nhưng
có khả năng khiến tư thế bá quyền của Cuba ở Venezuela vững bền hơn. Một kết quả
như vậy chỉ có nghĩa là một thể chế bất lương dầu mỏ do nước ngoài thống trị ổn
định hơn, chứ không phải là quay lại với nền dân chủ. Và ngay cả khi các lực lượng
đối lập -- hay một cuộc tấn công vũ trang do Hoa Kỳ dẫn đầu -- cách nào đó thay
thế được Maduro bằng một chính quyền hoàn toàn mới, thì nghị trình vẫn sẽ rất
khó khăn. Một chế độ kế nhiệm sẽ cần phải giảm vai trò lớn lao của quân đội
trong tất cả các lĩnh vực của khu vực công. Nó sẽ phải bắt đầu lại từ đầu trong
việc khôi phục các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục và thực thi pháp luật. Nó sẽ
phải xây dựng lại ngành công nghiệp dầu mỏ và kích thích tăng trưởng trong các
khu vực kinh tế khác. Nó sẽ cần phải loại trừ những bọn đầu nậu ma túy, săn
lùng tù nhân, khai khoáng trục lợi, những nhà tài chính tội phạm giàu sụ, và những
kẻ tống tiền đã bám vào mọi bộ phận của nhà nước. Và nó sẽ phải thực hiện tất cả
những thay đổi này trong bối cảnh một môi trường chính trị độc hại, vô chính phủ
và một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Với quy mô của những trở ngại này, Venezuela có thể
sẽ bất ổn trong một thời gian dài sắp tới. Thách thức trước mắt đối với công
dân và các nhà lãnh đạo của họ, cũng như đối với cộng đồng quốc tế, là kiểm
soát tác động của sự suy sụp của quốc gia. Dầu cho phải trải qua bao nhiêu đau
khổ, người dân Venezuela chưa bao giờ ngừng đấu tranh chống lại ách cai trị sai
trái. Trong mùa hè này, người dân Venezuela vẫn tổ chức hàng trăm cuộc biểu
tình mỗi tháng. Hầu hết trong số đó là những cuộc biểu tình cấp địa phương, với
ít sự lãnh đạo chính trị, nhưng chúng cho thấy một dân tộc với ý chí đấu tranh
cho chính mình.
Điều đó liệu có đủ để đẩy đất nước này ra khỏi con
đường đen tối hiện tại hay không? Chắc là không. Sự vô vọng đang khiến ngày
càng nhiều người dân Venezuela mơ tưởng đến một cuộc can thiệp quân sự do Trump
lãnh đạo, một kiểu phép tiên được mong mỏi mãnh liệt bởi một dân tộc đau khổ đã
lâu. Nhưng điều này cùng lắm chỉ là một cơn hoang tưởng trả thù thiếu sáng suốt,
không phải là một chiến lược nghiêm túc.
Thay vì một cuộc xâm lược quân sự, điều đáng hy vọng
nhất đối với người dân Venezuela là bảo đảm rằng ngọn lửa lập lòe từ than hồng
của biểu tình và bất đồng xã hội không bị dập tắt, và rằng cuộc phản kháng đối
với chế độ độc tài được duy trì. Mặc dù tương lai có vẻ vô vọng, truyền thống
phản kháng này một ngày nào đó có thể đặt nền móng cho sự phục hồi của các định
chế dân sự và nếp sinh hoạt dân chủ. Sẽ không đơn giản, và sẽ không nhanh
chóng. Đưa một quốc gia trở về từ bờ vực thất bại không bao giờ đơn giản và
nhanh chóng.
----------------------
Nguồn:
Lessons From a Failed State
By Moisés Naím and Francisco Toro
No comments:
Post a Comment