Những văn bản đóng dấu tuyệt mật do hai ông tướng Thứ
trưởng Bộ Công an ký được phát tán trên mạng từ lâu trước khi Vũ nhôm bị khởi tố,
đã không ai dám xác nhận chúng là thật hay là giả. Nay Cáo trạng tại phiên tòa
đang diễn ra đã gián tiếp xác nhận chúng là có thật.
Cần biết rằng, Tổng cục Tình báo Bộ Công an là một tổ
chức siêu quyền lực. Với chức trách của nó, người dân có thể không việc gì phải
sợ, nhưng tất cả các quan chức, không trừ một cấp nào, đều phải sợ nó. Nói cho
công bằng, nếu cơ quan này làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì các quan chức
lương thiện không việc gì phải sợ nó. Nhưng nhìn thấy Vũ nhôm làm mưa làm gió
cùng với những văn bản tuyệt mật kia, không ai là không sợ Tổng cục Tình báo Bộ
Công an.
Tôi đồ rằng, trừ các vị “tứ trụ”, không một quan chức
nào là không sợ Tổng cục Tình báo, kéo theo đó sợ luôn Vũ nhôm. Vì sao vậy? Vì
những báo cáo của Tổng cục Tình báo đều là tuyệt mật, ngay cả trong Bộ Chính trị
cũng không phải ai cũng có quyền tiếp cận. Người ta có lý do để sợ rằng, khi những
người lãnh đạo của nó bị thoái hóa biến chất, Tổng cục này hễ đưa ai vào danh
sách cần phải theo dõi thì coi như người đó tàn đời. Đương sự không thể nào biết
được mình có bị theo dõi hay không, có bị quy kết quan hệ chính trị bất minh
hay không, có bị quy kết “cộng tác với địch” hay không. Những báo cáo quy kết
tuyệt mật đó có thể không gây chết chóc tù tội gì, nhưng hễ đến đợt bầu bán bổ
nhiệm đề bạt thì có người sẽ “thò” cái báo cáo đó ra, đương sự đâu thể nào biết
mà thanh minh thanh nga gì được. Cho nên tốt nhất là không đụng tới Vũ nhôm và
những người lãnh đạo Tổng cục Tình báo.
Tôi nghĩ rằng, nếu không có sự chỉ đạo của cụ Tổng
Bí thư thì không ai có thể phá được đường dây phản dân hại nước này. Và nó sẽ
làm những chuyện bí mật tày đình nào nữa sẽ không một ai biết được, dù biết
cũng không ai dám mở miệng.
Bởi vậy, các văn bản của Bộ Công an do 2 ông tướng
kia ký, đừng nói là văn bản mang tính chất đề nghị về thủ tục, mà là các văn bản
có hiệu lực trên thực tế còn hơn là văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, vì không ai
có đủ gan dám phản đối.
Và theo tôi mới được biết thì chỉ có một người (còn
có ai nữa thì tôi chưa nghe nói). Đó là Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng
nhiệm kỳ trước Võ Duy Khương. Ông Khương đã lên kế hoạch bán đấu giá khu nhà 16
Bạch Đằng, nhưng Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND thành phố mang cái
văn bản do một trong hai ông tướng kia ký ra yêu cầu bán chỉ định cho Vũ nhôm
không qua đấu giá (khu nhà này có tới 3 văn bản tuyệt mật gửi xuống ép, chứ
không phải một). Ông Khương đã phát biểu với lãnh đạo thành phố rằng bán công sản
theo yêu cầu của các văn bản tuyệt mật kia là sai luật, ông đề nghị báo cáo xin
ý kiến Thủ tướng, nhưng Thường trực Ủy ban vẫn bán cho Vũ nhôm mà không dám xin
ý kiến Thủ tướng theo đề nghị của ông Khương.
Cáo trạng chỉ
đề nghị hai ông nguyên Thứ trưởng Bộ Công an mức án 30-42 tháng tù, tôi thấy cơ
quan công tố vẫn xem thường luật pháp. Sử dụng Tổng cục Tình báo để lũng đoạn bộ
máy Nhà nước mưu cầu lợi ích cho cá nhân, xé bỏ pháp quyền mà chính Bộ Công an
phải có trách nhiệm bảo vệ, lẽ nào chỉ bị phạt một mức án như những kẻ trộm vặt?
HOÀNG HẢI VÂN
_____________
_____________
Update : Chiều nay, TAND Hà Nội đã phán quyết : Cựu
thượng tướng Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân 36 tháng tù. Cựu trung tướng
thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành 30 tháng tù. Vũ nhôm 15 năm tù. Phan Hữu Tuấn
5 năm tù. Nguyễn Hữu Bách 5 năm tù. Tính cả các vụ án trước thì Vũ nhôm bị phạt
tổng cộng 40 năm tù (riêng 17 năm tù trong vụ Ngân hàng Đông Á Vũ nhôm đang
kháng cáo nên bản án chưa có hiệu lực, 8 năm tù trong vụ lộ bí mật đang có hiệu
lực); Phan Hữu Tuấn tổng cộng 12 năm tù; Nguyễn Hữu Bách tổng cộng 11 năm tù.
Theo luật, tổng cộng các bản án tù có thời hạn cho một
bị cáo dù lên bao nhiêu thì phạm nhân cũng chỉ thụ án tối đa là 30 năm, tất
nhiên nếu có án tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng mức án cao nhất.
No comments:
Post a Comment